Giữ gìn truyền thống gia đình Việt Nam

Gia đình là nơi chốn quay về... - Ảnh: Shutterstock
Gia đình là nơi chốn quay về... - Ảnh: Shutterstock
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trong cuộc sống xã hội, gia đình là một cơ cấu bền vững và thiêng liêng nhất trong mọi cơ cấu tạo thành. Nếu tất cả mọi gia đình đều an lành, hạnh phúc, không có bất hạnh xảy ra thì sự an toàn, mạnh mẽ của xã hội được nhân lên trong một cơ thể đất nước cường tráng.

Trong thời đại ngày nay, khi sự phát triển của toàn cầu mang đến cho chúng ta những điều tốt đẹp trong thụ hưởng thì bên cạnh đó, luôn xuất hiện những xáo trộn, nguy cơ bào mòn mặt bằng truyền thống và đạo đức của từng người, từng gia đình nếu chúng ta mất cảnh giác.

Giữa cuộc sống hiện đại, gia đình ngày nay thường thiếu nhất là bữa cơm sum họp. Chúng ta hãy nhìn lại quy luật sinh hoạt trong một bộ phận gia đình để dễ dàng có khái niệm về nó như thế nào: Sáng mọi người đi làm, đi học, trưa ăn cơm ở văn phòng hay ngoài đường, chiều về lại thiếu bữa cơm chung vì con đi học thêm, chồng còn lo mải mê công việc hay bù khú bạn bè... Tối thì người xem ti-vi, con cái rút vào phòng ngồi máy tính hay điện thoại di động, iPad…

Mỗi người tự mặc định cho mình một thế giới riêng. Và, từ đó sợi dây ràng buộc thiêng liêng trong gia đình đã có nguy cơ tan vỡ. Chúng ta không biết (hoặc biết) rằng bữa cơm gia đình là tấm gương soi hạnh phúc, là nơi tạo ra sự cảm thông, chia sẻ và ràng buộc những tình cảm thiêng liêng nhất của con người. Ở đó, mọi nỗi buồn, niềm vui đều được lắng nghe bên cạnh những lời khuyên tốt đẹp. Trong mỗi người, khi ta đi nước ngoài, trong lòng luôn đau đáu về quê hương xứ sở. Những người tha phương cầu thực luôn khắc khoải về mái ấm gia đình bởi vì nơi ấy, ngoài những người thân yêu thì đó còn là nơi ẩn thân an toàn nhất mà không sợ sự đe dọa và bủa vây.

Ngày nay, đôi khi có một bộ phận cha mẹ quên đi chức năng thiên bẩm của mình là giáo dục con cái mà xem chuyện đó là của nhà trường, của xã hội. Điều vô lý này đã vô tình đẩy con em mình vào ngõ cụt của đời sống đạo đức. Khi mất văn hóa, mất đạo đức thì giá trị của con người trở thành số không. Điều đó lý giải tại sao ngày càng có nhiều vụ xung đột giữa cha con, thầy trò…, cho đến những vụ án suy đồi đạo đức của một bộ phận trẻ tuổi. Nó cho ta thấy mặt trái của xã hội đang thay đổi với những điều không thể tưởng tượng được mà xuất phát từ tham, sân, si.

“Vui thay chúng ta sống, không tham giữa cuộc đời đầy tham”

“Vui thay chúng ta sống, không sân giữa cuộc đời đầy sân”

“Vui thay chúng ta sống, không mê lầm giữa cuộc đời mê lầm”.

Ba câu Pháp cú trên đây là lời khuyên của Đức Phật dành cho mỗi con người, mỗi gia đình chúng ta và cho tất cả trên thế gian này. Đức Phật xác tín rất rõ quan điểm của Ngài về hạnh phúc trong cuộc sống đời thường là tận diệt tham, sân, si. Đây là nguy cơ tiềm ẩn, là loại virus tự chúng ta tạo ra và nó sẽ tiêu diệt ngay chính trong mỗi con người.

Trở lại chuyện gia đình Việt Nam, mong rằng trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta chắt chiu những điều bình dị, tốt đẹp về văn hóa, đạo đức để truyền lại cho thế hệ trẻ biết sống về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín và vì lợi ích của số đông, vì sự an lạc của mình và của mọi người và vì một sự tồn vong của xã hội.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.