Giới thiệu tóm lược luận A Tỳ Đạt Ma Lục Túc

Giới thiệu tóm lược luận A Tỳ Đạt Ma Lục Túc
NSGN - Luận Dị Bộ Tông Luân, Bộ Luận lược thuật về Học thuyết của các Bộ phái Tiểu Thừa, tác giả là Tôn giả Thế Hữu (Phạn: Vasumitra).

Tôn giả Thế Hữu là một đại Luận sư thuộc phái Hữu Bộ, Hán dịch là Pháp sư Huyền Tráng (602-664) (ĐTK/ĐCTT, T49, No, 2031, 1 quyển) đã được Hòa thượng Trí Quang (1923-2019) Việt dịch, ghi chú và lược giải rất công phu.

Nơi phần dẫn nhập, nhấn mạnh về bóng dáng của Đại thừa nơi một số Bộ phái, Hòa thượng Trí Quang kết luận:

“Đặc biệt hơn nữa, qua sự phiên dịch về Luận của ngài Huyền Tráng, và sự phiên dịch về luật của ngài Nghĩa Tịnh, trong Hoa Tạng, Thuyết Hữu Bộ tương đối hoàn bị hơn cả, và rất dễ dàng nhận thấy bộ này là tiền thân của Pháp Tướng trong Duy Thức Học” (Dị Tông Luận, HT.Trí Quang dịch bản in 1995, tr.45).

Nói Hữu Bộ là tiền thân của Pháp Tướng trong Duy Thức Học là nói về phần Luận của bộ ấy. Phần Luận này, ngoài Luận A Tỳ Đạt Ma Phát Trí rất nổi tiếng của Tôn giả Ca Đa Diễn Ni Tử, đã được chú giải, quảng diễn để thành Bộ Luận A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Ba Sa đồ sộ(1), còn có 6 Bộ Luận vẫn thường được gọi chung là Lục Túc Luận. Đó là:

1- Luận A Tỳ Đạt Ma Tập Dị Môn Túc: (Phạn: Abhidharma-samgitiparyàya-pàda), tác giả là Tôn giả Xá Lợi Tử.

2- Luận A Tỳ Đạt Ma Pháp Uẩn Túc: (Phạn: Abhidharma-Dharmaskandha-pàda), tác giả là Tôn giả Đại Mục Kiền Liên.

3- Luận A Tỳ Đạt Ma Thức Thân Túc: (Phạn: Abhidharma-Vijnàna-kàya-pàda), tác giả là Tôn giả Đề Bà Thiết Ma.

4- Luận A Tỳ Đạt Ma Giới Thân Túc: (Phạn: Abhidharma-dhàtu-kàya-pàda), tác giả là Tôn giả Thế Hữu.

5- Luận A Tỳ Đạt Ma Phẩm Loại Túc: (Phạn: Abhidharma-prakarana-pàda), tác giả là Tôn giả Thế Hữu.

Năm bộ Luận trên được Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng (602-664) Hán dịch. (ĐTK/ĐCTT, T26, các No1536: 20 quyển. No1537: 12 quyển. No1540: 3 quyển. No1542: 18 quyển).

6- Luận A Tỳ Đạt Ma Thi Thiết Túc: (Phạn: Abhidharma-prajnàptipà da), tương truyền tác giả là Tôn giả Đại Ca Đa Diễn Na. Bộ Luận này chưa được Hán dịch. Hiện có Luận Thi Thiết trong ĐTK/ĐCTT do hai Đại sư Pháp Hộ (963-1058) và Duy Tịnh (Thế kỷ 10,11 TL)Hán dịch, gồm 7 quyển dịch vào đời Triệu Tống thế kỷ 10,11 TL (ĐTK/ĐCTT, T26, No1538) là bản dịch một phần của Luận A Tỳ Đạt Ma Thi Thiết Túc.

Căn cứ theo các Bản Hán dịch, chúng tôi xin giới thiệu tóm lược về 6 bộ Luận trên.

Luận A Tỳ Đạt Ma Tập Dị Môn Túc

Tác giả là Tôn giả Xá Lợi Tử, Hán dịch là Pháp sư Huyền Tráng (602-664), dịch vào khoảng giữa thế kỷ thứ VII TL, đời Đường (618-906), gồm 20 quyển (ĐTK/ĐCTT, tập 26, No1536, tr.367-453B). Nội dung của Luận được phân làm 12 phẩm:

- Phẩm 1: Duyên khởi.

- Phẩm 2: Một pháp.

- Phẩm 3: Hai pháp (1, 2, 3).

- Phẩm 4: Ba pháp (1, 2, 3, 4).

- Phẩm 5: Bốn pháp (1, 2, 3, 4, 5).

- Phẩm 6: Năm pháp (1, 2, 3, 4).

- Phẩm 7: Sáu pháp (1, 2).

- Phẩm 8: Bảy pháp (1, 2).

- Phẩm 9: Tám pháp (1, 2).

- Phẩm 10: Chín pháp.

- Phẩm 11: Mười pháp (1, 2).

- Phẩm 12: Khen - Khuyên.

Phẩm 1: Duyên khởi, nêu rõ về nhân duyên cùng mục đích tạo Luận. Từ phẩm 2 đến phẩm 11: Là nêu dẫn và giải thích, biện minh các pháp môn 1 pháp cho đến 10 pháp.

Cuối Luận là phẩm 12: Khen - Khuyên, tức Đức Thế Tôn khen ngợi Tôn giả Xá Lợi Tử cùng khuyên các Bí sô nên Thọ trì, đọc tụng pháp môn này. Như vậy, phần chính của Luận là từ Phẩm 2 đến Phẩm 11:

* Một pháp, như: Tất cả hữu tình (chúng sanh) đến nương nơi ăn, nương nơi hành để trụ. Nơi hết thảy pháp thiện, không phóng dật là hơn hết.

* Hai pháp, như: Danh - Sắc. Vô minh - Hữu ái. Hữu kiến - Vô kiến. Không hổ - Không thẹn. Hổ - Thẹn. Lời ác - Bạn ác. Lời thiện - Bạn thiện. Xa ma tha - Tỳ Bát xa na…

* Ba pháp, như: Ba căn bất thiện, ba căn thiện. Ba tầm bất thiện, ba tầm thiện. Ba hành ác, ba hành diệu. Ba giới (Dục, giận, hại). Ba giới (Dục, Sắc, vô Sắc). Ba giới (Sắc, vô Sắc, Diệt)…

* Bốn pháp, như: Bốn Niệm trụ (bốn Niệm xứ), bốn Chánh đoạn (bốn Chánh cần), bốn Thần túc (bốn Như ý túc), bốn Tĩnh lự (bốn Thiền), bốn Thánh đế, bốn Tưởng, bốn Vô lượng, bốn Vô Sắc, bốn Trí…

* Năm pháp, như: Năm uẩn (Năm ấm), năm Thủ uẩn, năm thứ Dục diệu, năm thứ Keo kiệt, năm Nẻo (Thú), năm Cái, năm Kiết thuận phần dưới, Năm Kiết thuận phần trên.

* Sáu pháp, như: Sáu nội xứ, sáu ngoại xứ, sáu Thức thân, sáu Xúc thân, sáu Thọ thân, sáu Tưởng thân, sáu Tư thân, sáu Ái thân…

* Bảy pháp, như: Bảy Giác chi, bảy loại Hữu tình, bảy Định cụ, bảy thứ Tài sản, bảy thứ Lực, bảy Thức trụ, bảy thứ Tùy miên.

* Tám pháp, như: Tám chi Đạo, tám loại hữu tình, tám thứ bố thí, tám phước sinh, tám thứ chúng, tám pháp thế gian, tám thứ giải thoát, tám thắng xứ…

* Chín pháp, như: Chín thứ Kiết, chín chốn cư ngụ của Hữu tình…

* Mười pháp, như: Mười Biến xứ, mười pháp Vô Học…

Sau khi nêu dẫn là giải thích, quảng diễn theo lối hỏi, đáp. Xin trích dẫn một vài đoạn giải thích, quảng diễn về 2 pháp, 3 pháp, 4 pháp:

* Lại có 2 pháp: Là Xa ma tha (Chỉ) và Tỳ Bát xá na (Quán).

- Hỏi: Thế nào là Xa ma tha?

- Đáp: Là tánh khéo chú tâm nơi một cảnh.

- Hỏi: Thế nào là Tỳ Bát xá na?

- Đáp: Là tương ưng với pháp Xa ma tha. Đối với pháp chọn lựa, nên chọn lựa tận cùng, chọn lựa tột bậc. Nhân đấy nên hiểu rõ, hiểu tất cả, hiểu gần, hiểu khắp. Trí sáng thông đạt các điều quan yếu, thẩm xét thấu suốt, Tuệ nhận biết rõ về hành Quán. Đó gọi là Tỳ bát xá na. Như Đức Thế Tôn nói kệ:

Chẳng có Định, không Tuệ

Chẳng có Tuệ không Định

Cần có Định, có Tuệ

Mới chứng đắc Niết-bàn.

(ĐTK/ĐCTT, T26, No1536, tr.375B).

* Ba căn bất thiện: Đó là Căn bất thiện tham, Căn bất thiện sân, Căn bất thiện si.

- Hỏi: Căn bất thiện tham. Thế nào là tham?

- Đáp: Nghĩa là các tham v.v… đối với cảnh Dục như tham nắm giữ, cất giấu, phòng hộ, chấp chặt, yêu thích, mê muội, đắm vướng, ưa muốn khắp, trói buộc nội tâm, Dục cầu, chiêu Tập các Khổ, là loại tham, sinh ra tham, gọi chung là tham.

Thế nào là căn bất thiện tham? Nghĩa là pháp tham này tánh là bất thiện, là gốc có thể gây ra vô số pháp bất thiện, thế nên pháp ấy có thể làm gốc bệnh, gốc ung nhọt, gốc tên độc, gốc sầu não, gốc Khổ, gốc uế trược, gốc các tạp nhiễm, gốc chẳng thanh tịnh, gốc chẳng trắng sạch. Do đó gọi là căn bất thiện tham…

(ĐTK/ĐCTT, T26, No2536, tr.376B).

* Lại có 4 thứ Trí: Đó là Khổ trí, Tập trí, Diệt trí, Đạo trí.

- Hỏi: Thế nào là Khổ trí?

- Đáp: Đó là đối với 5 thủ Uẩn, tư duy chúng là vô thường, khổ, không, vô ngã, phát khởi trí vô lậu. Đó gọi là Khổ trí.

- Hỏi: Thế nào là Tập trí?

- Đáp: Là đối với các Nhân hữu lậu, tư duy về nhân Tập, sanh, Duyên, phát khởi trí vô lậu. Đó gọi là Tập trí.

- Hỏi: Thế nào là Diệt trí?

- Đáp: Nghĩa là đối với các thứ Trạch Diệt, tư duy về Diệt, tĩnh, diệu, lìa, phát khởi trí vô lậu. Đó gọi là Diệt trí.

- Hỏi: Thế nào là Đạo trí?

- Đáp: Nghĩa là đối với Đạo vô lậu, tư duy về Đạo như, hành, xuất, phát khởi trí vô lậu. Đó gọi là Đạo trí.

(ĐTK/ĐCTT, T26, No1536, tr.393C-394A).

Luận A Tỳ Đạt Ma Pháp Uẩn Túc

Tác giả là Tôn giả Đại Mục Kiền Liên, Hán dịch là Pháp sư Huyền Tráng, gồm 12 quyển 21 phẩm (ĐTK/ĐCTT, Tập 26, No1537, tr.453B-514A). Mở đầu là nêu kệ quy kính Tam bảo, tán dương A Tỳ Đạt Ma và nói qua tâm nguyện tạo Luận (4 câu 5 chữ, 4 câu 7 chữ). Sau đấy, nơi đầu mỗi phẩm đều có phần Duyên khởi, tức cho biết Đức Thế Tôn đã giảng nói các pháp ấy ở đâu, trong hoàn cảnh nào, tiếp theo là nêu dẫn các pháp được Đức Phật thuyết giảng cùng những giải thích, quảng diễn của tác giả. Thứ lớp của 21 phẩm và các pháp được thuyết giảng, giải thích, quảng diễn như sau:

* Phẩm 1: Học xứ. Thuyết giảng cùng giải thích, quảng diễn: Năm thứ tội oán sợ hãi. Thế nào là hàng Ô ba sách ca (Ưu bà tắc). 10 pháp thiện, 10 pháp bất thiện. Năm Học xứ (Giới) của Ô ba sách ca.

* Phẩm 2: Chi Dự lưu. Thuyết giảng cùng giải thích, quảng diễn:

- Bốn pháp nên chánh cần tu tập.

- Dùng vô lượng pháp môn chính thức chỉ bày về Khổ Tập Diệt Đạo đúng thực là Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

* Phẩm 3: Chứng tịnh (1, 2). Thuyết giảng cùng giải thích, quảng diễn về bốn thứ Chứng tịnh (Phật chứng tịnh, Pháp chứng tịnh, Tăng chứng tịnh, Giới được bậc thánh ưa thích).

* Phẩm 4: Quả Sa-môn. Thuyết giảng cùng giải thích, quảng diễn về 4 Quả Sa-môn.

* Phẩm 5: Thông hành. Thuyết giảng cùng giải thích, quảng diễn về 4 thứ Thông hành (khổ trì, khổ tốc, lạc trì, lạc tốc).

* Phẩm 6: Thánh chủng. Thuyết giảng cùng giải thích, quảng diễn về 4 thứ Thánh chủng.

* Phẩm 7: Chánh thắng (1, 2). Thuyết giảng cùng giải thích, quảng diễn về 4 thứ Chánh thắng (4 thứ Chánh cần).

* Phẩm 8: Thần túc (1, 2). Thuyết giảng cùng giải thích, quảng diễn về 4 thứ Thần túc (4 thứ như ý túc).

* Phẩm 9: Niệm trụ (1, 2). Thuyết giảng cùng giải thích, quảng diễn về 4 Niệm trụ (4 Niệm xứ).

* Phẩm 10: Thánh đế. Thuyết giảng cùng giải thích, quảng diễn về 4 Thánh đế.

* Phẩm 11: Tĩnh lự (1, 2). Thuyết giảng cùng giải thích, quảng diễn về 4 Tĩnh lực (4 Thiền).

* Phẩm 12: Vô lượng. Thuyết giảng cùng giải thích, quảng diễn về 4 Vô lượng.

* Phẩm 13: Vô Sắc. Thuyết giảng cùng giải thích, quảng diễn về 4 Vô Sắc.

* Phẩm 14: Tu định. Thuyết giảng cùng giải thích, quảng diễn về 4 cách Tu định.

* Phẩm 15: Giác chi (1, 2). Thuyết giảng cùng giải thích, quảng diễn về 7 Giác chi (7 Bồ đề phần).

* Phẩm 16: Tạp sự. Thuyết giảng cùng giải thích, quảng diễn về:

- Đoạn trừ các pháp xấu ác, được pháp Bất hoàn.

- Các pháp tham, sân, si, phẫn, hận, phú (che giấu), não, tật (ganh ghét), xan (keo kiệt), cuống (lừa dối) siểm (dua nịnh), không hổ, không thẹn, mạn, kiêu, phóng dật…

* Phẩm 17: Căn. Thuyết giảng cùng giải thích, quảng diễn về 22 căn.

* Phẩm 18: Xứ. Thuyết giảng cùng giải thích, quảng diễn về 12 Xứ (12 Nhập).

* Phẩm 19: Uẩn. Thuyết giảng cùng giải thích, quảng diễn về 5 Uẩn (5 Ấm).

* Phẩm 20: Nhiều Giới (1, 2). Thuyết giảng cùng giải thích, quảng diễn về các Giới:

- 18 Giới (Nhãn, sắc, nhãn thức, nhĩ, thanh, nhĩ thức. Tỷ, hương, tỷ thức. Thiệt, vị, thiệt thức. Thân, xúc, thân thức. Ý, pháp, ý thức).

- 6 Giới (Đất, nước, lửa, gió, không thức).

- 6 Giới (Dục, giận, hại, không dục, không giận, không hại).

- 6 Giới (Vui, khổ, mừng, lo, xả, vô minh).

- 4 Giới (Thọ, tưởng, hành, thức).

- 3 Giới (Dục, sắc, vô sắc).

- 3 Giới (Sắc, vô sắc, Diệt).

- 3 Giới (Quá khứ, hiện tại, vị lai).

- 3 Giới (Học, vô học, phi học phi vô học).

- 2 Giới (hữu lậu, vô lậu).

- 2 Giới (hữu vi, vô vi).

* Phẩm 21: Duyên khởi (1, 2). Thuyết giảng cùng giải thích, quảng diễn về 12 Duyên khởi.

Xin trích dẫn 2 đoạn thuyết giảng, giải thích về Căn (Phẩm 17) và Duyên khởi (Phẩm 21).

“… Căn có 22 thứ, đó là: Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn, Thân căn, Ý căn…

Thế nào là Nhãn căn? Là mắt đối với sắc đã thấy, đang thấy, sẽ thấy cùng đồng phần của nó, đó gọi là Nhãn căn.

Lại, mắt tăng thượng, phát sinh nhãn thức, đối với sắc đã đang và sẽ phân biệt rõ cùng đồng phần của nó, đó gọi là Nhãn căn.

Lại, mắt đối với sắc, đã đang và sẽ bị trở ngại, cùng đồng phần của nó, đó gọi là Nhãn căn. Lại, mắt đối với sắc, đã đang và sẽ hành tác, cùng đồng phần của nó, đó gọi là Nhãn căn…”.

(ĐTK/ĐCTT, T26, No1537, tr.498B-C).

“Thế nào là Duyên khởi? Nghĩa là dựa vào cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh. Tức là vô minh duyên hành, hành duyên thức… Sinh duyên lão tử phát sinh sầu than khổ ưu nhiễu não. Như thế liền tụ tập thuần uẩn khổ lớn. Bí sô nên biết! Sinh duyên lão tử, nếu Phật có ra đời hay không ra đời, Duyên khởi như thế là pháp trụ, pháp giới, tất cả chư Như Lai đều tự nhiên thông đạt, đẳng giác nêu rõ, kiến lập, phân biệt, khai thị, khiến được hiển bày. Nghĩa là sinh duyên lão tử… như thế cho đến vô minh duyên hành, nên biết cũng như vậy. Trong đây hiện có các thứ pháp tánh, pháp định, pháp lý, pháp thú, là chân là thật, là đế là như, không hư không dối, không điên đảo, không đổi khác, đó gọi là Duyên khởi…

(ĐTK/ĐCTT, T26, No1537, tr.505A).

Luận A Tỳ Đạt Ma Thức Thân Túc

Tác giả là A-la-hán Đề Bà Thiết Ma (Devasarman), một Luận sư thuộc Hữu Bộ, sống vào khoảng 100 năm sau Phật nhập diệt, Hán dịch là Pháp sư Huyền Tráng gồm 16 quyển (ĐTK/ĐCTT, T26, No1537, tr.531-614B). Luận được phân làm 6 phẩm, gọi là 6 Uẩn:

- Uẩn thứ 1: Mục Kiền Liên (1, 2, 3, 4, 5).

- Uẩn thứ 2: Bổ Đặc Già La (1, 2, 3, 4).

- Uẩn thứ 3: Nhân duyên (1, 2).

- Uẩn thứ 4: Sở duyên duyên ( 1, 2, 3, 4, 5).

- Uẩn thứ 5: Tạp (1, 2).

- Uẩn thứ 6: Thành tựu (1, 2, 3, 4).

Mở đầu là kệ quy kính Đức Thế Tôn tán thán đèn Chánh pháp A Tỳ Đạt Ma cùng nêu bày ý nguyện tạo Luận (24 câu 7 chữ).

Tiếp theo là tụng nêu tổng quát về nội dung Luận (4 câu 5 chữ).

* Uẩn thứ 1: Mục Kiền Liên gồm 5 phần: Nơi đầu mỗi phần đều có tụng nêu chung. Nội dung của uẩn này là biện biệt để đả phá thuyết “Quá khứ vô thể, hiện tại hữu thể” của Sa-môn Mục Kiền Liên (?) nhằm thiết lập Giác nghĩa của Hữu Bộ: Tất cả pháp của 3 đời là thật có.

* Uẩn thứ 2: Bổ Đặc Già La (Hữu tình) gồm 4 phần: Nơi đầu mỗi phần đều có tụng nêu chung. Nội dung của phẩm này là Luận phá thuyết Hữu ngã của Luận giả Bổ Đặc Già La.

* Uẩn thứ 3: Nhân duyên, gồm 2 phần: Mở đầu của phần 1 có kệ nêu tổng quát. Nội dung của uẩn này thuyết minh về:

- 6 Thức thân, ở hoặc quá khứ, vị lai, hiện tại (làm nhân, không làm nhân).

- 6 Thức thân, hoặc thiện hoặc bất thiện hoặc vô ký (làm nhân, không làm nhân).

- 6 Thức thân, hoặc thiện, hoặc bất thiện, hoặc hữu phú vô ký, hoặc vô phú vô ký (có bao nhiêu tùy miên tùy tăng, là nhân không là nhân).

- 10 thứ tâm. Cõi Dục có tâm thiện, tâm bất thiện, tâm hữu phú vô ký, tâm vô phú vô ký. Cõi Sắc và cõi Vô sắc có tâm thiện, tâm hữu phú vô ký, tâm vô phú vô ký (Nhân đã đoạn, nhân chưa đoạn).

- 15 thứ tâm. Cõi Dục có 5 tâm: tâm do kiến Khổ đoạn trừ. Tâm do kiến Tập đoạn trừ. Tâm do kiến Diệt đoạn trừ. Tâm do kiến Đạo đoạn trừ và tâm do tu Đạo đoạn trừ.

Cõi Sắc và cõi vô Sắc mỗi cõi đều có 5 tâm như thế. 15 tâm này hoặc ở quá khứ, hoặc ở hiện tại, hoặc ở vị lai.

* Uẩn thứ 4: Sở duyên duyên. Gồm 5 phần, mở đầu của phần 1 có tụng nêu chung. Nội dung của uẩn này thuyết minh về:

- 6 Thứ thân, hoặc thiện, bất thiện, vô ký (có Duyên, không Duyên với thiện, bất thiện, vô ký).

- 6 Thức thân, phân biệt, nhận biết về các trần.

Bốn thứ tâm: Tâm thuộc cõi Dục. Tâm thuộc cõi Sắc. Tâm thuộc cõi Vô sắc. Tâm không hệ thuộc: Khả năng phân biệt, nhận biết các pháp nơi 3 cõi của các tâm ấy.

- 12 Tâm: Thuộc cõi Dục có 4: Tâm thiện, tâm bất thiện, tâm hữu phú vô ký, tâm vô phú vô ký. Thuộc cõi Sắc, Vô sắc có 6: Tâm thiện, tâm hữu phú vô ký, tâm vô phú vô ký cùng tâm học. Tâm vô học: Khả năng phân biệt, nhận biết các pháp nơi 3 cõi của các tâm này.

- 10 tâm: Cõi Dục có 4: Tâm thiện, tâm bất thiện, tâm hữu phú vô ký và tâm vô phú vô ký. Cõi Sắc và cõi Vô sắc mỗi cõi có 3: Tâm thiện, tâm hữu phú vô ký, tâm vô phú vô ký. Tương quan giữa thể và đối tượng Duyên chưa đoạn, đã đoạn của các tâm ấy.

* Uẩn thứ 5: Tạp, gồm 2 phần: Mở đầu của phần 1 có tụng nêu tổng quan. Hai phần của uẩn này tiếp tục thuyết minh về:

- Sáu Thức thân: Khả năng khởi nhiễm, lìa nhiễm, khả năng nhận biết về các pháp có hình sắc, không hình sắc của chúng.

- Sáu thứ tâm: Mỗi cõi Dục, Sắc, Vô sắc có 2: Tâm do kiến Đạo đoạn trừ. Tâm do tu Đạo đoạn trừ. Các tâm này Duyên, không Duyên nơi 3 pháp thiện, bất thiện, vô ký (hữu phú, vô phú).

- 12 tâm: Cõi Dục có 4 (tâm thiện, bất thiện, hữu phú vô ký, vô phú vô ký) cõi Sắc và cõi Vô sắc đều có 3: Trừ tâm bất thiện, cùng tâm hữu học, tâm vô học. 12 tâm này, cùng vô gián sinh khởi bao nhiêu tâm. 12 tâm này, do bao nhiêu Duyên trong 4 Duyên nên nói là có thể làm Duyên?

- Sự việc cùng hành Tướng đoạn dứt căn thiện.

- 12 Xứ, 18 Giới.

- 12 Tâm: Cõi Dục có 4, 2 cõi Sắc, Vô sắc đều có 3 (như trước) cùng tâm hữu học, tâm vô học.

12 tâm này có mặt khắp cả 3 thời quá khứ hiện tại và vị lai. Tính chất phân biệt, nhận biết của chúng nơi ba thời.

* Uẩn thứ 6: Thành tựu, gồm 4 phần: Mở đầu nơi phần 1 có tụng nêu tổng quát. Bốn phần của uẩn này lần lượt nói về:

- 12 Tâm: Cõi Dục có 4, cõi Sắc và cõi Vô sắc đều có 3 (như trước) cùng tâm học, tâm vô học. Tương quan giữa 12 tâm này trong khả năng thành tựu, không thành tựu của chúng.

- 12 tâm như trên: Tương quan của chúng trong việc xả bỏ không thành tựu, đạt được thành tựu.

- 10 tâm như trên (trừ 2 tâm Hữu học và Vô học): Tương quan của chúng trong việc chưa đoạn, đã đoạn, thành tựu, chưa thành tựu.

- 12 tâm như trên: Tương quan giữa 1 tâm thành tựu, thì 12 tâm ấy có bao nhiêu thứ thành tựu, không thành tựu. Tương quan giữa 1 tâm không thành tựu, thì 12 tâm ấy có bao nhiêu thứ thành tựu, không thành tựu?

- 12 thứ tâm như trên và 3 loại Bổ Đặc Già La (Hữu tình): Chưa lìa tham nơi cõi Dục. Chưa lìa tham nơi cõi Sắc. Chưa lìa tham nơi cõi Vô sắc. Tương quan giữa 3 loại Bổ Đặc Già La ấy với 12 tâm kia có bao nhiêu thứ thành tựu, không thành tựu.

- 12 thứ tâm như trên và 3 loại Bổ Đặc Già La đã lìa tham nơi ba cõi Dục, Sắc, Vô sắc. Tương quan giữa 3 loại Bổ Đặc Già La này với 12 tâm kia có bao nhiêu thứ thành tựu, không thành tựu…

- 10 tâm như trên cùng 2 tâm Hữu học, Vô học: Khi 2 tâm Hữu học Vô học xả bỏ thành tựu nên không thành tựu, xả bỏ không thành tựu, xả bỏ không thành tựu nên được thành tựu, thì đối với 12 tâm kia có bao nhiêu thứ xả bỏ thành tựu nên không thành tựu, nên được thành tựu?

Luận A Tỳ Đạt Ma Giới Thân Túc

Tác giả là Tôn giả Thế Hữu (Vasumitra) một Luận sư của Hữu Bộ, Hán dịch là Pháp sư Huyền Tráng, gồm 3 quyển (ĐTK/ĐCTT, Tập 26, No1540, tr.614B-625C). Nội dung của Luận phân làm 2 phẩm:

* Phẩm thứ 1: Bản sự, gồm 3 phần: Nêu tụng tổng quát. Nêu dẫn các pháp và giải thích, biện minh.

+ Phần nêu dẫn các pháp gồm:

- 10 pháp đại địa: Thọ, tưởng, tư, xúc, tác ý, dục, thắng giải, niệm, tam ma địa và tuệ.

- 10 pháp đại phiền não địa: Bất tín, lười biếng, thất niệm, tâm loạn, vô minh, bất chánh tri, tác ý phi lý, thắng giải tà, trạo cử, phóng dật.

- 10 pháp tiểu phiền não địa: Phẫn, hận, phú (che giấu), não, tật (ganh ghét), xan (keo kiệt), cuống (lừa dối), siểm (dua nịnh), kiêu, hại.

- Năm phiền não: Dục tham, sắc tham, vô sắc tham, sân, nghi.

- Năm kiến: Hữu thân kiến, biên chấp kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ.

- Năm xúc: Hữu đối xúc, tăng ngữ xúc, minh xúc, vô minh xúc, phi minh phi vô minh xúc.

- Năm căn: Lạc căn, khổ căn, hỷ căn, ưu căn, xả căn.

- Năm pháp: Tầm, tứ, thức, vô tàm (không hổ), vô quý (không thẹn).

Sáu Thức thân: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức.

- Sáu xúc thân: Nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc.

- Sáu Thọ thân: Thọ do nhãn xúc sinh. Thọ do nhĩ xúc sinh. Thọ do tỷ xúc sinh. Thọ do thiệt xúc sinh. Thọ do thân xúc sinh. Thọ do ý xúc sinh.

- Sáu tưởng thân: Tưởng do nhãn xúc sinh. Tưởng do nhĩ xúc sinh. Tưởng do tỷ xúc sinh. Tưởng do thiệt xúc sinh. Tưởng do thân xúc sinh. Tưởng do ý xúc sinh.

- Sáu tư thân: Tư do nhãn xúc sinh. Tư do nhĩ xúc sinh. Tư do tỷ xúc sinh. Tư do thiệt xúc sinh. Tư do thân xúc sinh. Tư do ý xúc sinh.

- Sáu ái thân: Ái do nhãn xúc sinh. Ái do nhĩ xúc sinh. Ái do tỷ xúc sinh. Ái do thiệt xúc sinh. Ái do thân xúc sinh. Ái do ý xúc sinh.

+ Phần giải thích, biện minh: Theo thứ tự đã nêu dẫn lần lượt giải thích, biện minh.

Như giải thích, biện minh về 5 phiền não, 5 kiến:

* Thế nào là Dục tham? Là đối với các Dục dấy khởi tham, cùng tham nên cất giấu, phòng giữ, yêu thích, tham đắm.

Thế nào là Sắc tham? Là đối với các Sắc dấy khởi tham, cùng tham nên cất giấu, phòng giữ, yêu thích, tham đắm.

Thế nào là Vô sắc tham? Là đối với các thứ Vô sắc dấy khởi tham cùng tham, nên cất giấu, phòng giữ, yêu thích, tham đắm.

Thế nào là Sân? Là đối với các Hữu tình muốn gây bức hại, nội tâm sinh khởi mãi, giận dữ cùng cực, giận dữ khắp, cùng giận dữ, giận dữ hết mực, đã giận đang giận sẽ giận.

Thế nào là Nghi? Là do dự đối với những sự thật (đế).

* Thế nào là Hữu thân kiến? Là đối với 5 thủ uẩn, theo đó quán chấp ngã, ngã sở, do đấy khởi thọ nhận, ưa thích theo kiến chấp của Tuệ quán.

Thế nào là Biên chấp kiến? Là đối với 5 thủ uẩn, theo đấy quán xét để chấp, hoặc chấp đoạn hoặc chấp thường, do đó khởi thọ nhận, ưa thích theo kiến chấp của Tuệ quán.

Thế nào là Tà kiến? Là hủy báng nhân quả, hoặc hủy báng tác dụng của nhân quả, hoặc phá hoại sự thật, do đấy khởi thọ nhận ưa thích theo kiến chấp của Tuệ quán.

Thế nào là Kiến thủ? Là đối với 5 thủ uẩn theo chỗ quán xét để chấp cho là tối thắng là tối diệu, do đấy khởi thọ nhận, ưa thích theo kiến chấp của Tuệ quán.

Thế nào là Giới cấm thủ? Là đối với 5 thủ uẩn theo chỗ quán xét để chấp, cho đó là thanh tịnh, là giải thoát, là xuất ly. Do đấy khởi thọ nhận, ưa thích theo kiến chấp của Tuệ quán.

(ĐTK/ĐCTT, Tập 26, No1540, tr.615A-B).

* Phẩm thứ 2: Phân biệt gồm 16 môn:

a) Từ môn 1 đến môn 3: Phân biệt các thứ Tâm sở (tức Thọ v.v… của 10 pháp đại địa cho đến Ái do ý xúc sinh) cùng với 5 Thọ căn (lạc căn, khổ căn, hỷ căn, ưu căn, xả căn), sáu Thức thân (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt Tthức, thân thức, ý thức) và 2 pháp không hổ, không thẹn, có bao nhiêu thứ tương ưng, không tương ưng.

b) Từ môn 4 đến môn 16: Khảo xét, phân biệt các thứ Tâm sở (tức Thọ v.v… của 10 pháp đại địa cho đến Ái do ý xúc sinh) cùng với 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, mỗi mỗi thứ Tâm sở kia tương ưng, không tương ưng với chúng đã gồm thâu những gì… Như Thọ tương ưng, Tưởng không tương ưng. Tưởng tương ưng, Thọ không tương ưng. Bất tín không tương ưng. Bất tín tương ưng, Thọ không tương ưng…

Luận A Tỳ Đạt Ma Phẩm Loại Túc

Tác giả là Tôn giả Thế Hữu. Luận này có 2 bản Hán dịch:

1- Bản 1: (dịch trước) do hai Đại sư Cầu Na Bạt Đà La cùng Bồ Đề Da Xá thực hiện, dịch vào đời Lưu Tống (420-478 TL), mang tên: Luận Chúng sự phần A Tỳ Đàm, gồm 12 quyển (ĐTK/ĐCTT, Tập 26, No1541, tr.627-692B).

2- Bản 2: (dịch sau) do Pháp sư Huyền Tráng thực hiện, mang tên: Luận A Tỳ Đạt Ma Phẩm Loại Túc, gồm 18 quyển. (ĐTK/ĐCTT, T26, No1542, tr.692B-770A).

Nội dung của Luận được phân làm 8 phẩm (theo bản Hán dịch của Pháp sư Huyền Tráng):

- Phẩm 1: Biện về 5 Sự.

- Phẩm 2: Biện về các Trí (1, 2).

- Phẩm 3: Biện về các Xứ.

- Phẩm 4: Biện về 7 Sự (1, 2).

- Phẩm 5: Biện về Tùy miên (1, 2, 3).

- Phẩm 6: Biện về Thâu giữ (1, 2, 3, 4, 5, 6).

- Phẩm 7: Biện về ngàn câu hỏi (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8).

- Phẩm 8: Biện về Quyết trạch.

* Phẩm 1: Biện về 5 Sự: Phẩm này lần lượt nêu dẫn cùng giải thích về:

- Năm pháp (Sắc, tâm, tâm sở pháp, tâm bất tương ưng hành, vô vi).

- 4 đại chủng (Địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới).

- Năm căn (Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân).

- Năm trần (Sắc, thanh, hương, vị, xúc - một phần) và Sắc vô biểu.

- Sáu Thức thân (Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức).

- Các tâm sở: Thọ, tưởng, tư, xúc, tác, ý, dục, thắng giải, niệm, định (Tam ma địa), tuệ, tín, cần, tầm, sứ, phóng dật, không phóng dật, căn thiện, căn bất thiện, căn vô ký.

- 9 thứ kiết: Kiết ái, kiết sân, kiết mạn, kiết vô minh, kiết kiến, kiết thủ, kiết nghi, kiết tật (ganh ghét), kiết xan (keo kiệt).

- 3 thứ phược: Tham, sân, si.

- 7 thứ Tùy miên (Bản 1 dịch là Sử): Tùy miên dục tham, sân, hữu tham, mạn, vô minh, kiến, nghi.

- Các tùy phiền não.

- 8 thứ tâm sở trói buộc hành uẩn: Hôn trầm, trạo cử, thùy miên (ngủ nghỉ), ố tác (hối), tật, xan, không hổ, không thẹn.

- 10 thứ trí: Pháp trí, loại trí, tha tâm trí, thế tục trí, Khổ trí, Tập trí, Diệt trí, Đạo trí, tan trí, vô sanh trí.

- 8 thứ nhẫn của hiện Quán biên: Khổ pháp trí nhẫn. Khổ loại trí nhẫn. Tập pháp trí nhẫn. Tập loại trí nhẫn. Diệt pháp trí nhẫn. Diệt loại trí nhẫn. Đạo pháp trí nhẫn. Đạo loại trí nhẫn.

- Các thứ tâm bất tương ưng hành: Đắc, định vô tưởng, định diệt tận, sự vô tưởng, mạng căn, chúng đồng phận…

* Phẩm 2: Biện về các Trí, gồm 2 phần, biện biệt về 10 Trí như đã nêu với các chi tiết: đối tượng duyên, gồm thâu. Bao nhiêu thứ là hữu lậu, vô lậu, duyên nơi hữu lậu, vô lậu. Bao nhiêu thứ là hữu vi, vô vi, duyên nơi hữu vi, vô vi.

* Phẩm 3: Biện về các Xứ: Nội dung là biện biệt về 12 xứ: Nhãn xứ, sắc xứ, nhĩ xứ, thanh xứ, tỷ xứ, hương xứ, thiệt xứ, vị xứ, thân xứ xúc xứ, ý xứ pháp xứ với các chi tiết:

- Bao nhiêu thứ là có Sắc, không Sắc.

- Bao nhiêu thứ là có thấy, không thấy. Có đối, không đối. Hữu lậu, vô lâu. Hữu vi, vô vi. Hữu tránh, vô tránh. Hữu ký, vô ký. Hữu phú, vô phú, nên tu, không nên tu. Có dị thục (quả báo) không có dị thục. Là kiến, không phải kiến. Là trong, là ngoài. Có chấp thọ, không chấp thọ. Là tâm, không là tâm. Là tâm sở, không là tâm sở. Có đối tượng duyên, không có đối tượng duyên. Là nghiệp, không phải nghiệp. Là thiện, bất thiện, vô ký, do kiến đạo đoạn trừ, do tu đạo đoạn trừ, hoặc không đoạn trừ, là học, vô học, phi học phi vô học. Thuộc cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc. Thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai. Thuộc về 4 đế Khổ Tập Diệt Đạo và không thuộc về đế, do kiến Khổ kiến Tập kiến Diệt kiến Đạo đoạn trừ, do tu Đạo đoạn trừ và không đoạn trừ. Tương quan giữa 12 Xứ và 5 Uẩn, 12 Xứ và 16 Giới, 12 Xứ và 22 Căn, 12 Xứ và 18 Tùy miên.

* Phẩm 4: Biện về 7 Sự gồm 2 phần, lần lượt nêu dẫn cùng giải thích biện biệt về:

- 18 giới, 12 xứ, 5 uẩn, 5 thủ uẩn, 6 giới.

- 10 pháp đại địa, 10 pháp đại thiện địa.

- 10 pháp đại phiền não địa, 10 pháp tiểu phiền não địa.

- 5 phiền não, 5 xúc, 5 kiến, 5 căn, 5 pháp.

- 6 Thức thân, 6 xúc thân, 6 thọ thân, 6 tương thân, 6 tư thân, 6 ái thân.

* Phẩm 5: Biện về Tùy miên, gồm 3 phần, lần lượt nêu dẫn, biện biệt về:

- 18 Tùy miên: Bao nhiêu thứ thuộc cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc. Do kiến đoạn, do tu đoạn? Do kiến Khổ, kiến Tập, kiến Diệt, kiến Đạo đoạn?

- Biện minh về nghĩa của Tùy miên.

- Nêu dẫn cùng biện biệt về 12 thứ Tùy miên với các khía cạnh: Tùy tăng dấy khởi.

- Tương quan giữa: 7 Tùy miên và 12 Tùy miên. 7 Tùy miên và 98 Tùy miên. 12 Tùy miên và 98 Tùy miên.

- 98 Tùy miên: Bao nhiêu thứ là Biến hành, không biến hành.

- 36 Tùy miên ở cõi Dục, 31 Tùy miên ở cõi Sắc, 31 Tùy miên ở cõi Vô sắc: Bao nhiêu thứ là Biến hành, là không biến hành.

- 98 Tùy miên: Bao nhiêu thứ là Biến hành do tu đạo đoạn trừ… 36 Tùy miên ở cõi Dục, 31 Tùy miên ở cõi Sắc, 31 Tùy miên ở cõi Vô sắc. Bao nhiêu thứ là Biến hành do tu đạo đoạn trừ…

- 98 Tùy miên: Bao nhiêu thứ duyên nơi hữu lậu vô lậu duyên nơi hữu vi, vô vi.

- 36 Tùy miên ở cõi Dục, 31 Tùy miên ở cõi Sắc, 31 Tùy miên nơi cõi Vô sắc: Bao nhiêu thứ duyên nơi hữu lậu, vô lâu, duyên nơi hữu vi, vô vi.

- 98 Tùy miên: Bao nhiêu thứ là đối tượng duyên nên là Tùy tăng nhưng không phải tương ưng…

- Có 20 pháp: Là pháp do kiến Khổ, kiến Tập, kiến Diệt, kiến Đạo và do tu đạo đoạn trừ (thuộc 3 cõi Dục, Sắc, Vô sắc và không hệ thuộc). Tương quan giữa các pháp này với các pháp Tùy miên: Tùy tăng, đối tượng duyên, tương ưng, không tương ưng…

* Phẩm 6: Biện về Thâu giữ, gồm 6 phần: Lần lượt nêu dẫn cùng giải thích, biện biệt về:

- Các thứ pháp: Pháp được nhận biết. Pháp được nhận thức. Pháp được thông đạt. Pháp được duyên hợp. Pháp tăng thượng. Pháp có sắc. Pháp không sắc…

- 3 Pháp: Thiện, bất thiện, vô ký, hữu học, vô học, phi học phi vô học…

- 3 Giới: Dục, giận, hại. Xuất ly, không giận, không hại. Dục, Sắc, Vô sắc. Sắc, Vô sắc, Diệt.

- 3 Hữu: Dục hữu, Sắc hữu, Vô sắc hữu.

- 3 Lậu: Dục, hữu, vô minh.

- 3 đời, 3 tánh Khổ, 3 pháp, 3 địa, 3 nghiệp…

- 4 Niệm trụ, 4 Chánh đoạn, 4 Thần túc, 4 Tĩnh lực, 4 Thánh đế, 4 Vô lượng, 4 Vô sắc, 4 Thánh chủng, 4 Quả Sa-môn, 4 Trí, 4 Vô ngại giải, 4 Duyên, 4 Cách ăn, 4 Bộc lưu, 4 Ách, 4 Thủ, 4 Pháp.

- 5 Uẩn, 5 Thủ uẩn, 5 Nẻo (thú), 5 Bộ phiền não, 5 Pháp (Sắc, tâm, tâm sở pháp…)

- 6 Giới, 6 Pháp (Pháp do kiến Khổ đoạn trừ…)

- 7 Tùy miên, 7 Thức trụ, 7 Giác chi.

- 8 Giải thoát, 8 Thắng xứ, 8 Chi Thánh đạo.

- 9 thứ Kiết, 9 chỗ ở của hữu tình.

- 10 Biến xứ, 10 pháp vô học.

- 11 Pháp (Sắc thọ tưởng hành thức hữu lậu, vô lậu và pháp vô vi).

- 12 Xứ, 18 Giới, 22 Căn, 98 Tùy miên…

* Phẩm 7: Biện về ngàn câu hỏi.

Phẩm này gồm đến 8 phần, lần lượt nêu dẫn cùng biện minh về:

- Học xứ: Tức 5 Học xứ của người cận sự (cư sĩ).

- Tịnh: 4 chứng Tịnh.

- Quả: Tức 4 quả Sa-môn.

- Hành: là 4 Thông hành.

- Thánh chủng: Tức 4 Thánh chủng.

- Chánh đoạn: Là 4 Chánh đoạn.

- Thần túc: Là 4 Thần túc.

- Niệm trụ: Tức 4 Niệm trụ.

- Đến: Là 4 Thánh đế.

- Tĩnh lự: Tức 4 Tĩnh lự.

- Vô lượng: Là 4 Vô lượng.

- Vô Sắc: Là 4 Vô Sắc.

- Định: Là 4 cách tu định.

- Giác chi: Là 7 Giác chi.

- Căn: Tức 22 Căn.

- Xứ: Là 12 Xứ.

- Giới: Là 18 Giới.

- Uẩn: Là 5 Uẩn.

Đối với mỗi loại nêu trên đặt ra 50 câu hỏi: Bao nhiêu thứ là có Sắc, không Sắc. Có thấy, không thấy. Có đối, không đối. Hữu lậu, vô lậu. Hữu vi, vô vi. Có dị thục, không dị thục. Là duyên sinh, nhân sinh, thuộc về thế gian. Không phải là duyên sinh, không phải là nhân sinh, không thuộc về thế gian… và lần lượt giải đáp biện biệt.

* Phẩm 8: Biện về Quyết trạch

Phẩm này nêu dẫn cùng biện biệt về các thứ pháp: có Sắc, không Sắc, chỉ có Sắc, chỉ không Sắc, có thấy, không thấy, chỉ có thấy, chỉ không thấy. Có đối, không đối, chỉ có đối, chỉ không đối. Hữu lậu, vô lậu. Chỉ hữu lậu, chỉ vô lâu. Hữu vi, vô vi, chỉ hữu vi, chỉ vô vi. Có tranh cãi, không tranh cãi. Thế gian, xuất thế gian…:

- Gồm thâu bao nhiêu uẩn, xứ, giới.

- Bao nhiêu Trí, Thức nhận biết.

- Tương quan với Tùy miên tùy tăng, biến hành nơi 3 cõi, do gì đoạn trừ…

Luận A Tỳ Đạt Ma Thi Thiết Túc

Tương truyền tác giả là Tôn giả Đại Ca Đa Diễn Na, một trong 10 vị đại đệ tử của Đức Thế Tôn. Luận này chưa được Pháp sư Huyền Tráng Hán dịch. Bản Luận Thi Thiết hiện có trong ĐTK/ĐCTT (Tập 26, No1538, 7 quyển) do hai Đại sư Pháp Hộ và Duy Tịnh dịch vào khoảng giữa thế kỷ XI đời Triệu Tống (960-1276) là bản Hán dịch một phần Luận A Tỳ Đạt Ma Thi Thiết Túc. Theo ĐTĐ Phật Quang thì Bản Luận A Tỳ Đạt Ma Thi Thiết Túc đầy đủ hiện chỉ có nơi tạng Tây Tạng, nội dung phân làm 3 phần:

- Thế gian thi thiết.

- Nhân thi thiết.

- Nghiệp thi thiết.

Bản Hán dịch gồm 7 quyển kia chỉ dịch phần thứ 2 (Nhân thi thiết) nhưng cũng dịch không đầy đủ (ĐTK/ĐCTT, T26, No1536, tr.514A-529C). Nội dung Luận Thi Thiết 7 quyển được phân làm 13 môn, đều gọi là Môn Thi Thiết Nhân trong Đại Luận đối pháp, lần lượt giải thích, biện biệt về:

- Bảy thứ báu của Chuyển Luân Thánh vương.

- Đối chiếu 7 báu của Chuyển Luân Thánh vương với Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác đã nêu giảng 8 Chánh đạo, 4 Chánh đoạn, có đầy đủ thiên nhãn, hỷ giác chi, có 4 chủng tánh luôn thân cận cúng dường, có thắng tuệ lớn, có đủ 32 tướng thanh tịnh viên mãn…

- Các điềm lành khi Phật mới sanh.

- Nhân, quả của chúng sinh. Tính chất nặng nhẹ của 3 độc tham sân si.

- Tính chất sai biệt nơi các pháp của thế gian.

- Các loại núi non, biển cả, các thứ thần thông, biến hóa.

Trên đây, chúng tôi đã giới thiệu tóm tắt về nội dung của 6 bộ Luận, là những Luận tiêu biểu của phái Hữu Bộ theo Phật giáo Bắc truyền. Chúng tôi cũng đã có bài viết đối chiếu hai bản Hán dịch của Luận A Tỳ Đạt Ma Phát Trí để thấy rõ hơn về nội dung rất phong phú, bao quát của bộ Luận ấy(2). Xin mượn những dòng viết của Học giả Kimura Taiken, trong sách Tiểu thừa Phật giáotưởngluận I để kết luận: “Như vậy, sự phân tích có thể nói là đặc trưng lớn nhất của Phật giáo A Tỳ Đạt Ma, và nhiệm vụ chủ yếu của Phật giáo A Tỳ Đạt Ma là như điều gọi là “chư môn phân biệt”, nghĩa là đứng trên nhiều lập trường khác nhau để Luận cứu về tính chất của vạn pháp”. Những vấn đề hoặc kiến giải vượt ra ngoài khế kinh, và kết quả là đã ảnh hưởng không ít, do đó, nếu muốn hiểu rõ về Đại thừa, tất cũng phải nghiên cứu qua Phật giáo A Tỳ Đạt Ma…” (Tiểu thừa Phật giáo tư Tưởng luận I, Thích Quảng Độ dịch, Tu Thư Đại học Vạn Hạnh xuất Bản, S, 1970, tr.21, 51).

_______

(1) Bộ Luận này có hai Bản Hán dịch:

- Bản dịch trước: Do hai Đại sư Phù Đà Bạt Ma cùng Đạo Thái thực hiện, dịch vào đời Bắc Lương (397-439) mang tên: Luận A Tỳ Đàm Tỳ Bà Sa, vốn gồm 100 quyển, do binh lửa nên hiện chỉ còn 60 quyển (ĐTK/ĐCTT, T28, No1546, tr.01-416).

- Bản dịch sau: Do Pháp sư Huyền Tráng thực hiện mang tên: Luận A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa, gồm 200 quyển (ĐTK/ĐCTT, T27. No1545, tr.01-100). Bộ Luận này chúng tôi đã Việt dịch (2007).

(2) Xem thêm bài viết của chúng tôi: Đối chiếu hai Bản Hán dịch Luận A Tỳ Đạt Ma Phát Trí.

(NSGN 339)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.