Hôm nay, 25-8, nhân Lễ tuần chung thất của ông, xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của Thầy Thích Tâm Hải, Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ, trên Tuổi Trẻ cuối tuần số 26 (2024), phát hành ngày 12-7, ngay sau khi được tin Giáo sư Cao Huy Thuần từ trần.
***
Thư điện tử đề ngày 25-5-2024 là bức thư cuối cùng giáo sư Cao Huy Thuần gởi cho tôi. Bao giờ cũng vậy, ông luôn mang đến một thông tin mới, cái nhìn mới, suy nghĩ mới, cập nhật các nghiên cứu về Việt Nam, về Phật giáo và những người đã hòa mình vào đất nước này.
Trong thư lần này, ông chia sẻ và giới thiệu về những điểm mới trong thông tin, cách tiếp cận lịch sử của An Thuy Nguyen (Nguyễn Thùy An), qua Luận án tiến sĩ (2023) tại Đại học Maine, Hoa Kỳ: "Third Force: South Vietnam's Urban Opposition to the Nixon Doctrine in Asia (1969-1973)" [Lực lượng thứ ba: Đô thị miền Nam Việt Nam chống học thuyết Nixon ở Á châu]".
Vẫn không có bất cứ một dấu hiệu nào của sức khỏe trong từng con chữ, từng câu chữ, ý tứ. Tâm tình, ông không thích cãi cọ, đôi chối dù người ta "viết bậy" về lịch sử mà ông là người trong cuộc. Ông tự nhận trách nhiệm phải giới thiệu nghiên cứu của Nguyễn Thùy An với người đọc trong nước.
Ông là người luôn đau đáu với những ưu tư, trăn trở về đất nước. "Trong những vấn đề về xã hội học tôn giáo ở phương Tây, tôi chỉ chọn một số vấn đề - những vấn đề lý thuyết và thực tế nào có liên quan ít nhiều đến quan tâm của trí thức Việt Nam. Tôi không có ý định nói chuyện Âu Mỹ để bàn chuyện suông về Âu Mỹ. Tâm sự của tôi không có gì gửi gắm nơi phương trời ấy. Nếu có đôi lúc tôi trót "ngổn ngang trăm mối", ấy là để gửi cho bạn bè ở phương trời này, để cùng san sẻ với nhau những lo lắng chung trên một lĩnh vực sinh tử của đất nước.", Giáo sư Cao Huy Thuần bày tỏ trong một công trình nghiên cứu về chính trị, tôn giáo của mình.
Rạng sáng 8-7-2024, thầy Thiện Niệm ở Phật đường Khuông Việt - người ở bên cạnh ông lúc lâm chung - kể trong nghẹn ngào: Suốt bảy năm qua, giáo sư Cao Huy Thuần chưa một lần vắng mặt trong các khóa huân tu với bà con tại ngôi Phật đường Việt Nam ở Paris. Ông ngồi một góc yên, lắng nghe tất cả lời kinh tiếng kệ, không sót thời nào, có khi từ sáng cho đến chiều tối.
Hai ngày trước khi mất, ông vẫn tâm tình, về dự án sách viết cho trẻ thơ, về muông thú, về bầu trời đầy sao rẽ sóng lấp lánh theo đàn vịt con bơi tung tăng... Cho đến cả lúc gần bức vách sinh tử, ông vẫn là người kể chuyện, hồn nhiên.
Giờ đây, đọc lại những lá thư, tin nhắn, bài viết của ông gởi về qua nhiều dịp khác nhau, dẫu biết vạn vật là vô thường, nhưng sao lồng ngực có lúc nghẹn đến khó thở. Chẳng thể làm gì khác, một lần nữa, nghe ông kể chuyện.
Lần này, thật hiếm hoi, xin nói về một bức thư tay mà ông đã giữ gìn cẩn thận. "Tôi đã đến cái tuổi có thể ra đi bất cứ lúc nào, cho nên không muốn mai kia mình đi thì thư cũng mất. Dù Ôn (hòa thượng Thích Trí Quang - người viết) muốn im lặng và biết tôi cũng học được cái im lặng của Ôn, bức thư của Ôn là lời giáo huấn quý báu mà tôi nghĩ là không nên để mất".
Nội dung bức thư ấy:
16-2-1998
Thuần,
Được thư Thuần khá lâu, cả thư viết cho Trung Hậu. Tôi sững sờ chua xót cho đến nay, ngày càng tăng lên. Tại sao lại có thể rủi ro đến như vậy được? Tôi đã nghĩ, và đã làm một băng thu thanh cassette gửi cho Thuần. Nhưng làm 2 lần mà hỏng cả. Bực mình nên bỏ. Biết rằng Thuần nay viết và đọc rất khó, nhưng đành viết mà thôi.
Sự mong mỏi và thiết tha cầu nguyện của tôi là Thuần sớm định tĩnh trong cảnh ngộ mới với bao bất hạnh. Chẳng những mong và cầu cho Thuần như vậy, mà càng mong và cầu như vậy cho chị Thuần - nay thì chị Thuần là trụ cột của tiểu gia đình Thuần.
Thuần ơi, ta không thể có sự tin ông Trời của bao tâm hồn chất phác và của những tâm trí mỏi mệt. Ta khẳng định đời sống không đơn giản là nguyên tử chuyển động. Ta biết ta có Chân như, ta là Chân như. Trong cái vỏ của phiền não và trí thức, Chân như vẫn có lúc đột nhiên lộ ra, và ta cảm nhận được. Bằng sự cảm nhận ấy mà ta tập sống theo phẩm chất của Chân như. Và rồi, khi là chư Phật, chư Bồ-tát, thì cũng là hoạt dụng Chân như ấy - Ta sống bằng Chân như, trong hiện tại và trong cứu cánh. Ta là như vậy, sự sống và cuộc sống của ta là, và sẽ là, như vậy.
Đó là nói theo trí thức. Nhưng tôi thì đã không sống với trí thức ấy. Đã lâu rồi, tôi tin đức Di-đà trụ trên đỉnh đầu của tôi. Tôi cố sống sao như đức tính qua danh hiệu của Ngài: hỷ xả, điềm đạm, tự phán xét, tự trách nhiệm, và bằng những phẩm chất này mà tôi biết tôi phải sống ở thế giới này và sẽ sống ở thế giới này. Sống ở thế giới này mà là như thế giới của tôi: thế giới Cực lạc. Với 6 tiếng Nam mô A-di-đà Phật, với sự thấy rõ Ngài trụ trên đỉnh đầu của tôi, tôi sống như vậy và sống được như vậy, trong bất cứ cảnh ngộ nào, càng ngang trái và càng bất hạnh, tôi càng cảm kích hơn lên.
Thuần ơi, đó là sự cứu độ Phật ban cho tôi. Tôi ước mong, Thuần cũng tiếp nhận được sự cứu độ ấy trong nỗi bất hạnh quá bất ngờ và lớn lao. Xin gửi lời thăm và chia sẻ bao chua xót và lo nghĩ của chị ấy".
Thủ bút của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang trong bức thư gởi Giáo sư Cao Huy Thuần. Cảm ơn Thầy Thích Không Nhiên ở đặc san Liễu Quán đã chia sẻ thông tin, tư liệu. |
Đó là vào năm 1998, khi ông phải vào bệnh viện để mổ mắt theo chỉ định của bác sĩ vì nhãn áp cao ngoài sự kiểm soát. Kết quả phẫu thuật không tốt như dự đoán ban đầu, khiến cho ông rơi vào trạng thái tinh thần tồi tệ.
"Giữa cơn bão tố bấn loạn ấy, tôi nhận được thư của Thầy tôi. Thầy chưa bao giờ viết một thư dài như thế. Thường chỉ vài chữ dặn dò (...) Thầy tôi, dù không muốn, dù bất đắc dĩ, dù sao cũng đã là một nhân vật lịch sử mà giới bình luận gia thường nói là khó hiểu, chẳng biết ông Thích Trí Quang này đỏ hay đen, vàng hay trắng, chống ai, muốn gì. Trong chiến tranh, ai cũng nhìn Thầy qua lăng kính chính trị, có hiểu con người của Thầy đâu mà đoán gần đoán xa. Thư Thầy viết cho tôi, vì vậy, là một chút tâm sự để hiểu Thầy, tôi không muốn giữ mãi cho riêng tôi, một mai sẽ mất. Trong thư, tôi, và khủng hoảng của tôi, chỉ là bối cảnh để Thầy nói về niềm tin của Thầy, niềm tin này xin được xem như gửi đến mọi Phật tử, không riêng gì tôi", ông viết.
Thắp một nén trầm, "tuy xa xôi vẫn là gang tấc", như lời nhắn đẫm tình mà ông gởi về ngày giáp Tết vừa rồi, giáo sư Cao Huy Thuần vẫn xanh với giọng thâm trầm và tinh khôi như bao lần, gần gũi, thiền vị bên ấm trà nóng dưới mái hiên chùa. Tôi muốn nói như cách chúng tôi gọi ông thường ngày: "Thưa Anh, lá thư ấy đã là của mọi người, của gia đình chúng ta".
Giáo sư Cao Huy Thuần với Thầy Thích Tâm Hải - Ảnh: TTNT |
Giáo sư Cao Huy Thuần sinh năm 1937, trong một gia đình trí thức theo đạo Phật tại Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên Huế). Ông thọ Tam quy Ngũ giới với cố Đại lão Hòa thượng Trừng Hóa Hưng Dụng (Hòa thượng Lương Bật).
Ông học Trường Quốc học, sau đó học Đại học Luật Sài Gòn (1955-1960), dạy học tại Đại học Huế (1962-1964), chủ trương báo Lập Trường, tham gia tranh đấu phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo và đàn áp Phật giáo năm 1963 tại Huế.
Năm 1964, ông du học tại Pháp, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Paris (1969); sau đó là giám đốc Trung tâm nghiên cứu về cộng đồng châu Âu tại Đại học Picardie. Trước khi nghỉ hưu, ông là giáo sư tại Đại học Picardie, Cộng hòa Pháp.
Cao Huy Thuần là tác giả của nhiều công trình bằng tiếng Pháp về khoa học chính trị và quan hệ quốc tế. Nhiều tác phẩm của ông được xuất bản, tái bản nhiều lần trong nước, như:
1 - Thượng đế, Thiên nhiên, Người, Tôi và Ta (Triết lý luật và tư tưởng Phật giáo);
2 - Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam, 1857-1914;
3 - Từ Đông sang Tây (chủ biên cùng với Nguyễn Tùng, Trần Hải Hạc, Vĩnh Sính);
4- Tôn giáo và xã hội hiện đại;
5 - Nắng và Hoa;
6 - Thế giới quanh ta;
7 - Thấy Phật;
8 - Khi tựa gối khi cúi đầu;
9 - Chuyện trò;
10 - Nhật ký sen trắng;
11 - Sợi tơ nhện;
12 - Đến với Phật cùng tôi;
13 - Người khuân đá;
14 - Sen thơm nắng hạ quê mình;
15 - Im lặng như lời chia tay…