Giáo hội và Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016 (Kỳ 3)

Xây dựng cơ chế chủ động


GN - PGS. TS.Nguyễn Cảnh Hợp, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học, nguyên Trưởng khoa Luật Hành chính thuộc Đại học Luật TP.HCM là một chuyên gia trong lĩnh vực luật hành chính. Ông có gần 15 năm làm việc tại Vụ Pháp luật - Văn phòng Quốc hội, đảm nhiệm công tác thẩm định các dự án luật trong nhiều lĩnh vực khác nhau; tham gia giảng dạy, hướng dẫn nhiều luận văn, luận án chuyên ngành luật, trong đó có luật về tôn giáo. 

Hinh.JPG

PGS. TS.Nguyễn Cảnh Hợp

Khi được đề nghị đánh giá về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, PGS. TS.Nguyễn Cảnh Hợp cho hay:

- Vấn đề tôn giáo luôn được xã hội đặc biệt quan tâm bởi vì, ở nước ta, tôn giáo và dân tộc có mối quan hệ khăng khít với nhau. Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thì phải đoàn kết được toàn dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo. Giải quyết tốt vấn đề tôn giáo sẽ tạo tiền đề quan trọng để thực hiện đại đoàn kết dân tộc.

Chính vì lẽ đó, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 được ban hành trong bối cảnh nước ta đang thực hiện các bước đi hội nhập sâu rộng đối với quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Theo đánh giá chung, luật này có nhiều điểm mới, tiến bộ, thể hiện tính công khai, dân chủ, minh bạch, các yếu tố cụ thể của nhà nước pháp quyền, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Các quy định của luật cũng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành như Bộ luật Dân sự, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Di sản văn hóa, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Giáo dục.

Việc ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có ý nghĩa quan trọng cả về đối nội lẫn đối ngoại, khắc phục kịp thời những bất cập hiện có của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người, phù hợp với chủ trương cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính hiện nay ở nước ta, phục vụ đắc lực hơn nữa cho yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam, đảm bảo lợi ích của đất nước, quyền và nghĩa vụ của mọi người trong xã hội.

* Như vậy, việc áp dụng luật này trong thời gian sắp tới có dễ dàng và khả thi không, thưa ông?

- Việc ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 với một tinh thần cởi mở, thông thoáng cho thấy Nhà nước ta có những cái nhìn mới về tôn giáo: Nâng cao tầm quan trọng của sinh hoạt tôn giáo trong đời sống tinh thần của người dân, đồng thời cũng dân sự hóa và giảm thiểu các yếu tố chính trị để hoạt động tôn giáo thuần túy thuộc về phương diện văn hóa, tâm linh, nhân bản xã hội và phát triển cộng đồng.

Nếu có sự so sánh với Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 8-11-2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, rõ ràng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 có những thay đổi rõ nét từ cách sử dụng từ ngữ, kết cấu các điều khoản đến nội dung các quy định. Từ thực tiễn này, chúng ta có thể thấy sự tiến bộ trong tư duy, quan điểm lập pháp của nhà nước.

Với những điểm đổi mới cơ bản trong luật này, theo tôi, có ba nội dung mang tính khả thi cao như sau: Thứ nhất là luật đã mở rộng chủ thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo “mọi người” - thể hiện đúng bản chất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người; thứ hai là luật bổ sung thêm một chương về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phản ánh rõ hơn phạm vi điều chỉnh cũng như thể hiện một cách cơ bản nhất chính sách của Nhà nước trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; cuối cùng là quy định thời gian để được công nhận là tổ chức tôn giáo giảm từ 23 năm hoạt động liên tục xuống còn 5 năm, tạo thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo trong quá trình đề nghị được công nhận chính thức.

Rất khó để so sánh pháp luật tôn giáo nước ta với các nước khác ra sao, ở đâu có tính khả thi hơn, vì điều kiện, hoàn cảnh và tình hình mỗi nước mỗi khác. Không những thế, tính chất và biểu hiện trong sinh hoạt tôn giáo của người dân ở mỗi quốc gia cũng không thể giống nhau. Tuy vậy với những gì được quy định, tôi cho rằng, ở Việt Nam, nếu là một tổ chức tôn giáo thuần túy, được hình thành, đăng ký hoạt động theo một thể thức và ý niệm trong sáng, không liên đới nhiều đến chính trị thì sẽ rất sẽ dàng hoạt động. Một vấn đề nữa cũng cần đề cập là khi luật mới có hiệu lực sẽ hạn chế được việc lợi dụng tình hình sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam để có những xuyên tạc không đúng sự thật.


* Là chuyên gia về Luật Hành chính, Phó Giáo sư tư vấn như thế nào cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc áp dụng luật để tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới?

- Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một hình thái tổ chức xã hội nên chắc chắn sẽ chịu những tác động nhiều mặt khác nhau của sự thay đổi trong xã hội, trong đó có yếu tố pháp luật. Việc cởi mở và thông thoáng về tư tưởng lập pháp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo hoạt động nhưng cũng đặt ra những thách thức nhất định. Trong hoàn cảnh này, nếu tổ chức tôn giáo nào có khả năng điều chỉnh về hệ thống cấu trúc, đổi mới cách thức hoạt động, linh hoạt trong nhận thức thì sẽ có sự phát triển và trở thành niềm tin tâm linh của xã hội; còn ngược lại thì sẽ dần lụi tàn và mất đi vai trò ảnh hưởng của mình.

Với những trình bày ở trên, vấn đề quan trọng hiện tại của Giáo hội Phật giáo đối việc thực thi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 đó là sự chuyển mình về thể chế tổ chức để làm sao Giáo hội là một thực thể chủ động và có tính quần chúng hóa. Điều này có nghĩa là Giáo hội cần tránh xây dựng các cấp hành chính cồng kềnh, hình thức và thiếu thực chất, đồng thời có chiến lược thúc đẩy các lễ hội tâm linh trở thành nếp sống cần thiết của tín đồ, vận động và đầu tư xây dựng cơ sở văn hóa, giáo dục và y tế trực thuộc hoạt động có hiệu quả.

* Chân thành cảm ơn Phó Giáo sư!

Ý kiến chuyên gia

* TS.Cao Vũ Minh, Tiến sĩ Luật học, Thư ký tòa soạn Tạp chí Khoa Học Pháp Lý:

- Theo chúng tôi, việc Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 quy định theo hướng mở rộng phạm vi chủ thể có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo từ “công dân” - chủ thể hẹp, giới hạn bởi yếu tố quốc tịch sang chủ thể “mọi người” - chủ thể rộng, là điểm mới quan trọng nhất, thể hiện cách nhìn nhận thực tế, trách nhiệm, đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề nhân quyền, cụ thể là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ngoài ra, việc mở rộng chủ thể như vậy là phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013, phù hợp với các cam kết quốc tế, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ là của “công dân” Việt Nam mà là của “mọi người” - không biên giới, không phân biệt. Đây là một trong những quyền con người quan trọng, cơ bản, phải được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm. Chính vì vậy, GHPGVN cần nghiên cứu tinh thần này để điều chỉnh các thiết chế tổ chức hành chính và văn bản pháp quy của Giáo hội theo hướng mở rộng phạm vi kêu gọi, tập hợp tín đồ và những người có cảm tình với Phật giáo tăng trưởng đạo lực, thực hiện các Phật sự mang tính nhập thế ngày càng vững mạnh.

* TS.Lê Bí Bo, Tiến sĩ Luật học, Giảng viên Học viện Cán bộ TP.HCM:

- Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 sẽ mở ra một chương mới về tình hình sinh hoạt tôn giáo ở nước ta trong thời gian tới. Trong bối cảnh đó, để không bị tụt lại sau lưng, Giáo hội cần phát huy kết quả đã đạt được trong các công tác Phật sự nhiều năm qua để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Để các chương trình hành động trên phương diện tâm linh lẫn xã hội được đảm bảo, các cấp Giáo hội cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ với hệ thống chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội khác nhằm hạn chế những nhân tố tiêu cực tiềm ẩn, tăng trưởng tính hiệu quả và tạo sự tác động xã hội to lớn.

Song song đó, Giáo hội cũng cần đề cao vai trò của tín đồ khi triển khai các Phật sự vì đó là nguồn lực sẵn có và luôn mang tâm niệm thiện lành, góp sức rất cao. Nếu có cơ chế và chiến lược đúng đắn, chính tín đồ sẽ là đối tượng giúp cho Giáo hội thực hiện các chương trình xã hội hóa về y tế, văn hóa, giáo dục theo đúng tinh thần của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016.


* Bài liên quan:

Kỳ 2: Thông thoáng nhưng cần thận trọng ||

Bảo Thiên thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.