Giá trị văn hóa lịch sử của thiền phái Trúc Lâm và chùa Vĩnh Nghiêm

Giá trị lớn nhất của thiền phái Trúc Lâm đó chính là tư tưởng triết lý Phật giáo thuần Việt.

Nhằm làm sáng tỏ giá trị to lớn về mặt văn hoá, lịch sử, tôn giáo của thiền phái Trúc Lâm và chùa Vĩnh Nghiêm cũng như mộc bản kinh Phật, đồng thời đề xuất các giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, ngày 5-12 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Uỷ ban UNESCO, T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội Di sản văn hoá Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang và thiền phái Trúc Lâm trong quá trình phát triển Phật giáo Việt Nam".

Trần Nhân Tông là một trong những vị vua tài đức từng chỉ huy quân dân Đại Việt 2 lần đánh thắng giặc Nguyên Mông. Thiền phái Trúc Lâm được nhà vua sáng lập nhằm xây dựng một hệ tư tưởng độc lập với Trung Hoa, quy tụ sự thống nhất của cả dân tộc tạo nên sức mạnh đoàn kết để bảo vệ đất nước. Các vị Tổ Trúc Lâm đã biết tiếp thu tinh hoa của các tôn giáo khác, chuyển hoá thành tôn giáo riêng của người Việt với chủ trương lấy lợi ích quốc gia dân tộc và lợi ích chúng sinh làm mục tiêu căn bản.

Chua-Vinh-Nghiem.jpg

Chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang cổ kính được xây dựng từ thời Lý đến thời Trần,
chiếm vị trí đặc biệt trong lịch sử văn hóa Phật giáo Việt Nam

Ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu, khoa học khẳng định: giá trị lớn nhất của thiền phái Trúc Lâm đó chính là tư tưởng triết lý Phật giáo thuần Việt.

TT. Thích Đồng Bổn, Trưởng ban Phật giáo Việt Nam - Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam nói: “Nói về lĩnh vực văn hóa, kho tàng lớn nhất của Thiền phái Trúc Lâm là những bài kệ, những bài thơ do Trúc Lâm Đầu Đà - Vua Trần Nhân Tông để lại. Điển hình nhất là bài Cư trần lạc đạo phú, đây được coi là một tuyệt tác văn học và hàng loạt những bài thơ về cuộc đời về Yên Tử. Những bài thơ này luôn luôn mang tư tưởng Việt Nam và tư tưởng dung thông tất cả”.

Còn Tiến sĩ Dương Tuấn Anh, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng Thiền phái Trúc Lâm đã làm cho con người dù xuất gia hay không xuất gia đều có thể hướng đến Phật. Tiến sĩ Dương Tuấn Anh nói: “Ở Phật giáo Trúc Lâm, Trần Nhân Tông đã rất chú trọng vào Thiền Tâm như là một điểm quy tụ lòng người. Điểm quy tụ lòng người của Thiền phái Trúc Lâm không giống như các tôn giáo khác trên thế giới, chính điều này đã làm cho con người ta từ xuất gia hay không xuất gia thì cái tâm vẫn có thể hướng đến Phật và cái phong hóa của đất nước sẽ ngày càng thuần hậu hơn”.

Hội thảo "Chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang và thiền phái Trúc Lâm trong quá trình phát triển Phật giáo Việt Nam" diễn ra trong khi mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều ý kiến quý báu, đề xuất các giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị của Thiền phái Trúc Lâm cũng như chùa Vĩnh Nghiêm và kho mộc bản kinh Phật. Theo Tiến sĩ Dương Tuấn Anh, Đại học Sư phạm Hà Nội, đó phải là giải pháp đồng bộ và có sự kết hợp trong đạo, ngoài đời, chính quyền, đoàn thể và các nhà nghiên cứu. Để mộc bản sống lại, chúng ta nên in thành những cuốn sách. Tiến sĩ Thích Đồng Bổn, Trưởng ban Phật giáo Việt Nam - Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam cho biết thêm: “Làm sao để mộc bản sống lại, nghĩa là chúng ta phải dùng mộc bản đó in trở lại thành những cuốn sách rồi tổ chức những cuộc hành hương về chốn tổ. Khi đến đó người ta thỉnh được mộc bản như ngày xưa ông Tổ Vĩnh Nghiêm đã làm tại chùa Vĩnh Nghiêm để phổ biến trong cả nước”.

Không còn nghi ngờ về giá trị to lớn của Thiền phái Trúc Lâm, chùa Vĩnh Nghiêm và kho mộc bản kinh Phật đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Vấn đề cần quan tâm bây giờ là làm sao để những giá trị ấy có thể phát huy những ảnh hưởng tích cực đối với đời sống xã hội. Đó mới chính là cách để di sản có thể sống theo đúng nghĩa!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.