Một buổi thiền hành tại chương trình "Sống trong chùa" của Hàn Quốc
Trong bài viết này, chúng tôi dành những trang viết cho hai vấn đề mà chúng tôi quan tâm, cụ thể là: giá trị phổ quát của thiền và thuyết nghiệp của đạo Phật. Học giả kiêm thiền sư người Mỹ, Alan Wilson Watt (1957) đã nhận định: “Thiền là một trong những món quà quý báu nhất mà châu Á đã tặng cho thế giới” (tr.3). Thêm vào đó, giá trị thuyết nghiệp của đạo Phật, được các nhà khoa học danh tiếng bàn đến gần đây, một học thuyết đầy tính nhân bản đối với loài người nói riêng và chúng sinh nói chung.
Khi nhắc đến giá trị (value) là chúng ta nhắc đến cái vốn có của một vật đáng giá và trước hết là theo nghĩa giá trị trao đổi về mặt vật chất trong tương quan so sánh với các vật khác dưới cái nhìn chủ quan. Chúng ta có thể tạm hiểu “giá trị” là thứ được “chúng ta gán cho giá trị và ý nghĩa liên quan đến các hiện tượng khác” (Chris Barker, 2004, tr.206) theo cách hiểu của Chris Barker trong The Sage dictionary of Cultural studies (Từ điển minh triết về nghiên cứu văn hóa). Theo cách hiểu của Trần Ngọc Thêm (2015) thì giá trị có thể quy về 3 nhóm chính: giá trị chủ yếu thuộc về bản thân sự vật, giá trị chủ yếu thuộc về chủ thể định giá và giá trị chủ yếu nằm trong các mối quan hệ (tr.13). Ở đây, chúng tôi không có điều kiện để bàn sâu đến lý thuyết về giá trị mà chỉ muốn đề cập đến cái cụ thể nhất là: giá trị phổ quát của thiền Phật giáo và giá trị của thuyết nghiệp. Hai giá trị này của đạo Phật đã, đang và sẽ còn hữu ích ở xã hội của châu Á nói riêng và thế giới nói chung.
Giá trị của thiền Phật giáo đối với nhân loại
Đạo Phật, tuy có nguồn gốc ở Ấn Độ nhưng trong quá trình phát triển, nó gần như đã biến mất khỏi Ấn Độ, nhưng lại là một tôn giáo lớn của thế giới trên địa bàn rộng khắp châu Á: từ Trung Quốc, Tây Tạng, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, đến Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Sri Lanka…, và hiện nay là một số nước phương Tây có thể kể đến là Pháp, Đức, Hoa Kỳ… Có thể nói, đạo Phật có cả một hệ giá trị đã thấm sâu vào bất cứ dân tộc nào, nơi nó hiện hữu. Những giá trị phổ biến và độc đáo của Phật giáo có thể kể đến như lòng từ, lòng bi, lòng hoan hỷ, năm giới, mười thiện, thiền định v.v… Trong phần này, chúng tôi đề cập đến giá trị của thiền Phật giáo dưới khía cạnh là tác động của nó đối với cá nhân và xã hội hay nói cách khác, đó là tính nhân bản của thiền Phật giáo và hơn thế nữa, thiền còn là một phương thức để giữ gìn sức khỏe cho con người hiện đại.
Trước hết, chúng ta cần nắm bắt rằng, thiền (禪) không phải là sản phẩm riêng có của Phật giáo mà nó đã tồn tại từ rất lâu trước khi Phật giáo xuất hiện ở Ấn Độ. Thiền có thể là sáng tạo của những nhà minh triết Ấn Độ từ rất xa xưa, có trước cả những thành phố cổ đại Mohenjo-Daro và Harappa được các nhà khảo cổ Anh và Ấn Độ khai quật được ở thung lũng sông Indus và niên đại được đánh giá vào khoảng 4000-5000 năm trước TL. Trong các cổ vật đào bới được, có tượng người ngồi ở tư thế kiết-già hay còn gọi là tư thế hoa sen (lotus position), vốn là tư thế đặc trưng của thiền. Trong Ấn giáo, Thần Shiva vốn được tôn thờ như là vị thần của thiền định và tượng người ngồi thiền ở thế hoa sen nở ở hai thành cổ Mohenjo-Daro và Harappa được nhận định như là tượng Thần Siva (Minh Chi, 2005b, tr.181). Tính xa xưa của thiền ít nhất cũng minh chứng cho chúng ta thấy được tác dụng và hiệu quả mà chúng ta có thể gọi là giá trị (value) của thiền như là một nếp sống và một biện pháp tu tập thân tâm. Nếu thiền không có tác dụng và hiệu quả lớn đối với cuộc sống và con người thì thiền ắt hẳn là đã bị con người quên lãng, vứt bỏ và biến mất từ lâu. Thế nhưng, thiền vẫn hiện hữu trong xã hội hiện đại và ngày càng phổ biến rộng khắp, không chỉ ở các nước châu Á mà có ở các nước phương Tây với nhiều trung tâm dạy thiền mọc lên khắp nơi. Do vậy, có thể khẳng định rằng, thiền Phật giáo có giá trị và sức sống trường tồn của nó trong mọi thời đại.
Thế giới ngày nay - một thế giới với công nghệ thông tin liên lạc phát triển như vũ bão - con người có thể sử dụng chúng để làm việc, thông tin liên lạc một cách rất hiệu quả. Thế nhưng thế giới hiện tại cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất trắc mà con người khó tránh khỏi như chiến tranh, bệnh tật, chết chóc, bất hạnh…, đặc biệt là chiến tranh nếu nó xảy ra thì sự tàn khốc của nó là vô cùng lớn và khó lường trước được và có thể hủy diệt cả hành tinh. Sống trong một thế giới như vậy, tâm của con người bất an, luôn bị căng thẳng (stress) và hậu quả là họ bị lôi kéo sa đà vào những thói hư tật xấu như rượu chè, cờ bạc, ma túy, mại dâm, sống vô cảm v.v… để quên đi cuộc sống hiện tại đầy đau khổ, bức xúc, bất hạnh hoặc lấp đầy chỗ trống vắng tâm linh2. Thiền có tác dụng đem lại cho con người cuộc sống bình tâm, làm việc chính xác, tập trung, cuộc sống thực sự có hạnh phúc, có nhân tình, nhân đạo, có hậu…
Thiền Phật giáo có tác dụng giúp cho tâm con người hiện đại bình lặng, đem lại cuộc sống an lạc, làm việc tập trung, hiệu quả, bớt lăng xăng, bức xúc, giảm strees (một căn bệnh phổ biến của xã hội hiện đại), làm cho cuộc sống của con người có ý nghĩa hơn và con người có thể thực hành nó một cách đơn giản và hiệu quả ở mọi lúc, mọi nơi theo cách mà người Nhật làm. Ở người Nhật, làm gì họ cũng “thiền” và thiền giúp cho công việc của họ trở nên có hiệu quả. Đi thiền, đứng thiền, học tập, uống trà, làm việc v.v… mọi việc đều có thể hành thiền mà họ gọi là “thiền tích cực” (positive samadhi, positive meditation). Theo học giả Minh Chi (2005), “thiền tích cực” còn được gọi là “thiền tỉnh giác” (tr.184), tức là mọi hoạt động mà chúng ta tham gia vào như ăn, uống, ngủ, nghỉ, làm việc, giải trí lành mạnh, đi, đứng, nằm, ngồi v.v… đều phải tỉnh táo, tỉnh thức.
Khi chúng ta ăn, chúng ta biết là chúng ta đang ăn để có thể nếm được mùi, vị ngon của thức ăn, tránh tình trạng chúng ta vừa ăn, vừa làm việc, vừa ăn, vừa xem ti vi, vừa ăn vừa cắm cúi nhắn tin điện thoại trên Ipad, điện thoại thông minh hoặc chát với bạn bè. Nếu ăn như thế thì đâu còn cảm nhận được mùi vị ngon của thức ăn!. Khi uống, chúng ta biết là chúng ta đang uống. Tránh tình trạng chúng ta uống rượu, bia đến căng bụng mà vẫn còn uống, không kiểm soát được hành vi, uống cho đến say. Ăn uống như vậy là thứ độc hại chứ không phải nạp vào cho cơ thể những chất tố bổ, lành để giúp cho cơ thể lành mạnh, kéo dài tuổi thọ. Ăn, uống không tỉnh táo như vậy sẽ làm cho cơ thể chúng ta sinh nhiều bệnh tật, bị đột quỵ bất ngờ... Khi chúng ta làm việc tốt, chúng ta biết là chúng ta đang làm việc tốt, cần phát huy. Khi chúng ta có ý định xấu, hại người thì chúng ta biết là chúng ta đang có ý nghĩ không tốt và phải dừng lại, loại bỏ nó ra khỏi đầu. Khi chúng ta lái xe ngoài đường, chúng ta cần tỉnh táo là chúng ta đang lái xe và phải lái xe với tất cả sự thận trọng, đầy trách nhiệm và tình thương và tránh việc mất tập trung trong lúc lái xe theo kiểu vừa lái xe vừa nghe điện thoại, nhắn tin; vừa lái xe vừa nghĩ tới công việc ở văn phòng, gặp bạn bè chiều nay, ăn gì, uống gì, tìm cái gì để giải trí cho tối nay v.v…
Nếu mọi người đều tỉnh táo trong việc lái xe ngoài đường, nhận thức được mình đang tham gia vào giao thông mà nếu không tỉnh táo, cẩn thận thì có thể gây tai nạn cho chính bản thân mình và người khác, thì chúng tôi tin rằng tai nạn giao thông sẽ giảm hẳn, tránh được nhiều tai nạn đáng tiếc sẽ xảy ra. Khi chúng ta làm việc, chúng ta phải hết sức tập trung cho công việc, tránh tình trạng vừa làm vừa chơi dẫn đến công việc không xong, việc làm không đạt hiệu quả cao, gây lãng phí thời gian và tiền của của chính bản thân và xã hội. Điều này đang xảy ra khá phổ biến ở xã hội chúng ta. Thiền giúp chúng cho tâm chúng ta bớt lăng xăng, hay nghĩ đâu đâu như kiểu cụ Nguyễn Công Trứ ở thế kỷ XIX: “Ở nhà lại muốn ra đi/ Ra đi lại nghĩ ở nhà khi hơn”.
Chúng tôi rất khâm phục tinh thần và thái độ làm việc rất tập trung của người Nhật. Nói tóm lại, lối “thiền tích cực” (theo kiểu của người Nhật) mà chúng ta có thể học tập và kiên trì thực hành sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống. Người Nhật là tấm gương rất đáng noi theo về thiền tích cực. Chính trên ý nghĩa này mà một nhà nghiên cứu Phật Việt Nam đã nhận xét: “Sức mạnh của thiền, tức là của đạo Phật ở Nhật Bản chính là ở chỗ nó thẩm thấu vào tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và đời sống con người. Thiền thể hiện trong cuộc sống và gắn chặt với cuộc sống.” (Minh Chi, 2005a, tr.177). Đó có lẽ cũng chính là lời nhắn nhủ của ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ thời Trần, thầy dạy của vua Trần Nhân Tông trong bài Phật tâm ca: “Hành diệc thiền, tọa diệc thiền…” (行 亦 禪 坐 亦 禪). Tức là: Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền... (Nguyễn Huệ Chi (cb), 1988, tr.273).
Thiền còn có tác dụng cực kỳ quan trọng và hữu ích nữa là làm cân bằng tâm lý, thân vật chất của đương sự tham gia hành thiền. Thiền để giữ gìn sức khỏe, làm đẹp v.v… đang phát triển mạnh mẽ ở các nước trên thế giới, ngay cả ở các nước có các tôn giáo truyền thống phát triển mạnh ở Tây Âu như Anh, Pháp, Mỹ, Đức v.v… với nhiều trường phái thiền khác nhau như thiền Phật giáo Tây Tạng, thiền Phật giáo Trung Hoa, thiền Phật giáo Nhật Bản, thiền Phật giáo Việt Nam, thiền Phật giáo Thái Lan, thiền Phật giáo Myanmar v.v… Với giá trị của thiền như chúng tôi đã nêu, đã làm cho ngày càng nhiều người ở các nước phương Tây theo đạo Phật và học thiền Phật giáo.
Như vậy, ngày càng có nhiều người trên thế giới nhận thức được lợi ích và giá trị của việc hành thiền. Thiền đã giúp ích cho cuộc sống của nhiều người trở nên tốt đẹp, cân bằng, hài hòa, hạnh phúc, khỏe mạnh để đóng góp tích cực hơn cho mọi chúng sinh trên hành tinh của chúng ta (tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời). Như vậy, “Thiền là một trong những món quà quý báu nhất mà châu Á đã tặng cho thế giới” (Alan W. Watt, 1957, tr.3)3 như lời của học giả người Mỹ đã nhận định từ những năm 1950 của thế kỷ trước.
Theo kinh Nguyệt đăng tam muội (Chandradipa Samadhi Sutra), hành thiền đúng phép có thể đem lại cho người hành thiền những lợi ích như sau:
(1) Các căn được an tịnh và một cách tự nhiên, hành giả cảm thấy thích thú với thói quen hành thiền hàng ngày;
(2) Lòng từ xâm chiếm tâm của hành giả. Với lòng từ, hành giả xa lìa mọi tội lỗi và xem tất cả chúng sanh như là anh chị em;
(3) Những dục vọng làm mệt mỏi và đầu độc thân tâm như là giận dữ, keo kiệt, kiêu ngạo... dần dần xa lìa tâm của hành giả; (
4) Nhờ hộ trì chặt chẽ các căn, cho nên những niệm ác, xấu không len vào tâm hành giả được;
(5) Với tâm trong sáng và tư thái bình thản, hành giả không còn thèm muốn gì đối với những dục vọng thấp hèn;
(6) Tâm thức của hành giả tập trung vào những ý niệm cao cả, mọi tư tưởng vị kỷ, ham muốn, quay cuồng theo dục vọng đều lìa xa;
(7) Hành giả không lạc vào chủ nghĩa hư vô mặc dù thấy rõ mọi sự vật đều không rỗng bèo bọt;
(8) Tuy vẫn còn trong vòng sanh tử luân hồi, nhưng hành giả đã nhận thức rõ con đường giải thoát;
(9) Nhờ đi sâu vào giáo pháp mầu nhiệm, hành giả nương tựa vào trí tuệ của Đức Phật;
(10) Vì không còn gì hấp dẫn và làm cho hành giả ham muốn, nên hành giả cảm thấy như con phượng hoàng đã thoát khỏi lưới và đang bay lượn tự do trên bầu trời (Minh Chi, 2005a, tr.171-172).
Bàn về giá trị của thiền Phật giáo, chúng ta có thể nói tới thiền ở một cấp độ cao hơn mà các nhà nghiên cứu thiền gọi là Thiền tuyệt đối (Absolute samadhi). Thiền tuyệt đối chỉ dành cho những người có điều kiện thực hiện, các vị Tăng Ni mà ở đây, chúng tôi xin phép không bàn nhiều vì không có điều kiện. Chúng tôi cho rằng, những người bình thường trong cuộc sống hiện đại, chỉ cần thực hành được thiền tích cực là chúng ta đã rất thành công và được nhiều lợi ích trong cuộc sống.
Giá trị thuyết nghiệp của đạo Phật
Đạo Phật dù đã biến mất khỏi Ấn Độ sau hơn một ngàn năm tồn tại nhưng lại phổ biến ở các nước khác ở châu Á ngoài Ấn Độ và hiện nay nó trở thành một tôn giáo thế giới. Thuyết nghiệp của đạo Phật là một giá trị tôn giáo rất phổ biến ở các nước châu Á như Trung Quốc, Tây Tạng, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam, Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan, Sri Lanka... cũng như hiện nay nó có giá trị phổ quát toàn cầu.
Tương tự như thiền, thuyết nghiệp không phải là sản phẩm riêng của Phật giáo. Vốn dĩ, thuyết nghiệp đã có mặt từ rất lâu trong nền văn minh Ấn Độ, trước khi đạo Phật ra đời. Chúng ta có thể kể đến nhiều hệ tư tưởng của Ấn Độ cổ đại có thuyết nghiệp như thuyết nghiệp trong Tôn giáo Vệ-đa, thuyết nghiệp trong Bộ luật Manu cổ của Ấn Độ, thuyết nghiệp theo Thánh ca Bhagavad Gita, thuyết nghiệp theo Trường phái Yoga, thuyết nghiệp theo đạo Jain (Kỳ-na giáo)…
Thuyết nghiệp, theo đạo Phật bắt nguồn từ chữ Pāli kamma hay chữ Sanskrit karma (từ gốc từ kr là làm), Hán dịch là nghiệp (業), có nghĩa là “hành động”, “làm”. Nhưng theo thuyết nghiệp của đạo Phật, nó có một nghĩa đặc thù: nó chỉ cho “hành động có tác ý” (volitional action), chứ không phải tất cả mọi hành động (Walpola Rahula, 1962, tr.32). Như vậy, trước hết, đạo Phật cho rằng, nghiệp thiện hay ác chỉ có thể hình thành trên cơ sở động cơ tâm lý của đương sự, tức là có dụng tâm của đương sự mà Phật giáo Nguyên thủy gọi là tác ý (cetanā). Nói cách khác, tác ý chính là nghiệp, không có tác ý thì không có nghiệp. Theo đạo Jain thì mọi hành động đều tạo ra nghiệp, bất chấp đương sự có dụng tâm hay không, có đưa ý chí của mình vào hành động đó hay không. Quan điểm về nghiệp của đạo Phật rất tích cực, nó động viên con người nhiều hơn, tránh sự bi quan, lo lắng không cần thiết. Đạo Phật xem nghiệp là bất định, tức là có thể thay đổi được theo chiều hướng tốt hay xấu tùy theo đương sự tạo nghiệp. Nếu đương sự tạo ra nhiều nghiệp lành, nghiệp thiện thì nghiệp này có thể giúp cải tạo đời sống của đương sự theo chiều hướng tốt. Ngược lại, đương sự tạo ra nhiều nghiệp ác, nghiệp dữ thì nghiệp sẽ hủy diệt đời sống của đương sự. Và đây chính là ý nghĩa hết sức tích cực, nhân bản của thuyết nghiệp của đạo Phật mà chúng ta nên vận dụng càng nhiều, càng tốt vì nó có tính tích cực, cải thiện cá nhân, cải thiện xã hội trở nên tốt đẹp.
Theo Minh Chi (1996), đạo Phật đề cập tới hai loại nghiệp quan trọng quyết định hướng tái sinh và cuộc sống của chúng sinh đó là dẫn nghiệp và mãn nghiệp. Dẫn nghiệp (còn gọi là tái sanh nghiệp, preproductive karma) là nghiệp dẫn dắt, quyết định hướng tái sinh của chúng sinh vào một trong sáu cõi (theo đạo Phật): cõi Trời, cõi A-tu-la và cõi Người (ba cõi thiện); cõi Súc sinh, cõi Quỷ đói và cõi Địa ngục (ba cõi ác). Đây là loại nghiệp có cường độ rất mạnh.
Mãn nghiệp hay còn gọi là năng trì nghiệp (能 遅 業, supportive karma) là nghiệp sai biệt làm cho mọi chúng sinh có sai biệt không ít thì nhiều, không có hai loại chúng sinh thọ nghiệp giống nhau hoàn toàn (do nghiệp của chúng tạo ra không hoàn toàn giống nhau). Mãn nghiệp giải thích được tại sao ở đời này có người hạnh phúc, người bất hạnh, người giàu sang, kẻ nghèo hèn, người có uy tín nói ra ai cũng tin, người nói rất giỏi nhưng không ai tin, người có dung nhan đẹp đẽ, kẻ có thân thể xấu xí, có người mới sinh ra mắc phải những dị tật, hay những chứng nan y khó chữa v.v… Tất cả những sai biệt đó, tuy cùng là một thân phận người, nhưng do họ tạo nghiệp quá khứ, ngay cả hiện tại khác nhau cho nên chịu thọ nghiệp khác nhau.
Ngoài ra, theo học giả Minh Chi (2007), đạo Phật còn đề cập tới một số loại nghiệp khác như:
Năng tiêu nghiệp (能 消 業, countereractive karma, impeding karma) là loại nghiệp tùy vào tình hình mà có thể tốt hay xấu! Chẳng hạn, một người được hưởng phước báo, sống trong một gia đình giàu sang, nhưng người này không lo học hành, không giữ lối sống đạo đức mà ngược lại chỉ biết ăn chơi trác táng, phá sản, rốt cuộc trở thành kẻ nghèo, đi ăn xin. Nghiệp mà anh ta đã tạo ra như vậy là loại năng tiêu nghiệp xấu, tiêu cực. Ngược lại, có người sinh ra trong một gia đình nghèo nàn, phải lao động cực khổ, nhưng anh ta cố gắng làm việc, học hành, sống lối sống đạo đức, giúp người khác. Kết quả, anh ta vượt ra khỏi cảnh nghèo, có uy tín, có tri thức, được mọi người tôn trọng. Nghiệp mà người ấy tạo ra như vậy là năng tiêu nghiệp thiện, tích cực.
Năng hủy nghiệp (能 毀 業, destructive karma) là loại nghiệp do chúng sinh tạo ra trong đời sống quá khứ hay hiện tại, có cường độ rất mạnh có thể hủy đi dẫn nghiệp một cách bất ngờ. Nó giải thích được là vì sao con người chết đột tử hay chết bất đắc kỳ tử, như chết vì thiên tai, chết vì tai nạn. Năng hủy nghiệp tiêu hủy thân phận người ngay khi người đó đang sống bình thường. Sách Phật thường ví con người sống như chiếc đèn dầu đang cháy. Khi nào chiếc đèn cạn dầu, cháy hết bấc là lúc thọ mạng của người ấy đã hết. Năng hủy nghiệp tác động như một cơn gió thổi tắt vụt ngọn đèn, tuy đèn còn nhiều dầu và chưa cháy hết bấc như những trường hợp con người chết đột tử, cuộc sống đột ngột chấm dứt. Sách Phật thường nói có năm trường hợp con người tạo ra nghiệp cực ác phải lãnh hậu quả là bị đọa vào cõi địa ngục sau khi mạng chung như giết cha, giết mẹ, giết một vị A-la-hán, cố ý làm chảy máu Phật, phá hòa hợp Tăng chúng.
Cộng nghiệp (共 業, collective karma) là loại nghiệp chung mà một loại chúng sinh hay nhiều loại chúng sinh cùng phải chịu chung. Chẳng hạn, một dân tộc bị chiến tranh liên miên, bao nhiêu người phải cầm vũ khí ra chiến trường mà giết hại lẫn nhau. Hoàn cảnh mà cả dân tộc ấy đang phải chịu cảnh chiến tranh đó là cộng nghiệp, tức nghiệp chung cho mọi người trong cộng đồng, dân tộc đó.
Biệt nghiệp (別 業, individual karma) là loại nghiệp riêng biệt của từng loại chúng sinh, nghiệp này không ai giống ai. Chẳng hạn, người thân của chúng ta chịu bệnh tật giày vò rất đau khổ, chúng ta rất muốn chia sẻ nỗi đau khổ đó với họ nhưng không giúp gì được (tr.25-44).
Cận tử nghiệp (近 死 業, approximate death karma): người gần chết không đủ sức hành động bằng thân, thậm chí bằng lời nói, do đó nghiệp của đương sự khi sắp mạng chung là ý nghiệp, được tạo ra bằng ý nghĩ của họ. Nghiệp này có cường độ rất mạnh, có thể quyết định hướng tái sinh của đương sự trong tương lai.
Có thể minh họa tầm quan trọng của cận tử nghiệp bằng rất nhiều ví dụ, chúng tôi xin lấy ví dụ điển hình trong kinh Phật, truyện vua A Dục. Vua Asoka được đánh giá là một vị vua hiền minh nhất trong lịch sử của nhân loại. Ông ủng hộ tất cả các tôn giáo hết lòng, hết sức, đặc biệt là đạo Phật. Ông là một Phật tử thuần thành, yêu thương hết thảy mọi loài một cách sâu sắc. Một đấng quân vương như ông, đã tạo ra cho chính bản thân ông nhiều thiện nghiệp. Một chuyện kỳ lạ xảy ra là, trước khi lâm chung, có chuyện không đâu làm cho nhà vua giận dữ, nghiệp ác dẫn ông tái sanh thành một con mãng xà lớn. Em ông là Đại đức Tissa biết vậy bèn đến bên nhà vua (lúc đó đã biến thành con rắn) nói những lời từ ái, khuất phục nó, khiến cho con mãng xà phút chốc lột xác, tái sanh vào cõi thiện lành.
Câu chuyện cho chúng ta thấy cận tử nghiệp là rất mạnh, đặc biệt nó chỉ được tạo ra bằng ý nghĩ. Câu chuyện trên thật có ý nghĩa nhân bản về nghiệp của đạo Phật. Kinh Pháp cú (Dammapada) có nhiều ẩn dụ về nghiệp rất hay, xin trích dẫn ra đây một vài bài để minh họa cho nghiệp theo quan điểm của đạo Phật: “Không trên trời dưới biển/ Không lánh vào động núi/ Không nơi nào trên đời/ Tránh được quả ác nghiệp”. “Không trên trời, giữa biển/ Không lánh vào động núi/ Không chỗ nào trên đời/ Tránh khỏi tay thần chết.” (Kệ 127 & 128)4.
Ý tứ hai bài kệ là: kẻ ác, một khi đã tạo ra nghiệp ác rồi thì không có cách nào trốn khỏi quả báo của nghiệp ác, dù có trốn trên trời, lặn xuống biển sâu hay là nấp vào động núi. Cũng vậy, chúng sanh không thể nào thoát được cái chết chờ đợi mình sau khi thọ mạng đã hết.
Người đời thường nói “lời nói gió bay”. Đạo Phật không cho rằng như vậy vì lời nói cũng là một dạng nghiệp được tạo tác (khẩu nghiệp), cho nên không thể xem thường được. Ta thấy trong đời sống thường ngày, nhiều trường hợp lời nói tuy trên hình thức gió thổi đi mất nhưng người nói nhiều khi phải trả giá ngay tức khắc, có khi là bằng mạng sống của chính mình vì hành vi khẩu nghiệp bất thiện của mình. Chúng ta thấy báo đưa tin nhiều câu chuyện thương tâm xảy ra, chỉ vì một câu nói đùa giữa người này và người kia mà sinh ra mâu thuẫn lớn. Một lời nói tốt đẹp có thể cứu một mạng người, hay mang lại hạnh phúc, an lành cho người khác thì chúng ta không thể không trân trọng khi phát ngôn. Bài học về nghiệp là bài học đáng giá, chúng ta phải luôn ghi nhớ để có ứng xử sao cho tốt trong mọi mối quan hệ cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đồng, cộng đồng với cộng đồng, để tránh những xung đột không cần thiết giữa cá nhân với cá nhân, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác. Đạo Phật có nhìn nhận về nghiệp rất linh hoạt, có tính nhân bản cao. Con người là kết quả của nghiệp, cũng là chủ nhân của nghiệp. Bản thân con người có thể chuyển nghiệp theo hướng tích cực, nếu muốn. Nhà nghiên cứu Phật học Đài Loan, Lâm Thanh Huyền (2007) cũng đồng ý là con người chúng ta cũng có thể tác động lên một số khâu trong 12 nhân duyên, đặc biệt là các chi phần ái, thủ, hữu của chúng ta: “Trên hình thức, cuộc sống chúng ta hình thành một đường thẳng quá khứ, hiện tại, vị lai. Thực ra, thì đó là một sự quay vòng như trên mặt đồng hồ đeo tay vậy. Do đó, kinh nghiệm hiện tại, có thể đã từng là kinh nghiệm quá khứ và những kinh nghiệm đó sẽ lặp lại nhiều lần trong vị lai. Chúng ta không cách nào hiểu biết được các nhân từ vô minh đến thọ, cũng không quản được 2 nhân sanh và lão tử ở vị lai. Làm gì cho hiện tại đây, tức là với thái độ chân thực, xem xét khâu ái dục của chúng ta, khâu tham cầu của chúng ta, và nghiệp của chúng ta. Đó là những điều mà hàng ngày chúng ta đều có thấy, cảm thọ và cách tân, đổi mới được!” (tr.1)5. Những Phật tử thuần thành luôn tin tưởng vào thuyết nghiệp của đạo Phật và họ cố gắng làm lành, lánh dữ. Và đó là ý nghĩa lớn lao và nhân bản của thuyết nghiệp của đạo Phật.
Giá trị thuyết nghiệp của đạo Phật còn ở chỗ, nó dùng để giải thích những hiện tượng như thần đồng, trí nhớ siêu phàm của một số người, sự sai lệch giữa người và người. Cùng là con người nhưng nhiều người có những thân phận rất khác nhau. Người thì rất thông minh, người thì đần độn, người thì quá đẹp, cũng có những người quá xấu xí (về ngoại hình), người có lòng tốt luôn giúp đỡ mọi người, làm việc thiện lành, người có tà tâm, độc ác, chỉ biết thủ lợi, lợi ích cho bản thân mình, bất chấp sự đau khổ của người khác.
Gần đây, ở phương Tây có một cuộc đàm thoại sôi nổi giữa hai nhà bác học lớn của thế giới có liên quan tới đạo Phật. Một người là GS.Trịnh Xuân Thuận - một người Mỹ gốc Việt, nhà vật lý thiên văn nổi tiếng, công tác tại Viện Công nghệ học California, đồng thời là giáo sư tại trường Đại học Verginia - và nhà bác học kia là nhà sinh vật học Matthieu Ricard, từng công tác lâu năm tại Viện Pasteur (Paris), ông có học vị tiến sĩ và có 30 năm tu hành tại tu viện Shechen gần Katmandu thuộc Nepal. Cuộc đàm thoại của hai nhà bác học được ghi lại trong quyển L’infini Dans La Paume De La Main, được dịch là Cái vô hạn trong lòng bàn tay. Chương VIII của cuốn sách này bàn về nghiệp của đạo Phật (biệt nghiệp và cộng nghiệp). Cuộc đàm thoại giữa GS.Trịnh Xuân Thuận và nhà tu hành Mathieu Ricard rất thú vị, bàn về vấn đề nghiệp cũng rất hứng thú, và cả hai nhà bác học đều có những điểm tương đồng nhất định. Chẳng hạn, cả hai nhất trí về nghiệp và những kết quả do nghiệp tạo ra mới có thể giải thích được những trường hợp mà khoa học hiện đại không thể lý giải được như những đứa bé thiên tài như Mozart, mới 5 tuổi đã là một nghệ sĩ dương cầm xuất sắc và soạn được nhiều bản nhạc... (Trịnh Xuân Thuận, & Mathieu Ricard, 2006, tr.201). Có những đứa trẻ, mới sinh ra mắc những chứng bệnh hiểm nghèo mà bản thân chúng chưa ý thức được gì. Nghiệp không những có tầm quan trọng về mặt đạo đức mà chúng còn tạo ra thế giới chúng ta. Quả thật đúng như vậy.
Chúng ta thử nghĩ, nếu trong một gia đình, ai cũng tạo ra nghiệp tốt nhằm vun đắp cho gia đình đó thì các thành viên trong gia đình ấy đều được hưởng quả báo tốt đẹp, hạnh phúc. Xã hội có đại đa số người tạo ra nghiệp tốt về ý nghĩ, lời nói và hành động thì xã hội ấy chắc chắn được cải tạo theo chiều hướng tốt đẹp, tạo ra nhiều niềm vui, an lạc cho cộng đồng người trong xã hội đó. Nếu ở đâu trên thế giới người ta cũng cố gắng tạo ra nghiệp tốt thì ắt hẳn sẽ không có chuyện thù hằn tôn giáo, sắc tộc, dân tộc dẫn tới đánh nhau, chiến tranh, dẫn tới giết hại nhau, hủy hoại môi trường sống, thậm chí là nguy cơ hủy diệt cả sự sống trên hành tinh này. Chúng tôi cho rằng đây là điều mà mọi người cần quan tâm, suy nghĩ đúng đắn và hành động sáng suốt.
Kết luận
Đạo Phật xuất xứ từ Ấn Độ và nó cũng đã biến mất khỏi Ấn Độ bởi nhiều lý do mà trong bài viết này chúng tôi không có điều kiện để bàn đến. Tuy nhiên, đạo Phật đã phát triển mạnh ở châu Á và hiện nay đã phổ biến toàn cầu. Thiền Phật giáo đã kế thừa tư tưởng thiền của các tôn giáo và hệ phái triết học ở Ấn Độ và những giá trị của nó ngày càng được khẳng định và phát huy tác dụng đối với con người trong thời hiện đại. Thiền giúp cho con người định tâm, cân bằng tâm lý, làm việc có hiệu quả, giữ gìn sức khỏe và làm đẹp. Chính vì những giá trị phổ quát của thiền Phật giáo như chúng tôi đã trình bày mà nhân loại trên thế giới ngày càng quan tâm đến thiền dù nó thuộc về thiền phái nào đi chăng nữa.
Bên cạnh giá trị của thiền, thuyết nghiệp của đạo Phật cũng có giá trị rất phổ quát và nhân bản. Thuyết nghiệp của đạo Phật không mang tính quyết định luận máy móc, mà nó rất năng động, tích cực, có chỗ cho ý chí tự do của con người, đề cao con người. Con người chỉ có thể tạo nghiệp khi có dụng tâm.
Thuyết nghiệp của đạo Phật cho ta những bài học quý giá và sâu sắc như bài học nhẫn nại và bình thản. Nếu một việc gì không may xảy ra cho chúng ta ở đời sống này đều chỉ là một sự trả giá công bằng cho một nghiệp bất thiện của quá khứ mà chúng ta đã làm từ trước. Ngược lại, nếu gặp may, chúng ta cũng không quá vui mừng mà mất hết tỉnh táo.
Niềm tin vào thuyết nghiệp của đạo Phật thúc đẩy chúng ta làm việc hết mình, sống hết mình vì lý tưởng cao cả đó. Ngoài ra, thuyết nghiệp giúp ta sống tỉnh táo và có tinh thần trách nhiệm. Người tin vào thuyết nghiệp biết rằng mỗi phút giây mình sống đều tạo ra nghiệp qua suy nghĩ, lời nói và việc làm. Chúng đều có tác động đến bản thân, gia đình và xã hội trong hiện tại và tương lai. Hiểu biết như vậy, chúng ta sống đầy tinh thần trách nhiệm với những ý nghĩ, lời nói và hành động của mình dù là cái nhỏ nhất, chúng cũng giúp chúng ta cải tạo bản thân, cải tạo gia đình và xã hội, đem lại lợi ích thiết thực cho mọi người.
Nói tóm lại, giá trị phổ quát của thiền và thuyết nghiệp của đạo Phật như chúng tôi đã phân tích là những đóng góp quan trọng của đạo Phật đối với châu Á nói riêng và thế giới nói chung. Cần tập trung khai thác tốt hơn nữa những giá trị hữu ích này, góp phần làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn, con người có cuộc sống hạnh phúc hơn. Đó là những suy nghĩ của chúng tôi đối với giá trị phổ quát về thiền và thuyết nghiệp của đạo Phật.
Võ Văn Thanh & Lê Thị Thanh Tâm1
______________________
(1) ThS. NCS.Võ Văn Thành, CTV. TT Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ. SĐT: 0988866113, email: vonhanchi@yahoo.com; ThS. NCS.Lê Thị Thanh Tâm, Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh. SĐT: 0907456053, email: thanhtam1983qb@yahoo.com.
(2) Nhà phê bình Eric Fromm đã từng phê phán: “Ở thế kỷ thứ XIX, vấn đề là Thượng đế đã chết. Ở thế kỷ XX, vấn đề là con người đã chết”. Nguyên văn tiếng Anh: “In the nineteenth century, the problem is that God is dead. In the twentieth century, the problem is that man is dead”. (Dẫn lại Minh Chi, 1993, Đại cương triết học phương Đông, phần I, Hồ Chí Minh: Đại học Tổng hợp).
(3) “Zen is one of the most precious gifts of Asia to the world.” (Alan W. Watt. (1957). The Way of Zen, Patheon Books Inc, p.3.
(4) Kinh Pháp cú (Thích Minh Châu dịch). Hà Nội: Tôn Giáo, 2000, tr.39.
(5) Lâm Thanh Huyền (2007) giải thích thêm: Đạo Phật có thuyết duyên khởi với 12 nhân duyên giống như 12 giờ, ghi trên mặt đồng hồ đeo tay chúng ta và chúng ta có thể hình dung 12 nhân duyên theo một trật tự hết sức logic là vô minh -> hành-> thức-> danh sắc-> lục nhập -> xúc -> thọ -> ái -> thủ -> hữu -> sanh -> lão, tử (tr.13).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1- Alan W.Watt. (1957). The Way of Zen. USA: Patheon Books Inc.
2- Chris Barker. (2004). The SAGE dictionary of cultural studies, London: SAGE Publications Ltd.
3- Kinh Pháp cú (Thích Minh Châu dịch). Hà Nội: Tôn Giáo, 2000.
4- Lâm Thanh Huyền. (2007). Tin tức từ biển tâm (Minh Chi dịch). Hà Nội: Tôn Giáo.
5- Minh Chi & Hà Thúc Minh. (1995). Đại cương triết học phương Đông. Hồ Chí Minh: Đại học Tổng hợp.
6- Minh Chi. (1996). Thuyết Bốn đế (lưu hành nội bộ). Hồ Chí Minh: Viện Cao cấp Phật học.
7- Minh Chi. (2005a). Nói chuyện về thiền, in trong Thiền Nguyên thủy và Thiền Phát triển. Hà Nội: Tôn Giáo, tr.177.
8- Minh Chi. (2005). Thiền và cuộc sống hiện tại, in trong Thiền nguyên thủy và Thiền phát triển. Hà Nội: Tôn Giáo, tr.181-195.
9- Nguyễn Huệ Chi (cb). (1988). Thơ văn Lý - Trần (tập II, quyển thượng). Hà Nội: Khoa Học Xã Hội.
10- Trần Ngọc Thêm. (2015). Những cơ sở lý luận về giá trị và việc xây dựng hệ giá trị định hướng cốt lõi, in trong Một số vấn đề về giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện tại. Hồ Chí Minh: Đại học Quốc Gia.
11- Trịnh Xuân Thuận & Mathieu Ricard. (2006). Cái vô hạn trong lòng bàn tay - Từ Big Bang đến giác ngộ (Phạm Văn Thiều & Ngô Vũ dịch). Hồ Chí Minh: Trẻ.
12- Walpola Rahula. (1962). What the Buddha Taught. New York: Grove Press.