Giá trị của sự định tâm

GN - Ai cũng từng hơn một lần được hỏi: “Này, đã định thần lại chưa?”. Câu này thường được hỏi thăm khi người hỏi biết bạn đang trải qua một sự cố gì đó rối ren, dẫn đến những quyết định và hành động thiếu chính xác. Câu hỏi này như một tiếng chuông thức bạn dậy giữa mớ hỗn độn.

Định là tập trung, bình ổn lại. Thần là tinh thần, là hồn phách. Định thần là nghĩa tinh thần đã tập trung an ổn. Đó là ngôn ngữ rất dân gian. Nó có phần nào rất gần nghĩa với định tâm. Nhưng định tâm có hàm nghĩa chín chắn và sâu hơn, bởi ở đó có biểu hiện của sự tu tập và trí tuệ. Đó là một quá trình thực hành chánh định. Hành trình đó đòi hỏi sự học tập kiên trì và óc quán sát bản thân trên từng chi tiết nhỏ nhất, để điều chỉnh tâm mỗi ngày.

thiendinh.jpg


Thiền định là một trong những phương pháp
giúp rèn luyện sự định tâm - Ảnh minh họa của Pyxabay

Định tâm trong đời sống

Hầu như tất cả chúng ta đều để tâm trí mình hoạt động quá nhiều quá nhanh tới mức sự căng thẳng không thể nhìn thấy, mà nó chỉ được nhận ra khi bạn đổ sụp xuống do bệnh, đau đầu quá mức, kiệt sức… Cuộc sống hiện đại bắt tâm trí của con người làm việc không ngừng nghỉ. Trong văn phòng thì đã làm nhiều việc rồi, ngồi trên xe cũng tranh thủ trả lời email hoặc gọi điện giải quyết vấn đề, về đến nhà ăn bữa cơm qua loa cũng vì nghĩ đến công việc, tối lên giường ngủ cũng cố gắng ôm máy tính... Cả một chuỗi hoạt động liên tục từ sáng đến tối không cho tâm có chút nghỉ ngơi. Thói quen này khiến cho tâm luôn bị xáo trộn, gặp việc gì cũng lo lắng cuống cuồng lên, đối diện với sự việc thì cứ xông lên giải quyết bằng mọi cách. Dần dần, tâm cứ trôi đi mông lung không bến bờ neo đậu, dẫn đến chính mình đánh mất cuộc sống bình yên lúc nào không hay.

Vì lẽ đó, sự định tâm giúp cho con người có được sự bình tĩnh xen kẽ trong nhiều sự kiện bất tận của đời sống, để vẫn đi theo dòng đời nhưng không kiệt sức. Khi rèn được sự định tâm, ta sẽ thôi không rối bời, không liền quằn quại khi đối diện với nỗi đau dù lớn hay nhỏ. Ta sẽ dễ dàng nhìn thấy rằng các chuyện bất như ý ở đời rồi cũng ta cũng như người, cũng thất tình lục dục, cũng có tiền rồi mất tiền, cũng biết mùi vị của trung thành lẫn phản bội… Định tâm nhận biết mọi việc rồi sẽ nương theo tự nhiên và nhân duyên mà xử lý. Trong tình cảm, tập trung yêu thương có chánh niệm một người thay vì có tình cảm với năm ba người một lúc mà không có mối tình nào cho trọn vẹn. Ngày hôm nay cho dù núi việc có chất chồng đến đâu thì buổi sáng sớm bạn vẫn có thể ung dung tưới cây tỉa hoa rồi ưu tiên chọn trước một việc để làm và hoàn thành tốt việc đó mà không để bị phân tâm bởi công việc khác.

Thế nào là định tâm của chánh định?

Nhưng như thế nào là sự định tâm có ích? Có phải ai tập trung cũng gọi là định tâm? Một kẻ ác tập trung suy nghĩ cách hại người, một con hổ tập trung để rình mồi, một người bị phản bội tập trung suy ý tưởng để trả thù… những điều này không phải là định tâm mang lại giá trị. Sự tập trung để làm việc tốt khác với sự tập trung để làm việc xấu. Chánh định là sự tập trung tâm trí nhằm mang lại lợi ích cho bản thân và cho người khác. Trong Bát chánh đạo, chánh định là con đường đúng đắn cuối cùng đưa đến an lạc cho con người. Khi có định tâm, tâm thân trí của ta gần như hợp nhất, dù chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng sự hợp nhất đó giúp ta có một nguồn năng lượng mạnh mẽ sâu sắc, để ta có thể tìm thấy những giải pháp hoặc sự bình yên hợp lý để vượt qua khổ đau. Vì sao là bình yên hợp lý? Là vì, có những nỗi khổ không thể giải quyết ngay trong thời gian ngắn, có những nỗi đau cần nhiều điều kiện để vơi đi, nhưng một sự bình yên hợp lý vào thời điểm đó sẽ giúp con người có thêm sức mạnh và hy vọng để tiếp tục sống.

Phương pháp rèn định tâm

Tâm ý con người lúc nào cũng bay nhảy không thể đứng yên. Biểu hiện của sự định tâm là khi đối diện với một việc gì đó ta cố gắng giữ cho tâm chậm lại. Nói để tâm không làm gì cả là quá khó, nhưng để tâm chậm lại, từ đó các hành động của ta chậm lại thì sẽ dễ thực hiện hơn. Việc ngồi yên và thở thôi cũng sẽ giúp ích rất nhiều trong việc định thần lại mọi việc.

Gặp chuyện khó, việc đầu tiên là đừng làm gì cả. Hãy hít thở sâu cho tâm trí dịu lại rồi tự nói với chính mình: cứ từ từ, chuyện đâu còn có đó. Việc này cũng hữu ích cả trong lúc dầu sôi lửa bỏng, như cháy nhà hay cứu người. Đôi khi chỉ cần vài giây phút tập trung hoàn toàn, bạn có thể nghĩ ra được phương pháp đối phó và vượt qua nguy khốn, còn hơn cứ hoảng loạn mà không làm được gì. Những chia sẻ mới đây nhất của các nạn nhân trong vụ cháy chung cư Carina cho thấy, những cá nhân và gia đình sống sót được không chỉ do may mắn, mà do giữa làn khói và lửa đỏ mà họ vẫn có những giây bình tĩnh quý giá để nghĩ đến những giải pháp tốt nhất. Bình tĩnh chính là kết quả của việc thực tập sự định tâm.

Thiền định là một trong những phương pháp giúp rèn luyện sự định tâm, nhưng bạn cần một vị thầy hướng dẫn để đi đúng hướng. Bạn có thể bắt đầu bằng cách ngồi yên và tập thở từ 5 phút rồi tiến dần đến 15 phút mỗi ngày. Nếu việc ngồi yên là hơi khó với ai quá năng động, thì người ấy có thể vừa ngồi yên vừa niệm Phật hoặc lần chuỗi hạt. Kỳ diệu thay, việc chuyển hóa từ tâm lao xao sang tâm an định đôi khi diễn ra chỉ trong một sát-na. Có thể lòng một ai đó đang đầy sóng gió, nhưng chỉ cần ngồi xuống và niệm Phật, tự nhiên họ có được sự định tâm, tự nhiên thấu suốt quá khứ vị lai của đời mình. Để rồi từ đó họ có những hành động mang tính đột phá và tốt cho bản thân, mà đôi khi chỉ mới trước đó không lâu, họ toàn toàn bế tắc.

Vậy thì, sáng nay, nếu lòng còn nhiều muộn phiền, đừng vội phóng xe ra khỏi nhà trong bất an, bạn cứ thử ngồi xuống và thở, hoặc pha một ly trà và ngồi tĩnh tại, bạn sẽ thấy có một sự thay đổi tốt đẹp không ngờ, dù có thể là nhỏ xíu thôi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.