Duyên lành gặp Phật

Tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, thời Nguyễn, gỗ trầm hương, phụng thờ tại tư gia cư sĩ Trần Đình Sơn - Ảnh: Bảo Toàn
Tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, thời Nguyễn, gỗ trầm hương, phụng thờ tại tư gia cư sĩ Trần Đình Sơn - Ảnh: Bảo Toàn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Gần trọn kiếp người, trải qua mấy độ sao dời vật đổi đã cho tôi có cơ hội được “gặp” các tôn tượng Phật, các bậc cao tăng với những nhân duyên có phần hy hữu.

Cuối tháng 3-1975, sau cuộc tản cư bằng đường bộ lẫn đường thủy từ Huế vô đến Sài Gòn giữa tình thế hiểm nguy “một sống mười chết”, mẹ tôi quyết định ở lại miền Nam lập nghiệp. Tôi sợ mẹ buồn nên cho sửa soạn lại căn gác gỗ, lập bàn thờ, rồi lên chùa Vạn Phước (Sài Gòn) thỉnh Ôn Tâm Hướng và quý Thầy về làm lễ an vị.

Sau khi bạch thỉnh, Ôn hứa khả và biểu tôi đi theo lên điện Phật, chỉ vào pho tượng Đức Bồ-tát Quán Thế Âm bằng trầm hương để ở bàn kinh rồi dạy: “Thầy cho con thỉnh pho tượng ni về mà thờ để hàng ngày cầu nguyện Bồ-tát gia hộ cho được an lành. Lúc ni, ai cũng như ai, đang ‘lênh đênh qua cửa Thần Phù, khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm’, mấy ai biết tương lai ra sao!”.

Theo lời Ôn kể, tượng Bồ-tát này nguyên xưa của chùa Thiền Lâm, Huế. Từ ngày chính quyền bảo hộ Pháp mở đường Nam Giao mới (Nam Giao tân lộ), năm 1898, chùa phải di chuyển vào vùng đất ven đường, chuyển sang tay các ông thầy cúng quản lý nên suy tàn. Hậu duệ của ngoại thích (họ ngoại nhà vua) Tống Phước xin được khu đất sau chùa Thiền Lâm lập am Tịnh Độ và rước pho tượng Đức Bồ-tát Quán Thế Âm bằng trầm hương về để kỷ niệm công đức người vợ tào khang của vua Gia Long là bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu (Tống Phước Thị Lan).

Năm 1968, một tín chủ đã mua lại khu đất ấy và dâng cúng cho HT.Giác Hạnh, Tổ khai sơn chùa Vạn Phước (Huế) để xây dựng lại thành chùa Tịnh Độ, phụ thờ gia tiên.

Năm 1972, chiến sự nổ ra ác liệt ở miền Trung, Tổ Vạn Phước tản cư vào Sài Gòn, thỉnh theo pho tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, sau đó ban cho bà Thân Thị Ngọc Quế rước về thờ tại khu biệt thự ở Gia Định. Tháng 4-1975, gia đình bà Ngọc Quế tản cư ra nước ngoài. Trước khi đi, bà mời Ôn Tâm Hướng sang và nói: “Thầy ưng cái chi cứ chỉ để con cho chuyển lên chùa”. Đứng nhìn số lượng đồ cổ quý báu trưng bày, Ôn quá ngao ngán nên chỉ xin thỉnh mỗi pho tượng Bồ-tát Quán Thế Âm trở về mà thôi…

Kể từ ngày được Ôn Tâm Hướng cho thỉnh về, đến nay, đã gần 50 năm pho tượng Bồ-tát Quán Thế Âm an vị trong tư gia chúng tôi. Trải qua vật đổi sao dời, gia đình chúng tôi được sống an lành, vượt qua chướng nạn trăm bề dẫu có lúc đã bó tay vì mọi chuyện vượt quá sức người, âu cũng nhờ nương vào từ lực diệu kỳ của Đức Bồ-tát Quán Thế Âm vậy.

*

Khoảng năm 1980, có người quen đến thăm và cho tôi biết một ông cụ ở đường Nguyễn Trãi đang giữ 3 pho tượng Phật rất xưa. Ông đang muốn nhượng 3 pho tượng này lại cho người khác, với điều kiện người đó phải có lòng tin Phật chứ dứt khoát không muốn tiếp ai tìm tới với ý định buôn bán. Tôi theo người giới thiệu tìm đến gặp chủ nhân. Ông cụ tuy cao tuổi nhưng vẫn còn giữ được phong độ quắc thước, vui vẻ tiếp chúng tôi trong gian phòng khách có trưng bày 3 pho tượng cổ. Ông kể tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp, có một quan chức Pháp lẻn trốn vào nhà ông để tránh bị bắt bớ. Ông thương tình nên che chở.

Sau khi quân Pháp đổ bộ tái chiếm Đông Dương, vị quan chức đó trở về nhà cũ. Mọi việc ổn định xong, vị quan chức mời ân nhân đến nhà chơi, giới thiệu bộ sưu tập cổ vật của mình rồi ngỏ ý nếu ân nhân có nhã hứng yêu thích món gì thì ông ta sẽ vui lòng tặng, xem như cảm tạ ơn đức cứu mạng. Ông cụ ngắm nghía xong bèn tỏ ý chỉ muốn thỉnh tượng Phật về chiêm ngưỡng chứ chẳng thích thứ gì khác. Vị quan chức người Pháp hoan hỷ đóng gói 3 pho tượng Phật chuyển đến nhà để tặng ân nhân. 3 pho tượng ấy gồm:

- Tượng Phật Thích Ca ngồi kiết-già bằng đồng, mỹ thuật Lào thế kỷ XVII.

- Tượng Phật Thích Ca nhập Niết-bàn bằng đồng, mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XIX (do Trường Mỹ nghệ Biên Hòa chế tác).

- Tượng Bố Đại Hòa thượng bằng gỗ quý, mỹ thuật Trung Hoa thế kỷ XIX.

Thoáng chốc gần hết đời người, tuổi đã già, con cái ra nước ngoài sinh sống, tương lai thì vô định, vì vậy ông cụ muốn gặp người nào có lòng tin Phật thì sẽ chuyển trao 3 pho tượng nói trên với điều kiện phải hứa với ông là không được mua bán kiếm lời. Được lời như cởi tấm lòng, tôi đứng dậy đến bên tượng Phật và hứa với ông cụ rồi gửi biếu một số tiền, xin thỉnh tượng về để hàng ngày chiêm ngưỡng.

Tôn tượng Đức Phật Thích Ca tọa thiền, mỹ thuật Lào, thế kỷ XVII - Ảnh: Bảo Toàn

Tôn tượng Đức Phật Thích Ca tọa thiền, mỹ thuật Lào, thế kỷ XVII - Ảnh: Bảo Toàn

Thời gian đó, Ôn Trí Quang đang an trú tại chùa Ấn Quang. Thỉnh thoảng, Ôn cùng thầy Minh Phát đi xe xích-lô về thăm Quan Âm các của tôi ở đường Đặng Trần Côn, quận 1. Người quanh phố nhìn thấy khen thầy Minh Phát “giống ông Di Lặc”. Một hôm Ôn về, nhìn thấy có 3 pho tượng xưa, Ôn dạy: “Thầy mới đặt thêm cái án gỗ ngay trong phòng, nếu được, Sơn thỉnh pho tượng Đức Thích Ca ngồi kiết-già lên cho Thầy để hàng ngày lễ bái niệm Phật”. Tôi vô cùng hoan hỷ vì có cơ hội cúng dường Ôn nên khi dùng trà xong, tôi kêu xe xích-lô chở tượng Phật theo Ôn về Ấn Quang.

Chừng vài tháng sau, sáng sớm, Ôn xuống trong lúc tôi đang tụng phẩm Phổ môn. Hết thời kinh, tôi xuống vái chào, Ôn cười và dạy: “Con lên thỉnh tượng Ngài về cho rồi. Để trên chùa, mấy chú hay hầu Thầy chẳng biết chi hết!”. Trong lúc tôi đang rất ngạc nhiên thì Ôn dạy tiếp: “Ai đời mỗi lần mấy chú bưng cơm nước hay vô dọn dẹp lau chùi, họ cứ tới rờ pho tượng rồi hỏi: ‘Bạch Ôn, sao… ngực ngài nở nang như người tập thể hình vậy!’. Mấy đứa nó chẳng biết chi về mỹ thuật Phật giáo Nam truyền hết, giải thích hoài thêm mệt!”. Tôi bạch lại Ôn: “Dạ, để con thu xếp rồi lên thỉnh về”.

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1123 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1123 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Ôn về, suốt mấy ngày sau tôi cứ nghĩ ngợi không biết thỉnh pho tượng bằng đồng nặng chừng 100kg đi giữa đường lỡ công an hỏi han thì làm sao, nhất là khi lại đưa từ chùa Ấn Quang ra!? Thỉnh lên thì dễ chứ thỉnh về thì khó lắm. Thế là tôi lại chạy lên Vạn Phước bạch mọi sự với Ôn Tâm Hướng. Nghe chuyện xong, suy nghĩ một lúc, Ôn dạy: “Thôi, con thỉnh Ngài lên tôn trí trên án ở giữa giảng đường tầng trệt cũng tốt. Đi đường lỡ ai hỏi han chi thì cứ trình thiệt là thỉnh Phật ở Ấn Quang lên thờ tại Vạn Phước. Phần Thầy sẽ xác nhận là rứa, có chi đâu mà lo…”.

Thế là, tượng Đức Thích Ca về “tọa thiền” tại Vạn Phước khoảng 15 năm. Năm 1996, sau thời gian bệnh duyên, biết tới lúc đèn đã cạn dầu, Ôn Tâm Hướng cho gọi tôi lên: “Sơn liệu lên thỉnh tượng Ngài về cho yên tâm, kẻo khi Thầy đang còn thì dễ, sau này quý Thầy họ không biết chuyện trước đây, muốn thỉnh về cũng khó lòng. Để đây, họ cứ thắc mắc hoài sao chùa thuộc Bắc tông lại tôn trí tượng Nam tông ở giữa chùa!”. Ôn mỉm cười...

*

Năm 1983, lần đầu tiên kể từ sau năm 1975, thầy Lê Mạnh Thát có ngỏ ý xin Ôn Già Lam (Hòa thượng Thích Trí Thủ) tổ chức một cuộc triển lãm văn hóa Phật giáo tại giảng đường Quảng Hương Già-lam. Trước lễ khai mạc 2 ngày, thầy Lê Mạnh Thát nói với chúng tôi: “Đây là lần đầu mình tổ chức triển lãm sau năm 1975 mà tôi có mời quý Thầy, đặc biệt là Thượng tọa Đức Nhuận nên mình làm sao đừng để bị cười nghe!”.

Thế là tôi về nhà soát xét lại các cổ vật Phật giáo đem lên trưng bày thêm, trong đó đặc biệt có pho tượng Phật Thích Ca nhập Niết-bàn bằng đồng tuyệt đẹp của Trường Mỹ nghệ Biên Hòa chế tác khoảng năm 1930. Thầy Thát lại chọn bức tranh Trúc Lâm đại sĩ trong sách Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh cậy tôi gặp họa sĩ Đinh Cường nhờ vẽ lại bằng sơn dầu.

Tranh vẽ xong trình lên, Ôn Già Lam lấy bút đề 2 câu chữ Nôm trích trong Cư trần lạc đạo phú: “Cảm đức từ bi để nhiều kiếp nguyện cho thân cận/ Đội ơn cứu độ nát muôn thân thà chịu đắng cay”. Kết quả là cuộc triển lãm đã có tác động lớn vào tinh thần quần chúng Phật tử thời điểm đó, khi thế cuộc với nhiều biến đổi khiến đạo tâm chới với ít nhiều.

Kết thúc triển lãm, tôi chuyển các vật phẩm nhỏ, nhẹ bằng giấy, gỗ, sứ về nhà. Riêng pho tượng Phật nhập Niết-bàn vẫn để tạm tại chùa… Ngờ đâu qua năm 1984, Ôn Già Lam bỏ dép về Tây, việc đời lại một phen xoay chuyển, Phật giáo bước vào một khúc quanh mới. Pho tượng quý vẫn an nhiên nằm lại Quảng Hương Già-lam mà mấy ai biết được nhân duyên buổi trước?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.