Đừng làm mình đau thêm

Cần học kỹ năng sống, ứng xử trước tình huống "khó đỡ" khi tham gia mạng xã hội - Ảnh minh họa
Cần học kỹ năng sống, ứng xử trước tình huống "khó đỡ" khi tham gia mạng xã hội - Ảnh minh họa

GN - Vài tuần trước, dư luận thêm một lần xót xa vì sự ra đi của một nữ sinh tuổi 15 bằng cách tự tử do cô bị sốc sau khi bạn trai tung clip “nhạy cảm” của hai người lên mạng.

Cái chết ấy khoét sâu thêm nỗi đau của người mẹ, người cha, của những ai đã từng biết em và từng nhận thấy em là “học sinh ngoan, hiền”. Cái chết ấy còn làm người ta giật mình, thời hiện đại con người ta có thể giết nhau bằng một click chuột; trong khoảnh khắc ghen tuông mù quáng, tức giận, khổ đau nào đó, người ta có thể khiến người khác mất mặt, đau khổ, chọn cái chết. Và tất nhiên, sau đó là người gây ra nỗi đau dẫn tới cái chết đau đớn ấy sẽ vào vòng lao lý, bị lên án, còn lương tâm thì có chút gì dằn vặt không, không biết!

Thực sự, khi bị đối xử kiểu như bị tung clip nhạy cảm, bị phơi bày những chuyện bí mật, thầm kín mà ta muốn giữ gìn cho riêng ta thì ai cũng đau, cũng sốc. Nhưng, chọn cách chạy trốn bằng cái chết thì chứng tỏ ta đã “đáp ứng” mong muốn của kẻ thủ ác, đã “sập bẫy”, thay vì đứng vững trên hai chân, đối diện để vượt qua lầm lỗi, sự vụng về của bản thân.

Khắc phục cái sai (nếu có) hay minh chứng cho cái đúng (nếu thật) khi bị tung ra cho cả xã hội biết như vụ việc kể trên bằng cách đối mặt một cách chân thành, nhờ người thân giúp đỡ... là xử lý thông minh và từ bi với chính mình, với cuộc sống. Đó là kỹ năng sống cần phải học một cách nằm lòng bên cạnh sách vở, lý thuyết, con số nặng đầu mà hình như nhà trường và gia đình bỏ lơ, để rồi thi thoảng lại giật mình, lại xót xa khi có sự việc đau lòng xảy ra do có những sự cố tương tự như sự cố vừa rồi.

Sau cơn mưa trời lại sáng, đó là nhận diện đầy tính nhân văn, thể hiện tư duy tích cực, tương đồng với ý niệm “trên đời này không có con đường cùng” hay “bầu trời vẫn xanh trong sau mùa bão tố” để chúng ta vượt qua những giai đoạn khó khăn của cuộc đời.

Khi người ta sân si, người ta cố tình làm mình đau, mình tổn thương và bị đau, rồi ta yếu đuối tìm tới cái chết có nghĩa là ta đang làm mình đau thêm sau cái đau mà người khác tạo cho mình. Cái đau ta gây ra cho bản thân là hủy hoại mạng sống, từ đó gây đau đớn cho gia đình, dòng họ... thì ngay khi ấy mình đã có lỗi lớn rồi, lớn hơn cả lỗi người kia gây ra cho mình.

Đừng làm mình đau thêm! Sau một thất bại, một cuộc tình vỡ, thay vì ủ ê, đau xót, ôm mối phiền não đó và gặm nhấm theo ngày tháng, sao không một lần nghĩ: mắc chi ta phải thế này khi ta có thể làm được nhiều việc hữu ích hơn, khi ta có thể thay đổi tình trạng hiện tại bằng cách đứng lên và đi tiếp, bởi con đường vốn ở dưới chân mình, chỉ cần ta bước đi...

Lưu Đình Long

______________

* Bạn có ý kiến gì về vấn đề này? Xin mời chia sẻ bài viết của mình về địa chỉ: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.