Đức Phật ra đời

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Lễ Phật đản là lễ kính mừng ngày Đức Phật ra đời. Cụ thể là hàng năm, vào ngày trăng tròn của tháng Tư, mỗi người con Phật đều làm lễ kỷ niệm mừng ngày chào đời của thái tử Sĩ-đạt-ta.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1253 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1253 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Đức Phật ra đời, sự giác ngộ xuất hiện

Lễ Phật đản là lễ kính mừng ngày Đức Phật ra đời. Cụ thể là hàng năm, vào ngày trăng tròn của tháng Tư, mỗi người con Phật đều làm lễ kỷ niệm mừng ngày chào đời của thái tử Sĩ-đạt-ta. Sau này lớn lên, thái tử đã xuất gia tu hành chứng đắc đạo quả, trở thành một vị Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Ai ai cũng có ngày sinh, nhưng tại sao ngày sinh của vị thái tử này lại được nhân loại chú trọng và biến thành cả tuần lễ hội trọng đại? Sự kiện này đã hơn 2.560 năm, nhưng tại sao cho đến nay mọi người vẫn còn tôn vinh? Bởi đây là sự xuất hiện của một Đấng Giác ngộ, đem ánh sáng giác ngộ soi sáng cõi mê lầm.

Cái khổ của đói cơm rách áo chưa gọi là khổ. Cái khổ làm thân trâu ngựa kéo cày kéo xe chưa phải là cái khổ lớn. Chính sự vô minh tăm tối, lầm đường lạc lối để phải chịu khổ mãi trong luân hồi sanh tử không biết ngày ra, mới là nổi khổ lớn nhất của tất cả chúng sanh. Đức Phật ra đời đã chỉ cho chúng ta một con đường xán lạn, nẻo về giác ngộ, chấm dứt hết mọi khổ đau. Cảm từ ân sâu đậm và lớn lao ấy của Đức Thế Tôn, vì tôn trọng sự giác ngộ lớn lao nơi mỗi chúng ta đã phần nào cảm nhận được cho nên mọi người trên thế giới, ai nấy đều hướng về ngày trọng đại này.

Đức Phật nào ra đời? Sự giác ngộ ấy là gì? Tổ Lâm Tế dạy: “Các ông nếu hay bặt được tâm luôn luôn chạy tìm, liền cùng Phật Tổ chẳng khác.” Hoặc là: “Quý vị một niệm không sanh thì lên cây Bồ-đề (giác ngộ), thần thông biến hóa trong ba cõi, được ý sanh thân, được thiền duyệt Pháp hỷ, thân thể sáng suốt tự soi”. Tức là Tổ dạy, nếu chúng ta một niệm không sanh, ngay đó Đức Phật nơi chính mỗi người ra đời.

Tất cả chúng ta bị khổ là do nghiệp chi phối. Nghiệp từ ba nơi là thân, miệng và ý tạo tác mà có ra. Trong ba chú ấy, ý là chủ đạo. Nếu ý không khởi thì miệng không nói, thân không làm, nghiệp từ đâu mà tồn tại? Cho nên, tịnh ngay ý thì vọng niệm không còn, các nghiệp đều được thanh tịnh, dứt trừ mê lầm, vô minh phiền não liền đó dứt sạch, tâm tánh rộng lớn thênh thang trùm khắp, trong ngần, sáng ngời không có gì sánh được, tánh Phật hiển hiện rõ ràng. Ngay đó Đức Phật nơi mỗi chúng ta ra đời. Mới biết, Đức Phật thị hiện đản sanh không chỉ là dưới cội Vô ưu ở đất nước Ấn Độ xưa nữa, mà còn là ngay nơi nguồn tâm mỗi một chúng ta. Tổ Lâm Tế đã nêu lên một sự thật, một chân lý tuyệt đối, nhắc lại thâm ý của Phật muốn chỉ bày để chúng ta biết và thực hành mang lại kết quả như nguyện.

Bởi lẽ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện nơi đời chỉ vì một điều trọng đại duy nhất là chỉ bày cho chúng sanh, nhận ra và sống cho bằng được với “trí tuệ thấy biết Phật” nơi chính mỗi người. Bằng chứng Ngài đã khẳng định: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Hoặc: “Ta là Phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành”. Hay là: “Tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật”. Vì vậy, nếu khéo dụng tâm tu tập, lóng lặng tạp niệm, tánh Phật hiện tiền; ngay đó Đức Phật nơi chúng ta đản sanh, ra đời. Tu tập được như vậy là thực hành đúng lời Phật dạy, đúng với thâm ý mà Ngài muốn chỉ cho tất cả chúng ta.

Từ trong bùn lầy vươn lên

Khi vào đời, thái tử đã bị vua cha Tịnh Phạn ép lập gia đình, hạ sanh La-hầu-la… Tức là Ngài cũng đã có gia đình rồi mới xuất gia, tu hành và thành đạo. Đã là thị hiện, tại sao Ngài không ngồi thiền kiết-già, phóng hào quang từ hư không bay xuống mà phải sanh ra đời và lập gia đình như mọi người rồi mới đi tầm đạo, khổ nhọc tu hành, sau đó mới thành được đạo quả?

Ngài vào đời bình thường, như là vẫn lấm lem trong bùn ngũ dục của cuộc đời như bao nhiêu con người khác. Nhưng một khi đã quyết chí tu hành thì Ngài dứt khoát, kiên quyết và tu hành thành được đạo quả. Cho chúng ta một niềm tin rằng, không luận người ngu hay kẻ trí, người giàu kẻ nghèo, ai ai cũng có khả năng tu hành giác ngộ thành Phật. Đây là một điểm vô cùng đặc biệt, như hoa sen mọc từ trong bùn, vươn lên khỏi bùn lầy, tỏa hương thơm ngát.

Nếu Ngài xuất hiện trong trường hợp thánh thiện thanh cao vi diệu như thế thì bây giờ con người chúng ta không ai đủ niềm tin để tu hành được. Bởi mọi người nghĩ rằng, Ngài cao siêu như vậy mới tu hành thành đạo được. Còn như mình thì phàm phu quá làm sao tu hành thành được gì.

Đặc biệt Ngài vào đời bình thường, như là vẫn lấm lem trong bùn ngũ dục của cuộc đời như bao nhiêu con người khác. Nhưng một khi đã quyết chí tu hành thì Ngài dứt khoát, kiên quyết và tu hành thành được đạo quả. Cho chúng ta một niềm tin rằng, không luận người ngu hay kẻ trí, người giàu kẻ nghèo, ai ai cũng có khả năng tu hành giác ngộ thành Phật. Đây là một điểm vô cùng đặc biệt, như hoa sen mọc từ trong bùn, vươn lên khỏi bùn lầy, tỏa hương thơm ngát.

Đời Tống ở Trung Hoa có hai vị Thượng tọa Thâm và Thượng tọa Minh có duyên sự cùng sang đò qua sông Hoài. Đang trên sông, thấy người bủa lưới đang kéo, có con cá to nhảy khỏi lưới ra ngoài. Thượng tọa Thâm vỗ tay khen: “Hay thay! Như thiền sư”. Thượng tọa Minh không đồng ý bảo: “Phải ở ngoài lưới mới hay, đợi vào lưới rồi mới nhảy là muộn”. Thượng tọa Thâm nói: “Huynh Minh chưa hiểu”. Đi hơn dặm đường, Thượng tọa Minh bỗng nhận ra chỗ sai, liền sám hối.

Không kể đến các bậc Thánh nhân thị hiện nơi đời, phát nguyện vào đời cứu độ chúng sanh, các Ngài không còn bị nghiệp chi phối. Còn lại tất cả chúng ta đều vì nghiệp thúc đẩy mà ra đời thì có ai là người sanh ra đã ở ngoài lưới, không vướn vào lưới nghiệp? Cho nên, nếu nói “phải ở ngoài lưới mới hay”, trong khi không ai trong chúng ta sanh ra đã ở sẵn ngoài lưới nghiệp cả thì lời nói này không thực tiễn. Hơn nữa, người đã ở sẵn ngoài lưới rồi thì còn gì cần nhảy ra, là chuyện đã hẳn nhiên rồi, đâu cần phải bàn nói thêm làm gì cho dư thừa? Tất cả mọi người đều đang còn trong lưới nghiệp, nhưng nếu vị nào phát chí xuất trần, nhảy tung ra được khỏi lưới thì mới là người có đại sức mạnh, đáng tán thán khen ngợi như một thiền sư.

Từ sự kiện Đức Phật vào đời bình thường như bao nhiêu người khác rồi phát tâm xuất gia tu hành thành đạo, cho đến câu chuyện chỉ dạy đạo lý của chư vị thiền sư, các ngài luôn vì chúng sanh, muốn cho tất cả chúng ta phải khéo tu hành để không còn mê lầm, không còn bị mọi thứ trong đời chi phối để phải khổ đau một cách oan uổng.

Không phải chỉ riêng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà ba đời chư Phật, chưa có vị nào không thị hiện xuất gia để thành đạo. Tức là vị Phật nào cũng thị hiện hạnh xuất gia để thành đạo cả

Không phải chỉ riêng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà ba đời chư Phật, chưa có vị nào không thị hiện xuất gia để thành đạo. Tức là vị Phật nào cũng thị hiện hạnh xuất gia để thành đạo cả

Xuất gia, không nương tựa

Sau khi đi ra bốn cửa thành chứng kiến cảnh đời đau khổ bởi sanh già bệnh chết, Ngài đã phát tâm xuất gia tu hành. Trải thời gian tầm học với các vị tiên nhơn, tu khổ hạnh; cuối cùng tọa thiền và thành chánh quả. Tại sao Đức Phật phải thị hiện xuất gia để thành đạo mà không ở hình thức cư sĩ tại gia? Không phải chỉ riêng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà ba đời chư Phật, chưa có vị nào không thị hiện xuất gia để thành đạo. Tức là vị Phật nào cũng thị hiện hạnh xuất gia để thành đạo cả.

Ý nghĩa của việc xuất gia thì Đức Phật và chư vị Tổ sư đã chỉ dạy trong Kinh Luận. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn đề cập đến một ý nghĩa thực tế là “không còn nương tựa”. Xuất gia là ra khỏi nhà thế tục, không còn nương tựa bà con thân thích, quan hệ bạn bè… Ra khỏi nhà phiền não, không còn nương tựa bất cứ những thứ lợi danh gì trong đời làm cho chúng ta phiền não, khổ đau. Ra khỏi sự ràng buộc của tam giới: Dục giới, sắc giới và vô sắc giới.

Tóm lại, xuất gia có nghĩa là không còn nương tựa hay dựa vào bất cứ gì trong ba cõi này để phải bị ràng buộc, khiến chúng ta phải khổ não một cách vô lý nữa. Cụ thể là phải hướng tiến giác ngộ để giải thoát mọi khổ đau. Cho nên, điều muốn nhắc đến ở đây chỉ nằm trong phạm vi của ý nghĩa “không còn nương tựa”. Bởi người biết sống không nương tựa một cách đúng nghĩa, tự đứng vững bằng đôi chân của mình, sẽ có đầy đủ trí tuệ, năng lực, nguồn an lạc và lòng từ bi. Cụ thể, tự mình mạnh mẽ, có trí tuệ thanh tịnh rỗng suốt, có niềm an lạc vô biên, như thế mới có được tâm thái thênh thang rộng lớn để cảm thông; có đầy đủ năng lực để cứu giúp mọi người.

Khi nghe nói, ai cũng hiểu và gật gù. Nhà cửa cũng ở cạnh bên mình, nhưng không hiểu gì cả. Bởi nó không có khả năng tự hiểu cho nên không thể hiểu như chúng ta. Còn con người thì có khả năng tự hiểu ấy, cho nên khi tiếp xúc mọi thứ, chúng ta hiểu được. Như vậy, trước khi muốn hiểu những thứ bên ngoài, con người ta đã có sẵn khả năng tự hiểu, nhưng lại bận lao ra hiểu theo mọi thứ bên ngoài mà bỏ sót khả năng, tiềm năng hiểu nơi chính mình.

Trước khi muốn hiểu những thứ bên ngoài, con người ta đã có sẵn khả năng tự hiểu, nhưng lại bận lao ra hiểu theo mọi thứ bên ngoài mà bỏ sót khả năng, tiềm năng hiểu nơi chính mình. Khả năng tiềm tàng này chính là trí tuệ căn bản, là con người chân thật của tất cả chúng ta. Nó rất quan trọng đối với con người mà mình lại bỏ sót. Nếu ai khéo dừng các duyên bên ngoài, khéo nhận ra và sống trở về bằng trí tuệ chân thật đó để sinh hoạt, để học hành, để làm mọi thứ cần thiết, chúng ta sẽ nhận ra một điều kỳ diệu là cuộc sống này vốn không động mặc dù nó vẫn đang vận hành.

Khả năng tiềm tàng này chính là trí tuệ căn bản, là con người chân thật của tất cả chúng ta. Nó rất quan trọng đối với con người mà mình lại bỏ sót. Nếu ai khéo dừng các duyên bên ngoài, khéo nhận ra và sống trở về bằng trí tuệ chân thật đó để sinh hoạt, để học hành, để làm mọi thứ cần thiết, chúng ta sẽ nhận ra một điều kỳ diệu là cuộc sống này vốn không động mặc dù nó vẫn đang vận hành. Ai từng nhận lại khả năng tiềm tàng này mới biết được chân lý tối thượng mà Đức Phật muốn chỉ bày nơi mỗi chúng ta. Ngược lại, nếu bỏ quên trí tánh thanh tịnh này là lý do đánh mất đi nguồn sống chính yếu, mất đi sức mạnh quan trọng để phải chìm trong trầm luân, chịu các khổ não một cách oan uổng, không đáng có.

Noi gương hạnh Đức Thế Tôn, người con Phật chúng ta tu tập, trước tiên buông bớt các duyên, không nương tựa, chuyên tâm hạ thủ công phu tu tập. Theo thời gian, được thuần thục, công phu đắc lực, trí tánh hiện tiền, trí này xán lạn, riêng còn, tất cả đều không chạm đến được. Lúc này, hành giả không còn dính mắc, không nương tựa bên ngoài mà hay vào đời giáo hóa độ sanh. Diệu lực của tâm này cho chúng ta tự vượt thoát, tự tại.

Tóm lại, hành giả đã khéo sống về bằng con người vòi vọi không nương tựa, sẽ tự vượt thoát mà không phải đợi lìa mọi thứ. Chỉ là một tâm thể rờ rỡ, rõ ràng, tự có sức sống mạnh mẽ. Đây là con người chân thật nơi mỗi người, luôn “thấy biết Phật” (luôn thấy biết bằng sức giác sáng của chân tâm). Lúc này, thấy, nghe, nhận biết bằng tánh Phật của chính mình. Từ tánh Phật đó mà sinh hoạt, làm việc, vận hành tất cả. Sống được như vậy là chúng ta đã biết học Phật một cách rốt ráo, nhận ra “tri kiến Phật”. Đây là điều chính yếu và cũng là điều tối yếu duy nhất mà Đức Phật muốn chỉ bày cho tất cả chúng sanh; phải bằng mọi cách để khéo nhận ra và sống về bằng “trí tuệ thấy biết Phật”, tức là “thấy biết bằng tự tánh giác” nơi mỗi người.

Nhận hiểu, tu tập và sống được như vậy là chúng ta đang từng phút, từng giây chào đón vị Phật nơi mỗi người ra đời. Mới hay ra, lễ Phật đản, kỷ niệm ngày Đức Phật đản sanh không chỉ là ngày trăng tròn của tháng Tư nữa, mà sức sống này sẽ sống động mãi trong bất cứ ai khéo sống về bằng tâm Phật không sanh không diệt này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.