GN - “Đức Phật có cá tính rất đặc biệt đến độ ngày nay người ta vẫn còn nhớ như in mỗi khi nghĩ đến Ngài. Ngài là mẫu người hoàn chỉnh của sự uy nghiêm, thanh thản và dịu dàng, vô vàn trìu mến chúng sinh và thương cảm những kẻ bất hạnh, một con người hoàn toàn tự do về tinh thần và không hề có chút định kiến đối với bất cứ ai” - Jawaharlal Nehru, cựu Thủ tướng Ấn Độ.
Đức Phật ra đời ở Ấn Độ khoảng thế kỷ thứ VI trước Tây lịch và đã có những cống hiến to lớn cho cuộc đời.
Về thánh cách của Ngài, cựu Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru trang trọng ghi nhận: “Đức Phật có cá tính rất đặc biệt đến độ ngày nay người ta vẫn còn nhớ như in mỗi khi nghĩ đến Ngài. Ngài là mẫu người hoàn chỉnh của sự uy nghiêm, thanh thản và dịu dàng, vô vàn trìu mến chúng sinh và thương cảm những kẻ bất hạnh, một con người hoàn toàn tự do về tinh thần và không hề có chút định kiến đối với bất cứ ai”.1
Về tầm ảnh hưởng và sự cống hiến của Ngài, học giả H.W. Schumann nêu nhận xét: “Rất hiếm nhân vật trong lịch sử tư tưởng nhân loại từng có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài như Đức Phật Siddhattha Gotama, và cũng không ai từng để lại dấu ấn sâu đậm lên toàn cõi châu Á như Ngài. Đạo giáo do Ngài sáng lập không chỉ đem lại nguồn an ủi cho vô số người mà còn cung cấp nền tảng học thuyết nhân bản cao thượng và một di sản văn hóa vô cùng tinh tế. Bài pháp đầu tiên do Ngài thuyết giảng ở Sàrnàth gần Benares vào năm 528 trước Tây lịch là một sự kiện lớn mang lại kết quả đầy lợi lạc liên tục mãi cho đến tận ngày nay”.2
Ngoài thánh cách cao thượng luôn gợi cho con người những cảm xúc ý nhị và suy nghĩ tích cực, ba đặc điểm cống hiến to lớn của Đức Phật - “học thuyết nhân bản cao thượng”, “di sản văn hóa tinh tế” và “nguồn an ủi cho vô số người” - mà học giả H.W. Schumann đã nêu ra là đủ cho ta hiểu lý do vì sao nhân loại trên hành tinh cũng như các tổ chức văn hóa và nhân văn thế giới luôn hướng về chiêm ngưỡng Ngài và cố gắng học hỏi truyền bá giáo lý của Ngài. Bài viết này chỉ đề cập một khía cạnh rất nhỏ trong số các nhận định vừa nêu.
Đối với hầu hết mọi người, bức tranh gần gũi và thân thương nhất về con người và cuộc đời Đức Phật có lẽ là hình ảnh mỗi ngày Ngài lặng lẽ ôm chiếc bình bát đi khất thực từ nhà này sang nhà khác, kiên trì ròng rã suốt 45 năm, chỉ để chia sẻ và khuyên dạy mọi người về lẽ sống giác ngộ hay nếp sống hạnh phúc an lạc. Ngài đi bộ khất thực mỗi ngày với hạnh nguyện lớn của bậc Đại trí Đại từ: Cứu người giúp đời.
Theo các tài liệu còn lưu lại thì Ngài thường xuyên di chuyển rất xa để truyền đạt pháp giác ngộ cho mọi người, mọi nhà, không phân biệt giai cấp hay giới tính, không phân chia ngôn ngữ hay văn hóa, không tỵ hiềm quốc gia hay dân tộc. Đi đến đâu Ngài đều khuyên mọi người bỏ ác làm lành, sống chân thực, không gian dối, sống từ tâm và hòa bình. Giáo lý của Ngài vượt ra ngoài mọi ước lệ và phân biệt, mọi quy ước và áp đặt, mọi toan tính và chia cách. Giáo lý ấy dành cho mọi người. Nó thiết thân với mỗi người bởi nó chỉ nói về con người, thân phận con người và bởi nó nêu rõ sự thật rất chung về con người là khổ đau và tâm lý muốn thoát khổ. Suốt cuộc đời Ngài, Đức Phật sống gần gũi chan hòa với mọi người và tập trung lưu ý với cuộc đời về hai điều: khổ và diệt khổ.
Ngài dạy rằng tất cả mọi người và mọi loài đều khổ đau bởi già, bệnh, chết và đều mong muốn giải thoát khổ đau. Đó là thông điệp của sự hiểu biết và lòng cảm thông sâu sắc mà Ngài mong muốn gởi đến cho cuộc đời. Bởi mọi người đều có chung số phận khổ đau bởi già, bệnh, chết và đều mong muốn thoát khỏi nỗi khổ già, bệnh, chết nên hết thảy mọi người cơ bản là giống nhau. Khổ đau có muôn hình vạn trạng nhưng đã là con người thì ai cũng phải chịu khổ bởi già, bệnh, chết và cái khổ này là lớn nhất và chung cho tất cả.
Như vậy, vượt ra ngoài những gì gọi là hơn thua được mất vốn nhỏ nhoi và rất mong manh của cuộc đời thì hết thảy mọi người, mọi chúng sinh là bình đẳng dưới cái nhìn của Đức Phật. Bình đẳng về phương diện khổ đau sinh tử và bình đẳng về tâm lý mong muốn giải thoát khổ đau. Sự thật bình đẳng này được Ngài nêu ra có sức thuyết phục lớn, khiến xua tan mọi tâm lý mặc cảm và đố kỵ giữa con người và con người, đẩy lùi mọi ý tưởng phân biệt thế cấp và chủng tộc, phá vỡ mọi toan tính cục bộ hạn hẹp về chủ nghĩa quốc gia hay lòng tự tôn dân tộc.
Ngẫm nghĩ thật kỹ lời Phật dạy về khổ, mọi người hẳn sẽ nhận ra mình đáng thương và đáng tỏ rõ sự cảm thông chia sẻ với nhau hơn là dương dương tự đắc hoặc mưu toan xâu xé lẫn nhau. Đức Phật khuyên nhắc mọi người:
“Hết thảy chúng sinh đều sợ hình phạt, sợ tử vong và đều yêu quý mạng sống; hãy lấy mình làm ví dụ để không giết hại hay khiến người khác giết hại”.
Tất cả mọi người, mọi sinh linh đều có chung số phận là khổ đau và đều mong muốn giải thoát khổ đau. Vì thế con người ta không nên phân biệt và xử tệ với nhau chỉ vì lý do khác biệt nhỏ về màu da, tập quán, tín ngưỡng, chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa, đặc biệt là không nên vì lợi ích và hạnh phúc riêng tư mà gây khổ đau cho người khác hay chúng sinh khác. Bởi tất cả tất cả mọi người, tất cả loài hữu tình đều yêu quý sự sống, lo sợ sự chết, ước muốn hạnh phúc và chán ghét khổ đau.
Lời dạy của Ngài về sự thật khổ đau nói trên là tuyệt đối cần thiết cho sự hiểu biết và cảm thông lớn giữa con người với con người và giữa các dân tộc trên hành tinh. Thông điệp này của Ngài nói rõ nguyên lý hòa bình đầy hiểu biết và bao dung của đạo Phật, mở ra viễn cảnh hòa bình an lạc lâu dài cho thế giới. Thông điệp này cũng nói rõ tâm thái từ bi trí tuệ của người Phật tử bởi nó nhấn mạnh sự thật bình đẳng gần như tuyệt đối giữa con người và con người, cùng lúc chỉ rõ cách thái chung sống hòa bình, tôn trọng sự sống và quyền sống của tất cả chúng sinh.
Nhận thức sự thật khổ đau và tâm lý mong muốn thoát khổ hoàn toàn giống nhau giữa mình và người khác là điều kiện căn bản và cần thiết cho tình thương và lòng từ bi nở hoa. Khi tình thương và lòng từ bi nở hoa thì ý tưởng thù hận và chiến tranh bị đẩy lùi, hòa bình và tình hữu nghị được thiết lập.
Ảnh minh họa |
Đức Phật tỏ rõ tình thương và lòng từ bi vô lượng bởi Ngài vượt ra ngoài khuôn khổ của mọi truyền thống và ước lệ xã hội và bởi Ngài hiểu rõ bản chất ham sống, sợ chết, mong muốn hạnh phúc và chán ghét khổ đau của tất cả chúng sinh. Tâm Đức Phật không phải là tâm một người Ấn Độ mà là Phật tâm. Phật tâm thì vượt ra ngoài mọi biên giới chủng tộc, văn hóa và luôn thấy rõ bản chất tham sinh úy tử của tất cả chúng sinh:
“Này các gia chủ, hãy suy nghĩ và thực hành như sau: ‘Ta muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ. Nếu có ai đến đoạt mạng sống của ta, một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý đối với ta. Nhưng nếu ta đoạt mạng sống của một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý đối với người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho một người khác?’. Do suy tư như vậy, vị ấy từ bỏ sát sinh, khuyến khích người khác từ bỏ sát sinh, nói lời tán thán từ bỏ sát sinh”.3
Được củng cố và soi sáng thường xuyên bởi lời dạy từ bi của bậc Đạo sư, những người con Phật luôn luôn sống nếp sống hòa bình, hòa hợp, tôn trọng sự sống, không làm hại, có từ tâm lớn đối với muôn loài chúng sinh. Nhờ chiêm nghiệm sâu về sự thật khổ đau không thể tránh của kiếp nhân sinh mà đức vua Phật tử Pasenadi bộc lộ quan điểm và lập trường rất mực hiền minh:
“Bạch Thế Tôn, những sự việc như các vua chúa Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, say đắm, kiêu hãnh với vương quyền, thọ hưởng tham lam vật dục, đạt được sự an toàn quốc độ và sống chinh phục cả vùng đất đai rộng lớn cùng các trận chiến với tượng binh… với mã binh... với xa binh... với bộ binh… với chú thuật… những sự việc ấy thật sự không đem lại một hướng đi, một điểm tựa cho các vị vua ấy một khi bị già chết chinh phục.
Bạch Thế Tôn, trong vương cung này của chúng con có nhiều số vàng được chứa cất trong những nhà hầm hay những lầu thượng, và với số vàng ấy chúng con có thể phá tan quân địch tấn công tài chánh. Nhưng bạch Thế Tôn, các trận chiến tài chánh không đem lại một hướng đi, một điểm tựa cho các vị vua chúa một khi bị già chết chinh phục. Và bạch Thế Tôn, khi con bị già chết chinh phục, thời con có thể làm được gì, ngoại trừ sống đúng pháp, sống chơn chánh, làm các hạnh lành, làm các công đức!”.4
Về cách thức loại bỏ khổ đau, thực hiện hạnh phúc an lạc, Đức Phật nêu bài học rất giản dị nhưng hết sức thực tế:
Lấy không giận thắng giận,
Lấy thiện thắng không thiện,
Lấy thí thắng xan tham,
Lấy chơn thắng hư ngụy.
Khổ đau là căn bệnh trầm kha của con người và mỗi người nhưng không phải không có cách chữa trị tận gốc hoặc chí ít là để xoa dịu. Lời Phật dạy cho thấy nhận hiểu ra nỗi khổ chung của mình và người khác và tâm lý mong sống sợ chết của bản thân cũng như của kẻ khác để tránh làm hại hay xui khiến người khác làm hại chính là cách thức loại bỏ khổ đau. Tương tự, ý thức rằng giận dữ là khổ đau để chuyển hóa giận dữ thành không giận dữ, bất thiện thành chí thiện, xan tham thành thí xả, gian dối thành chân thật là cách hay nhất để xoa dịu và loại trừ khổ đau cho mình và cho người khác.
Dĩ nhiên, có nhiều cách thức khác nhau có thể giúp xoa dịu và loại bỏ các khổ đau trần thế nhưng cách chuyển hóa bản thân theo lời Phật dạy là căn bản. Khổ đau là con đẻ của hiểu biết sai lầm và lòng ích kỷ. Chuyển hóa bản thân có nghĩa là chuyển đổi cách nhìn mê lầm sang hiểu biết sáng suốt và chuyển hóa mọi hành vi của bản thân từ xấu thành tốt, từ ác sang thiện.
Như vậy, nếu mọi người trên hành tinh lưu tâm về giá trị lời dạy của Đức Phật và nỗ lực sống đúng với lời dạy ấy, nghĩa là thấy rõ sự thật khổ đau và tâm lý mong muốn thoát khổ hoàn toàn giống nhau giữa mình và người khác để cảm thông thay vì nghi ngờ, để thương yêu thay vì thù hận, để chia sẻ thay vì đố kỵ, để tương trợ thay vì phân ly, để chung sống hòa bình thay vì tiến hành chiến tranh, thì thế giới sẽ thái bình, nhân loại sẽ an lạc.
Đức Phật ra đời đã chẩn mạch được căn bệnh trầm kha này của con người và của chúng sinh. Ngài thị hiện Đản sinh là may mắn lớn cho muôn loài, trước đây cũng như hôm nay, bởi sự xuất hiện của Ngài đánh dấu sự xuất hiện của hạnh phúc, bình an, của tình thương, sự hiểu biết, tình thân ái, sự cảm thông, tinh thần đoàn kết, hữu nghị, sự an lạc, hòa bình và giải thoát trên cuộc đời. Đặc biệt, những lời Ngài dạy về con người, thân phận con người, tâm lý con người cũng như những lời khuyên của Ngài về đạo đức, nhân ái, hòa bình mãi mãi là kim chỉ nam cho cuộc sống hạnh phúc, an lạc của muôn người và muôn loài sinh sống trên hành tinh.
Vui thay Phật ra đời! Vui thay Pháp được giảng!
------------------------------
1 Phạm Thủy Ba, Phát hiện Ấn Độ, tập I, tr.212.
2 H.W. Schumann, The historical Buddha, tr.9.
3 Kinh Những người ở Veludvàra, Tương ưng bộ.
4 Kinh Ví dụ hòn núi, Tương ưng bộ.