Đức Pháp chủ GHPGVN nói về tầm nhìn của chư Trưởng lão Hòa thượng tiền bối

Ảnh: Quảng Đạo/BGN
Ảnh: Quảng Đạo/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tôi hân hạnh được tham dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Phật học viện Huệ Nghiêm và 30 năm húy kỵ báo tiến của cố Trưởng lão Hòa thượng Bửu Huệ (1914-1991).

Trong buổi lễ này, tôi được lắng nghe bài phát biểu của Hòa thượng Thiện Nhơn, Hòa thượng Nhật Quang, làm cho tôi có cái nhìn sâu sắc hơn về Phật học viện Huệ Nghiêm, mạng mạch truyền thừa của Phật giáo Việt Nam chúng ta.

Chúng ta cách Đức Phật rất xa, nhưng suối nguồn trí tuệ của Đức Phật miên viễn, không cùng tận, chúng ta vẫn thấy các vị Bồ-tát, các vị Thánh tăng xuất hiện trên cuộc đời để trùng hưng Phật đạo. Đặc biệt với Phật giáo Việt Nam trong thời cận đại, chúng tôi được sống và làm việc với Hòa thượng Thiện Hòa (1907-1978), Hòa thượng Thiện Hoa (1918-1973), Hòa thượng Trí Tịnh (1917-2014) tại Phật học đường Nam Việt, theo đó nhận ra được tấm gương cao cả của các ngài mà nhờ đó phấn đấu từng bước đi lên.

Chư vị giáo phẩm tiền bối, có những đóng góp quan trọng cho Phật giáo nước nhà thế kỷ XX (Ảnh tư liệu của Báo Giác Ngộ)
Chư vị giáo phẩm tiền bối, có những đóng góp quan trọng cho Phật giáo nước nhà thế kỷ XX (Ảnh tư liệu của Báo Giác Ngộ)

Đối với Hòa thượng Thiện Hòa, điều quan trọng nhất chúng ta học được ở ngài là đức khiêm cung. Có thể nói ngài là hiện thân của Bồ-tát Thường Bất Khinh, không dám xem thường bất cứ một ai dù lớn hay nhỏ, mà chỉ có một lòng phụng sự Tam bảo và đặc biệt nhất là chăm lo cho chúng Tăng. Cho nên, ngài có chất liệu để nhìn kỹ, nhìn sâu những người nào có tâm hồn lớn, ngài sẵn lòng giúp đỡ, chiếu cố để những người này đi lên. Hòa thượng có một tầm nhìn xa, nên sau khi học xong ở Huế, ngài đã ra Bắc để tiếp tục nghiên cứu Luật tạng. Điều quan trọng nhất chúng ta học được ở ngài là thấy những gì khiếm khuyết thì học và học không biết mệt mỏi.

Nếu nói thời đại của chúng ta là khó khăn thì thời đại của Hòa thượng Thiện Hòa, Hòa thượng Thiện Hoa khó khăn hơn chúng ta rất nhiều. Nhưng mà các ngài đều vượt qua hết; lấy cái khổ, cái khó để lập chí tu hành đi lên. Khi về miền Nam, Hòa thượng đã thấy cách hoạt động của các tòng lâm ở Nhật Bản nên đã phát tâm xây dựng Đại Tòng Lâm cho Phật giáo Việt Nam, mà ngày nay Hòa thượng Quảng Hiển là người thừa kế sự nghiệp của ngài. Hòa thượng Thiện Hòa đã khẩn hơn 100 mẫu đất tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Và nhờ nhân duyên trong lúc Hòa thượng ra đó khẩn đất, tôi được gặp và ngài đã khai ngộ cho tôi để tôi trở về Phật học đường Nam Việt, nếu không tôi đã chỉ ở núi mà tu. Tầm nhìn chiến lược của Hòa thượng là Phật giáo chúng ta phải có những trung tâm, những đại tòng lâm, trường đại học để đào tạo Tăng tài.

Đối với Hòa thượng Thiện Hòa, điều quan trọng nhất chúng ta học được ở ngài là đức khiêm cung. Có thể nói ngài là hiện thân của Bồ-tát Thường Bất Khinh, không dám xem thường bất cứ một ai dù lớn hay nhỏ, mà chỉ có một lòng phụng sự Tam bảo và đặc biệt nhất là chăm lo cho chúng Tăng. Cho nên, ngài có chất liệu để nhìn kỹ, nhìn sâu những người nào có tâm hồn lớn, ngài sẵn lòng giúp đỡ, chiếu cố để những người này đi lên. Hòa thượng có một tầm nhìn xa, nên sau khi học xong ở Huế, ngài đã ra Bắc để tiếp tục nghiên cứu Luật tạng. Điều quan trọng nhất chúng ta học được ở ngài là thấy những gì khiếm khuyết thì học và học không biết mệt mỏi.

Tại Huệ Nghiêm này, ngài đã nghĩ cần lập An Dưỡng Địa để có nguồn kinh tế nuôi học Tăng. Chỉ dựa vào nguồn bảo trợ của Phật tử khi có khi không, không đảm bảo ổn định đời sống tu học của Tăng Ni. Bên cạnh An Dưỡng Địa thì xây dựng thêm chùa Huệ Nghiêm, nên chúng ta mới có khóa Trung đẳng thứ 4, tiếp nối khóa thứ 3 tại Ấn Quang của Phật học đường Nam Việt, vào năm 1964. Đó là khởi nguồn của Huệ Nghiêm. Và cũng là tầm nhìn của Hòa thượng, khi lấy tháp Phổ Đồng, và những phương tiện khác như xây dựng lò hỏa táng, nghĩa trang để nuôi sống Phật học viện này, vượt lên khó khăn và sự lệ thuộc bấp bênh. Chúng ta là người tiếp nối sự nghiệp của quý ngài, phải có tầm nhìn để chăm lo cho Phật giáo trong tương lai.

Cố Hòa thượng Thiện Hoa, cũng để lại cho chúng ta nhiều bài học lớn. Khi tốt nghiệp Phật học đường Báo Quốc ở Huế, ngài còn là Sa-di, nhưng đã tình nguyện dẫn học tăng ở Báo Quốc về miền Nam. Hòa thượng từng phát biểu, ở miền Nam đất rộng, người thưa nên Tăng Ni có thể sống và tu học được, ở Huế thì khó khăn hơn cho việc duy trì trường học. Đây là tầm nhìn của ngài, cho nên khi trở về miền Nam, ngài cùng với Hòa thượng Trí Tịnh lập tức mở Phật học đường Phật Quang ở Trà Ôn. Hai vị này đã mở lớp Phật học đầu tiên ở đó và đào tạo ra nhiều vị, trong đó có Hòa thượng Thanh Từ.

Các ngài có ý chí lớn, quyết tâm lớn, nên đã vượt lên tất cả khó khăn. Hòa thượng có câu nói mà hầu hết học tăng lúc bấy giờ đều biết: “Nơi nào Phật pháp cần, nơi nào chúng sanh cần thì ta đều đi tới, không nại gian lao, không từ khó nhọc”. Nhờ lập chí như vậy, ngài đã làm được những việc lớn mặc dù tuổi thọ Hòa thượng không cao, chỉ 55 tuổi. Hòa thượng làm được rất nhiều việc, làm cho nhiều người kính nể chính vì ý chí của ngài.

Tầm nhìn của Hòa thượng rất xa. Tôi nhớ vào năm 1964, ngài gọi tôi đến mà dạy: “Tình hình Việt Nam bây giờ khó khăn, Trí Quảng còn trẻ nên sang Nhật mà học cách tổ chức, cách quản lý, cách lãnh đạo của họ để sau này có dịp thì đóng góp cho Phật giáo nước nhà”. Trong lúc đó, tôi đang làm Tổng Thư ký cho Tổng vụ Pháp sự, phụ trách Vụ Giáo dục, Vụ Nghi lễ, Vụ Mỹ nghệ, nhờ lời khuyên đó của ngài nên tôi đã đi du học.

Vâng lời Hòa thượng, tôi sang Nhật Bản học 8 năm với tư cách Đặc ủy Thanh niên Phật giáo ở nước ngoài. Tôi dành nhiều thời gian để sinh hoạt ở các tổ đình, các tự viện, kể cả các hội đoàn để xem cách sinh hoạt của họ mà chúng ta học được những gì, quan sát để có thể ứng dụng cho Phật sự trong nước.

Phật học viện Huệ Nghiêm đã đào tạo ra nhiều vị thành tựu sự nghiệp, phần lớn các vị nay đã qua đời. Hiện tại, còn có Hòa thượng Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ - Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN. Đây là một danh dự của trung tâm giáo dục này.

Tôi thấy ở đây còn có các vị từng được đào tạo từ Phật học viện Huệ Nghiêm, như Hòa thượng Tâm Thủy, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã từng nhiều năm lãnh đạo Phật giáo Phú Yên. Hòa thượng Nhật Quang cũng là Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, hiện đang lãnh đạo Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam... Đây là những nhân tố kiệt xuất thời Hòa thượng Bửu Huệ đã đào tạo. Và còn nhiều vị nữa mà tôi không thể biết hết. Các vị đã trực tiếp, gián tiếp, âm thầm đóng góp cho việc giữ gìn Phật giáo tồn tại, đồng thời cũng cần đặt vấn đề phải làm gì để phát triển cho hiện nay.

“Nơi nào Phật pháp cần, nơi nào chúng sanh cần thì ta đều đi tới, không nại gian lao, không từ khó nhọc”

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Hoa

Mặc dù tôi không trực tiếp học với Hòa thượng Thanh Từ, Hòa thượng Bửu Huệ nhưng khi du học về nước, người đầu tiên tôi viếng thăm là Hòa thượng Thanh Từ, với mong muốn trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lãnh đạo trong thời gian khó khăn của Phật giáo Việt Nam.

Tôi nhớ năm 1973, khi vừa về Sài Gòn (nay là TP.HCM), tôi đã ra Huệ Nghiêm ngay để gặp Hòa thượng Bửu Huệ. Ngài đã chân tình chia sẻ những khó khăn và cách để vượt lên các khó khăn đó. Nhờ góp ý, chia sẻ chân tình của các ngài mà tôi có tầm nhìn mới, cách làm việc mới để thích nghi với hoàn cảnh mới và hành hoạt cho đến ngày nay.

Hôm nay các ngài đã không còn ở thế gian nhưng Giác linh của các ngài vẫn luôn ủng hộ chúng ta xây dựng Giáo hội, xây dựng Phật học đường, để đào tạo Tăng tài, làm cho Phật pháp cửu trụ trên thế gian, làm lợi ích cho tất cả mọi người. Chúng ta cần phải cùng hết lòng mà lo phụng sự cho Phật pháp, đó thiết thực là báo ân tiền nhân, nhất là các bậc trực tiếp giáo dục cho chúng ta.

(Phước Hiền phiên tả đạo từ của Đức Pháp chủ tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Phật học viện Huệ Nghiêm và tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Huệ, 27-11-2024)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.