Trưởng lão Hòa thượng Thích Tâm Thủy: "Tôi luôn nhớ lời dạy của quý giáo thọ ở Huệ Nghiêm năm xưa"

Lưu niệm tại Lễ mãn khóa Cao học tại Phật học viện Huệ Nghiêm
Lưu niệm tại Lễ mãn khóa Cao học tại Phật học viện Huệ Nghiêm
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Năm 1963, trong phong trào tranh đấu của Phật giáo dưới chế độ Ngô Đình Diệm, mấy trăm Tăng Ni trẻ chúng tôi tham gia phong trào bị bắt ở khu vực trước chợ Bến Thành, áp giải đến giam giữ tại An Dưỡng Địa.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Tâm Thủy, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, trụ trì chùa Hương Sơn (tỉnh Phú Yên)

Trưởng lão Hòa thượng Thích Tâm Thủy, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, trụ trì chùa Hương Sơn (tỉnh Phú Yên)

Sau này, chính tại khu vực An Dưỡng Địa này đã xuất hiện ngôi Phật học viện Huệ Nghiêm, nơi đào tạo ra nhiều tăng tài phụng sự cho Phật giáo nước nhà.

Buổi đầu, Phật học viện Huệ Nghiêm vô cùng đơn sơ. Khi ấy, nơi ở của anh em học tăng chúng tôi chỉ là những ngôi nhà dựng lên với mái lợp tôn, vách kết bằng lá dừa nước, khác xa với hình ảnh những ngôi Phật học viện có quy củ, tổ chức như bây giờ. Tịnh thất của các Hòa thượng giáo thọ cũng dựng bằng tôn lá hết sức đơn sơ, không khác với học tăng chúng tôi là mấy. Thời điểm ấy, có lẽ vì nhu cầu cần đến nhân sự là Tăng sĩ được đào tạo học vấn bài bản để phục vụ cho các Phật sự của Giáo hội mới vừa thành lập sau công cuộc tranh đấu, chư giáo phẩm tiền bối đã mở ra chương trình học có tính cách chính quy nhưng cũng rất cấp tốc.

Chương trình học mỗi ngày của chúng tôi khi ấy kéo dài đến 10 tiếng mỗi ngày. Buổi sáng học 4 tiếng, buổi chiều 4 tiếng, sau bữa cơm chiều và công phu xong lại học tiếp 2 tiếng nữa vào buổi tối. Chúng tôi phải vừa học nội điển, lại học cả ngoại điển. Giảng viên có các giáo sư thỉnh giảng từ Viện Đại học Vạn Hạnh; dạy chữ Hán thì có các Thầy Trí Không, Minh Cảnh, cộng thêm có cả các thầy người Hoa dạy bổ sung cả sinh ngữ, quan thoại; Hòa thượng Thiền Tâm dạy về Tịnh độ; Hòa thượng Thanh Từ dạy về Thiền tông. Vì chương trình học dày đặc như vậy nên anh em học tăng chúng tôi có lúc thiếu ngủ trầm trọng, nhiều người gắng gượng không nổi, ngủ gục ngay trong lớp học. Việc ăn uống của học tăng tuy đạm bạc nhưng tương đối đầy đủ, việc giặt giũ có phần hạn chế vì điều kiện tự nhiên.

Có thể thấy, mong muốn của các bậc giáo phẩm tiền bối lúc ấy là anh em chúng tôi có đủ kiến thức và khả năng để có thể tiếp tục ra làm việc đạo lẫn tiếp nối việc đào tạo cho các thế hệ tiếp theo. Ngay trong khi đang theo chương trình học ở Huệ Nghiêm, vì điều kiện cần đến, các tỉnh đến thỉnh người đi giảng pháp, anh em chúng tôi cũng phải đi giảng ở các tỉnh trong hoàn cảnh chiến tranh còn đang khốc liệt. Khi chúng tôi chuẩn bị tốt nghiệp, thì các tỉnh đã đăng ký mời các giảng sư về để hỗ trợ, bản thân tôi, ngay sau khi ra trường đã về công tác liền tại Trường Bồ Đề (tỉnh Phú Yên).

Giờ đây, năm tháng trôi qua, những học tăng khóa của chúng tôi xưa kia, chỉ còn đôi ba người hiện diện trên cõi đời, nhưng ân đức của thầy tổ năm xưa, tôi vẫn ghi lòng tạc dạ. Đến bây giờ, tôi còn nhớ luôn luôn lời dạy của quý giáo thọ ở Huệ Nghiêm năm xưa: ‘Tâm tịnh quốc độ tịnh’. Do đó, làm điều gì, tôi cũng luôn nghĩ nhớ đến Phật, niệm Phật, mặc dù không tài giỏi gì, chỉ tụng kinh, niệm Phật, làm vườn, tôi vẫn hằng mong từ trường phát khởi từ lòng yêu thương, tâm thanh tịnh của mình có thể góp phần chút ít để an ủi được lòng người, thanh bình cho xã hội và sự an ổn của Giáo hội. Làm được chừng đó, có lẽ cũng chính là cách mà một nông tăng như tôi báo ơn thầy tổ của mình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.