Dự báo sức khỏe tim mạch qua xét nghiệm máu

GNO - Hằng ngày, nhiều người khỏe mạnh trong chúng ta trải qua các cơn đau tức ngực và phải vào cấp cứu. Một loạt các bất ổn có thể diễn ra tiếp theo sau đó: có khi là bị đau tim và tử vong không lâu sau đó; số khác được điều trị bằng thuốc, ra viện và sống khỏe mạnh thêm nhiều năm nữa.

Hiện nay, các bác sĩ có thể biết được nguy cơ tim mạch nghiêm trọng của bệnh nhân như đau tim hay thậm chí là tử vong nhanh chóng thông qua xét nghiệm máu, theo báo cáo của một nghiên cứu mới đây.

Đó là xét nghiệm máu để đo mức phân tử được gọi là trimethylamine N-oxide (TMAO), theo kết quả báo cáo trên Tạp chí Tim mạch Châu Âu tháng 1 qua.

xet-nghiem-mau.jpg


Có thể biết được nguy cơ tim mạch nghiêm trọng của bệnh nhân qua xét nghiệm máu

TMAO được tạo ra khi vi khuẩn đường ruột phân rã các loại thức ăn; trong đó có thịt đỏ, trứng và các sản phẩm làm từ bơ sữa.

Các nghiên cứu trước đây trên động vật cho thấy sự liên hệ giữa mức TMAO cao và nguy cơ viêm nhiễm các mạch máu. Và các nghiên cứu ở người bị bệnh tim cũng cho thấy những ai có mức TMAO cao có nguy cơ cao với chứng cục máu đông. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không lý giải được tại sao TMAO có liên quan tới nguy cơ cao đối với cục máu đông hay các hậu quả khác ở người khỏe mạnh.

Trong nghiên cứu này, các chuyên gia quan sát mức TMAO ở hai nhóm bệnh nhân. Nhóm thứ nhất gồm 530 người trưởng thành tại Bệnh viện Cleveland (Ohio) được cấp cứu do đau tức ngực. Các bệnh nhân được lấy mẫu máu khi được nhập viện và mỗi sau 4, 8, 16 tiếng. Các nhà nghiên cứu theo dõi các bệnh nhân này trong 7 năm tiếp theo để xem họ có phát triển các bất ổn về tim mạch hay tử vong hay không.

Kết quả cho thấy, so với các bệnh nhân có mức TMAO thấp nhất khi nhập viện thì người có mức TMAO cao nhất có gấp 6 lần nguy cơ tử vong, nguy cơ bị đau tim, đột quỵ hoặc cần phẫu thuật mạch máu trong tháng tiếp theo - khẳng định của chuyên gia tim mạch Thomas Lüscher, Đại học Zurich (Thụy Sĩ).

Người có mức TMAO cao nhất cũng có gấp 6 lần nguy cơ tử vong, đau tim hay đột quỵ trong vòng 6 tháng tiếp theo. Ngoài ra, bệnh nhân có mức TMAO cao gần như có gấp đôi nguy cơ tử vong trong thời gian 7 năm so với nhóm người có mức TMAO thấp nhất. Kết quả này được khẳng định sau khi xem xét các yếu tố nguy cơ tim mạch khác như: tuổi tác, thuốc lá, mức cholesterol và huyết áp.

Nhóm bệnh nhân khác gồm hơn 1.600 người ở Thụy Sĩ được nhập viện do các cơn đau tức ngực. Trong nhóm này, mức TMAO được đo sau 5 ngày bệnh nhân nhập viện. Các bệnh nhân được theo dõi trong vòng một tháng và một năm sau đó.

Kết quả cho thấy các bệnh nhân có mức TMAO cao nhất có nguy cơ tử vong, bị đau tim, đột quỵ hay cần phẫu thuật mạch máu trong một năm sau cao gấp 1,5 lần so với người có mức TMAO thấp nhất.

Hai nghiên cứu này cho thấy, khi bệnh nhân được đưa vào cấp cứu, các bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm máu nhanh để biết mức TMAO nhằm xác định những bệnh nhân có nguy cơ cao nhất với các biến chứng nguy hiểm, các chuyên gia chia sẻ.

Ngoài ra, các bác sĩ có thể xem xét mối liên hệ giữa TMAO và nguy cơ tim mạch để giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch. Các bệnh nhân nên giảm chế độ ăn nhiều thịt đỏ và bơ sữa vốn có thể dẫn đến mức TMAO cao, lời khuyên từ chuyên gia tim mạch can thiệp Slayman Obeid, Đại học Zurich.

Huệ Trần
(theo Live Science)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.