Ninh Thuận những ngày mưa mưa nắng nắng, vượt quãng đường hơn 60 cây số từ thành phố Phan Rang-Tháp Chàm để đến với đồng bào còn gặp nhiều khó khăn ở huyện Ninh Sơn, Bác Ái. Chuyến đi đã cho người trẻ như tôi nạp thêm nhiều năng lượng, trái tim rộng mở hơn khi được cảm nhận nhiều cung bậc cảm xúc, đặc biệt là niềm hạnh phúc lan tỏa từ ánh mắt của trẻ thơ nơi đây.
Góp nhặt những niềm vui
Ma Lâm được cho là thôn khó khăn nhất của huyện Bác Ái - là huyện khó khăn nhất của tỉnh Ninh Thuận và Ninh Thuận là một trong những địa phương còn khó khăn nhất trong cả nước. Đoạn đường từ trung tâm huyện Bác Ái vào đến thôn Ma Lâm vượt qua nhiều đồi dốc, dọc hai bên đường là rừng xanh, đôi khi có xen lẫn những ngôi nhà sàn làm bằng nứa của đồng bào Raglay.
Biết đoàn từ thiện ghé thăm, người dân đã có mặt tại nhà cộng đồng từ sớm. Ánh mắt long lanh của các em thơ nhìn theo đoàn, hướng về phía những phần quà bánh kẹo thật làm say lòng người. Các em nhỏ ở đây được trao thêm những phần quà bánh. Mấy đứa lớn hơn thì tự xếp thành mấy hàng dọc rồi nhận quà, mấy em nhỏ còn địu trên lưng mẹ thì mẹ nhận thay. Phụ huynh các em, khi nhận quà cười tươi, ai cũng bày tỏ về niềm vui bất ngờ khi nhận được những phần quà thiết yếu. Trên tay mỗi đứa nhận một phần bánh kẹo, gương mặt rạng rỡ, tràn đầy niềm vui.
Nụ cười của tất cả mọi người là điều mà những người trẻ đem chương trình đến đây mong muốn. Bởi những món quà được trao cho các hộ dân, không chỉ chứa đựng sự sẻ chia của đồng bào miền xuôi mà còn mang nặng tình cảm và sự động viên, mong mỏi mỗi hộ dân sẽ có thêm chút ấm áp trong những ngày xuân Tết đang cận kề.
Những nụ mầm mới, sức sống mới
Tôi trở lại với thôn Gia Hoa và thôn Tà Nôi của xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn. Đây là hai địa phương giáp ranh với huyện Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng. Những năm gần đây Chính phủ quan tâm hỗ trợ điện, đường, trường, trạm nên Tà Nôi đã dần dần thay đổi, khác hẳn với dáng vẻ xóm núi heo hút của vài năm về trước.
Trước đây, từ trung tâm xã Ma Nới đi lên Tà Nôi phải lội qua 9 con suối. Những khi mùa mưa, nước ở nguồn đổ về, suối thành sông, đường đi bị lũ phá, lắm lúc nơi này thành địa phương bị chia cắt cả tháng trời.
Ở Gia Hoa và Ma Nới, nhiều gia đình có người đi làm ăn xa dưới phố hoặc lên Lâm Đồng đi hái cà-phê thuê. Dễ dàng nhận thấy đại diện các hộ gia đình nghèo nhận quà chỉ có người già và trẻ nhỏ. Nhiều cụ già mang theo gùi để đựng gạo, thùng mì tôm, các nhu yếu phẩm thì bê trên tay. Tuy nhiên, với bọn trẻ con lại khác. Bao gạo 10 ký, cộng thêm các phần quà khác, làm các em không bê, xách nổi. Đành phải nhận xong rồi đứng ở cổng trụ sở, nhờ hàng xóm hỗ trợ xách về.
Tôi dõi theo quan sát 3 cậu bé đi nhận quà, chúng mang theo xe đạp, ràng dây cao su để cột mấy bao gạo. Sau khi cột xong, hai đứa lớn, một đứa dắt, một đứa đẩy xe, còn mì tôm thì giao cho đứa nhỏ nhất ôm 2 thùng. Chúng “đẩy quà” về nhà trong niềm hạnh phúc và cho biết sung sướng vì nhà sắp được ăn ngon.
Có thể nói những buổi trao quà xã hội tình nghĩa đối với những xóm nhỏ miền núi như một ngày hội vậy. Người lớn được quà về lo cho cả gia đình, trẻ nhỏ thì được thêm phần bánh kẹo. Niềm vui ở nơi đây đôi khi chỉ đơn giản là được xã hội cùng quan tâm, chia sẻ, cùng động viên để rồi từ đó, mỗi hộ, mỗi người dân có thêm động lực vươn lên thoát nghèo.
Trong mỗi chuyến xã hội tình nghĩa, nhất là ở những địa bàn vùng sâu vùng xa, bản thân ta không chỉ mang trong mình cái tâm thiện chan hòa khắp nơi mà mỗi chuyến đi, mỗi hoàn cảnh, mỗi niềm vui như được lan tỏa, nhân lên gấp nhiều lần. Nó trân quý bởi những nét chân thực của sự sẻ chia, của tinh thần đồng cảm. Trân quý bởi tình nghĩa đồng bào hòa trong ánh mắt nụ cười của những tấm lòng thiện lương.