Đón mùa Phật đản giữa mùa chống dịch

Tắm Phật - Một nghi thức đặc biệt trong Đại lễ mừng Phật đản sinh
Tắm Phật - Một nghi thức đặc biệt trong Đại lễ mừng Phật đản sinh
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đại dịch là điều không ai mong. Nhưng, đó cũng là cơ hội để con người nhìn lại quá trình biểu hiện của nó để thấy rõ nhân duyên, sự vô thường, từ đó điều chỉnh hành vi sống, trở nên tích cực hơn.

Cuối tháng 4-2021, đại dịch Covid-19 trở lại, với những biến thể mới, lây lan nhanh. Bài học từ Ấn Độ về việc bất chấp dịch bệnh để tham gia vào các lễ hội tôn giáo đông người thật sự quá lớn để mỗi quốc gia cẩn trọng hơn trong công tác phòng chống dịch lây lan trong cộng đồng, tránh những hậu quả thật khó lường.

Thời điểm này, cũng là dịp diễn ra Đại lễ Phật đản Phật lịch 2565 - Dương lịch 2021 tại nước ta. Trong niềm hân hoan kính mừng Phật đản, người con Phật cũng cần tuân thủ nguyên tắc chống dịch của Bộ Y tế, nhất là nguyên tắc 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế). Đồng thời, việc thực hiện nghiêm các chỉ đạo, công văn hướng dẫn của Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Phật giáo các địa phương chính là góp phần làm cho mùa Phật đản được an lành, chung sức chống dịch cùng đất nước.

Dịch vẫn đang phức tạp

Những bản tin tổng hợp từ Giác Ngộ online cho thấy, trong đợt dịch này đã có người tử vong và sức lây lan nhanh, biểu hiện qua những ca bệnh được công bố mỗi ngày.

Đến thời điểm bài viết này được đăng tải trên Giác Ngộ online, sáng nay, 28-5, Việt Nam có thêm 40 ca dương tính nCoV, gồm tại Bắc Giang 30, Lạng Sơn 8, Thái Bình và Long An mỗi nơi một ca.

Số ca cộng đồng tính từ ngày 27-4 đến nay lên 3.295 ca. Long An lần đầu tiên ghi nhận ca Covid-19 trong đợt dịch này, đưa số tỉnh thành xuất hiện dịch lên 31.

40 ca mới được ghi nhận từ số 6317-6356. Số ca nhiễm mới sáng 28-5 nâng tổng số ca nhiễm tại Bắc Giang 1678,Lạng Sơn 53, Thái Bình 20, và Long An mới xuất hiện một ca.

Con số thống kê và số tỉnh thành được báo có ca nhiễm trải dài từ Bắc đến Nam, kể cả khu vực Tây Nguyên. Những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đều có ca nhiễm, trong đó thời điểm trước rằm tháng Tư, Hà Nội và Đà Nẵng có số ca dẫn đầu. Và lượng người đi-đến từ hai địa phương này không nhỏ, do đây là những đầu mối giao thông quan trọng, nên có thể nói virus SARS-CoV-2 vẫn đang tiềm ẩn những nguy cơ lây lan cao trong cộng đồng.

Thêm nữa, với biến thể mới, việc cách ly 14 ngày chưa đủ thời gian để xác định một người có dương tính hay không và liệu họ đã an toàn để trở về cộng đồng với sức khỏe tốt, không nhiễm bệnh. Đây cũng là lưu ý hết sức quan trọng trong công tác phòng chống dịch, không chủ quan để dịch lây lan, phức tạp hơn nữa.

Ý thức công dân, tinh thần người Phật tử

Phật giáo với tinh thần “hộ quốc an dân”, đã luôn “đồng hành cùng dân tộc”, đồng thời chọn “nhập thế” để phụng sự nhân sinh, và xem đó là “thiết thực cúng dường chư Phật”.

Chính vì vậy, dù trong bối cảnh khó khăn nào của đất nước, của người dân, Phật giáo đều có những chương trình, hành động góp phần cùng chuyển hóa. Từ cứu trợ đồng bào lũ lụt, thiên tai hàng năm đến các hoạt động từ thiện thường xuyên ở tự viện, địa phương. Từ chương trình ngắn hạn đến những chương trình hưởng ứng “quốc kế dân sinh” của lãnh đạo đất nước.

Cách đây 7 năm, khi Đại lễ Vesak 2014 diễn ra, đó cũng là thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 và nhiều tàu các loại của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là quốc gia thành viên. Bấy giờ, ngày 12-5-2014, Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã có thông điệp về hòa bình tại Biển Đông, kêu gọi: “Trên tinh thần từ bi và yêu chuộng hòa bình, chúng tôi kêu gọi Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc thông qua các hành động cụ thể, kêu gọi chư vị tôn túc lãnh đạo, Tăng Ni, Phật tử Phật giáo trên thế giới, kêu gọi Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc hãy cùng nhau lên tiếng ủng hộ chính nghĩa, yêu cầu Chính phủ Trung Quốc thực hiện các cam kết theo đúng các quy định của luật pháp quốc tế. Yêu cầu Chính phủ Trung Quốc thực hiện trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia lân bang, trong đó có Việt Nam chúng tôi”. Ngay sau đó là các hoạt động cầu nguyện hòa bình, ủng hộ Trường Sa, với một tinh thần tích cực hướng về biên giới, hải đảo của đất nước.

Đó chính là ý thức công dân hòa quyện trong tinh thần của người con Phật, luôn “ứng vạn biến” với thời cuộc, không đi ngoài cuộc sống đang diễn ra. Các công văn của Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự yêu cầu đón Phật đản không tập trung đông người, tuân thủ nguyên tắc 5K; hoặc chương trình góp vắc-xin chống dịch của Phật giáo gần đây cũng thể hiện rõ điều đó.

Đại dịch là điều không ai mong. Nhưng, đó cũng là cơ hội để con người nhìn lại quá trình biểu hiện của nó để thấy rõ nhân duyên, sự vô thường, từ đó điều chỉnh hành vi sống, trở nên tích cực hơn. Đón Phật đản trong mùa chống dịch chắc chắn sẽ kém phần rộn ràng, nhưng chúng ta hãy xem đây cơ hội để mỗi người con Phật quay về bên trong, chăm sóc tâm mình nhiều hơn. Năng lượng tích cực từ việc nghĩ-nói-làm những thiện pháp sẽ nuôi dưỡng mỗi người, làm cho đất nước, thế giới an lành. Năng lượng đó cũng sẽ góp phần chăm sóc tổn thương của con người do đại dịch Covid-19 gây ra. Đức Phật ra đời vì hạnh phúc cho chư Thiên và loài người; chúng ta là đệ tử của Ngài, đương nhiên phải học và hành đúng pháp, tùy thuận thời duyên để góp hạnh phúc cho số đông, san sẻ đau khổ cùng người…

Giữ tâm bình an, tích cực hành thiện

Hòa thượng Thích Hải Ấn

Hòa thượng Thích Hải Ấn

Những người con Phật trên toàn thế giới hàng năm lấy ngày trăng tròn tháng 4 âm lịch làm ngày Phật đản. Đại lễ Vesak kỷ niệm 3 sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết-bàn - cũng được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc công nhận là lễ hội văn hóa của nhân loại từ năm 1999.

Do vậy, có thể nói, đây là dịp lễ quan trọng, lớn nhất của Phật giáo đồ khắp thế giới, thường được tổ chức hân hoan, trọng thể. Tuy nhiên, Đại lễ Phật đản năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đang vất vả chống chọi với đại dịch Covid-19 và những tác động xấu từ đại dịch này. Vì thế, Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh thành đã phổ biến tới các tự viện, Tăng Ni, đồng bào Phật tử về việc tổ chức Đại lễ với tinh thần tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19. Theo hướng dẫn của Hội đồng Trị sự GHPGVN trong công văn ngày 8-5, các tự viện không tổ chức sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người, vì vậy sẽ không có các điều kiện như mọi năm để nhiều Phật tử về chùa tham dự lễ Phật đản.

Trong hoàn cảnh như vậy mỗi Phật tử cần phải giữ tâm mình thanh tĩnh không bị xao động bởi những gì khó khăn, luôn vững chãi, tinh tấn tu tập. Trong ngày trọng đại, kỷ niệm các sự kiện của Đức Phật nhưng do dịch Covid-19 không tham dự được các cuộc lễ chung tại chùa thì tại gia đình mình, Phật tử nên trang trí lồng đèn, treo cờ Phật giáo, băng-rôn “Kính mừng Phật đản”. Các gia đình có điều kiện thì dành riêng không gian trang trọng để tôn trí tượng Phật đản sanh, thiết trí vườn Lâm-tỳ-ni và thực hiện nghi lễ Tắm Phật tại tư gia, thể hiện lòng tôn kính Đức Phật. Qua đó, cùng cầu nguyện hòa bình cho thế giới, quốc thái dân an, cầu nguyện đại dịch Covid-19 sớm được tiêu trừ. Đồng thời, cũng tích cực hoạt động từ thiện, giúp người giúp vật...

Hòa thượng Thích Hải Ấn, Bác sĩ Y khoa,

Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế (H.Tình ghi)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.