Doanh nhân học được gì từ Phật pháp?

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1208 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1208 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Doanh nhân sẽ học được gì từ Phật pháp và Phật pháp có cần thiết hay không khi chỉ hướng đến trí tuệ giải thoát mà xa lìa những tham vọng trần gian? Phật pháp có thể đem lại những hiệu quả cụ thể mà doanh nhân cần hay không?

Khi doanh nhân tìm đến tâm lý trị liệu

Trong tạp chí Kinh Tế Sài Gòn số ra ngày 18-5-2023, tác giả Nguyễn An Nam có bài viết “Doanh nhân loay hoay chữa lành” đề cập đến việc nhiều doanh nhân đi tìm những khóa tu ở một tỉnh gần thành phố để chữa trị các “stress” hay sang chấn tâm hồn gây ra do công việc kinh doanh thất bại, gia đình lục đục, hay các loại khó khăn khác.

Nhưng, về hiệu quả, tác giả viết “cũng có thể hiểu là sự ‘trồi sụt tâm lý’ sẽ còn tiếp diễn và các khóa tu chữa lành ngắn hạn chỉ như những liều thuốc giảm đau nhất thời khi quay lại với công việc, với áp lực thương trường, những khó khăn khiến doanh nhân, thấy mình bị khủng hoảng trước đó vẫn còn ở đó. Vì sao?

Vì ngoài thời gian khóa tu ngắn ngủi không giải quyết mọi vấn đề thì “những người trị liệu không phải là những bậc chân tu hay thực học, mà trong giới KOL (Key opinion leader) tư vấn quan điểm có ảnh hưởng đặc biệt trên mạng xã hội khoác áo “chuyên gia”… phương pháp tu tập chung chung, một số chuyển hướng sang thương mại lộ liễu, rất dễ sa vào lầm tưởng về tính hiệu quả… Rốt cuộc, nó chỉ “trở thành xu hướng thoát ly tạm thời trong bối cảnh kinh doanh nhiều rủi ro và áp lực đè nặng lên giới doanh nhân hiện nay”, tác giả Nguyễn An Nam lý giải.

Mỗi ngày chúng ta thức dậy với bao nhiêu suy tư liên quan tới kinh tế, từ việc kiếm tiền hàng ngày cho đến những dự án dài lâu. Với tư cách cá nhân lẫn cộng đồng, chúng ta không ngừng trăn trở với những ý tưởng và con số về hiệu suất đầu tư ROI, ROA, ROE… Và như nhà Phật dạy “Vạn pháp duy tâm tạo”, tâm hồn là ngọn nguồn của hạnh phúc, sự bình yên và trạng thái hài lòng.

Doanh nhân sẽ học được gì từ Phật pháp và Phật pháp có cần thiết hay không khi chỉ hướng đến trí tuệ giải thoát mà xa lìa những tham vọng trần gian? Phật pháp có thể đem lại những hiệu quả cụ thể mà doanh nhân cần hay không? Đối với nhiều người, thế giới của doanh nhân - thế giới đầy cạnh tranh, lợi nhuận và rủi ro, có vẻ khó có thể hòa quyện với giáo lý thanh tịnh của Phật pháp. Thật ra, Phật pháp có thể cung cấp cho doanh nhân những nguyên tắc quản lý và lãnh đạo hiệu quả, đồng thời giúp họ tìm kiếm sự hòa hợp giữa công việc và cuộc sống.

Tư duy tỉnh thức

Nói như Kai Romhardt trong We are the Economy: “… tỉnh thức là khả năng của tư duy cho phép ta nhìn nhận thế giới đúng với bản chất của nó. Tỉnh thức không phải là một khái niệm, mà là một trạng thái tư duy, thứ mà ta có thể luyện tập với bất kỳ mô cơ nào trên cơ thể”. Đồng thời tỉnh thức tạo cho ta dũng khí cho một tầm nhìn mới. Nhất là khi nền kinh tế đang ở trong giai đoạn trì trệ, gây hoang mang và hoảng sợ cho nhiều người.

Kai viết: “Thị trường chứng khoán giống như một con thú hoang lồng lộn, không cách nào tiên đoán được, và sự dao động vô phương lường trước của nó có thể xé tan, đạp đổ các ngành công nghiệp hay cả một nền kinh tế quốc gia”. Chúng ta cần biết rằng kinh tế xã hội hay kinh tế thị trường giống nhau ở chỗ là cả hai đều khuyến khích và cổ vũ tích lũy tài sản cá nhân hoặc quốc gia.

Tham lam là điều tốt (Greed is Good) và “mánh mung” là công bằng (Foul is Fair) là phương châm hành động. Như Schumpeter khuyến cáo, những ai muốn bước qua ngưỡng cửa kinh tế phải bỏ lại tình nghĩa, đạo đức bên ngoài. Tôn giáo và đạo đức chỉ ngăn trở sự phát triển kinh tế, chớ chẳng có ích lợi gì!

Hơn nữa. con người ít ai biết tri túc hay thiểu dục, hay quyết liệt hơn, chuyển hóa các tham dục. Thậm chí nhiều nhà kinh tế cho rằng kinh tế Phật giáo là cụm từ gượng ép và lạc điệu. Tham sẽ mãi là tham và một nền kinh tế nhấn mạnh vào lòng tham và dục vọng sẽ làm tổn thương nghiêm trọng chúng ta, hay thậm chí hủy diệt chúng ta.

Chúng ta sẽ đo lường mọi chỉ tiêu chính trong nền kinh tế: doanh thu và chi phí, lợi nhuận và thua lỗ, đầu tư, chi tiêu tiêu dùng, tỷ suất lợi nhuận và tất cả những thông số khác. Tất cả chúng ta đều mang trong mình hạt giống của lòng tham và ở một số người cả sự lười biếng, hung hăng và gian xảo. Những tính chất ấy không sống trong phòng khách hay trong xí nghiệp mà trong mỗi chúng ta. Chúng ta chẳng khác gì cái kẻ mà ta xem là địch thủ cả.

Có những doanh nhân thu lợi hàng nghìn tỷ mỗi năm mà vẫn cố dùng thủ đoạn gian trá để bòn rút, kiếm thêm trên xương máu, mồ hôi kẻ khác để đến nỗi vi phạm pháp luật, rơi vào vòng lao lý? Có những doanh nhân “vung tay quá trán”, sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao đến mức thu không bù chi và không thể trả lãi ngân hàng khi dự án gặp bế tắc do chủ quan hay khách quan vì tác động bất ngờ của thị trường hay chính sách thì chết đứng như Từ Hải giữa trận chiến!

Thế nhưng nếu nghiên cứu sâu hơn về bản chất kinh tế và Phật pháp, cái mà doanh nhân có thể học được từ Phật pháp là hành vi kinh tế tỉnh thức, không phải kinh tế thỏa mãn những nhu cầu hời hợt và tham lam vô tận mà trái lại là một niềm vui, niềm hạnh phúc hay sự hài lòng về mặt tâm hồn một cách sâu sắc. Trong đó sự thấu hiểu cặn kẽ tâm hồn sẽ giúp chúng ta vượt qua những cám dỗ. Tại sao người ta không đo hạnh phúc của nhân viên khi làm trong xí nghiệp hay của công dân đang sống trong quốc gia ấy như Bhutan đo lường GNH?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh được mời tới chia sẻ về về sự cần thiết của thiền tập trong việc cải thiện chất lượng sống và công việc tại Ngân hàng Thế giới - World Bank (2013)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh được mời tới chia sẻ về về sự cần thiết của thiền tập trong việc cải thiện chất lượng sống và công việc tại Ngân hàng Thế giới - World Bank (2013)

Hiểu về nguyên lý Nhân - Quả

Tính chất “vô thường” (impermanence) hay “thay đổi nhanh đến chóng mặt” (volatility) của một nền kinh tế đang trong giai đoạn biến động và ranh giới giữa thành công và thất bại, giữa vinh quang và cay đắng rất mong manh. Chúng ta phải hiểu mình hoạt động kinh tế vì cái gì? Nền tảng công việc là gì? Ta đầu tư vào đâu? Tính phù hợp của công việc với bối cảnh chung và động lực sâu thẳm của ta là gì?

Trước hết, nguyên tắc Nhân quả trong Phật pháp có thể giúp doanh nhân nhận thức rõ hơn về hậu quả của các quyết định kinh doanh. Mỗi quyết định, từ lựa chọn chiến lược, đầu tư vào dự án mới cho đến việc tạo ra môi trường làm việc tích cực, đều có những hậu quả đặc biệt, tốt hay xấu, tạo nên “quả” của “nhân”. Nhận thức này có thể giúp doanh nhân hướng tới những quyết định có trách nhiệm và bền vững hơn.

Doanh nhân phải đánh giá rủi ro - hiệu quả (risk-return) và sẽ tỉnh thức hơn khi ra quyết sách cuối cùng. Khi thay đổi thói quen tiêu thụ, làm việc một cách tỉnh thức và xử lý đồng tiền một cách có ý thức, chúng ta sẽ tạo nên những gợn sóng nhỏ trong nền kinh tế, tích hợp vào nhau và tạo nên một phong trào, cách mạng hóa tư duy chúng ta trong hoạt động kinh tế.

Ngoài ra, chúng ta cũng luôn tự nhủ rằng mọi hoạt động kinh doanh đều phải nghiêm chỉnh, và luôn tâm niệm sống và làm việc một cách tử tế.

Một câu hỏi đặt ra là “Liệu chúng ta có cần sự tử tế trong kinh doanh không?”. Người ta kể rằng trong thời bao cấp, khó tìm thấy nụ cười. Không phải vì người ta quá lo toan cuộc sống đến độ quên cười mà là vì ngày ấy cơ chế xin - cho còn quá nặng nề. Tìm được một cô mậu dịch viên hay anh nhân viên trực tổng đài điện thoại nói năng dịu dàng khó hơn hái sao trên trời. Giờ đây, vào các quán xá, cơ quan (trừ các cơ quan công quyền), công ty, ngân hàng, người ta bắt gặp nhiều nụ cười hơn, có khi cười theo “quán tính”, nhưng cũng vẫn cứ là cười kèm theo là những lời chào hỏi ân cần.

Sức mạnh của nụ cười và sự niềm nở, Linda Kaplan Thaler và Robin Koval trong tác phẩm Sức mạnh của sự tử tế cho rằng đó là sự lớn mạnh của Tập đoàn The Kaplan Thaler bắt nguồn từ việc ký kết được hợp đồng với một trong những đối tác lớn là US Bank, ngân hàng lớn thứ sáu của Hoa Kỳ.

Vào ngày đối tác đến, dù chuẩn bị rất kỹ, họ vẫn cảm thấy lo sợ khi trong chuyến viếng thăm này có Chủ tịch US Bank, Richard Davis. Khi vị Chủ tịch bước vào phòng họp cùng đoàn người của ông, ông nhắc ngay đến Frank, nhân viên bảo vệ bên ngoài: “Anh ấy đón tôi nhiệt tình quá”, ông nói tiếp “Thế nên tôi chợt nghĩ, sao mình không muốn làm việc với một công ty có những người như Frank chứ?”. Ông ấy nào biết anh chàng bảo vệ nhiệt tình Frank luôn niềm nở và luôn chúc mọi người khi đến công ty một ngày tốt đẹp.

Dù rằng Davis không chỉ vì anh bảo vệ công ty mà giao kết làm ăn nếu không ấn tượng với cách làm ăn của Kaplan Thaler Group, thế nhưng công của Frank không phải là nhỏ. Câu chuyện diễn ra tiếp theo được tác giả ví như chuyện phim Disney với hàng triệu đô-la rót vào tài khoản của mình. Khi viết Sức mạnh của sự tử tế, họ đã hoàn toàn không còn tin vào triết lý phổ biến hiện nay là “Thật thà thường thua thiệt” hay “Ở hiền chưa chắc gặp lành”. “Thành công của chúng tôi giành được không phải bằng gươm đao mà bằng hoa và chocolate. Sự lớn mạnh của chúng tôi không phải kết quả của nỗi sợ hãi và sự hăm dọa, mà bằng nụ cười và lời ngợi khen”.

Sức mạnh của sự nhân hậu sẽ làm ra nhiều tiền hơn: Người ta đã tính chỉ số EQ và thấy rằng nó tương ứng với khả năng tăng thu nhập của công ty. Theo Giáo sư Daniel Goleman, trạng thái tinh thần hứng khởi và hỗ trợ lẫn nhau của nhân viên cứ tăng 2% thì thu nhập tăng 1%. (cách tính được ghi lại bởi các nghiên cứu trong tác phẩm Tổng quan về lãnh đạo).

Nguyên lý Trung đạo trong kinh tế Phật giáo

Trung đạo, một khía cạnh quan trọng khác của Phật giáo, cũng có thể áp dụng trong quản lý doanh nghiệp. Việc tìm kiếm sự cân đối giữa lợi nhuận và sự phát triển bền vững, giữa nhu cầu của cổ đông và trách nhiệm đối với cộng đồng, đều là những thách thức mà doanh nhân thường xuyên phải đối mặt. Phật Pháp thông qua nguyên tắc Trung đạo có thể giúp họ điều hướng qua những thách thức này một cách linh hoạt và đáng tin cậy.

Doanh nhân cũng cần lưu ý đến chế độ phúc lợi công nhân, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo bằng cách tạo ra những cơ hội cạnh tranh bình đẳng. Mọi người đều được đáp ứng những nhu cầu tối thiểu như giáo dục, nơi ăn chốn ở, chế độ bảo hiểm…

Thế nên, một nền kinh tế theo chủ trương Phật giáo trước tiên phải lo giải quyết những nhu cầu căn bản, đói rét, cơm áo, bệnh hoạn, nhu cầu giáo dục, trường học và công ăn việc làm cho người dân. Đó là những điều kiện tối thiểu cho sự giải phóng con người trong xã hội, tạo những điều kiện vật chất của tự do tâm linh.

Nói cách khác, theo GS.Trần Ngọc Ninh trong Đức Phật giữa chúng ta thì xã hội Phật giáo là “xã hội theo nguyên lý Trung đạo”. Nền kinh tế trong xã hội đó buộc mỗi người làm việc theo chí hướng và khả năng, và đóng góp việc làm vào sự lợi ích chung, nhưng ngược lại nhà nước phải đảm bảo được cơm áo và những điều kiện cần thiết để sinh hoạt một cách đồng đều cho toàn thể.

Nói cách khác, Trung đạo là con đường nhân bản. Trung đạo là con đường để phục vụ, để dẫn dắt con người hướng lên trong tinh thần và trí tuệ. Làm thế nào để tránh tình trạng “bình quân mỗi người một con gà, nhưng một người có chín, chín người có một” (chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn vấn đề này trong một dịp khác).

Lòng từ bi

Doanh nhân cần phải tiếp cận trạng thái tâm lý thiện lương như khôn ngoan, từ bi, tử tế, hài lòng, trấn áp các tâm tạo ác nghiệp như sợ hãi, tức giận, bất mãn, đố kỵ…

Từ bi là một trạng thái tâm trí tuyệt vời và hiệu quả nhất mà con người tạo ra. Chất lượng của lòng từ bi được xem là mục tiêu tối thượng của Phật giáo. Một doanh nhân có tinh thần của lòng từ bi sẽ giúp doanh nghiệp phát triển hài hòa, đầm ấm, không tranh giành ảnh hưởng phi pháp, bóc lột công nhân, làm hàng gian hàng giả, thiếu lương tâm nghề nghiệp với khách hàng. Từ bi (karuna) mô tả ý định, khả năng làm giảm và biến đổi sự khổ đau trong chúng ta và người khác.

Tinh thần từ bi còn đem đến sự hài lòng vui sướng dễ dàng kết nối với các đối tác và doanh nghiệp khác. Dustin Moskovitz, người đồng sáng lập Facebook, nói rằng Phật pháp đã giúp ông ấy trở thành một nhà lãnh đạo giàu lòng trắc ẩn và đạo đức. Ông đã đóng góp hàng triệu đô-la vì những mục đích Phật giáo như xây tu viện mới ở Campuchia. Richard Branson, tỷ phú sáng lập Virgin Group, tuyên bố rằng Phật pháp khiến ông trở thành một nhà lãnh đạo có “chánh niệm” và luôn tỉnh thức.

Ông đã thiết kế nhiều chương trình tại công ty của mình giúp nhân viên học hỏi Phật pháp và thiền định. Còn Kazuo Inamori (Kyocera Corporation) là một doanh nhân và là một thiền giả. Ông không ngừng cổ vũ cho việc đưa Phật pháp vào công việc kinh doanh, nhấn mạnh việc quản lý trong tinh thần đạo đức. Elon Musk, Chủ tịch Tesla và SpaceX, cho rằng Phật pháp giúp ông quyết đoán hơn và tập trung hơn vào công việc, đồng thời tránh được lo âu và stress. Oprah Winfrey, nữ nghệ sĩ nổi tiếng với nhiều talk show trên truyền hình nói rằng Phật pháp giúp cô tìm thấy hạnh phúc và an bình nội tâm.

Chánh nghiệp và chánh mạng

Doanh nhân cần phải tuân theo chánh nghiệp, có nghĩa là hành động có tác ý, bao gồm cả thân, khẩu, ý tạo tác trong đời sống cần phải sáng suốt chân chánh. Hành động, lời nói, ý nghĩ theo lẽ phải, biết tôn trọng quyền sống chung của mọi người, mọi loài, không gây tổn hại đến danh dự, nghề nghiệp, tài sản, danh giá và địa vị của kẻ khác.

Đồng thời doanh nhân phải tôn trọng chánh mạng, nghĩa là sống một cách chân chánh bằng nghề nghiệp lương thiện, chính đáng không bóc lột, xâm hại đến lợi ích chung của người khác, không lừa dối gạt người. Sống thanh cao, đúng Chánh pháp không mê tín.

Bằng cách tuân theo chánh nghiệp và chánh mạng, chúng ta thoát khỏi ảo tưởng về công việc gian nan và khổ sở hay tránh né những công việc bẩn thỉu hay chân tay mà chọn những công việc nhàn hạ lương cao dù có phải gian dối hay lừa đảo… vì công việc nào cũng cần thiết miễn là không gây hại cho tha nhân và cộng đồng. Chúng ta lựa chọn công việc trong phạm vi khả năng của mình, trong khuôn khổ tài chính cho phép và khuôn khổ đạo đức xã hội và nghề nghiệp. Tóm lại doanh nhân khi đã học Phật pháp luôn tỉnh thức trong hành vi, lời nói và cả khi lắng nghe…

Nên chăng, Giáo hội hay các tự viện tổ chức những khóa tu ngắn ngày cho doanh nhân để họ có thể tiếp cận Phật pháp một cách chính thống, rõ ràng và liên tục tránh việc theo những KOL, vốn cũng chỉ là những người hiểu mù mờ về Phật pháp, có thể khuyên bảo nhưng không thể đào sâu đến ngọn nguồn giáo lý thiết thực và giản dị, có thể áp dụng vào đời sống hàng ngày để có an lạc, hạnh phúc hơn.

Được như vậy doanh nhân sẽ có một đời sống quân bình, đem lại nhiều lợi ích cho bản thân họ và cả cộng đồng. Mong thay!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.