Đi tìm mùa xuân

Ảnh: Yên Hà
Ảnh: Yên Hà
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trên bước đường tu, bắt đầu đi tìm mùa xuân là chúng ta nhìn cái đẹp và tìm cái đẹp để lòng chúng ta luôn đẹp, luôn có mùa xuân là xuân lòng bất diệt.

Chúng ta đi tìm mùa xuân trong lúc mùa xuân đã qua thì tìm mùa xuân nào nữa. Tôi nhớ năm nào ra khai bút cho báo Giác Ngộ vào mùng ba Tết, tự sáng trong lòng tôi mùa xuân vĩnh hằng. Từ ý niệm đó, tôi làm bài thơ:

Xuân đến rồi đi, nhưng xuân lòng bất diệt

Hoa đời có tàn, nhưng hoa Bát-nhã vẫn luôn tươi

Chúc cho người mà cũng chúc cho tôi

Xuân Di Lặc là xuân vui muôn thuở

Trời đất rộng, tâm hành nhân cởi mở

Thường an vui thanh thoát đến muôn đời

Chúc cho người mà cũng chúc cho tôi

Mừng xuân đến vui xuân như ý nguyện.

Trong trời đất có thay đổi bốn mùa xuân, hạ, thu, đông và cuộc sống con người cũng ở trong bốn tướng vô thường sanh, già, bệnh, chết. Xuân đến rồi đi là mùa xuân của trời đất. Cũng vậy, thân con người có sanh phải có chết; nhưng Phật dạy chúng ta bỏ thân này, tìm thân sau không dễ và tìm được thân người càng khó hơn nữa. Nhất là hiện hữu thân người rồi, nhưng xuân lòng, tức mùa xuân trong lòng chúng ta cũng không dễ có được.

Thật vậy, thi sĩ Vũ Hoàng Chương than rằng xuân sang mà vẫn là thu trong lòng, nghĩa là mùa xuân tới rồi, nhưng trong lòng đau khổ thì đó là mùa thu ảm đạm. Phật tử cũng có người rơi vào tâm trạng này. Mùa xuân đến nhưng lòng chúng ta buồn bực, khổ đau, sợ hãi thì bấy giờ là mùa hạ, mùa thu, hay mùa đông. Nếu chúng ta may mắn gặp Phật pháp thì Phật pháp vĩnh hằng, còn Phật xuất hiện trên cuộc đời này với thân tứ đại cũng nhập diệt, vì mang thân tứ đại phải chịu định luật vô thường, không thể khác. Thân chịu bốn tướng sanh, già, bệnh, chết, nhưng tâm có bị chi phối hay không. Có thể thấy rõ tâm cũng bị ảnh hưởng của thân, nên cũng có bốn tướng buồn, giận, lo, sợ; nhưng lo nhiều thì khổ nhiều mà không được gì, người hiểu đạo thấy như vậy.

“Xuân Di Lặc là xuân vui muôn thuở”. Vì vậy, người ta chọn mùng một Tết là ngày Đản sanh của Đức Di Lặc, dù Ngài chưa ra đời, nhưng đó là ước mơ của con người mong muốn Đức Di Lặc ra đời mùng một Tết để mang niềm vui cho nhân loại.

Đức Phật Thích Ca nói Di Lặc Bồ-tát là người tu chứng từ tâm tam muội và Ngài sống với từ tâm tam muội nên có nguồn vui vĩnh hằng. Tu hành, chúng ta nỗ lực thành tựu được từ tâm tam muội là đỉnh cao nhất trong các tam muội. Chư vị Bồ-tát đạt được từ tâm tam muội mới có điều kiện làm Phật. Đức Di Lặc sẽ thành Phật, vì Ngài đã chứng tam muội này.

Chư Phật có vô số tam muội và đà-la-ni, hai pháp này gắn liền với nhau, vì Phật dạy do định sanh huệ. Tam muội là định và đà-la-ni là huệ. Khi tâm chúng ta định, tập trung được thì tâm sáng lên. Các Bồ-tát cũng có nhiều định và huệ. Riêng người tu Pháp hoa đạt được Pháp hoa tam muội, tức “Pháp” và “Hoa” hợp lại, hay thân tâm hợp nhất, không phải định huệ riêng biệt. Định và huệ là một. Vì vậy, khi chúng ta tập trung tư tưởng theo Pháp hoa nghĩa là tập trung tất cả công đức tu hành vào cuộc sống của chúng ta, không phải là định của Tiểu thừa, tất nhiên cũng không phải là diệt tận định của ngoại đạo. Khi Phật tại thế, có một vị Thánh được kính trọng vì ngài nhập định thì mọi việc xung quanh không thể chi phối ngài. Còn phàm phu bị chọc tức, bị cám dỗ là tâm vọng động nổi dậy liền. Ông Thánh này nhập định thì không biết gì. Chúng ta theo Nhị thừa thường vào thâm sơn cùng cốc tu hành, tránh xa cuộc đời, không biết gì; đó là định của Nhị thừa xa lánh cuộc đời, nhưng vào định của Di Lặc, hay vào định của Pháp hoa không tránh xa cuộc đời mà có được mùa xuân.

Vì định của Di Lặc là từ tâm tam muội, tức Ngài chuyên tu tâm từ, nên lúc nào lòng cũng an vui, dẹp hẳn buồn giận lo sợ, từ đó Ngài nhìn người, nhìn đời, tất cả đều nở hoa: “Trời đất rộng, tâm hành nhân cởi mở”. Nếu lòng chúng ta mở rộng bao la dung hợp được tất cả mọi người là định của Di Lặc. Chúng ta nhìn người này tốt, người kia xấu, ghét việc này, tránh việc kia, làm việc nọ tạo thành sự vui buồn lẫn lộn; nhưng điều mơ ước không tới mà điều né tránh vẫn luôn đến, cho nên lòng ta luôn buồn giận lo sợ tạo thành mùa đông giá lạnh khổ đau trong tâm.

Bồ-tát Di Lặc luôn nhìn đời ở khía cạnh tốt. Đức Phật dạy nên nhìn người, nhìn đời ở mặt tốt, vì nhìn ở mặt xấu thì ai cũng xấu, không ai không có lỗi lầm. Nếu ta cố tìm cái xấu, chắc chắn không bao giờ có cái đẹp. Có thể nói nhìn thoáng qua thì ai cũng đẹp, nhưng nhìn soi mói sẽ thấy không ai đẹp. Vì vậy, nhìn theo Di Lặc, trẻ con hay người lớn tuổi đều có nét đẹp riêng, nên lòng lúc nào cũng vui. Chúng ta bước theo dấu chân của Phật Thích Ca, nhìn mặt tốt thì lòng chúng ta sẽ được tốt theo. Phật dạy rằng người ta rất sợ khổ, nhưng lại cứ tạo nhân khổ; vì thấy việc xấu, người xấu thì cái xấu này đã đem vào lòng mình, nên lòng mình đã xấu trước. Ngày hôm trước nói ông A tốt, ông B xấu, nhưng hôm sau lại nói A và B đều xấu và không ai tốt cả, như vậy là đã đi vào con đường xấu vì tâm ta xấu quá, chứa nhiều điều xấu nên thấy toàn việc ảm đạm.

Trên bước đường tu, bắt đầu đi tìm mùa xuân là chúng ta nhìn cái đẹp và tìm cái đẹp để lòng chúng ta luôn đẹp, luôn có mùa xuân là xuân lòng bất diệt. Nếu lòng nghĩ việc ác xấu thì hoa lòng tàn úa. Phật dạy luôn nhìn cái đẹp để hoa lòng chúng ta luôn nở thành mùa xuân và mùa xuân này bất diệt vĩnh hằng chính là mùa xuân mà Đức Di Lặc khám phá được. Và khi luôn thấy cái đẹp sẽ có nụ cười rất tươi, rất hiền như Di Lặc, chắc chắn cuộc đời này cũng đáp lại ta bằng nụ cười và người cũng nhìn thấy ta tốt. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, trên bước đường hành đạo, có người tốt thấy người xấu đến với tôi, họ liền nói thầy coi chừng họ, nhưng tôi không coi chừng ai, vì thấy mỗi người đều có điểm tốt riêng và đều giúp tôi thành đạo nghiệp. Còn coi chừng thì ai chúng ta cũng sợ, cũng tránh, sẽ trở thành người cô đơn.

Giả sử người xấu thiệt, nhưng Phật dạy trong xấu có tốt và chúng ta tìm được cái tốt thì quả tình họ nhìn về ta tốt, như vậy cái tốt này được nhân lên. Trước kia, có Phật tử mà ai cũng nghĩ bà này xấu vì dám đưa thầy mình ra tòa; riêng tôi thấy bà này tốt vì lúc trước mối quan hệ của bà với thầy này xấu, nhưng nay bà ăn năn, sám hối tội lỗi, nên đã tạo được mối quan hệ tốt với chư Tăng. Có thể nói con người có lúc tốt lúc xấu. Có trí tuệ thì phải thấy họ xấu với ai, xấu lúc nào và xấu ở đâu. Người xấu có túc nghiệp với ai đó nên họ sẽ đối xử xấu với người đó. Phật dạy phải có trí tuệ để nhìn đời, vì tất cả việc quá khứ sẽ hiện ra trong hiện tại. Quá khứ đã tạo ác nghiệp, nên ngày nay người nhìn chúng ta xấu là mình bị túc nghiệp bao vây. Đức Phật cho biết Ngài còn có oan gia là Đề Bà Đạt Đa, người em họ mà Phật luôn cưu mang giúp đỡ, nhưng Phật nói rằng ông này không chỉ mới hại Phật trong kiếp này mà ông đã từng chống phá Phật trong nhiều kiếp quá khứ. Tuy nhiên, lúc nào đời nào Phật cũng độ ông, nên mùa xuân vẫn luôn hiện hữu trong tâm Phật.

Theo Phật, oan gia thì phải giải, túc nghiệp phải trừ. Ta phải vô hiệu hóa túc nghiệp oan gia, còn tu Tiểu thừa thì tránh; nhưng làm sao tránh được. Điển hình là Phật sanh vào cung dòng họ Thích thì Đề Bà Đạt Đa cũng sanh vào đây làm em họ của Ngài. Oan gia theo mình như bóng với hình, không thể tránh cái bóng của mình, nên chỉ có cách giải nghiệp.

Di Lặc Bồ-tát tu từ tâm tam muội là nhìn cái đẹp của cuộc đời, nhìn cái đẹp của người. Một con người, nhưng có lúc họ tốt, có lúc không tốt; biết như vậy, chúng ta tới với họ lúc tâm họ tốt. Điển hình cho ý này là xưa kia có đại thí chủ mỗi tháng đều thỉnh chư Tăng đến nhà cúng dường, nhưng khi bà này thỉnh ngài Ưu Ba Cúc Đa, ngài nói rằng chưa phải lúc. Đến đúng lúc thì người sẽ tốt, việc sẽ tốt; đến không đúng lúc, tốt cũng thành xấu.

Ngài Di Lặc chưa ra đời vì chưa đúng lúc. Lúc trước có một Phật tử thưa với tôi rằng Di Lặc ra đời bốn năm rồi, thầy có biết không. Tôi thấy chưa đúng lúc Phật Di Lặc ra đời, vì chúng sanh chưa thuần thục. Các vị Bồ-tát có vô số phương tiện để giáo hóa chúng sanh thuần thục, nhưng phải có đủ điều kiện thì các Ngài mới ra đời. Những người tự xưng là thánh thần đều là ma quỷ. Đức Phật Thích Ca nói rằng bao giờ sự giáo hóa của Ngài trên cuộc đời không còn, không còn ai tu thì Phật Di Lặc mới ra đời. Hai vị Phật không sanh chung một thời. Thời kỳ giáo hóa của Đức Phật Thích Ca chưa mãn, giáo pháp của Phật Thích Ca còn lưu bố tuyên dương, cho nên ai tự xưng là Phật thì họ đã lừa gạt người.

Ta nhìn đời, nhìn người ở khía cạnh tốt là đem cái vui vào lòng ta và khi lòng chúng ta an vui, tự tại, giải thoát thì cái xấu sẽ không đến. Còn buồn giận, lo sợ cũng không thoát khỏi, nhiều khi lo quá rồi sanh bệnh và chết. Tôi sống được nhờ tin Phật, không buồn giận lo sợ, nên tâm tự tại thì nhìn đời nhìn người thấy được điểm tốt của họ, mới có bạn tốt hợp tác. Đó là điều thứ nhất khi nghĩ về Phật Di Lặc tìm được nguồn vui muôn thuở.

Điều thứ hai, Đức Phật Thích Ca còn giới thiệu thêm về Phật Di Đà và Phật Dược Sư. Nếu đi thẳng về phương Tây cách đây mười muôn ức Phật độ sẽ có Cực Lạc thuần vui, không khổ; nếu đi thẳng về phương Đông thì có Phật Dược Sư. Và đi về phương Đông hay phương Tây, chúng ta đều có mùa xuân vui vô tận. Phương Đông, nơi mặt trời mọc. Ở phương Tây, mặt trời lặn. Mặt trời tiêu biểu cho trí tuệ. Mặt trời lặn, ánh sáng mất, nhưng ánh sáng đi về đâu. Tôi đi tìm Phật Thích Ca xem Ngài đang ở đâu, Ngài từ đâu đến thế giới này và Ngài về Niết-bàn ở đâu. Tìm Phật Niết-bàn hay tìm mùa xuân.

Ta không tìm thấy Phật Thích Ca thì Ngài nói Phật Thích Ca vào Niết-bàn như mặt trời lặn và nhìn về đó để tìm thì Ngài bảo xa lắm, nhìn theo mặt trời lặn xa đến mười muôn ức Phật độ sẽ thấy Phật Di Đà xuất hiện. Nghiên cứu kinh Quán Vô lượng thọ, Phật nói chúng ta đang buồn giận nên hướng tâm về điểm xa xăm. Ngài Huyền Giác bảo rằng thân ở Ta-bà, nhưng đem tâm đặt vào ao sen báu của Phật Di Đà thì an lập tức; vì thấy Phật Di Đà, thấy Bồ-tát Quan Âm và Thánh chúng, không thấy thế giới này, không thấy những điều trái ý. Vì tâm để ở Cực Lạc, nên thân không bệnh; còn tâm buồn giận lo sợ sẽ ảnh hưởng khiến tâm bệnh. Người không ham muốn, không buồn giận lo sợ và đến một ngày, họ giã từ người quen, rồi lạy Phật và vãng sanh; đó là người tu Tịnh độ đúng pháp. Còn niệm Phật, nhưng cũng buồn giận, ham muốn, tranh cãi thì vĩnh kiếp ở trong sanh tử.

Tôi có một ông bạn bị ung thư tụy. Trước khi chết, ông tìm tôi nói rằng bác sĩ bảo không chữa được bệnh của ông, nhưng lòng ông cứ nghĩ đến ăn chanh và nhìn mặt trời, rồi ông đã làm như vậy. Tưởng ông chết, nhưng ông sống đến nay thêm được 17 năm nhờ ông nhiếp tâm niệm Phật, nhiếp tâm tu. Trước đó, ông tâm sự rằng trong khi tình hình kinh tế khó khăn, tình hình chính trị không ổn, nhưng sao ông thấy tôi tỉnh bơ; còn ông ở Nhật cứ lo lắng, buồn phiền, sợ hãi, đau khổ. Tôi khuyên ông nên cắt đứt bốn việc: buồn, giận, lo, sợ. Ông nói thêm rằng tất cả số tiền ông gửi ngân hàng, khi nào ông chết thì tôi lãnh; nhưng sau khi nhiếp tâm niệm Phật, ông khỏe mạnh lại nên tôi trả lại sổ tiết kiệm cho ông.

Đầu năm mừng Xuân Di Lặc xong, suốt tháng Giêng, chúng ta tụng kinh Dược Sư để cầu cho ta, cầu cho xã hội và cả thế giới được bình an. Lập đàn và tụng kinh Dược Sư, tôi cảm giác từ thế giới này cho đến thế giới Tịnh Lưu Ly ở phương Đông của Đức Phật Dược Sư và nếu đi thẳng về phương Tây thì đến thế giới Cực Lạc của Phật Di Đà giống như một vòng tròn tạo thành Pháp giới mà Đức Phật Tỳ Lô Giá Na là trọng tâm và Phật Di Đà cùng Phật Dược Sư đều ở trong Pháp giới này.

Nhưng đi về phương Đông thì chúng ta phải vượt qua bốn muôn ức thế giới sẽ tới bờ ranh giới của thế giới Tịnh Lưu Ly của Phật Dược Sư, nghĩa là phải đi bốn vòng, hay bốn bậc phải vượt qua. Ta-bà có đủ thứ chuyện, nhưng nguồn gốc là lòng tham. Vì vậy, muốn tới thế giới của Phật Dược Sư phải đoạn lòng tham là bậc đầu tiên. Ban đầu chúng ta tham đủ thứ, nhưng chúng ta cắt bớt, chỉ giữ những gì giữ được. Người đau khổ nhất vì cố giữ những gì không giữ được. Kế tiếp Phật dạy rằng những gì mạng chung không đem theo được thì cho, chỉ giữ những gì chết đem theo được. Ta hỏi xem cái gì đem theo về Cực Lạc hay Tịnh Lưu Ly được thì các Ngài nói phải bỏ hết mới đi được, còn cái gì chết đem theo được là tích cực tu hành, tích cực làm những gì mà Cực Lạc và Tịnh Lưu Ly cần.

Chỉ có phước đức đem theo được, do làm mười nghiệp thiện được lên thiên đàng, tạo mười nghiệp ác thì xuống địa ngục. Tất cả việc thiện chúng ta làm là hành trang đem đi được. Tham lam ghét ganh là địa ngục mở ra chờ đón. Muốn về Cực Lạc thì tâm trí lắng yên như vào thiền định, bấy giờ Đức Phật phóng quang tiếp độ. Tâm trí không lắng yên, đầy nhiễm bẩn thì không thể về Cực Lạc. Muốn về thế giới Tịnh Lưu Ly của Phật Dược Sư, tâm chúng ta phải hoàn toàn trong sạch, thân không tì vết, người không thể chỉ trích được là điều căn bản phải thành tựu. Như vậy, dọn mình cho sạch để về thế giới Tịnh Lưu Ly thì Phật nói dạy người làm phước sẽ được công đức không thể nghĩ bàn, đó là điều kiện để về Phật. Như vậy, trải qua bốn tầng, tầng một, cắt bỏ được lòng tham sẽ bước lên tầng thứ hai, tâm không bực tức và hai bậc cuối cùng là không lo lắng, không sợ hãi, sống chết cũng không quan tâm, vì tâm đã trong sạch mới bắt đầu bước qua ranh giới của thế giới Tịnh Lưu Ly của Phật Dược Sư.

Tóm lại, khi bỏ thân sanh diệt này, chúng ta chỉ giữ được phước đức và trong cuộc sống muốn biết có phước đức hay không, hãy quan sát cách người xử sự với chúng ta mà biết được con người thật của mình. Thấy con người thật và nỗ lực tu hành, hoàn thiện thân tâm trọn vẹn là tìm được mùa xuân vĩnh hằng bất tử cho chính mình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.