Đó là cảm nhận của người viết sau chuyến đi Tây Bắc từ ngày 4 đến 7-1, trong chương trình “Tết yêu thương xuân Quý Mão 2023”, do TT.Thích Thanh Phong, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Kinh tế-Tài chánh T.Ư, Phó Trưởng BTS kiêm Trưởng ban Từ thiện xã hội Phật giáo TP.HCM tổ chức.
Chương trình do GHPGVN kết hợp cùng các doanh nghiệp, mạnh thường quân, đặc biệt là sự hỗ trợ của bà Mai Thị Hạnh - phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng nhóm từ thiện Sharing, thực hiện xuyên suốt 15 năm qua.
Thượng tọa Thích Thanh Phong tặng quà Tết đến người dân vùng cao |
Hơi ấm trên miền sơn cước
Dù đã hơn 8 giờ sáng, sương mù vẫn còn dày đặc trên mọi con đường dẫn đến UBND xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, điểm tặng quà đầu tiên trong chuyến đi “Tết yêu thương”. Từng nhóm người gầy gò, co ro thu mình trong những chiếc áo cũ kỹ hay túm tụm lại tìm chút ấm trong cái lạnh khắc nghiệt của vùng sơn cước.
Lọt thỏm giữa những chiếc thổ cẩm cũ kỹ, bám đầy bụi đất là hình bóng một cụ già với thân hình nhỏ thó, cõng trên lưng đứa cháu nhỏ của mình. Sau khi tháo chiếc chăn quấn đứa bé sau lưng rồi đặt nó xuống đất, sự mệt mỏi trên gương mặt bủng beo, với hàng tá nếp nhăn của bà theo làn hơi thở ra mà nhẹ đi phần nào.
Bà không nói được tiếng Việt và chẳng nhớ nổi tên cũng như tuổi của mình. Bà chỉ biết chắc rằng mình là người dân Hà Nhì, đã sống ở trên ngọn núi cao của vùng đất này từ khi mới ra đời. Phải nhờ đến cán bộ xã, tôi mới biết bà tên là Ly Dé Be, ở thôn Tả Gì Thàng, xã Y Tý, huyện Bát Xát. Hôm nay, bà đã phải di chuyển hơn 20km để đi nhận quà Tết, thay đứa con trai Ly Chuy Gió đang bận lên nương.
Lau vội giọt nước mắt rơi xuống trên khuôn mặt đứa cháu đang bế trên tay, bà với mình ôm lấy tôi, cười sảng khoái và thì thầm với thứ tiếng đặc trưng của mình: “Vui lắm, mọi người ở dưới xuôi năm nào cũng nhớ và đến đây tặng quà. Tết này con trai có tiền để đi chợ và bà có thể thay cái chăn đã quá cũ để giúp đứa cháu này ấm hơn khi cõng trên lưng”.
Chương trình “Tết yêu thương xuân Quý Mão 2023”, do GHPGVN kết hợp cùng nhóm từ thiện Sharing và các doanh nghiệp, mạnh thường quân thực hiện với tổng số phần quà được trao tặng gồm 13.600 phần, mỗi phần quà trị giá 1 triệu đồng. Trong đó, hành trình trao tặng quà Tết cho người dân các tỉnh Tây Bắc: Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nam và Hưng Yên, từ ngày 4 đến ngày 7-1, do TT.Thích Thanh Phong, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Kinh tế - Tài chánh T.Ư, Phó Trưởng BTS kiêm Trưởng ban Từ thiện - Xã hội Phật giáo TP.HCM tổ chức đã trao tặng 4.200 phần. Tổng giá trị chương trình thực hiện được là 13,6 tỷ đồng.
Quả thật, niềm vui của những người dân nơi đây khi Tết đến chỉ đơn giản là có thêm tờ tiền mới, những túi gạo, chiếc chăn, chai dầu ăn… trong bữa cơm của mình. Theo chia sẻ của anh Lồ A Lử, Phó Chủ tịch UBND xã Y Tý thì những người nhận quà hôm nay chủ yếu là người Hà Nhì, Mông, Dao, Tày, Nùng, Thái… thuộc hộ nghèo đang sinh sống trên địa bàn 12 thôn của xã. Họ chủ yếu trồng lúa nước, ngô nên cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Những món quà của đoàn mang đến không chỉ khiến họ vui hơn với một cái Tết tròn đầy, mà còn góp phần giúp chính quyền đảm bảo lòng tin, sự ổn định của người dân nơi miền biên giới. Sự quan tâm tạo nên sự gắn kết giữa những con người Việt Nam với nhau. Dù họ có sinh ra ở đồng bằng, vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thì tình thương yêu là sợi dây để kéo lại khoảng cách đó, tạo nên sự đoàn kết, vững chắc khó thể phá vỡ.
Nhìn theo bóng lưng nặng thêm vì những món quà nhận được sáng nay của bà Ly Dé Be đang xa dần, tôi vẫn không quên được nụ cười rạng rỡ, đôi mắt phấn chấn của bà. Giữa cơn gió lạnh buốt của vùng cao Tây Bắc, những câu hỏi thăm, cái ôm thắm thiết như thế cũng đủ làm lòng mình ấm lại và thêm yêu những con người nơi đây hơn.
Trao cơ hội đổi thay
Rời Y Tý khi đã quá trưa, đoàn nhanh chân lên xe để tiếp tục hành trình của mình. Những con đường mù sương, cheo leo trên đỉnh đồi khiến chúng tôi chẳng thể phân biệt được chính xác được không gian bên ngoài, chẳng thể biết được chính xác buổi sáng hay chiều nếu không có chiếc đồng hồ trên tay. Đoàn xe phải bám sát vào nhau, nhích từng chút bởi tầm nhìn bị hạn chế.
Thượng tọa Thích Trung Sơn chia sẻ niềm vui cùng các em nhỏ người dân tộc thiểu số |
Tất cả thành viên trong đoàn đều mệt vì lạnh, bị sốc nhiệt và phải di chuyển liên tục trên những con đường đèo nhiều khúc ngoặt. Phải đến khi gặp người dân, trao những phần quà nhỏ đến tận tay của họ, thấy họ cười, thấy sự háo hức trong mắt họ thì những mệt mỏi đó mới tan biến đi.
Nhìn mọi người trên xe cực nhọc chống chọi với cơn say xe, TT.Thích Trung Sơn, Phó ban Kinh tế-Tài chánh T.Ư GHPGVN, Phó ban Từ thiện xã hội Phật giáo TP.HCM, người hơn 15 năm tham gia chương trình “Tết yêu thương”, không khỏi cảm thán. Bao nhiêu đó chẳng thấm vào đâu so với thời gian đầu làm từ thiện trên vùng đất này. Và cái tên “Hang Tôm”, cây cầu duy nhất ở thượng lưu sông Đà, nối liền 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên, luôn được nhắc đến trong những câu chuyện về khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa lên đây trong những buổi đầu.
Giờ đây, đường lớn được mở, nhiều chiếc cầu nối liền các tỉnh liên tiếp ra đời đã góp phần thúc đẩy kinh tế, cải thiện đời sống của người dân vùng cao. Ban Trị sự địa phương được thành lập, hoạt động có hiệu quả, nên hình ảnh của Tăng Ni cũng trở nên gần gũi, thân cận hơn trong lòng bà con đồng bào dân tộc vùng núi. “Còn vô số những thay đổi nữa nhưng chừng đó cũng khiến một người làm thiện nguyện như tôi thấy hạnh phúc rồi”, TT.Thích Trung Sơn vừa ngước nhìn về con đèo Ô Quy Hồ trước mắt vừa nói.
Nụ cười vui mừng của một cụ già người dân tộc thiểu số ở Lào Cai |
Đến tối, cả đoàn quây quần bên bếp lửa, tranh thủ những phút nghỉ ngơi ngắn ngủi của chuyến hành trình liên tục của mình để chia sẻ chuyện vui, buồn cuộc sống. Ai cũng thấu hiểu và cảm phục câu chuyện của TT.Thích Thanh Phong với trăn trở về vấn đề phát triển an sinh xã hội lâu dài trên vùng đất này.
Suốt cả chặng đường dài, len lỏi vào từng thôn xã vùng sâu, bên cạnh việc trao tặng tận tay những món quà để bà con kịp thời đón Tết, TT.Thích Thanh Phong không quên giới thiệu tình hình kinh tế, văn hóa của từng địa phương đến đại diện các doanh nghiệp đi cùng, hy vọng họ có kế hoạch đầu tư lâu dài, mang đến công ăn việc làm, giúp đỡ cải thiện đời sống của bà con một cách hiệu quả nhất.
Hình ảnh đó đã làm lay động anh Nikola, CEO của Công ty Cổ phần Năng lượng xanh Việt Nam và toàn cầu (Green Power). Bỏ qua những bận rộn của một người đứng đầu một công ty lớn những ngày cuối năm, anh đã tự nguyện tham gia chuyến đi theo lời mời của TT.Thích Thanh Phong. Đây cũng là lần đầu tiên anh tham gia một hành trình thực tế, tận mắt thấy những người dân ở thôn bản vùng núi cao còn nghèo nàn, lạc hậu như thế. Sự đồng cảm đã khiến anh nảy lên những dự định, kế hoạch để đầu tư, phát triển vùng đất này. “Trước đó, tôi được mời tham gia dự án đô thị du lịch Y Tý, huyện Bát Xát nhưng vẫn còn bỏ ngỏ. Sau chuyến đi này, tôi sẽ cân nhắc và tính toán để đầu tư phát triển một số lĩnh vực tại đây để góp phần thúc đẩy kinh tế vùng này hơn nữa”, anh Nikola nói.
Hạnh phúc của sự cho đi |
Ngày thứ 3, cả đoàn đến Hòa Bình và Hưng Yên. Càng về xuôi, thời tiết ấm dần lên, việc đi lại cũng thuận tiện hơn so với miền núi. Cơ sở hạ tầng phát triển, nhà cửa cũng nhiều hơn, tuy vậy vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật nặng, người già neo đơn cần được giúp đỡ. Những món quà cũng theo đó mà được điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu đón Tết của người dân.
Chuyến hành trình kéo dài 5 ngày của đoàn cuối cùng dừng lại tại Hà Nam với hơn 4.000 phần quà được trao đến đến tận tay người dân nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy vậy, chương trình “Tết yêu thương xuân Quý Mão 2023” vẫn sẽ tiếp tục sứ mệnh trao hơn 8.000 phần quà đến bà con tại các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương, Hà Nội, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bến Tre, Sóc Trăng, Kon Tum, Gia Lai… nhằm giúp người dân kịp đón Tết Quý Mão 2023 ấm áp, hạnh phúc.