GN - Thông tin về con số thống kê (6.802.318) tín đồ Phật giáo Việt Nam do Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương năm 2009 công bố chính thức, đã được dư luận quan tâm với ý kiến đa chiều. Dù đó không phải là thông tin mới, kết quả đã được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các website chính thức của các cơ quan Nhà nước cũng như đã in thành sách phát hành rộng rãi.
Con số thống kê và con số ước định
Con số (6.802.318) tín đồ Phật giáo này, theo báo cáo kết quả chính thức Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 1-4-2009 của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương: “khi được hỏi ý kiến, Ủy ban Dân tộc và Tôn giáo Chính phủ đã đánh giá cao về số liệu dân tộc và tôn giáo thu thập trong Tổng điều tra 2009”. Báo cáo cũng cho biết “Điều này cũng phản ánh chính sách tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta”.
Toàn bộ kết quả đã được công bố trên các cơ quan thông tin đại chúng,
in thành sách phát hành rộng rãi
Trong lúc đó, ở một số phát biểu chính thức và không chính thức cho rằng, tín đồ Phật giáo Việt Nam ở vào khoảng 45-50 triệu người. Một số người lạc quan hơn thì cho rằng gần 80% dân số Việt Nam có tín ngưỡng Phật giáo… Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” do Ban Tôn giáo Chính phủ công bố (10-2006) nhận định “Phật giáo Việt Nam có bề dầy lịch sử gần hai chục thế kỷ” (trang 21), nhưng không thấy đề cập đến số lượng tín đồ.
Ngay trong website chính thức của Ban Tôn giáo Chính phủ, con số ấy dường như cũng được định lượng theo cảm tính của mỗi người. Ví dụ: tác giả Minh Anh trong bài “Phổ biến pháp luật cho tín đồ, chức sắc các tôn giáo - Từ chủ trương đến thực tiễn”, khi đề cập đến số lượng tín đồ tôn giáo thì cho rằng “hơn 20 triệu người” (trong lúc đó Tổng điều tra 2009 thì cho con số 15.651.467); bà Minh Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Phật giáo trong bài “Đôi nét về đạo Phật và Giáo hội Phật giáo Việt Nam” thì cho rằng tính đến tháng 6-2010, ngoài các con số rất cụ thể: Phật giáo có 14.775 cơ sở thờ tự, 44.498 Tăng Ni (trong đó Bắc tông có 32.165 vị, Nam tông có 9.379 vị, Khất sĩ có 2.954 vị), còn số lượng tín đồ thì được ước tính “trên 10.000.000 tín đồ được phân bố trên phạm vi toàn quốc”. Cũng tác giả Minh Nga, trong bài “Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc”, đã xác định “tính đến tháng 6-2011, GHPGVN có 46.459 Tăng Ni, 14.778 cơ sở thờ tự, khoảng 10.000.000 tín đồ đã quy y (chưa kể đến hàng chục triệu người có tình cảm, tín ngưỡng Phật giáo).”; ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo trong bài viết “Vì sao Phật giáo “đứng vững” trong tâm linh của đông đảo người dân”, khi đề cập đến số lượng tín đồ của 12 tôn giáo ở Việt Nam cũng dùng con số ước định “trên 22 triệu”, trong đó Phật giáo “có trên 10 triệu tín đồ, hơn 45 nghìn chức sắc và gần 17 nghìn cơ sở thờ tự…”, v.v... Đó là chỉ mới lướt qua vài thông tin về con số (cùng các sai số) chỉ trên một website của cơ quan tham mưu cho Chính phủ về quản lý tôn giáo nước nhà.
Vấn đề tranh cãi về số lượng tín đồ Phật giáo Việt Nam cũng đã được đặt ra trong một số diễn đàn khác. Bởi con số được dẫn ra giữa Tổng cục Thống kê Việt Nam và các con số ước định khác có độ lệch không nhỏ.
Ở đây chưa xét đến tiêu chí cần và đủ “thế nào là tín đồ Phật giáo”; và cho đến hiện nay, người viết chưa thấy phổ biến một định nghĩa nào khả dĩ được đồng thuận chung bởi các cơ quan chức năng.
Với hệ thống hành chánh đã được thiết lập trên hầu hết các tỉnh, thành phố cả nước hiện nay, hy vọng trong tương lai không xa Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ chính thức công bố con số thống kê chính thức của mình.
Thái độ trước các con số
“Cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 được tiến hành vào thời điểm 0 giờ ngày 1 tháng 4 năm 2009 theo Quyết định số 94/2008/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cuộc Tổng điều tra dân số lần thứ tư và điều tra nhà ở lần thứ ba tiến hành ở nước ta kể từ khi nước nhà thống nhất vào năm 1975. Mục đích của cuộc Tổng điều tra là thu thập số liệu cơ bản về dân số và nhà ở trên toàn bộ lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phục vụ công tác kế hoạch hóa phát triển đất nước” - thông tin từ Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương cho biết. Tầm quan trọng và ý nghĩa của những con số này, như vậy, đã quá rõ ràng. Và kết quả cũng đã được công bố trên nhiều phương tiện, được báo chí đăng tải.
Kết quả thống kê tại Biểu 7, trang 281 của công bố Tổng điều tra dân số về tôn giáo năm 2009
(trích từ sách đã dẫn trên)
Trước con số chính xác đến hàng đơn vị như vậy, có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Ai muốn tìm hiểu định chuẩn trong phương pháp thống kê trên như thế nào, xin đọc các tài liệu liên quan đã được Cục Thống kê ấn hành cũng như các thông tin trên website của cơ quan nhà nước này tại địa chỉ: www.gso.gov.vn. Người viết bài này, tất nhiên, như mọi công dân khác, cũng đã tham dự kê khai (với sự hướng dẫn của cán bộ điều tra dân số) với hình thức “hỏi - đáp”, về cơ bản cũng như trường hợp kê khai lý lịch vốn quá quen thuộc với người dân chúng ta, trong nhiều nội dung cần kê khai, có nội dung “tôn giáo”.
Vấn đề ở đây là sự tự nhận thức. Có thể nói con số 6.802.318 cũng chính là số người dân (trong đó có cả Tăng, Ni) tự nhận mình là tín đồ Phật giáo. Số còn lại tại sao không nhận mình là tín đồ đạo Phật? Câu trả lời cũng không nên vội vàng đưa ra bằng suy luận cảm tính như thường xảy ra, mà cần có một khảo sát xã hội học nghiêm túc.
Có ý kiến cho rằng, con số đó là “bịa đặt”, việc đăng tải về con số đó là “mang tính kích động”, như vậy xem kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở, 10 năm thực hiện một lần dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, là cơ sở để “phục vụ công tác kế hoạch hóa phát triển đất nước”, được xác định theo vùng, từng địa phương cụ thể, chi tiết đến cả giới tính và độ tuổi, trình độ học vấn... cũng là ‘bịa đặt”, là “kích động” ư?
Giáo hội cần đưa ra một định nghĩa "thế nào là tín đồ đạo Phật?" và có con số thống kê của mình
Là một tôn giáo được xác định là “đứng vững” trong tâm linh của đông đảo người dân, là tín đồ của một tôn giáo của từ bi và trí tuệ, luôn đồng hành cùng dân tộc, thì tại sao lại ngại ngùng, dè dặt trong việc nhận tôn giáo là đạo Phật, lại chối từ khai nhận “lý lịch tâm linh” của mình?
Sự sống là vô thường, lúc thịnh lúc suy. Phật giáo cũng không nằm ngoài sự vận hành ấy. Con số 6.802.318 tín đồ Phật giáo ở Việt Nam là kết quả của một cuộc Tổng điều tra dân số cấp Nhà nước tháng 4-2009. Đó là một thực tế ở một thời điểm nhất định, được thực hiện và công bố bởi một cơ quan chuyên ngành của nhà nước. Con số này có thể thay đổi, tăng lên hay giảm xuống. Chúng ta không nên tỏ ra bi quan hay phấn khích thái quá trước nó khi so với “con số ước định cảm tính” được truyền miệng và hiện hữu trong tình cảm tôn giáo của mỗi người. Điều cần thiết là tỉnh thức, như Đức Thế Tôn đã dạy trong kinh Kalama (thuộc Tăng chi bộ, Đại tạng kinh Việt Nam), trong đó có ý chớ vội tin vào những điều được đồn đại bởi số đông, mà hãy tự thân kiểm nghiệm... Chớ buồn bực vì con số quá nhỏ so với tưởng tượng của mình, mà thái độ thiết thực nhất là hãy nhiệt tâm tu học, đem chất liệu học Phật, sống đạo ấy giới thiệu Phật pháp đến với người thân, bà con, bạn bè, đồng bào…; nếu là Phật tử, có tín ngưỡng đạo Phật, hãy vượt qua và khuyến khích người khác vượt qua những dè dặt (nếu có) trong việc tự khai “không” trong nội dung “tôn giáo” ở các thủ tục giấy tờ của người công dân.
Thích Tâm Hải
Dù kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số của Nhà nước mang tính quy mô, nghiêm túc, khách quan, nhưng tôi cho rằng kết quả thống kê được công bố về tôn giáo, nhất là về Phật giáo chưa được chuẩn xác vì nhiều lý do khác nhau. Có lẽ con số được công bố chủ yếu là gồm những người đã chính thức quy y và tự tin trả lời với nhân viên điều tra dân số rằng mình theo đạo Phật. Trên thực tế, có rất nhiều người đã quy y nhưng vẫn không khai thông tin mình là Phật tử và còn người có cảm tình với Phật giáo nhưng chưa quy y nên nói theo cách của Đức Đệ nhất Pháp chủ của chúng ta trong một lần trả lời báo chí là hợp lý nhất. Ngài cho rằng, tại Việt Nam chúng ta, trừ những người xác nhận mình theo các tôn giáo khác, còn lại là người theo đạo Phật, yêu mến đạo Phật và có ảnh hưởng bởi đạo Phật theo truyền thống chung của dân tộc. Trong lần bầu cử đại biểu gần đây nhất, tôi rất vui khi có nhiều đại biểu là cán bộ cấp cao ra ứng cử đã tự tin công bố trong lý lịch mình là Phật tử. Ngược lại, những dịp khác mà tôi chứng kiến và cảm thấy hổ thẹn khi có nhiều người có địa vị cao, gia đình nhiều đời thuần thành, kính tín Tam bảo, nhưng vì một lý do nào đó, đã không dám tự nhận mình là Phật tử dù đã quy y. Trong cương vị là Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư, tôi luôn khuyến cáo chư tôn đức thành viên, trong các buổi giảng, hãy nhắc thính chúng về niềm tự hào là Phật tử hoặc có cảm tình với đạo Phật. Vì nói một cách nghiêm túc và sâu sắc, đối với dân tộc và đất nước Việt Nam này, đạo Phật xứng đáng được trân trọng và ghi nhận ở mọi góc độ vì những đóng góp không mệt mỏi. Ngoài ra, giáo lý đạo Phật là phù hợp nhất với truyền thống dân tộc và tư tưởng chủ đạo của lực lượng lãnh đạo đất nước. HT.Thích Bảo Nghiêm |