Dấu hiệu u não

Đau đầu, nôn và buồn nôn, giảm thị lực, kích thước vòng đầu tăng bất thường, yếu liệt tê bì... là những dấu hiệu cảnh báo u não.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện K, cho biết u não xuất hiện khi có tế bào bất thường hình thành bên trong não. Khối u não có nhiều loại, trong số đó có những khối u ác tính và những khối u não lành tính. Khối u não ác tính bắt nguồn từ não được gọi là ung thư não nguyên phát. Một khối u não do bệnh ung thư khác của cơ thể lan rộng vào não được gọi là ung thư não thứ phát, hay còn gọi là di căn não.

Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) ước tính năm 2018 Việt Nam có hơn 3.500 ca mắc mới ung thư não và hơn 3.100 trường hợp tử vong vì bệnh này. Tùy theo tuổi mắc bệnh, vị trí và tính chất mô bệnh học của u mà bệnh nhân có các biểu hiện khác nhau. Các triệu chứng này thường biểu hiện khác nhau đối với mỗi người bệnh, tùy thuộc vào vị trí khối u, loại u, kích thước và tốc độ phát triển của nó.

Theo bác sĩ Liên, đau đầu trầm trọng là triệu trứng phổ biến, có thể bắt gặp ở khoảng 50% số bệnh nhân u não. Thường đau nhiều vào sáng sớm hay nửa đêm về sáng, đau dai dẳng, lặp lại hàng ngày, càng ngày càng đau nhiều hơn về cả cường độ và thời gian. Ở trẻ nhỏ chưa biết phàn nàn đau có thể biểu hiện bằng bỏ ăn, quấy khóc, ngủ ít, vật vã.

Bệnh nhân có khối u não cũng thường có biểu hiện nôn, buồn nôn đi kèm với triệu chứng đau đầu, thường nôn vào buổi sáng, sau mỗi lần nôn bệnh nhân thường mệt hơn, nhưng đỡ đau đầu. Nếu để bệnh nhân nôn nhiều có thể dẫn đến suy kiệt, mất nước, rối loạn điện giải. Thời gian đầu, dấu hiệu chưa rõ ràng thì một số ít bệnh nhân được chẩn đoán là triệu chứng nôn đơn thuần có thể nghi ngờ do vấn đề bệnh lý tiêu hóa, đến khi thực hiện các xét nghiệm, chỉ định cho kết quả rõ ràng hơn mới phát hiện ra là u não.

mg-1363-1572940764-1572940782-2222-1572940842_jpg.jpg


Bệnh nhân điều trị u não tại Bệnh viện K. Ảnh: Hà Trần.

Dấu hiệu của bệnh này còn có giảm thị lực, cụ thể như phù gai thị. Đây là dấu hiệu nặng thường gặp trong tăng áp lực nội sọ. Khi nghi ngờ có tăng áp lực nội sọ nên soi đáy mắt để xác định vì qua giai đoạn phù gai thị sẽ chuyển sang teo gai thị có thể dẫn đến mù. Người bệnh còn bị bán manh,gặp trong trường hợp u chèn vào một phần của cửa dày thị giác hay giải thị giác.

Khi bị liệt vận nhãn, người bệnh sẽ bị nhìn đôi. Với bệnh nhân liệt dây thần kinh VI thì thường có biểu hiện lác trong, liệt dây thần kinh III biểu hiện lác ngoài. Thậm chí, còn bị rung giật nhãn cầu.

Bác sĩ Liên cảnh báo, kích thước vòng đầu tăng bất thường cũng cần phải chú ý. Ở các trẻ nhỏ, nhất là trẻ em dưới 2 tuổi thì nhiều khi không có các triệu chứng đau đầu, nôn, phù gai mà biểu hiện bằng kích thước vòng đầu tăng lên bất thường (nhanh hơn so với số đo chuẩn), các khớp sọ giãn rộng, thóp phồng, da đầu căng, giãn các tĩnh mạch dưới da đầu, có thể thấy mắt của bệnh nhân ở vị trí nhìn xuống. Ngoài ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể có biểu hiện tăng động và rối loạn hành vi nên cha mẹ cần hết sức lưu ý đến biểu hiện của trẻ. Thậm chí, trẻ có biểu hiện hội chứng thần kinh da gồm xơ hóa củ, đa u xơ thần kinh (NF1) thường tăng nguy cơ có khối u ở não.

Người bệnh u não cũng mất kiểm soát hành vi. Biểu hiện này khiến cho người bệnh đi lại loạng choạng, hay bị ngã, rối loạn thăng bằng, rối tầm, liệt các dây thần kinh sọ não. Họ cũng căng thẳng kéo dài, thậm chí là trầm cảm với các biểu hiện cáu gắt, mệt mỏi, căng thẳng, dễ kích động, kém tập trung, ngủ nhiều hoặc luôn ở trạng thái buồn ngủ.  

Yếu liệt và tê bì cũng là một trong những biểu hiện cần chú ý. Cảm giác yếu liệt, tê bì, cảm giác kiến bò ở bàn tay, bàn chân. Tê, yếu thường có xu hướng một bên thân người. Nhất là bệnh nhân có hội chứng của trên lều tiểu não: thường sẽ giảm hoặc mất cảm giác nửa người, yếu hoặc liệt vận động nửa người, rối loạn nói (có thể hiểu lời nói nhưng bệnh nhân không nói được hoặc nói được nhưng không hiểu lời nói), rối loạn nhìn, rối loạn ý thức, giảm sự tập chung, rối loạn giấc ngủ.

Các khối u có thể đè đẩy vào các tế bào thần kinh não, tác động và làm biến đổi các tín hiệu điện từ trong não sẽ gây ra các cơn động kinh. Cơn động kinh đôi khi là dấu hiệu đầu tiên của một khối u não, nó cũng có thể gặp ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh. Khoảng 50% người bệnh bị u não trải qua ít nhất một lần cơn động kinh. Tuy nhiên động kinh không phải lúc nào cũng vì sự xuất hiện của một khối u não. Các nguyên nhân gây co giật khác bao gồm: dị dạng mạch máu não, sau đột quỵ não, sau chấn thương não, viêm nhiễm ký sinh trùng trong não...

"Nếu bạn xuất hiện một số dấu hiệu này thì không có nghĩa là bạn đã bị u não bởi vì các triệu chứng ấy có thể gặp ở nhiều loại bệnh khác nhau. Tuy nhiên, bạn cần phải gặp bác sĩ để được chẩn đoán sớm, chính xác và tìm ra phương án điều trị phù hợp", bác sĩ Liên cảnh báo.

Tại Bệnh viện K, u não được điều trị đa mô thức gồm các phương pháp phẫu thuật (với kính vi phẫu, phẫu thuật ít xâm lấn, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật với chất huỳnh quang đánh dấu u), điều trị hóa trị, điều trị xạ trị thông thường, điều trị bằng dao Gamma.

Với điều trị đa mô thức sẽ góp phần tối ưu hóa các phương pháp điều trị cho bệnh nhân, người bệnh không cần phải sang nước ngoài vẫn được điều trị bằng các kỹ thuật cao như các nước tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt đầu tháng 7-2019, Bệnh viện K đã đưa vào điều trị xạ phẫu bằng Gamma Knife thế hệ Icon, đây là thế hệ máy xạ phẫu hiện đại nhất trên thế giới hiện nay.

Tại khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện K đã điều trị bằng dao Gamma thường quy cho các bệnh nhân u não và trong các bệnh lý khác về não như các khối ung thư di căn vào não; u màng não, u thần kinh, u tuyến yên, u sọ hầu, u dây thần kinh số 8, số 5, u dốc nền, u não thất, u vùng tuyến tùng, các dị dạng động tĩnh mạch... mà không làm tổn thương tới các mô não lành xung quanh.

Điều trị bằng dao Gamma cũng đặc biệt hiệu quả với các tổn thương ở các vị trí khó tiếp cận bằng phẫu thuật, các tổn thương tái phát hay u còn tồn dư sau phẫu thuật. Bệnh nhân chỉ cần điều trị một lần, và chỉ cần nằm viện một ngày, giảm chi phí điều trị.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.