Người ta nói cõi này là cõi tạm, mỗi mỗi con người chỉ là khách trọ. Phật thì nói chúng sanh như gã cùng tử bỏ nhà đi lang thang, khi trở về đứng ngay trước cửa nhà mình mà còn khiếp sợ. Có đất khách, có quê nhà để những kẻ lui tới giữa hai bờ mê ngộ có cớ để làm thơ.
Đêm đất khách chợt nhớ ngày Hạ trắng
Phúc âm buồn ai hát giữa đêm sâu
Để quê hương nay đã thành Biển nhớ
Từng Diễm xưa giờ chắc đã qua cầu.
(Toại Khanh)
Đề tựa mấy bài hát của Trịnh Công Sơn đưa vào, phổ thơ để nói giùm nỗi niềm xa xứ. Ai có một đời không ly hương?
Tôi ở gần bên một người ly hương, mẹ tôi - Sư cô lão mẫu. Sư cô không biết mấy bài thơ, bài nhạc hoài cố hương, cũng không hề nghĩ ngợi thế nào là đất khách. Kể cho tôi nghe về ngày nhỏ ở bên bà ngoại, ở quê xứ Quảng, đơn giản tự nhiên, thỉnh thoảng đọc mấy câu: “Bên ni Hàn ngó qua bên tê Hà Thân nước xanh như tàu lóa (lá). Bên tê Hà Thân ngó qua bên ni Hàn phố xóa (xá) nghinh ngang. Kể từ ông Tây lại đất Hàn. Đào sông Câu Nhí bòn vàng Bông Miêu. Dặn tấm lòng em bậu đừng xiêu. Ở rứa mà nuôi cha mẹ sớm với chiều có toa (ta)”.
Đứa nhỏ là tôi thích thú ngồi nghe, giọng Quảng Nam phôi pha có ít nhiều tâm tình của xứ sở, của thời cuộc đất nước. Tôi ngẫm nghĩ, Sư cô có một thời ấu thơ hạnh phúc ở nhà, vui sướng hưởng tình thương đầy ắp. Tình thương là một nếp di truyền, tới tôi cũng được thương yêu đầy đủ. Thử nhớ lại, tuổi nhỏ cầm một cái bong bóng mẹ mua cho, mắt rực rỡ. Có một hồi tôi bị bệnh nóng sốt, nằm ngủ mê cho tới khi thức giấc, thấy hộp bánh mẹ để cho bên cạnh, nằm ôm hộp bánh nghe vui khắp người.
Tôi cũng là cánh chim thiên di, nhưng tôi đi theo mẹ, ở gần bên từ nhỏ đến lớn nên không hề nhớ quê. Những tư tưởng nào là đất khách quê người, nào là cội nguồn xứ sở, chỉ là đệm thêm cho những giờ triết lý, thơ văn.
Dặm về cố quận
Bỗng ngát hương hoa
Mẹ ơi, con trở lại nhà rồi đây.
(Toại Khanh dịch thơ Fuwa)
Khoảng đầu thập niên 70, Sư cô lên núi Vũng Tàu cất cốc. Xin được miếng đất nhỏ gần hang ông Hổ, đường lên Chơn Không, chuẩn bị làm nhà. Tôi và đứa bạn thân, lục tìm trong thư viện mấy mẫu nhà tranh mỹ thuật, có cây cầu nhỏ bắc qua con suối, có cụm lan bên hiên, ôi thôi là mơ mộng. Lúc đó thì Sư cô đã được giúp cho cất xong cái thất bằng tôn, mái tôn, vách tôn, đơn giản gần mấy gộp đá, giữa vô cùng không gian rộng rãi, không cần hàng rào bê-tông.
Tôi và nhỏ bạn mừng thất mới, xuống chợ Vũng Tàu mua một cái lu nhựa. Trên núi cần lu hứng nước mưa để xài, hai đứa vác được cái lu leo lên đường dốc, tự khen mình khôn ngoan. Tháng sau về thăm, Sư cô xếp đặt cho cái lu ở trong nhà, để đựng gạo, đường, thức ăn, lu có nắp đậy kín đáo. Tôi hỏi thì Sư cô nói lu để ngoài trời, chưa có nước thì sợ gió thổi bay. Gió núi mà, mạnh phải biết. Cái lu thời đó, bền chắc và được việc.
Mỗi lần nghỉ hè, hoặc nghỉ Tết, tôi có nơi chốn về thăm, thật an ổn và phù hợp với giấc mộng lên núi học đạo. Mỗi chiều leo lên con đường dốc, vào thất Viên Phước thăm thầy, có quý Sư cô thị giả và thỉnh thoảng các chị Thuần Chơn, Thuần Tịnh từ Sài Gòn ra, ngồi bên võng thầy thưa trình.
Một thời tuyệt đẹp. Lúc đó Chơn Không đã là nơi quy tụ những tâm hồn yêu thích đạo lý Thiền. Cốc thất mọc như nấm. Mà thật, nếu có nguồn nước dồi dào, hoặc có một con suối nào đó thả dòng chảy qua khe đá, róc rách rì rào, lững thững trôi êm, thì bảo đảm khu vực từ trên am cao vắt vẻo cho đến dưới đường dốc, sẽ có vô số người ta từ mọi phía đổ xô về. Có điều kiện thì xây nhà chắc chắn, xây hồ đựng nước mưa. Ít tiền hơn thì vác tôn về dựa vào hốc đá, che tạm nắng mưa, một cái võng dưới tàng cây, ngày tháng trôi như mộng.
Tôi đã có một thời, tới giờ nghĩ lại vẫn thấy vui. Lâu thật lâu, gặp lại một vài thất chủ ngày ấy, say sưa kể chuyện. Nhất là tôi có thời gian bên Sư cô, ở với mẹ thì không còn thấy có đâu là đất khách, không cần phải “Đê đầu tư cố hương” (Lý Bạch).