… Bà mẹ tội nghiệp vùng chạy ra ngoài, miệng gọi con. Bên ngoài trời tối, có một bà cụ mặc áo dài đen đang ngồi giữa đống tuyết, bảo bà:
- Tôi thấy Thần chết vào nhà chị, lão ta mang con chị đi rồi. Lão ta chạy nhanh hơn gió và chẳng bao giờ trả lại những thứ đã cướp đi. Bà mẹ khẩn cầu:
- Xin cụ chỉ đường cho tôi, tôi sẽ đuổi kịp.
- Nhưng trước hết chị phải hát cho ta nghe tất cả bài hát ru của chị. Ta là Thần đêm tối, ta đã nghe chị hát rất nhiều và ta thích những bài ru con của chị.
Bà mẹ cất tiếng hát, nước mắt đầm đìa theo lời ru, giọng nức nở của bà làm mềm lòng cả đêm tối. Bà hát xong, thần chỉ đường và bà tiếp tục đi. Đến một ngã ba đường, bà phân vân không biết rẽ lối nào. Nơi đó có những bụi gai trơ trụi, băng đóng khắp cành, bà hỏi thăm:
- Có thấy Thần chết mang con tôi qua đây không?
- Có. Nhưng nếu muốn tôi chỉ đường, bà phải ủ tôi vào lòng để sưởi ấm. Tôi đang rét cóng đây.
Bà mẹ ôm ghì bụi gai vào ngực, cành gai nhọn đâm vào da thịt, máu nhỏ từng giọt đậm. Được truyền sức nóng của bà, những cây gai đâm chồi nảy lộc và trổ hoa ngay giữa đêm giá rét. Sau đó bụi gai chỉ đường cho bà mẹ. Đến một cái hồ lớn chắn ngang đường, không có thuyền bè, nước hồ đóng băng mỏng không thể bước lên, lòng hồ sâu không lội qua được. Không cách nào hơn, bà quỳ xuống toan uống cạn nước trong hồ, tuy biết rằng đó là một việc quá sức con người. Hồ bảo bà:
- Không, không làm thế được đâu! Ta thương lượng với nhau thì hơn. Tôi rất thích ngọc trai, mà đôi mắt bà là những hạt ngọc trai trong suốt. Hãy cho tôi đôi mắt, tôi sẽ đưa bà đến tận nhà ươm cây, nơi thần chết vun trồng các cây hoa. Mỗi cây là một kiếp người.
Bà mẹ kêu lên:
- Tôi không tiếc gì để tìm thấy con tôi.
Bà khóc, nước mắt tuôn tầm tã đến nỗi đôi mắt bà theo dòng lệ rơi xuống đáy hồ và hóa thành hai hòn ngọc. Thế là hồ nâng bổng bà lên, đưa đến một ngôi nhà kỳ diệu. Không thấy được gì vì đôi mắt không còn, bà hỏi:
- Tìm đâu cho thấy Thần chết và con tôi?
Bà già giữ vườn của Thần chết bảo:
- Trong vườn này có nhiều cây và hoa, chúng chẳng có gì khác thường, nhưng mỗi cây đều có một trái tim và trái tim ấy đập hẳn hoi. Có thể bà sẽ tìm thấy cái cây của con bà, nhờ nhận ra nhịp đập của nó. Nhưng muốn vào vườn bà phải trả ơn cho tôi.
Bà mẹ tội nghiệp than thở:
- Tôi còn có gì để cho nữa!
- Bà có thể cho tôi mớ tóc dài đen nhánh của bà. Bộ tóc ấy đẹp lắm, tôi đổi cho bà bộ tóc bạc của tôi.
Hai người trao đổi tóc cho nhau, bà mẹ bước vào vườn ươm. Có bao nhiêu là cây hoa, có cây mảnh dẻ yếu ớt, có cây mập mạnh… Bà cúi rạp xuống từng cây tìm đến tận từng gốc nhỏ nhất, lắng nghe nhịp đập từng trái tim của chúng và giữa muôn ngàn trái tim ấy bà nhận ra tiếng đập của trái tim đứa con mình. Bà reo lên, đưa tay về phía một cây nhỏ bé màu lam dáng ốm yếu. Bà già ngăn lại:
- Chớ đụng vào hoa. Cứ chờ ở đây, Thần chết sẽ về, đừng cho thần nhổ cây hoa này. Cứ dọa là bà sẽ nhổ hết cây cỏ ở quanh đây, Thần chết sẽ sợ vì thần chịu trách nhiệm về chúng.
Ngay lúc đó một cơn gió lạnh buốt nổi lên, Thần chết về đến, hỏi:
- Sao ngươi lại có thể tìm được đường đến tận nơi đây, mà lại đến trước cả ta nữa?
- Tôi là mẹ - Bà mẹ vòng đôi bàn tay che chở cây hoa không cho thần chết đụng đến và van xin - Trả con cho tôi. Đồng thời mỗi tay bà túm lấy một bông hoa gần đấy và thét lên - Nếu tuyệt vọng tôi sẽ nhổ hết hoa ở đây.
Thần chết bảo:
- Chớ có đụng vào. Ngươi muốn làm cho một bà mẹ khác đau khổ hay sao?
- Người mẹ khác! - Bà mẹ đau thương buông hai bông hoa ra.
Thần chết nói thêm:
- Đây là đôi mắt của ngươi, thấy chúng lóng lánh sáng ngời dưới đáy hồ ta đã vớt lên. Hãy lấy lại đi và hãy nhìn xuống lòng giếng gần đây, ngươi sẽ thấy số phận của hai bông hoa, một trong hai bông hoa ấy là tương lai của con ngươi, nhưng ta không tiết lộ hơn nữa.
Bà mẹ nhìn xuống giếng, bà thấy từ một bông hoa ánh lên niềm vui hạnh phúc, còn cuộc đời của bông hoa kia chỉ toàn là trầm luân khổ ải. Diễm phúc hay bất hạnh là kiếp của hoa, cũng là kiếp của người. Bà không biết về con mình thế nào nên cuối cùng đã thôi không đòi con lại nữa.
Truyện của Andersen thường bao hàm nhiều ngụ ý. Một bà mẹ hát ru con chỉ có đêm tối thức cùng bà, cho nên Thần đêm yêu cầu bà mẹ trong truyện hãy hát hết tất cả những bài ca của mình. Thương con, mẹ ôm vào lòng trọn mọi khổ lụy cay đắng, và hơi ấm của mẹ làm cho cả cây gai mùa đông cũng phải nở hoa. Cách diễn tả này của Andersen tưởng không ai có thể viết hay hơn nữa. Đọc đến đoạn hồ nước xin đôi mắt của bà mẹ, chúng ta chợt nhớ câu hát của Y Vân: “Bao năm nước mắt như suối nguồn, chảy vào tim con mái tóc trót đành đẫm sương”.
Từ giã bà mẹ của truyện cổ tích, trở về với bà mẹ Việt Nam trong đời sống bình thường. Trên một chuyến xe khách, bà đi chung với con gái, con rể và cháu ngoại. Xe chật người ngồi phải ép vào nhau, bà giành đứa cháu ngoại ngồi với mình, để cho má nó thong thả. Chiếc xe đò chạy hụt hơi tìm rước khách, ai nấy đều làm thinh mệt mỏi trông cho mau đến nhà; chỉ có bà không hề mệt mỏi, hết lo nhắc đứa này tới nhắc đứa kia. Xức dầu, coi chừng giỏ xách, đừng thò tay ra ngoài… Lúc nào bà cũng không yên. Đến một chợ nhỏ, người mẹ mua bánh cho con trai con gái, chỉ lo cho con ăn, quên mẹ mình. Tới chừng nhớ chị mới mời một tiếng:
- Má, ăn bánh má.
Rồi đến chỗ, bà mẹ xuống trước, con cháu hình như còn đi chơi đâu đó mới về nhà sau. Xuống xe rồi bà còn chạy lăng xăng mua chai nước suối gởi lên cho cháu. Tôi có mặt trên chuyến đi hôm đó, mỗi lần nhớ lại hình ảnh của bà lòng ngậm ngùi…
Những câu chuyện về mẹ vẫn còn dang dở, để mỗi thế hệ, mỗi con người viết tiếp và nó chẳng bao giờ kết thúc với những người con.