Hồi tưởng lại cách nay 30 năm, hình ảnh đạo tràng Pháp Hoa của chúng tôi sao mà bé nhỏ dễ thương đến thế. Bé nhỏ thật, vì cái thuở ban sơ, những hạt nhân đầu tiên của đạo tràng chúng tôi chính là những em bé bỏng, ngây thơ, ở lứa tuổi từ mẫu giáo cho đến cấp 1. Ngoài ra, đạo tràng Pháp Hoa gọi là bé nhỏ vì số chúng viên lúc ấy chỉ vài chục người. Có điều lạ là bên cạnh các em thiếu nhi, phải kể đến những người lớn tuổi hoặc trung niên cũng là hạt mầm Pháp Hoa hiện diện thời ấy.
Các chúng thiếu nhi Đạo tràng Pháp Hoa dâng hoa mừng Phật đản
Chúng ta khó nghĩ rằng những người lớn tuổi có thể tu học chung với các em nhi đồng, hoặc ngược lại, các em có thể hòa chung niềm vui với các bác trong việc tu học. Vậy mà vấn đề tuổi tác chênh lệch quá nhiều giữa các bác và các em chẳng có gì trở ngại trong việc cùng tu chung trong một đạo tràng, mà còn thật sự hài hòa tự nhiên đến mức không thấy lạ kỳ gì cả. Phải chăng điều kỳ diệu sống động này nói lên cốt tủy của Pháp Hoa là “Lão ấu bất nhị” mà Thầy chúng tôi đã thể hiện ngay từ khi đạo tràng mới vừa thành hình. (Xin được phép gọi bằng tiếng thân thương là Thầy, tức Hòa thượng Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự hiện nay).
Thật vậy, “Lão ấu bất nhị”, tức già trẻ không phải là hai; vì các bác thật sự thương mến các cháu, bao dung các cháu, ao ước đời sau mình cũng được sớm đến với đạo như các cháu. Vì vậy, câu nói tôi thường nghe các bác khen ngợi rằng các cháu biết đạo, biết tu từ hồi còn nhỏ xíu, thiệt là có phước hơn mấy bác đó. Hồi mấy bác bằng tuổi các cháu đâu có biết tụng kinh, nghe pháp, hiểu đạo gì đâu.
Quả thật các em xứng đáng được các bác thương yêu chăm sóc. Trong các thời kinh, hoặc trước thời giảng pháp, hay trong các buổi lễ, tiếng hát thánh thót phát xuất từ cái tâm trong sáng của các em vang lên bài nguyện hương cúng dường Phật, rồi bài hát sám hối, bài hát Tứ đại nguyện của hành giả Pháp Hoa và bài Hồi hướng cho muôn loài, khiến cả chúng hội đạo tràng thật xúc động như đang được chư Phật, chư Bồ tát, chư Hộ pháp khích lệ chở che cho những hành giả sơ phát tâm còn chút căn lành thuở nào, giờ đây đang hướng tâm về các Ngài, tập sống theo hạnh nguyện của các Ngài. Không chỉ hát nhạc đạo hay, tiếng tụng kinh của các em nghe cũng nhịp nhàng, truyền cảm không kém gì hát. Và hơn thế nữa, các em còn thuộc lòng kinh Hồng danh Pháp Hoa, đặc biệt là còn ngồi trì kinh Pháp Hoa 28 phẩm thật trang nghiêm với các bác trong suốt thời khóa tu. (Lúc đó, Thầy chưa biên soạn kinh Bổn môn Pháp Hoa).
Trong khi các em thiếu nhi ngây thơ vui với nhạc đạo, vui lễ lạy Hồng danh Pháp Hoa, vui học thuộc kinh Pháp Hoa, vui được quây quần bên Thầy nghe kể chuyện đạo, thì các bác lớn tuổi nhờ nương theo tâm thanh tịnh của Thầy nên đã quên đi những oi bức ưu phiền của cuộc sống đầy biến động thời bấy giờ và được an vui dưới bóng mát từ bi của Phật, của Thầy, hưởng được hương vị êm đềm của Pháp Hoa, thật sự thấm được “Ở nơi đây thế giới an lành”.
Từ những hạt nhân “Lão ấu bất nhị” được Thầy giáo dưỡng trong dòng suối mát Pháp Hoa, lần lần đạo tràng chúng tôi đơm hoa, kết trái. Thật vậy, các em bé nhỏ của đạo tràng nương nhờ được thần lực của chư Phật, chư Bồ tát, khiến cho các em dắt dẫn được một cách tự nhiên những người xung quanh, từ trong gia đình là ông bà, cha mẹ, anh chị em, cho đến bạn học cùng trường cùng lớp phát tâm quy y Tam bảo, cùng theo tu học với đạo tràng chúng tôi. Đó cũng là một điều kỳ diệu của Pháp Hoa, người nhỏ mà chuyển hóa được người lớn.
Cứ như vậy, đạo tràng Pháp Hoa chúng tôi tu học, thăng hoa từng ngày trong gia trì lực của chư Phật, chư vị Bồ tát, bát bộ Hộ pháp và trong bóng mát từ bi, trí tuệ của Thầy một cách an lạc thảnh thơi, mặc cho dòng đời bên ngoài bấy giờ là dầu sôi lửa bỏng. Theo nhân duyên hội ngộ, từng thành phần khác nhau trong xã hội tìm đến với Thầy, tu học theo đạo tràng, từ các em học sinh cấp 2, cấp 3, sinh viên, cho đến thợ thuyền, công nhân, giáo viên, y tá, bác sĩ, kỹ sư, hay những người đi cải tạo trở về, những người tán gia bại sản, những người thất chí hận đời, v.v... Tất cả đại chúng đều nương nhờ được ánh quang gia bị của Pháp Hoa Hội thượng Phật Bồ tát, giống như cỏ cây tùy sức thấm nước mưa, mỗi người ít nhiều đều được an lạc, hạnh phúc trong nhà lửa tam giới này.
Quả thật là kỳ diệu, nếu nhìn bên ngoài về hình thức của đạo tràng chúng tôi không phải là một tổ chức chặt chẽ, nhìn về phước báu thì chẳng có là bao. Vậy mà khi tiếp nhận được sự hộ niệm của Phật, Bồ tát, Hộ pháp và của Thầy, cuộc sống vật chất thiếu thốn bỗng hóa thành đầy đủ, đủ thật, hay là biết đủ thì đủ, tinh thần khổ đau bỗng trở thành an vui vì hưởng được pháp vị của Phật.
“Một lòng vì đạo”, vâng, chỉ có cái tâm luôn muốn phục vụ đạo pháp để gieo trồng công đức như lời Thầy hằng nhắc nhở, đạo tràng Pháp Hoa nhờ sự hộ niệm của Phật, Bồ tát và Thầy, đã đóng góp được một số thành quả nhất định cho ngôi nhà Phật pháp.
Và trải qua năm tháng miên mật tu hành, đạo tràng chúng tôi cảm tâm, cảm nguyện, cảm hạnh của Phật, của Bồ tát và của Thầy càng ngày càng mãnh liệt hơn. Từ đó, đã tạo nên sự gắn bó mật thiết sâu xa với các Ngài ở thế giới siêu hình thanh tịnh, mới thể hiện thành lực dụng bất tư nghì trên thực tế cuộc sống. Thật vậy, từ vài chục người ở buổi sơ khai, đạo tràng Pháp Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh đã được nhân rộng vượt bậc có đến thành hàng trăm ngàn, hàng triệu người và hiện nay, đạo tràng Pháp Hoa đã phát triển sâu rộng trên khắp đất nước Việt Nam.
Ngoài ra, ở ngoại quốc như các nước Mỹ, Pháp, Úc, Anh... cũng có những đạo tràng Pháp Hoa được thành hình theo sự hộ niệm của Phật, của Thầy. Tùy phước đức nhân duyên của từng nơi mà đạo tràng phát triển khác nhau, thậm chí có nơi từng hành giả âm thầm lặng lẽ tu học Bổn môn Pháp Hoa mà không hề cảm thấy cô đơn lẻ loi trống vắng buồn tẻ.
Vâng, dù không có Thầy ở bên cạnh, dù không có các pháp lữ thân quen ở gần, dù đạo tràng ở nơi đó nhiều người hay chỉ có một người, họ cũng không cảm thấy thiếu thốn, cô đơn. Vì những hành giả sống xa quê hương đã thâm nhập được đạo tràng vô tướng là thế giới Bổn môn Pháp Hoa, thì trong họ và xung quanh họ đang có hằng hà sa Bồ tát và chư Phật hộ niệm, đang có từ tâm của Thầy bao phủ, đang nối kết với các pháp lữ đồng hành từ khắp bốn phương trời, mà không cần dùng đến ngôn ngữ thế gian, không cần đến sự tiếp xúc bề ngoài. Vâng, một sự truyền thông kỳ diệu từ tâm sang tâm của hành giả an trụ được thế giới Bổn môn Pháp Hoa, vượt ngoài toan tính của lưới ma, vượt ngoài vọng thức của phàm phu sinh tử, tạo nên dòng sinh mạng vĩnh hằng bất tử trên lộ trình Bồ tát đạo trong thời gian vô tận không gian vô cùng.
Quả thật kỳ diệu, một sợi dây tình thương, trí tuệ thật sự nhiệm mầu, khó có thể lý luận hiểu được, nhưng đời đời kiếp kiếp nối liền tâm của những quyến thuộc Pháp Hoa với Phật, Bồ tát và Thầy. Sợi dây tình thương và trí tuệ ấy đã dắt dẫn hành giả của đạo tràng Pháp Hoa trong đời ngũ trược ác thế này tìm lại được ngôi nhà Tam bảo, sống được với nguồn hỷ lạc vô tận của Pháp Hoa, mới giúp họ thoát được những hiểm nạn trên cuộc đời, mới cảm được đức độ và hạnh nguyện của Phật, của Bồ tát và của Thầy, mới xây dựng được đời sống gia đình hạnh phúc, mới thăng hoa được đời sống tâm linh, mới đóng góp được cho đạo pháp phát triển, cho xã hội đi lên và mới vững vàng phát lên bốn đại nguyện của hành giả Pháp Hoa:
Nguyện đời đời kiếp kiếp làm hành giả Pháp Hoa, thọ trì đọc tụng Pháp Hoa, quảng tuyên lưu bố Pháp Hoa và tu học nhân hạnh Pháp Hoa.
Diệu Tịnh
Đạo tràng Pháp Hoa qua năm tháng Cột mốc quan trọng nhất cho việc hình thành đạo tràng Pháp Hoa là vào mùa Phật đản năm 1975 tại Tổ đình Ấn Quang. Lúc đó, mới giải phóng nên các đoàn thể trong nước chưa được phép hoạt động tự do. Vì vậy HT.Thích Trí Quảng vừa đảm nhận nhiệm vụ Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên đã tập hợp trên dưới 40 em thanh thiếu nhi sinh hoạt thuần chất về tu tập lấy tên là chúng La hầu La và Ngọc Nữ. Hoạt động đầu tiên của các em đó là đảm trách công tác dâng hoa cúng dường nhân mùa Phật đản 1975. Sau đó, các em gắn kết nhau cùng học giáo lý và thực hiện các thời khóa tụng tại Tổ đình Ấn Quang. Dần dần, bố mẹ các em cùng tham gia sinh hoạt và các chúng khác ra đời và lên đến 30 chúng thuộc đạo tràng. Sau thống nhất Phật giáo năm 1981, Hòa thượng được cử giữ nhiệm vụ Trưởng ban Hoằng pháp đã tổ chức kỳ thi diễn giảng Phật pháp tại Cần Thơ vào năm 1982. Dịp này, Cần Thơ là địa phương thứ 2 có mô hình đạo tràng Pháp Hoa sinh hoạt tại chùa Khánh Quang. Sau đó, đạo tràng Pháp Hoa bắt đầu phát triển mạnh ra khắp các tỉnh miền Đến Đại hội kỳ IV của Giáo hội vào năm 1997, với lời thỉnh cầu của quần chúng Phật tử, Hòa thượng đã thiết lập đạo tràng Pháp Hoa đầu tiên tại miền Bắc, buổi lễ diễn ra rất trang nghiêm và xúc động ngay tại hội trường Khách sạn Kim Liên - Hà Nội với sự quy ngưỡng của gần 100 hội chúng. Sau đó, những vị này đã về sinh hoạt đều đặn tại chùa Phụng Thánh. Đến nay cả nước có khoảng 100 đạo tràng Pháp Hoa tu tập trên khắp cả nước với số lượng hội chúng lên đến 100.000 thành viên. Tuy nhiên, theo Hòa thượng, số lượng tu tập đều đặn và thường xuyên khoảng 40.000 hội chúng. An Đạt (tổng hợp) |