Ở góc độ nhất định thì lẽ công bằng, sự bình đẳng và lòng khoan dung cũng là cái thiện của Phật giáo. Nói ngắn gọn thì “công bằng” là theo lẽ phải, không thiên vị; “bình đẳng” là ngang hàng nhau về địa vị và quyền lợi; còn “khoan dung” là rộng lượng tha thứ cho con người, con vật có lỗi. Theo cách hiểu thông thường, lẽ công bằng và sự bình đẳng là một điều hiển nhiên trong mối quan hệ giữa người và người. Do vậy, Namennais viết: "Tạo hóa không sinh ra ai sang, ai hèn, ai thầy, ai tớ, ai vua, ai tôi cả. Tạo hóa sinh ra toàn những con người bình đẳng thôi"(1).
Ở góc độ nhân thế thì chúng được xác lập từ thời công xã Nguyên thủy và do kết quả đấu tranh với cái bất bình đẳng mà có. Đi đôi với hạnh phúc, công bằng và bình đẳng cũng là khát vọng tự nhiên của con người, cho nên “công bằng” mà nói, mọi cuộc cách mạng xã hội suy cho cùng là cuộc cách mạng đòi tự do, dân chủ và công bằng xã hội.
Tuy thế, không phải bất cứ hệ tư tưởng nào cũng công nhận sự bình đẳng để dẫn đến lẽ công bằng giữa người và người. Khổng Nho xây dựng hệ tư tưởng của mình trên mối quan hệ bất bình đẳng trong xã hội và Hán Nho lại càng xác định quan điểm đó. Thuyết Tam cương (vua tôi, cha con, chồng vợ) của Đổng Trọng Thư chỉ xác định mối quan hệ một chiều, đòi hỏi trách nhiệm tuyệt đối của kẻ dưới đối với người trên và uy quyền tuyệt đối của người trên đối với kẻ dưới (mặc dù kẻ dưới là ông lão, bà lão, người trên là đứa trẻ) v.v… Ngoài ra, còn nhiều hệ tư tưởng triết học và tôn giáo khác, trong số này có Bà La Môn giáo (Brahmanism) không công nhận sự bình đẳng giữa người và người.
Phật giáo xuất phát từ sự bình đẳng để xây dựng lẽ công bằng và sự bình đẳng của Phật giáo có những đặc trưng riêng. Khác với nhiều tư tưởng tôn giáo và triết học, Phật giáo xây dựng hệ thống giáo lý của mình trên cái nền bình đẳng giữa người và người. Cũng khác với nhiều hệ tư tưởng triết học chỉ chú tâm đề cao sự bình đẳng giữa người và người, Phật giáo còn mở rộng sự bình đẳng giữa Phật, người và chúng sinh nói chung. Về sự bình đẳng theo nghĩa trên, có lẽ chỉ có Phật giáo là tôn giáo (có thể tạm gọi như vậy) hoan hỷ cho chúng sinh tu để bằng Phật, tức là ngang hàng với Phật - ngang hàng với Phật ở đây không chỉ riêng với Đức Phật Thích Ca, mà đối với tất cả các vị Phật, Đại Bồ tát của 10 phương chư Phật. Chính điều này, sự bình đẳng (chí ít là của Phật giáo) đã được đẩy đến lẽ tột cùng của nó.
Từ quan điểm về bình đẳng như trên, nên trước tiên lẽ công bằng của Phật giáo là từng cá nhân làm đến đâu, trách nhiệm đến đâu thì hưởng đến đó, sau đấy mới là việc phân phối lại thành quả của mình theo tinh thần tùy hỷ công đức… Tinh thần này của Phật giáo được giải thích rất rõ trong phép Lục hòa và quan niệm về hạnh phúc. Tiếp theo, trong hệ thống đạo đức Phật giáo, lẽ công bằng và bình đẳng bao giờ cũng có quan hệ hai chiều sòng phẳng giữa người và người, giữa cá nhân và xã hội, thậm chí một người cũng phải chịu sự chi phối sòng phẳng của luật Nhân quả.
Lẽ công bằng và bình đẳng của Phật giáo còn kéo theo cả trách nhiệm, nghĩa vụ và lương tâm của con người trong quan hệ ứng xử với người khác, với xã hội. Tư tưởng này nằm trong kinh "Thi ca la việt” (S - Sìgalavada sutra), "Thập Vương pháp" (P - Dasa Rãjadhamana) và một vài kinh khác. Vấn đề này, nếu người ta sống trong những xã hội, những môi trường luôn bị áp bức, bất công, bất bình đẳng thì mới thấy tiếng gọi của sự bình đẳng rộng lớn và Phật giáo thiêng liêng đến mức độ nào. Tương tự như vậy, chỉ có những người nào đã trải qua nhiều cay đắng thì mới biết thế nào là hạnh phúc, tự do. Cũng từ bình đẳng rộng lớn, nên ngay trong tư tưởng “bất sát” của Phật giáo còn mang một ý nghĩa nữa. Đó là, giống như Mạnh Tử, Phật giáo cho rằng, không được đày đọa sát hại người ta, nhất là những người vô tội về cả mặt tinh thần lẫn tình cảm. Như vậy, rõ ràng một điều rằng, thực ra thì con người sống là cái đáng quý, nhưng cái quý hơn là quyền được sống. Nếu con người mất quyền sống thì sống cũng như chết. Từ đó, những tư tưởng, hành vi như trù dập, áp bức người khác cũng phạm vào giới sát của Phật giáo. Quả thật, nếu chỉ cần nhấn mạnh rằng, chúng sinh bình đẳng thì đây cũng là một quan điểm khoa học và tiến bộ hơn nhiều so với những quan điểm cho đẳng cấp là do trời sinh. Quan điểm bình đẳng của Phật giáo còn mang một ý nghĩa nữa. Đó là, bình đẳng và tôn trọng tất cả các hệ thống triết học và tôn giáo khác. Do vậy, trong kinh sách Phật giáo, chúng sinh đến cửa Như Lai không thấy có sự phân biệt chủng loại, sang hèn, có tội hay không có tội v.v… Tinh thần đó được Đức Phật tuyên bố dứt khoát trong phẩm "A tu la Pàhàràda":
“Ví như này, Pàhàràda, phàm các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamurà, sông Aciravati, sông Mahì, các con sông ấy chảy đến biển, liền bỏ tên họ trước, trở thành biển lớn. Cũng vậy, này Pàhàràda, có bốn giai cấp: Sát đế lỵ, Bà la môn, Phệ xá, Thủ đà, sau khi từ bỏ gia đình, xuất gia trong Pháp và Luật được Như Lai tuyên bố này, họ từ bỏ tên và họ của họ trước, họ trở thành những Sa môn Thích tử”(2).
Khác với một số tôn giáo cho sự phán xét về lẽ công bằng của mỗi người, mọi người… là ở Đấng tối cao, thì việc phán xét lẽ công bằng của Phật giáo nằm trong biệt nghiệp của mỗi người, cộng nghiệp của mọi người. Thuyết nghiệp của Phật giáo xác định lẽ công bằng của từng người hay chúng sinh cụ thể. Con người tự làm chủ lấy nghiệp của mình, tức là được hưởng hạnh phúc, hoặc phải gánh chịu trách nhiệm do mình tạo tác, không thể cầu khẩn một đấng thần linh nào cứu rỗi được, kể cả Đức Phật.
Như vậy, khác với nhiều tôn giáo, Phật giáo xác định rõ quyền tự do của mỗi người và cũng yêu cầu con người phải tự suy nghĩ, cân nhắc, tính toán trước khi hành động, tự quyết định tương lai và vận mệnh của mình, bởi vì, “làm dữ ở nơi ta, mà ô nhiễm cũng bởi ta…”. Từ lẽ công bằng và bình đẳng rộng lớn, Phật giáo xây dựng tấm lòng khoan dung rộng lớn, mà cơ sở trực tiếp của nó ở tinh thần vô ngã, vô chấp, vị tha và Tứ Vô Lượng tâm. Vấn đề này, công bằng mà nói, các hệ tư tưởng khác cũng bàn đến lẽ công bằng và sự bình đẳng, nhưng nông sâu, rộng hẹp khác nhau. Tuy nhiên, so sánh với Phật giáo thì họ vẫn chỉ bàn bó hẹp trong giới người, quỷ thần quen thuộc và may lắm thì với đến giới chư Thiên bậc thấp như “Thiên đình” chẳng hạn. Với Phật giáo, lẽ công bằng và sự bình đẳng được mở bung giữa Phật và chúng sinh trong Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) nói chung. Nhân tiện xin nói thêm, nếu theo quan niệm “chúng sinh” của Phật giáo, thì chỉ ngay chúng sinh ở cõi Dục giới cũng e rằng, đến nay khoa học xem chừng chưa biết hết! Mặt khác, chỉ cần tuyên bố chúng sinh bình đẳng và giữ vững quan điểm đó thì cũng đủ để thấy Phật giáo đã vượt ra khỏi cái vòng chật hẹp của giai cấp trong xã hội. Từ đó, thực chất lý tưởng của đạo đức Phật giáo là xây dựng một nền đạo đức phi giai cấp. Vì thế, lòng khoan dung của Phật giáo không phải là đức độ của người trên đối với kẻ dưới, không phải là sự thương hại, không chỉ bó hẹp trong cõi người, mà là sự thông cảm, tôn trọng chúng sinh nói chung. Từ đó, nếu quan niệm về chúng sinh như trên thì thấy rằng, lòng khoan dung hiểu theo tinh thần Phật giáo nó mênh mông đến nhường nào.
Quan niệm về chúng sinh, Phật cho rằng, chúng sinh dù rất nhiều chủng loại, dù khổ sướng khác nhau, nhưng đều có chung những đặc điểm. Đó là, cùng bị trói buộc ở trong vòng Lục đạo của sinh tử luân hồi; cùng được cấu tạo từ Ngũ uẩn; cùng do nghiệp báo sinh ra và bị khống chế bởi luật Nhân quả; cùng khổ, cùng vô minh; cùng mong muốn tự do, giải thoát và có khả năng giải thoát. Do vậy, một số bài nghiên cứu cho rằng, chúng sinh là “có cùng nước mắt và máu đỏ” thì đúng, nhưng e rằng chưa khái quát hết quan niệm về “chúng sinh” của Phật giáo.
Làm sao để thực hiện được lẽ công bằng, bình đẳng và lòng khoan dung? Dĩ nhiên, Phật giáo đưa ra nhiều phương tiện, nhưng phương tiện hữu hiệu nhất là pháp Lục độ. Đây là pháp môn tu Bồ tát thừa, nó thuộc về Đốn lập giới. Lục độ còn gọi là 6 hạnh Ba la mật (paramità - đáo bỉ ngạn), có nghĩa là người tu đắc 6 hạnh này thì độ được mình, độ được người sang bờ bên kia, hoàn thiện việc giải thoát. Lục độ bao gồm: bố thí, trì giới, nhẫn nại (Kshânti - Sàn đề - bao hàm nhẫn nhục chứ không phải chỉ là nhẫn nhục…), tinh tấn, Thiền định và trí tuệ. Trong kinh Phật còn triển khai 10 hạnh là: bố thí, giữ giới, nhẫn nại, tinh tấn, viễn ly (xa lìa các pháp bất thiện), Thiền định, trí tuệ, trung thực, phát nguyện lớn, lòng từ, bi, hỷ, xả. Cũng nhân tiện xin nói thêm, về cái “nhẫn” của Phật giáo thì chỉ ngay việc tu khất thực, tuy đương thời Phật và ngày nay phái khất thực của nhà Phật có đi trì bình bát, nhưng dứt khoát Phật và Phật tử không ngửa tay xin (không nhục). Do vậy, về cái “nhẫn” hiểu theo tinh thần Phật giáo thì nó được ví như mặt đất, dù đủ mọi thứ sạch, hoặc dơ bẩn có thể quăng, ném, rơi… xuống đất, nhưng đất không giận mà cũng chẳng thương. Điểm chú ý ở đây, theo tinh thần Phật giáo thì từ hành giả mới nhập lưu Phật pháp cho đến hàng Bồ tát, Phật cũng phải vừa độ (chở đò) mình, vừa độ người, cứu người là để cứu mình và ngược lại. Quan điểm này được gọi chung là “cứu độ” (chỉ dẫn, chỉ bảo - Paramità), nó khác hẳn với “cứu rỗi” (Fr - Sotériologie, Sauver; E - Salvation) của các tôn giáo khác, mà chính chỗ này một số nhà nghiên cứu đã nhầm lẫn.
Bồ tát đạo, nói ngắn gọn là phát Bồ đề tâm, học Bồ tát hạnh và tu Bồ tát đạo. Trong hạnh Bồ tát, tựu trung cần thực hiện đầy đủ tâm và hạnh Bồ đề (Boddhi) bao gồm cả bi, trí, dũng để có thể “sự sự vô ngại” trong việc độ cho mình và độ cho chúng sinh. Phật khuyên và khuyến khích hành giả nên xác định ở đó, bởi vì:
“Muốn trừ diệt vô lượng khổ đau trong ba cõi (cõi dục, cõi sắc và vô sắc), và trừ những nỗi bất an cho hữu tình, muốn hưởng được trăm thứ khoái lạc, thì đừng bao giờ xả bỏ tâm bồ đề (lòng mong cầu giác ngộ để lợi lạc mình, người).
… Mặc dù tâm nguyện bồ đề cũng đủ sinh quả báo vĩ đại, nhưng không thấm gì so với tâm hạnh bồ đề vì tâm này liên tục sanh phước đức”(3).
Từ đó, tinh thần cứu độ của Bồ tát là tinh thần bi, trí, dũng, cho nên lời nguyện của Bồ tát Địa Tạng: “Thề độ cho vô lượng chúng sinh”, “Ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục” là một minh chứng hùng hồn nhất”(4).
Chung quy, “Hợp lại mà nói, trên cầu Phật để tự giác, dưới hóa độ chúng sinh để giác tha, đây là ý nghĩa của Bồ tát”(5).
Nếu xét rộng ra, trong tất cả các pháp môn tu của Phật đều được bắt đầu từ bất sát và kết thúc ở trí tuệ. Như vậy, trí tuệ là một những điểm căn bản, cốt lõi nhất trong con đường giải thoát của Phật giáo và Bồ tát xác định vững vàng cho quan điểm của mình trên nền tảng của nó. Đây cũng là điểm đặc sắc của Phật giáo.
Với tinh thần nhân bản lớn như trên, Phật giáo còn đóng góp cho nền hòa bình của nhân loại. Theo Phật, tất cả những cuộc chiến tranh, tất cả những điều nhiễu nhương… trong xã hội, suy cho cùng đều do cái tâm hữu ngã của người loạn động từ tham, sân, si mà ra, đồng thời không bao giờ hận thù có thể xóa được hận thù. Nếu con người hữu minh từ bỏ Tam độc đó bằng cách bỏ tâm ác, tinh tấn tâm thiện, tâm vô ngã thì sẽ góp phần đem lại hòa bình trên trái đất. Từ lẽ đó cũng thấy rằng: cái tâm của con người bẩn và loạn là tác nhân cho xã hội bẩn và loạn, cái tâm của con người trụ và trong sạch thì xã hội sẽ yên bình, lành mạnh và trong sáng. Do vậy, con đường đạo đức của Phật giáo là xây dựng cái tâm ổn định, bất hại, an lạc, từ bi cho từng loại người nói riêng và chúng sinh nói chung, cho nên tự thân giáo lý Phật giáo nổi bật sắc thái của từ bi, bất hại, bất sát, bất loạn động. Đó cũng là sắc thái của giáo lý hòa bình, an lạc và điều này được gói gọn trong lời dạy của Phật: từ bỏ mọi điều ác, làm mọi điều lành, giữ tâm ý trong sạch.
Việc thực hiện được lẽ công bằng, bình đẳng và lòng khoan dung (ít nhất là trong xã hội loài người), thì điều này nằm ở giá trị về thực hành của Phật giáo. Công bằng mà nói, thực hành cũng là yêu cầu chung của các hệ thống tôn giáo và triết học. Tuy nhiên, Phật giáo đặc biệt nhấn rất mạnh vào thực hành, lấy thực hành (hành trì) làm phương tiện hữu dụng để cứu độ cho mình và cho người. Vì thế, trong bất cứ bài kinh, luật, luận nào của Phật giáo, việc thực hành cũng được hàm chứa và nhấn mạnh với tinh thần tinh cần, tinh tấn. Nói đến giá trị của thực hành, đương thời Phật đã chỉ rõ: “Dù tụng kinh nhiều mà buông lung không thực hành thì chẳng được hưởng phần lợi ích của Sa môn, khác nào kẻ chăn bò thuê, lo đếm bò cho người”(6).
Do vậy, Phật coi toàn bộ giáo lý của Ngài chỉ như là “ngón tay chỉ mặt trăng” mà sự chứng ngộ của hành giả là cái “mặt trăng” ấy, chứ đừng nhầm lẫn nó với ngón tay. Từ đó, Phật giáo khuyên mỗi người tu theo Phật cần phải xác định mình là hành giả chứ không dừng lại ở trí giả.
Như vậy, đã là hành giả thì một trong những việc thực hành Bồ tát đạo ở giai đoạn hiện nay của Phật tử cũng không kém phần quan trọng. Ngoài những thành tựu đã đạt được thì mặt trái của xã hội ta hiện nay cũng là một vấn đề gây nhối cho không biết bao nhiêu người. Đó là tệ nạn tham nhũng, băng hoại lối sống, đạo đức, bất công, bất bình đẳng, vi phạm quy chế dân chủ… mà bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào ít nhiều cũng đề cập đến chúng. Tác hại của chúng đã và đang góp phần không nhỏ làm hủy hoại nhân tâm con người, làm nghèo, làm suy yếu đất nước, làm ô nhiễm danh dự của toàn dân tộc! Những hiện trạng ấy, chẳng những Phật giáo, mà nói rộng ta thì không có một hệ tư tưởng, một tôn giáo nào chấp nhận chúng. Suy cho cùng, những tệ nạn như trên, chúng xuất phát từ cái tâm vô minh - tham, sân, si mà ra. Từ đó, nếu coi việc phòng chống những tệ nạn nghiệp chướng ấy là nhiệm vụ của toàn dân tộc thì lẽ dĩ nhiên, Phật giáo cũng không đứng ngoài cuộc, đồng thời đây cũng là tinh thần “bất ly thế gian giác” của Phật giáo. Do vậy, ở góc độ của mình, người Phật tử cũng cần phát huy tinh thần Bồ tát đạo để cùng toàn dân phòng chống các tệ nạn trên, với mục đích vừa cứu mình, vừa góp phần làm cho xã hội trong sạch và lành mạnh.