Dāna: Khi sự cho đi trở thành nghệ thuật sống

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Nếu chúng sanh biết được quả dị thục của sự san sẻ bố thí như Ta (Đức Phật) đã biết, thì họ sẽ không thụ hưởng nếu họ chưa bố thí; sự uế nhiễm của ích kỷ xan tham sẽ không ám ảnh trong tâm trí họ. 

Cho dù đó là miếng cuối cùng và duy nhất của họ, thì họ cũng sẽ không thụ hưởng nếu họ không san sẻ, cho đến khi có ai đó nhận được món quà của họ.

Itivuttaka 26 (Kinh Phật thuyết như vậy)

Việc thực hành bố thí, cho đi và sẻ chia - hay thuật ngữ dāna trong tiếng Pāli - có một vị trí quan trọng trong giáo lý của Đức Phật. Khi Ngài dạy một tiến trình tu tập đưa đến giác ngộ, Ngài luôn bắt đầu bằng cách nói về tầm quan trọng và lợi ích của việc thực hành bố thí; và từ nền tảng của bố thí, Ngài dạy về tầm quan trọng và lợi ích của giới và hệ thống đạo đức nhân bản.

Sau đó, Ngài đề cập đến việc làm lắng dịu tâm và kế tiếp là những pháp tu tập cao hơn và sâu sắc hơn, khi đã được hỗ trợ bởi một tâm trí lắng dịu, nhu nhuyến, dễ sử dụng và hướng đến giác ngộ. Đặc biệt, một khi vị đệ tử của mình đã giác ngộ, Đức Phật thường dẫn họ đi hoằng hóa vân du để làm lợi ích cho chúng sinh. Phụng sự chúng sinh có thể xem là một hành động bố thí; vì vậy, phải nói rằng con đường của Phật giáo dù bắt đầu hay kết thúc đều là đức tính này.

Dāna ở đây có nghĩa là cho đi và hành động quyên góp hay chia sẻ của bản thân đến cho người khác. Đức Phật cũng đã sử dụng cāga cũng với ý nghĩa tương tự, nhằm ám chỉ rằng bố thí luôn gắn liền với con đường giác ngộ nội tâm. Việc sử dụng từ cāga này đặc biệt rất quan trọng bởi vì nó mang nghĩa là “từ bỏ” và “ly tham”. Một hành động bố thí phải cho đi nhiều hơn mức mà đối phương cần, vượt ngoài cả sự mong đợi của người khác. Chắc chắn rằng bố thí liên quan mật thiết đến việc từ bỏ sự keo kiệt, bám chấp và tham lam. Ngoài ra, bố thí đòi hỏi phải từ bỏ một số khía cạnh của lợi ích cá nhân; chính vì vậy, đức tính này gắn liền với việc từ bỏ sự chấp ngã của hành giả. Đức Phật cũng nhấn mạnh rằng bố thí không phụ thuộc vào giá trị của món quà mà phụ thuộc vào thái độ sẻ chia của người bố thí.

Bố thí đòi hỏi phải từ bỏ một số khía cạnh của lợi ích cá nhân; chính vì vậy, đức tính này gắn liền với việc từ bỏ sự chấp ngã của hành giả. Đức Phật cũng nhấn mạnh rằng bố thí không phụ thuộc vào giá trị của món quà mà phụ thuộc vào thái độ sẻ chia của người bố thí.

Đối với những người Phật tử, Đức Phật xem việc làm giàu và nuôi sống bản thân bằng những nghề nghiệp chân chánh là một nguồn hạnh phúc tuyệt vời. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, Ngài nhấn mạnh đến mục đích mà chúng ta sử dụng tài sản hiện có của mình. Ngài ví một người tham lam, chìm đắm và chấp chặt vào sự giàu có của mình mà không biết sẻ chia với người khác là một người tự đào hố chôn mình. Người biết sẻ chia giống như một người có đôi mắt sáng; người keo kiệt, bủn xỉn cũng giống như người chỉ còn một mắt.

Đức Phật hiểu rằng bố thí là một nguồn phước đức vô cùng to lớn và có thể đem đến những lợi ích lâu dài trong cả kiếp này và kiếp sau. Dù khái niệm phước đức có thể không mang nhiều ý nghĩa đối với nhiều hành giả ở phương Tây, nhưng những giáo lý này lại gợi mở về những con đường vô hình, nơi mà quả dị thục của mọi hành động sẽ quay trở lại với chính bản thân chúng ta.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể thấy được kết quả của sự bố thí ngay lập tức thông qua những cảm xúc hoan hỷ, hạnh phúc trong tâm trí của chính mình ngay khi chúng ta thực hành bố thí. Kết quả rất rõ ràng trong khoảnh khắc hiện tại. Nếu đủ tỉnh giác và chánh niệm, chúng ta có thể trải nghiệm những trạng thái tích cực của tâm ngay trong từng hành động.

Đức Phật cũng nhấn mạnh đến sự hoan hỷ của sự bố thí. Điều này rất quan trọng. Bởi bố thí không phải là một việc làm bắt buộc hay miễn cưỡng; mà thay vào đó, bố thí nên được thực hiện khi người cho cảm thấy hoan hỷ trước, trong và sau khi thực hiện việc cho đi đó.

Ở cấp độ cơ bản nhất, dāna trong truyền thống Phật giáo có nghĩa là cho đi một cách tự nguyện, không mong đợi nhận lại bất cứ điều gì. Hành động cho đi hoàn toàn xuất phát từ lòng trắc ẩn, thiện chí, và mong muốn đem lại hạnh phúc cho người khác. Có lẽ dāna nói lên nhiều về chúng ta hơn là về hành động chúng ta làm. Bởi thông qua hành động bố thí, chúng ta sẽ hàm dưỡng cho mình một tâm trí cởi mở, hào phóng và rộng lượng. Sự rộng rãi trong tâm thường sẽ thể hiện ra ngoài bằng hành động hào phóng. Rốt cuộc, chúng ta không thể cho đi thực sự nếu không xuất phát từ tấm lòng rộng lượng của mình.

Hơn thế nữa, đối với người Phật tử, mặc dù giúp đỡ người khác cũng là một mục đích quan trọng của việc bố thí, nhưng Đức Phật lại nhấn mạnh đến mục tiêu tối hậu của bố thí là xả bỏ ngã chấp để đạt được Niết-bàn tối hậu. Với mục tiêu này, “người ta cho đi chỉ để tô điểm và làm đẹp cho tâm trí của mình”. Những đồ trang sức này chính là lòng từ bi, tâm vị tha, đức tính buông xả và sự quan tâm đến hạnh phúc của người khác.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.