Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã công bố danh sách Đại sứ Văn hóa đọc nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3-2024 ở TP.HCM vào ngày 19-4. Ngay sau khi nhận vai trò Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM, cô dành cho Giác Ngộ cuộc trò chuyện riêng.
Sư cô Thích nữ Hạnh Đức (Suối Thông) |
Chia sẻ về cảm xúc khi một vị Ni trẻ được nhận vai trò đặc biệt này, Sư cô Suối Thông cho biết:
- Khi nhận được lời mời từ Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, tôi rất bất ngờ và có chút e ngại, sợ mình không đóng góp được gì trong vị trí này. Sau khi nghe chủ trương muốn xây dựng “mỗi người dân thành phố là một Đại sứ Văn hóa đọc” để lan tỏa cảm hứng đọc sách, chúng tôi cũng hoan hỷ khi có dịp góp chút gì đó vào tinh thần tích cực mà Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam muốn lan tỏa.
* Có một sự thật là ngày càng ít người cầm sách đọc. Theo cô, vì sao có sự mai một của văn hóa đọc như vậy?
- Nhịp sống bận rộn và thời đại 4.0 với rất nhiều công nghệ nghe nhìn hấp dẫn và tiện lợi, khiến cho con đường đến với sách của chúng ta dường như xa xôi hơn. Tuy vậy, tôi tin rằng nếu ai đã nuôi dưỡng được thói quen đọc sách, có niềm vui với việc đọc, chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục.
* Thực tế, thị trường sách hiện nay cũng khá sôi động. Vẫn có những người trung thành trong đọc sách. Và bằng chứng là sách của Sư cô Suối Thông xuất bản lên đến 100.000 bản (cuốn Thả trôi phiền muộn) với 10 lần tái bản?
- Chính tôi cũng bất ngờ và biết ơn thành quả lan tỏa mà Thả trôi phiền muộn đã làm được. Điều này cho thấy vẫn luôn có một số lượng độc giả đón đợi sách. Như bản thân chúng tôi, mỗi năm đều có vài lần đi tìm sách, và lần nào cũng tìm được một số tác phẩm mới rất hay (và đẹp nữa!).
* Theo cô, làm sao để nâng cao việc đọc sách, nhất là trong giới trẻ?
- Vấn đề này, có lẽ không chỉ giới làm sách nói chung quan tâm, mà các bậc phụ huynh cũng rất mong mỏi. Theo tôi, điều quan trọng các bạn trẻ cần chính là nguồn cảm hứng. Cảm hứng này có thể đến từ thói quen đọc sách của ba mẹ và người thân trong gia đình, cũng có thể từ những hoạt động đội/nhóm đọc sách rồi chia sẻ với nhau ở trường hay những câu lạc bộ bạn đọc trong cộng đồng. Khi bạn có hứng thú, có động lực, có môi trường chia sẻ và trao đổi những điều hay ho mình học được từ sách, chắc chắn việc đọc sách sẽ trở thành thói quen vui vẻ của mỗi người.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Lâm Đình Thắng trao biểu tượng, hoa chúc mừng Đại sứ Văn hóa đọc cho Sư cô Thích nữ Hạnh Đức |
* Là tu sĩ, hẳn cô quan tâm tới sách Phật giáo. Cô có đánh giá gì về độ phong phú của sách Phật giáo trong dòng chảy của thị trường sách hiện nay?
- Thời gian gần đây, dòng sách liên quan đến chủ đề Phật pháp ứng dụng xuất bản và phát hành khá sôi nổi, không chỉ trong nội bộ Phật giáo mà phổ biến cả ở thị trường sách bên ngoài. Trong đó, có nhiều cây bút trẻ là quý Thầy, quý Sư cô với chất liệu tình thương, chánh niệm, bình an... được đưa vào các trang sách. Đây là một tín hiệu đáng mừng, góp phần đưa tư tưởng và triết lý sống của đạo Phật đến gần với mọi người hơn.
* Cô nghĩ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nên lập nhà xuất bản để xuất bản kinh sách một cách chuyên trách hơn, đó cũng là cách tránh những sai sót không đáng có liên quan đến sách Phật giáo?
- Nếu Giáo hội Phật giáo Việt Nam lập được nhà xuất bản kinh sách riêng thì quá tuyệt vời. Trước khi điều đó thành hiện thực, tôi nghĩ chúng ta vẫn có thể tránh được những sai sót không đáng có, bằng cách tự mình (hoặc nhờ người có chuyên môn) “chăm sóc” thật kỹ tác phẩm dự định in ấn và phát hành, nhất là về mặt chính tả, lỗi đánh máy và cả về văn phong. Khi mình đưa ra một tác phẩm chỉn chu, nhất định người đón nhận sẽ nhìn thấy giá trị và có sự trân trọng.
* Trong vai trò Đại sứ Văn hóa đọc, nhiệm kỳ này cô đã có kế hoạch để lan tỏa văn hóa đọc đến cộng đồng?
- Trước mắt, tôi vẫn sẽ tiếp tục công việc như trước giờ vẫn làm: Đọc và giới thiệu những cuốn sách hay đến người hữu duyên (bạn bè quen biết, các lớp học tôi tham gia giảng dạy và nền tảng Facebook cá nhân), tặng sách của mình cho một số thư viện. Sắp tới, vào những kỳ nghỉ Tết hoặc Vu lan, có thể tôi sẽ đồng hành với một vài dự án lập thư viện sách cho các trường vùng cao, góp phần lan tỏa tinh thần đọc sách đến mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ.
* Cảm ơn cô và kính chúc cô có một nhiệm kỳ Đại sứ Văn hóa đọc thành công, lan tỏa sách hay đến cộng đồng!