“Chúng ta còn phàm phu, nhưng may mắn biết Phật pháp…”

Tác phẩm Trọn vẹn từng khoảnh khắc của Thi Lâm - Ảnh: L.Đ.L
Tác phẩm Trọn vẹn từng khoảnh khắc của Thi Lâm - Ảnh: L.Đ.L
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Từ Mỹ, Thi Lâm - nữ Phật tử 8x cũng là tác giả sách Trọn vẹn từng khoảnh khắc (Nxb Công Thương ấn hành) đã có cuộc trò chuyện với Báo Giác Ngộ.

Đây là tác phẩm đầu tay của chị, một người không chuyên viết, đang làm nhân viên chăm sóc răng miệng cho một Trung tâm Nha khoa tại Saint Paul, Minnesota. Đặc biệt, chị còn là thành viên tích cực, tham gia công tác thiện nguyện - dạy tiếng Anh giao tiếp online (miễn phí) cho Tăng Ni, Phật tử ở Việt Nam có nhu cầu.

Tác giả Thi Lâm - Ảnh: NVCC

Tác giả Thi Lâm - Ảnh: NVCC

“Không ai hoàn hảo cả! Chúng ta đều còn là những phàm phu nhưng may mắn được biết đến Phật pháp”, đó là những điều mà Phật tử Dạ Thi Nguyễn, pháp danh Khánh Huệ Phương, bút danh Thi Lâm tâm niệm.Chia sẻ nhân duyên biết đến Phật pháp của mình, chị cho biết:

- Tôi đến Mỹ đã được 17 năm và biết đến Phật pháp thông qua một người bạn. Lúc đó tôi còn ở Việt Nam và được bạn tặng một quyển sách về nhân quả. Tôi tò mò đọc và bị cuốn vào những câu chuyện Phật pháp lúc nào không hay.

Nhà tôi gần một ngôi chùa ở quận Phú Nhuận (TP.HCM). Hàng ngày tôi nghe tiếng tụng kinh và tiếng chuông chùa, rồi tự hỏi bên trong có gì mà sao nghe thanh tịnh và bình yên quá. Tuổi thơ tôi vốn dĩ không được hạnh phúc và ấm êm như những người khác, cộng với những phiền não ở thời điểm đó, thế rồi sau một chuyến đi xa trở về, tôi quyết định quy y Tam bảo.

Sau khi sang Mỹ định cư được vài năm, hữu duyên, tôi được gặp ngài Khánh Hỷ, là vị ân sư của mình trong một khóa thiền mùa xuân tại chùa. Đến nay cũng đã mười mấy năm tôi biết đến Phật pháp. Thực sự, tôi vô cùng biết ơn những nhân duyên trong đời đã cho mình cơ hội gặp được Phật pháp và sống với những điều mình học.

Học Phật ứng dụng vào đời sống

* Ở xứ người, chị học Phật và ứng dụng vào cuộc sống, công việc ra sao?

- Tôi thường nghe các bài giảng của các vị thầy qua YouTube hoặc từ các website Phật pháp. Tôi cũng tự lên mạng tìm hiểu thêm, điều gì không biết sẽ chủ động đi tìm câu trả lời từ các nguồn khác nhau hoặc tham vấn các vị thầy. Mỗi thứ Bảy hàng tuần tôi đến chùa hành thiền cùng với các đạo hữu ở đây.

Tôi tập ứng dụng lời Phật dạy vào mọi sinh hoạt của đời sống, từ những gì mình học trong kinh sách, từ các vị thầy, những người xung quanh và từ những điều bình thường, giản dị trong cuộc sống. Tất cả đều mang đến cho chúng ta những bài học. Khi va chạm với đời thì những gì mình học hỏi, cảm nhận và quan sát sẽ trở thành kinh nghiệm thực tế cho mình. Cách hiệu quả nhất vẫn là học cách quay về, nhìn lại tâm mình để hiểu, yêu thương bản thân và cuộc sống hơn.

Trong công việc cũng như trong đời sống, tôi học cách lắng nghe, làm việc gì thì ghi nhớ việc đó, dĩ nhiên là có những lúc cũng quên nhưng mình ghi nhận lại và khắc phục. Khi áp dụng lời Phật dạy, mình sẽ biết cách kiểm soát cảm xúc tốt hơn, bớt dính mắc và từ đó công việc sẽ đạt hiệu quả hơn, đời sống tinh thần cũng được cải thiện hơn.

* Còn trong việc dạy con, xây dựng hạnh phúc gia đình, lời Phật dạy có giá trị như thế nào với chị, nhất là trong bối cảnh xã hội Mỹ?

- Tôi ứng dụng lời Phật dạy một cách đơn giản, dễ hiểu và thực tế nhất cho con. Ví dụ như kể cho con nghe những câu chuyện ngắn về nhân quả, dạy cho con cách chia sẻ mà không mong cầu người khác phải trả lại, hoặc là cùng con học quan sát mỗi khi đi ra ngoài hòa mình vào thiên nhiên.

Đồng thời tôi cũng dạy các con học cách thương yêu, không làm tổn hại các loài vật nhỏ bé như ong, kiến, sâu bọ, côn trùng… Để làm điều đó thì bản thân mình trước hết phải làm gương cho con. Ví dụ khi thấy có con nhện hay con bọ trong nhà, tôi không cố ý làm hại chúng mà sẽ đem chúng thả ra ngoài, hoặc khi thấy con chim bay va vào cửa kính bị thương thì mình giúp xử lý vết thương và chăm sóc đến khi nó có thể bay trở lại. Hay như việc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn bằng cách tham gia vào các hoạt động đóng gói thực phẩm cho các tổ chức từ thiện và cộng đồng tại nơi mình sống… Học và làm cùng con sẽ có ý nghĩa hơn. Các con thấy vậy sẽ làm theo một cách vui vẻ.

Trong việc xây dựng gia đình thì bản thân mình phải cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với hiện tại thì mới có thể mang lại hạnh phúc cho người khác được. Cho dù bản chất của cuộc sống luôn luôn chứa những điều bất toàn, bất trắc nhưng mình phải học cách chấp nhận, hiểu và cảm thông thì mới có thể xây dựng một gia đình hạnh phúc.

Tôi nhận diện, trên đời không có gì là hoàn hảo cả, nhân vô thập toàn, vì thế bản thân mình tập nhìn mọi thứ nhẹ nhàng, bớt bám chấp, câu nệ thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Tôi rất thích chữ duyên trong đạo Phật và có nhắc đến chữ này rất nhiều trong cuốn sách Trọn vẹn từng khoảnh khắc.

Tác giả và con gái - Ảnh: NVCC

Tác giả và con gái - Ảnh: NVCC

Tập tỉnh thức để bớt phàm phu

* Với tựa sách Trọn vẹn từng khoảnh khắc, hẳn Thi Lâm đã và đang có đời sống tỉnh thức, chánh niệm tuyệt vời?

- Chúng ta đều còn là những phàm phu nhưng may mắn được biết đến Phật pháp. Tôi vẫn cố gắng học hỏi, ghi nhận những suy nghĩ, tư tưởng, cảm thọ và hành vi của mình mỗi ngày qua 3 nghiệp thân, khẩu, ý. Không ai hoàn hảo cả. Tôi chỉ là một người bình thường đang tập hướng tới những điều thiện bằng cách tập sống trọn vẹn từng phút giây ở hiện tại và trân trọng những bài học trong quá khứ. Tương lai như thế nào phụ thuộc vào cách sống của mình ở hiện tại, những gì đã qua chúng ta không thể thay đổi được. Do đó theo tôi, những ai thường xuyên sống trọn vẹn với thực tại là đang có đời sống chánh niệm, tỉnh thức tuyệt vời.

* Người thầy có ảnh hưởng nhiều nhất đến chị?

- Trước hết phải kể đến người thầy vĩ đại nhất đó là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Ngài là Bậc giác ngộ, không còn phiền não và hoàn toàn giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. Kế đến là những vị minh sư thiện hữu mà tôi có duyên được học như ngài Khánh Hỷ, sư ông Giới Đức, sư ông Thích Nhất Hạnh, thầy Pháp Hòa… Ngoài ra còn có những vị thầy mà tôi được học từ sách vở như ngài U Jotika (người Myanmar), Bhante H. Gunaratana (người Sri Lanka), sư Toại Khanh…

Đối với tôi, những ai hữu duyên xuất hiện trong đời đem đến cho mình bài học đều là những người thầy có ảnh hưởng đến đời sống và sự tu tập của mình.

* Sắp tới, chị có dự định viết thêm tác phẩm nào không?

- Trước mắt tôi đang ấp ủ một vài tác phẩm nhưng vẫn chưa thể nói trước được điều gì vì hiện tại mình cũng đang có một số việc cần phải làm. Tôi sẽ cố gắng làm thật trọn vẹn mỗi việc và mong là sẽ sớm có thêm tác phẩm mới trong một ngày không xa.

Hòa thượng Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh) nhận xét về tác phẩm đầu tiên của tác giả Thi Lâm: “Tôi ngạc nhiên, rất đỗi ngạc nhiên. Một cô gái trẻ Việt sớm xa quê, lập nghiệp, có gia đình, chồng con ở xứ người lại có thể sử dụng ngôn ngữ Việt một cách rành rẽ đến không ngờ?

Còn nữa, với giọng văn trôi chảy nhẹ nhàng, chẳng lên gân lên cốt, chỉ nói chuyện đời thường, rất đời thường lại có thể chuyển tải tư tưởng Phật học và tinh thần Thiền học một cách dị giản đến thế sao?

Chư vị độc giả cứ đọc đi, nhất là cư sĩ tại gia đang học Phật, tu thiền. Có thể nói rằng, khi đi vào nội dung từng tiểu phẩm, chư vị sẽ bắt gặp mình ở trong đó như là một hành giả. Ngoài những liên tưởng, ví như khi đang xúc tuyết, càng xúc thì quả cầu tuyết càng lớn chẳng khác gì chủng tử của phàm phu càng lăn nhiều trong sinh tử thì càng nặng. Ví như “giấc mộng bình sinh” hóa ra chỉ là “vẫy vùng trong mộng mị bình sinh” đó thôi. Ví như trái tim ta mà tương tự nút notifications trong điện thoại thì có thể bật, tắt cho những lần thương ghét…”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.