Cuộc chạy đua lịch sử

Hình minh họa
Hình minh họa
0:00 / 0:00
0:00

GN - Gần hai trăm năm sau cuộc chạy đua lịch sử giữa Thỏ và Rùa, đến nay báo chí thế giới thỉnh thoảng vẫn còn nhắc lại, nhất là trong các cuộc thi mang tên “Hội khỏe” hàng năm của mỗi quốc gia hay ở Thế vận hội, nhằm giáo dục và cổ vũ cho phong trào rèn luyện thân thể. Một “băng-rôn” bằng vải đỏ rực, to hơn cái nhà và dài mấy trăm mét được căng ra giữa sân vận động lớn không thể nào tả nổi, trên đó người ta viết một câu khẩu hiệu khá quen thuộc: “Một tinh thần khỏe mạnh trong một thân thể tráng kiện” được dịch ra mấy chục thứ tiếng trên thế giới, trong đó có cả tiếng Ả-rập với kiểu chữ viết quăn queo mà chắc chỉ có Thỏ nhà tôi mới đọc được.

Sau này, tôi nghe nói có thi sĩ Pháp tên là Lã Phụng Tiên (La Fontaine) đã viết thành một bài thơ nổi tiếng, kể lại cuộc chạy đua lịch sử ấy giữa Thỏ và Rùa...

Hôm cuộc đua diễn ra, tôi là một cổ động viên nhí nhất và cũng tích cực nhất cho chàng Thỏ nhà ta. Lẫn trong đám đông đang đứng hai bên đường hôm ấy, tôi đã cố tình đội cái nón vải màu đỏ rực để lúc Thỏ ngang qua sẽ dễ nhận ra thằng bạn nối khố của mình từ hồi còn tắm truồng. Nhưng cuối cùng, thì thật sự Thỏ đã không nhìn thấy tôi. Có thể vì Thỏ ta đang thả hồn nghĩ tới vòng nguyệt quế chiến thắng mà mình sắp được đội lên đầu khi đứng trên bục nhận giải vô địch. Tôi nghĩ mà thương Thỏ chỉ có vậy…!

Rồi thì tất cả đều bất ngờ khi có đoàn xe mô-tô mở đường chạy vút qua làm cho mọi người đứng coi hai bên lề đều phải bịt cả hai tai lại vì tiếng động cơ rú vang trời. Phần mình, tôi đã nhét hai cục bông gòn to tổ bố vào hai lỗ tai trước đó vài phút nên không nghe chi cả! Ai cũng khen tôi là người biết lo xa…

Sau khi mấy cụ trong Ban Tổ chức với dáng vẻ bệ vệ lên đọc diễn văn dài lê thê để gọi là khai mạc cuộc thi mà tôi nghĩ chắc chỉ mình mấy cụ ấy nghe và hiểu mình đã đọc gì thôi, vì lượng người đông và ồn quá. Tiếp đó lại tới một đoàn vũ nữ vừa xinh đẹp vừa rất trẻ và có lẽ họ là đám con nhà ai nghèo lắm nên chẳng có áo quần gì cho đầy đủ để che da che thịt, lên múa may quay cuồng như bị động kinh. Bên dưới, các cụ trong Ban Tổ chức ngồi nhìn lên ra vẻ thèm thuồng như mèo thấy mỡ. Rồi thì cuối cùng ai cũng trầm trồ khen ngợi đó là “nghệ thực”, thậm chí có vài người đàn ông lớn tuổi đứng gần tôi đã không tiếc lời khen ngợi họ rồi lại còn “phán” thêm: “coi sướng hai con mắt ghê!”...

Sáng hôm ấy, trời có nhiều mây và không khí mát dịu, màu nắng êm đềm làm cho mọi người đứng tràn ra hai bên đường chờ coi cuộc đua mà không ai phải lấy tay che nắng hay cầm quạt phe phẩy. Còn tôi, vì đứng chờ lâu nên đã bắt đầu cảm thấy mỏi chân. Nhưng nếu tôi đi tìm một chỗ ngồi cho đỡ mỏi thì nơi này sẽ thành chỗ của người khác ngay; dễ gì tôi chen chân vào lại được!

Đang nghĩ suy mông lung thì lòng tôi bỗng rộn ràng với tiếng trống và phèng la inh ỏi của đội múa lân đang tới gần. Ông Lân và ông Địa trong đội múa này là do hai thằng bạn cùng xóm tôi thủ vai. Tôi nghĩ, xong “trận” này tụi nó sẽ có chút tiền mua cà-rem đãi tôi và Thỏ...

Tới đúng 8 giờ, một tiếng súng nổ vang trời báo hiệu cuộc đua bắt đầu. Đặc biệt, cuộc đua này chỉ có độc hai vận động viên là Thỏ - bạn thân tôi, và anh chàng Rùa mà tôi nghe nói vì không có nhà ở nên phải tá túc trong cái ao sen trước sân chùa làng. Thời đó, giới báo chí đã hao tốn nhiều giấy mực để “ca” anh chàng Rùa này tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng rất quyết tâm trong việc rèn luyện cơ thể. Tôi đã có lần đọc ở đâu đó bài viết này nhưng chỉ lướt qua vài dòng đầu rồi ném tờ báo đi thì mọi người đủ biết Rùa không “xi-nhê” gì với tôi chứ đừng nói tới Thỏ!

Còn về Thỏ thì tôi đã từng hiểu tâm tánh thằng bạn của mình xưa giờ, ngay cả lúc cùng ngồi trong lớp học. Nó không bao giờ chép lại ngay sau khi cô giáo viết bài lên bảng. Lúc mọi người đã chép xong, Thỏ mới lui cui cầm viết chép thì cô giáo đã xóa gần hết rồi. Lần nào Thỏ cũng la to lên:

- Cô ơi! Em chép chưa xong...

Thế là vì yêu thương học trò của mình, cô giáo buộc lòng phải dừng tay lại chờ nó...

Vì vậy cho nên sáng nay tôi thấy trong khi chú Rùa “homeless” kia đang ra sức bò cho nhanh về tới đích thì Thỏ nhà ta vẫn cứ lững thững đi như một nhà thơ đang lang thang đuổi theo con ong cánh bướm mơ hồ nào trên đường về cõi thiên thai. Tôi nghe mọi người la vang trời:

- Cố lên! Cố lên Rùa ơi!... Cố lên!...

Hình như ai cũng cảm thương Rùa với hoàn cảnh còn nhiều khó khăn về vật chất và sức khỏe hiện tại nên họ dồn hết mọi sự cổ vũ cho con vật bốn chân ngắn ngủn lại còn mang trên mình cái mai to và nặng như một tấm ván dày! Đã vậy mà Rùa còn dám đăng ký với Ban Tổ chức chỉ chạy đua với Thỏ nhà mình mà thôi! Tôi thầm nói trong bụng khi thấy Rùa đang dẫn đầu cuộc đua :

- Hãy đợi đấy nha chú mày! Hãy đợi đấy Rùa ơi!...

Nhóm phóng viên các đài truyền hình trong và ngoài nước đều quay ống kính về phía con Rùa tội nghiệp kia mà bỏ quên bạn Thỏ của tôi vẫn đang lững thững từng bước đi phía sau Rùa. Nếu là tay camera ấy, tôi sẽ “quay” cận cảnh cặp giò săn chắc và khỏe khoắn của chàng vận động viên Thỏ để rồi phát ngay trên đài truyền hình đi khắp thế giới... Các loa phóng thanh rền vang lời Ban Tổ chức “nhắc nhở” vận động viên Thỏ hãy nghiêm chỉnh tham gia để cuộc đua tài thêm hào hứng. Nhưng Thỏ ta vẫn cứ như phớt lờ, và cho tới giờ này thì chàng chỉ mới đi được nửa đường, trong khi chỉ cần ráng vài bước chân nữa là Thỏ đã vượt qua mặt Rùa dễ dàng từ khuya rồi! Nhưng, không khác gì một “quân tử Tàu”, Thỏ ta vẫn cứ điềm nhiên “dạo bước” khá xa đàng sau Rùa với suy nghĩ sẽ chiến thắng dễ dàng khi chỉ bước nhẹ vài bước của mình thôi… Lúc đó, ai cũng nhìn theo và lo cho Rùa khi thấy sao mà nó cứ nhẫn nại và điềm nhiên “bò” từng bước một để tiến về phía trước với tất cả nỗ lực đang có của mình.

Hai bên đường bỗng nổi lên vang dậy tiếng la ó lẫn tiếng thét gào khản cổ và điên cuồng của hàng ngàn khán giả để động viên khi thấy Rùa đã “bò” về gần tới nơi có viết chữ “Đích” trên mặt đường. Tôi thấy họ vừa la hét vừa nhảy nhót tung hô như đang chào đón một vị nguyên thủ quốc gia nào vừa xuống máy bay... Trong khi đó thì anh chàng bạn học ngày xưa của tôi là Thỏ vẫn cứ thản nhiên từng bước mà đi, coi như vẫn không có gì phải vội trên cõi đời này.

Ôi! Việc gì đến đã đến! Rùa đã chạm cả bốn cái chân cụt ngủn của mình vào sâu trong ô chữ “Đích” từ hồi nào mà tôi cũng không hề hay biết vì tôi đang còn mải mê theo dõi anh chàng Thỏ của nhà mình “lê” từng bước chân sau vận động viên Rùa cả hơn một mét!

Rứa là Rùa đã chiến thắng Thỏ! Mọi người túa hết ra đường để chúc mừng và bắt tay, ôm hôn Rùa, thậm chí còn có ai đó vác Rùa lên vai chạy một hơi suốt quãng đường xa giữa tiếng reo hò mừng chiến thắng vang dội cả một góc trời.

Tôi như bừng tỉnh khi nhìn thấy Thỏ và Rùa bắt tay nhau vui vẻ trước mặt Ban Tổ chức. Họ vừa trao giải vô địch cho Rùa xong là cả rừng người chen lấn nhau chỉ để được nhìn ngắm, hoan hô hay bắt tay, chụp hình chung với Rùa. Còn tôi, vất vả lắm mới chen chân ra tới để nắm cho được bàn tay mềm yếu không có lấy một giọt mồ hôi của bạn mình là Thỏ.

Quàng vai tôi và thất thểu dìu nhau vào ngồi bên lề đường, Thỏ nói với vẻ mặt không vui:

- Mình bị đau khớp gối chứ không thì đã vô địch rồi!

Truyện ngắn Nguyễn Như Mây/Báo Giác Ngộ xuân Tân Sửu 2021

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.