GNO - “Củ hành là loại thực phẩm ‘siêu tốt’ cho sức khỏe vì có hàm lượng cao các vitamin C, các hợp chất sulphur, các dưỡng chất và hóa chất thực vật”, theo chuyên gia dinh dưỡng Victoria Jarzabkowski, Đại học Texas (Austin, Hoa Kỳ).
Dưới đây là các công dụng tuyệt vời của củ hành đối với sức khỏe của mỗi người:
1 - Củ hành tốt cho sức khỏe tim mạch
Theo các chuyên gia, củ hành có lợi cho tim mạch theo nhiều cách; đặc biệt là giúp giảm huyết áp cao và giảm nguy cơ đau tim.
Gần đây, các chuyên gia đã lưu ý đến mối quan hệ giữa các phân tử oxylipin và việc “quản lý” tình trạng cholesterol cao. Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy ăn củ hành giúp làm tăng số lượng các phân tử oxylipin, có tác dụng điều hòa mức mỡ máu và mức cholesterol.
Quercetin trong củ hành còn giúp ngăn chặn hình thành mảng bám trong các động mạch, giúp giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ - theo các chuyên gia Đại học Maryland.
2 - Củ hành giúp tăng khả năng kháng viêm nhiễm
Các hợp chất sulphur có trong củ hành chính là tác nhân kháng viêm nhiễm hiệu quả. Quercetin giúp thư giãn các cơ đường hô hấp, làm dịu các triệu chứng của suyễn - theo kết quả nghiên cứu báo cáo trên Tạp chí Sinh lý học Hoa Kỳ năm 2013.
3 - Tăng đề kháng cho cơ thể
Củ hành có chứa các polyphenol hoạt động như các chất chống oxy hóa, bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Quercetin giúp làm giảm các phản ứng dị ứng bằng cách ngăn cơ thể sản xuất histamine (gây chảy mũi, khô mũi và ngứa mũi nếu bạn có phản ứng dị ứng).
4 - Tác dụng ngăn ngừa ung thư
Một phân tích quy mô lớn năm 2015 cho thấy hấp thu các loại thực vật thuộc nhóm hành tỏi, trong đó có củ hành giúp giảm nguy cơ ung thư dạ dày. Theo đó, nếu hấp thu từ 1 - 7 khẩu phần củ hành mỗi tuần có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư trực tràng, ung thư thanh quản và ung thư buồng trứng.
Quercetin là tác nhân chống ung thư mạnh, làm giảm sự phát triển của ung thư vú, ung thư ruột kết, tuyến tiền liệt và các khối u phổi.
Các chuyên gia Hà Lan còn cho rằng, ăn củ hành có thể giúp hấp thu gấp đôi lượng quercetin so với uống trà, gấp ba lần so với ăn táo. Củ hành tím chứa hàm lượng quercetin cao nhất. Củ hành trắng chứa ít quercetin và các chất chống oxy hóa nhất trong các loại củ hành.
Củ hành còn giúp giảm một số phản ứng phụ trong điều trị ung thư. Một nghiên cứu năm 2016 phát hành trên Tạp chí Các liệu pháp Điều trị Ung thư Tích hợp khẳng định: Củ hành tươi (loại màu vàng) giúp giảm kháng insulin và tăng đường huyết ở bệnh nhân ung thư vú đang hóa trị.
5 - Củ hành tốt cho tiêu hóa
Chất xơ trong củ hành thúc đẩy tiêu hóa và giúp cho cơ thể bài tiết đều đặn.
Củ hành còn chứa một loại chất xơ hòa tan đặc biệt, có tên là oligofructose giúp tăng cường các lợi khuẩn cho đường ruột. Ngoài ra, loại chất xơ này còn giúp ngăn ngừa và điều trị tiêu chảy.
Các hóa chất thực vật có trong củ hành giúp giảm nguy cơ phát triển các khối u dạ dày, theo Hiệp hội Củ hành Quốc gia Hoa Kỳ.
6 - Giúp điều hòa đường huyết
Chromium trong củ hành giúp điều hòa đường huyết. Sulphur giúp hạ đường huyết cao nên có lợi cho bệnh nhân tiểu đường. Người mắc tiểu đường tuýp 1 và 2 ăn củ hành tím có thể giảm mức đường huyết cao trong vòng 4 giờ đồng hồ.
Một phân tích năm 2014 đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng còn cho thấy, bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 sản xuất được nhiều enzyme trung hòa trong gan hơn và giảm được đường huyết cao khi ăn củ hành tím.
7 - Củ hành tốt cho xương
Củ hành giúp cải thiện mật độ xương ở phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh và sau mãn kinh. Ăn củ hành thường xuyên sẽ giảm được 20% nguy cơ gãy xương hông (so với người không ăn củ hành).
Đức Hòa
(theo Medical Daily)