GN - Dì Ba. Dì là con út trong một gia đình đông con, nên cái tên kia chẳng phải đề cập về thứ tự. Dì từng nói rằng đó là một cái tên xấu để trấn sự khó nuôi; có thể, nhưng dì cũng không biết chính xác nó xấu thế nào.
Ảnh minh họa của Trần Ngọc Viên
Dì dễ cười, luôn cười theo cái lối chân chất nhưng nhẹ nhàng của các bà già Nam Bộ ngày xưa. Tôi không biết phải dùng từ tượng thanh nào cho phải, “hà hà”, hai từ này, nhưng thật nhẹ - có lẽ gần đúng nhất. Vậy phiền bạn cố nhớ đến một nụ cười từ người già nào đó - nụ cười làm bạn quên hết âu lo, và nghĩ đến tiếng cười ấy mỗi khi tôi đề cập đến việc dì cười.
Dì cười nhiều, nhưng ít nói, chỉ nói đôi câu khi mọi người hỏi chuyện. Mọi chuyện tôi biết về dì đều do nghe được từ con đường hẻm kế bên nhà, nơi các cô hàng xóm tập thể dục lúc 5 giờ sớm, đi chợ về lúc 7 giờ sáng, và họp hội lúc gần 6 giờ chiều.
“Ừa, nó vậy đó, nhưng mà thôi, mấy bữa nữa nó lên lại đây, xin lỗi chồng một tiếng rồi vợ chồng lại hòa thuận thôi, tuổi trẻ mà”. Dì trách, mà cũng chẳng biết liệu đây đã phải là một câu trách hay không, hay dì chỉ đang lặp lại cho xuôi theo cuộc bàn tán nhắm vào cô con dâu của dì. “Có hai mặt con rồi mà còn nói là tuổi trẻ, không biết một năm nó lên thăm được mấy lần mà khéo bênh”. Một cô hàng xóm phản bác lại. Dì chỉ cười.
Câu chuyện này là một ví dụ cho nụ cười của dì, nụ cười mà tôi chẳng biết diễn tả ra sao.
Mọi người im lặng, lái sang chuyện khác.
Một hôm, dì đi chợ về, mặt buồn rười rượi.
- Tui định kêu thằng Phi đem hai thằng nhóc xuống cho tui giữ.
Ai cũng trố mắt ngạc nhiên.
- Cái thân bệnh của bà tự lo còn không xong mà còn đòi nuôi cháu, đi bệnh viện thay máu riết rồi giờ có máu khùng trong người rồi hả bà. Một người châm chọc.
- Nãy đi chợ, nghe bà hàng xóm nhà thằng Phi nói rằng vợ thằng Phi một tuần đánh hai đứa nhóc cũng phải ba lần, tui nghe xót quá. Cái chữ quá của dì như nghẹn lại trong cổ họng. Hôm bữa coi truyền hình, người ta kêu mấy đứa nhóc hồi nhỏ mà bị đánh nhiều, sau này lớn lên sẽ có vấn đề về tâm lý.
- Rồi bà nói thằng Phi chưa?
- Thôi bà đừng nói, bây giờ, một năm vợ thằng Phi còn xuống nhà thắp nhang được hai lần. Đòi nuôi cháu là mốt chỉ còn có ba cha con xuống luôn không chừng.
Hà hà, bỗng dì cười.
- Mà thôi, tụi nhóc ở với mẹ vẫn tốt hơn, ngoài đường quá trời đứa mồ côi thèm mẹ, mình thì lại định tách mẹ con tụi nó ra, sao ác vậy được.
Hai đứa con của anh Phi vẫn ở với mẹ, còn đứa con một của dì thì không.
Hàng tuần, nếu tiện đường làm việc, anh Phi đều ghé nhà dì một hai lần. Thi thoảng hai đứa nhóc được qua thăm bà vào những lúc ba tụi nhỏ chở đi ăn. Vài lần, anh Phi mua từ tiệm rồi về nhà mẹ, như để tối đa thời gian hai đứa cháu được bên cạnh bà.
Những lần như vậy, nhìn từ ngoài vào, luôn có một bức tranh quen thuộc hiện lên. Dáng anh Phi trong bóng tối trước sân nhà lom khom tưới nước cho mấy chậu cây hoa sứ, sau lại cầm chổi quét mảnh sân chẳng có chút cát bụi gì. Một cách giết thời gian, tôi nghĩ vậy. Trong nhà là hình ảnh ba bà cháu chơi với nhau.
Thật ra đây chỉ là hình ảnh tưởng tượng của tôi. Trong thực tế, dì Ba nhìn hai đứa cháu chăm chăm, hỏi han chuyện học hành của tụi nó, rồi lột vỏ kẹo, vỏ bánh, khui hộp đồ ăn cho hai đứa nhóc, còn hai đứa ăn uống xong lại xem truyền hình, hết truyền hình thì thằng lớn lại lon ton đòi về hoặc mượn ba điện thoại.
- Vô chơi với nội đi, chơi điện thoại riết sắp bị cận hết rồi.
- Nãy nội dặn con không được nói với mẹ là ba chở con sang nhà nội, ba mà không cho con mượn điện thoại là con nói mẹ đó.
- Học cái thói ăn nói đó ở đâu vậy!
Anh Phi trừng mắt, lớn tiếng nạt, tét mông thằng nhóc một cái nảy lửa.
- Thôi thôi, tụi nó còn nhỏ thì từ từ dạy, đánh tụi nhóc riết rồi mốt lớn lên tâm lý tụi nó bất thường cho coi.
Dì ôm đứa cháu vào lòng, vỗ về.
- Ba con không cho con mượn điện thoại là sợ con bị cận phải đeo kiếng đó. Con mà đeo kiếng là mệt lắm. Không thấy đường để đi đá banh. Không thấy đường để đi bơi. Rồi không thấy đường để xem siêu nhân luôn. Mà trong lớp con, con có thích bạn gái nào không?
- Có. Thằng nhóc dần ngưng tiếng khóc.
- Con mà bị cận là không thấy rõ mặt của bạn đó luôn.
Dì cười.
Sáng hôm sau, hàng xóm lại có đề tài bàn tán.
- Không hiểu thằng Phi nó bị cái gì, để cho vợ đè đầu cưỡi cổ. Cũng không hiểu bà Ba nghĩ gì, gặp tui, tui từ mặt hết tụi nó cho rồi, khỏi con cháu gì cho mệt. Lát nữa tui phải qua nhà bả hỏi rõ coi bả đang nghĩ cái gì.
- Nay bả đi bệnh viện thay máu, nên tối qua thằng Phi vô đưa tiền cho bả đi đó.
- Có mấy đồng bạc, kêu bả khỏi cậy thằng đó nữa, xóm góp tiền cho bả.
- Ừa, thích nghe chửi thì kêu quyên góp đi.
Chiều dì về.
- Bà Ba! Gặp tui trong hoàn cảnh như bà, tui không chịu nổi đâu.
- Vụ gì? Dì cười.
- Vụ gì nữa, sao tối ngày bà cười vậy, bà không biết buồn khi con cháu đối xử như vậy với mình hả?
Nụ cười của dì vơi lại, nhưng còn nét mỉm trên môi. Dì nhìn vào nhà mình, căn nhà gắn bó với dì từ khi Phi mới lọt lòng.
- Tui sống được bao lâu nữa đâu, còn đang chờ bác sĩ trả về để khỏi tốn tiền đây. Còn vợ chồng thằng Phi có duyên mới gặp được nhau, vì cái thân già này mà có chuyện gì thì sao tui nhắm mắt gặp chồng được. Sau này tui chết, con cháu nhớ ngày đám giỗ, tới thắp cây nhang là được, khỏi phiền phức làm gì.
Dì cười, nụ cười chân chất, nhẹ nhàng.
Dì Ba. Tôi vẫn không biết nghĩa xấu của cái tên đó là gì. Nhưng có lẽ nó còn có một nghĩa, là sóng. Nhưng chẳng phải là phong ba, sóng gió làm người khác ngả nghiêng, mà là làn thu ba, làn sóng mùa thu nhẹ nhàng, động nhưng rất lặng.