Con đã viết gì trên tờ giấy thi?

GN - Con gái của ba,

Những ngày ôn thi vừa qua thật mệt mỏi và căng thẳng, phải không con? Kỳ thi tốt nghiệp kết thúc, con đã có thể yên tâm được phần nào, vì đã “hoàn thành một nửa nhiệm vụ” với 12 năm đèn sách. Trước khi bước vào một kỳ thi quan trọng khác sắp tới, ba muốn con có những ngày nghỉ ngơi thật thoải mái để chuẩn bị tinh thần thật tốt. Ba mẹ và chị Hai hiểu và thương con.

Thí sinh, ảnh Minh Đức.jpg

Thí sinh xem đáp án sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 - Ảnh: Minh Đức

"Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thói về đạo đức trong đời sống xã hội. Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên" - câu 2, đề thi môn Ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012.

Ba không ở bên cạnh con những ngày này, để cảm nhận cùng với mẹ con những giây phút đợi con ngoài phòng thi và nghe con “khoe” về những bài thi đã hoàn thành tốt, ba nghe mẹ kể lại mà trong lòng thực sự cảm thấy rất tiếc. Vì vậy, sau những giờ công sở như thường ngày, đêm nay, ba dành chút thời gian để viết cho con một lá thư, đặc biệt.

Ba vẫn tự hỏi, một cách đầy tò mò và phấn khích, rằng con gái ba đã viết những gì trên tờ giấy thi, với đề bài bàn về thói dối trá và đạo đức xã hội trong ngày thi Văn hôm ấy.

Con gái ạ. Đạo đức, là cái mà người ta nói mãi và nói suốt rồi, nhưng người ta vẫn cứ phải nói, là vì sao hả con? Là vì nó chưa bao giờ là đủ với mỗi con người, nhất là trong một cuộc sống quá xô bồ và gấp gáp như bây giờ. Con người ta cứ mải chạy vòng vòng quanh đạo đức, thỏa hiệp với đạo đức và rồi dẫm đạp lên đạo đức. Ba không chắc thế hệ các con được truyền đạt về các chuẩn mực đạo đức như thế nào, vì đạo đức không thể là cái cứ suốt ngày rao giảng như những mớ lý thuyết giáo điều. Đạo đức cần được thể nghiệm bởi mỗi con người trong mỗi hoàn cảnh thử thách lương tâm.

Trong khi các con ngồi viết về đạo đức và sự dối trá, thì ngoài cổng trường đầy “rác” phao thi tốt nghiệp và trong rất nhiều các trường thi đã có những “sĩ tử” bị đình chỉ thi vì sử dụng tài liệu.

Trong khi các con ngồi viết về đạo đức và sự dối trá, thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hàng năm của các trường cấp ba vẫn là một “thành tích đáng tự hào của trường”.

Trong khi các con ngồi viết về đạo đức và sự dối trá, thì ở ngoài kia, xã hội vẫn đang phải đối mặt với những chiếc bằng giả, những ông “tiến sĩ giấy”.

Trong khi các con ngồi viết về đạo đức và sự dối trá, thì ở ngoài kia, báo chí vẫn đưa tin về những chất gây ung thư có trong thực phẩm bán cho người dân hàng ngày, rồi những “trứng giả”, “gạo giả”, “thuốc giả”…

Trong khi các con ngồi viết về đạo đức và sự dối trá, thì có những cán bộ kiểm lâm bị tố giác bắt tay với lâm tặc “đốt” 3 cây gỗ sưa ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Trong khi các con ngồi viết về đạo đức và sự dối trá, Đan Mạch đã quyết định dừng 3 dự án đầu tư hỗ trợ phát triển ODA vào Việt Nam vì phát hiện có sự “rút ruột” lên tới 23% kinh phí dự án.

Con nghĩ gì về những điều này?

Tại sao vấn đề về đạo đức và sự dối trá lại được đặt ra với các con, sau 12 năm tới trường?

Bởi vì, xã hội muốn các con, những chủ nhân tương lai của đất nước, không phải là những kẻ vô dụng “có tài mà không có đức”.

Bởi vì, cái học quan trọng nhất là học làm người. Con có thể mất 12 năm để học những kiến thức phổ thông, nhưng bài học làm người sẽ là mãi mãi, mãi mãi…

Bởi vì, giấy rách phải giữ lấy lề…

Bởi vì, sống ở đời cần có một tấm lòng, để gió cuốn đi…

Để gió cuốn đi…

*

Có một điều ba không thể giấu con, con gái ạ. Đó là con sẽ phải mất rất nhiều thời gian và trải nghiệm để bước trên con đường đạo đức mà không bị sự dối trá đánh gục ngã. Bởi vì, đối lập với sự dối trá là sự thật, sự thật thường có nhiều rủi ro, đáng buồn là như vậy.

Phải làm sao đây?

Ba thực sự tin rằng, những gì con viết trong bài Văn tốt nghiệp, là những gì con thực sự suy nghĩ và đang hướng tới từng ngày. Ba mong rằng, bài học về đạo đức và sự dối trá không chỉ dừng lại trên trang giấy, trong một ngày thi tốt nghiệp và ở suy nghĩ của chỉ một người.

Ba sẽ dừng bút ở đây.

Ba của con

Bạn đọc có suy nghĩ gì về thói dối trá - biểu hiện của sự suy thoái đạo đức hiện nay qua cái nhìn của Phật giáo? Nếu có, vui lòng gửi về Giác Ngộ Online, qua e-mail: phatgiaovatuoitre@gmail.com. Chờ đón bài vở của bạn đọc!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.