Chuyến xe về Tết cuối cùng

GNO - Năm trước, tôi được giao nhiệm vụ đến sân bay Tân Sơn Nhất đón bà cô và ông dượng từ Pháp về nước trong dịp Tết Nguyên đán. Bà cô tôi năm nay đã 89 tuổi, là chị ruột của ông nội tôi. Bà cô và ông dượng đã sang Pháp định cư từ trước năm 1975.

Sau khi đã yên vị, ô tô nhà thuê chở mọi người về quê vào đúng sáng 30 Tết. Bà cô và ông dượng chuyến này về quê trong tình trạng sức khỏe đã giảm sút nhiều, ngồi bên cạnh hỏi han, tôi chú ý đến ánh mắt luôn dõi theo những hình ảnh trôi qua ven đường. Bất chợt bắt gặp cội mai vàng nhà ai đó đang khoe sắc rực rỡ, những kí ức năm cũ lại trở về tinh khôi trong câu chuyện của một người già. Bà cô bồi hồi xúc động khi kể về thuở thiếu thời, mỗi khi cơn gió chướng gọi tháng chạp về thì bà lại nôn nao Tết. Ngày rằm tháng chạp mỗi năm bà cô và ông nội tôi phải lặt cho hết lá mai trước sân, ngoài vườn để chờ đến giao thừa cắt vào cúng gia tiên. Thỉnh thoảng bà chậm nước mắt kèm nhèm ứa ra khi nghĩ về người anh đã về cõi vĩnh hằng trong đong đầy kỉ niệm. Bà cô nói:

-  Ổng nội mày hiền lắm, thương bà cô lắm. Nói là phụ làm chứ tao chơi, tao phá là chính còn công việc chủ yếu là ảnh làm. Ảnh giỏi dữ lắm, việc nhà luôn chu toàn. Bà cố ống cố mày thương ảnh như trứng mỏng nhưng chưa bao giờ ảnh làm cho họ buồn lòng.

latlamai.jpg


Kí ức Tết lặt lá mai cùng ông vẫn còn trong bà cô tôi - Ảnh minh họa

Câu chuyện về ông nội lại được tái dựng trong những hồi cố khi liên tục khi đứt quảng của bà cô tôi. Đó là những đêm giao thừa ông bà trải chiếu nằm canh nồi bánh tét. Tiếng lửa tí tách đưa bà cô vào giấc mộng đẹp đêm xuân mơ màng để rồi choàng tỉnh khi tiếng pháo giao thừa rộn ràng khắp xóm. Bà cô thường giục ông nội đi tìm những quả pháo bị "điếc", những quả pháo chưa nổ còn xót lại để đốt chơi. Ông cố bà cố vẫn hay rầy tính bà cô như con trai là vậy. Nhưng ông nội vẫn cứ chiều em. Bà cô nói hễ tháng chạp tới là bà cô là nhớ quay nhớ quắt mùi pháo Tết. Bây giờ dễ gì tụi bây biết.

Xe đi qua những ngôi nhà được phủ vàng bởi sắc màu rực rỡ của những vạt hoa vạn thọ cũng là dịp để bà cô nhắc đến ông nội.

Bà kể:

- Ông nội bây ưa trồng hoa vạn thọ đón Tết. Ảnh có khiếu trồng bông trồng hoa nên cứ đúng Tết là vạn thọ rực rỡ. Bởi vậy mỗi khi bà cô ngửi thấy mùi thơm của lá cây vạn thọ thôi là bà cô đã thấy Tết rồi.

Xe cứ đi và cứ bắt gặp một hình ảnh Tết nào cũng trở thành một câu chuyện trong hoài niệm của bà cô tôi. Những điều mà giờ đây hầu như chúng tôi đã không còn mường tượng ra được. Đó là những đêm cận Tết cả nhà thức quết bánh phồng để có cái đãi khách trong ba ngày Tết. May sao có chỗ bán bánh phồng nướng ven đường. Tôi cho xe dừng lại mua cho bà cô tôi. Tôi không ngờ cái hương vị dân dã của món quà quê ấy lại tạo nên một sự xúc động sâu xa đối với bà cô tôi đến như vậy. Bà cầm miếng bánh phòng ăn mà nước mắt cứ kèm nhèm. Thi thoảng bà lại kín đáo chậm nước mắt. Tôi nghĩ rằng bà đang nhớ về ông cố bà cố, nhớ về ông nội tôi và cả những kí thuở thiếu thời.

Những câu chuyện của Bà cô cứ tiếp nối như vậy cho đến khi về nhà. Việc đầu tiên khi bà cô ông dượng về đến nhà là ông bà muốn đi viếng mồ mả của ông cố bà cố, ông nội bà nội tôi. Trong những ngày cuối năm làn khói thơm của nén trầm quyện mái tóc đã bạc phơ của bà cô và ông dượng. Bà cô tôi khóc, tiếng nói lẫn vào nước mắt:

- Ba má, con mới về! Anh Hai ơi em mới về!

*

Năm nay chúng tôi ra đây vào những ngày giáp Tết để tảo mộ cho ông nội, ông bà cố cũng là tôi âm thầm đặt lên cạnh mộ bà cô một chậu hoa đẹp. Thứ hoa vạn thọ gắn với tết, với tuổi thơ của bà. Trở lại Pháp không lâu bà cô trở bệnh và di nguyện là được trở về quê nhà, được hòa di hài vào phần đất của tiên tổ.

Chuyến xe về quê ấy là chuyến xe cuối, chứa đựng trong tôi trọn vẹn những kí ức về mùi Tết xưa của ông bà tôi.

Trầm Thanh Tuấn
(Trà Vinh)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.