Chúng tôi hỏi nhau, làm sao, cách nào chỉ dạy Ni chúng thời 4.0 có sự kết nối gắn bó với truyền thống giới luật nghìn xưa. Làm sao để các em chịu nghe lời mình, không phản ứng trách móc khi mình đưa các em vào khuôn khổ, không giận hờn bỏ đi khi gặp trở ngại…
Sáng nay, phòng khách chưng một bình hoa cỏ lau, nhánh hoa màu nâu mềm dịu. Bên tách trà, kể lại chuyện xưa. Thời ấy, vẫn còn nhớ như in, chư Ni Khất sĩ có nhiều vị về tịnh xá Ngọc Hạnh, kế bên Thường Chiếu. Thầy trụ trì Thường Chiếu chia sẻ cho mảnh đất cất cốc, vách đất nhà lá, một vài cái giường tre, lò đất chụm củi, rau cỏ đạm bạc, khoai bắp độn cơm. Mỗi ngày, thức dậy theo tiếng kiểng của Thường Chiếu, tọa thiền công phu. Giờ công tác, giờ nghỉ đều theo tiếng báo hiệu vang ra từ Thường Chiếu. Và hồi đó, chánh điện cũ Thường Chiếu vách đất, mái tôn, nơi thờ Phật dựng tấm phên tre, nền đất không nện kỹ, quỳ xuống còn đau đầu gối.
Hòa thượng từ Chơn Không về, giảng dạy Phật pháp, mớm sữa nuôi con. Tăng Ni, Phật tử ít ỏi vây quanh, nghe lời chỉ dạy khuyên nhủ, chư Ni Khất sĩ áo vàng đã phai, vá thêm nhiều mảnh cho thành bá nạp. (Vá trăm đường y áo cũ mong manh). Nghe pháp xong, về Ngọc Hạnh gần một bên, thấy đất trời cao rộng. Khi Thường Chiếu cần công tác, cùng nhau phụ cuốc đất, tỉa lúa. Cây lúa lên chừng khoảng một tấc, vàng mình rồi đứng yên. Vậy mà không thấy gì phải băn khoăn nghĩ ngợi. Sao mà hồi đó khỏe quá! Như vậy, chúng tôi mới biết đã từng có chung một đoạn lịch sử.
Bây giờ! Ồ, bây giờ. Sao mà nhiều áp lực! Kinh thư vẫn còn đó, phương tiện truyền thông phổ biến, không thiếu một bài pháp, một buổi giảng. Tăng Ni tu học đông như hội. Những gương mặt trẻ trong sáng và tao nhã. Đôi lúc nhìn các em ngồi trong lớp, bình an vô cùng. Không muốn khuấy động mặt biển, nhưng tôi biết có những nếp khuất dưới đáy đại dương.
Ngày xưa tôi đã từng than thở nằn nì với Phật, kiểu như con muốn về ngồi bên tòa sen, nhưng sắc màu âm nhạc cuộc đời cứ không ngừng kêu gọi. Ý là chúng tôi được bảo bọc kỹ, được kiểm soát đúng mực. Đi thưa về trình, thư đi thư đến đều trình qua Ban Chức sự. Không điện thoại, vi tính, xe tay ga… Có mơ mộng đến mấy cũng chỉ ghi trong nhật ký.
Nhưng người về đâu? Người về đâu?
Để nước sông Seine bỡ ngỡ chảy quanh cầu
Sao người không là vì sao nhỏ
Để cho tôi nhìn trong đêm thâu.
(Nguyên Sa)
Rồi như nước xuôi dòng về biển, biển Phật pháp dần dà nuôi lớn tâm tư.
Từ nhỏ đến lớn, trải qua những thay đổi biến chuyển, tôi thông cảm với tâm tình tuổi trẻ. Không một chúng sanh nào không thành tựu giác ngộ. Ngày xuất gia, sơ tâm tinh khiết.
Ngày thế phát trên đường ngôi rất mới,
Trán tinh anh chưa đọng một cơn buồn.
Đất phù sa bất chợt gặp mưa tuôn,
Bao hột giống nảy mầm chồi giác ngộ.
Trân trọng quý kính những hình ảnh Tăng sĩ được gặp trong đời. Đất nước có nhiều khí tượng lành, có nhiều phạm hạnh hướng về con đường thánh.
Nhìn chung, có rất nhiều trăn trở băn khoăn lo ngại cho những người có trách nhiệm cầm cân nảy mực, làm minh sư thiện hữu, hay làm người giám hộ lớp trẻ. Thời nay, tiếp cận khoa học kỹ thuật, cổng tu viện không thể khép kín, người trẻ năng nổ nhiệt tình bước vào đời như muốn “Thõng tay vào chợ”. Ôi! Các bậc thầy già chỉ còn nhìn theo bóng đệ tử mất hút dần xa.
Thật vui mừng vì mình có thế hệ kế thừa, không đến nỗi dứt bỏ hạt giống Phật. Cũng biết có những nguy cơ cạm bẫy, có những tai nạn giao thông trên đường. Chỉ thành tâm khuyên nhủ, cảnh tỉnh, kêu gọi sự phòng hộ các căn khi chạm duyên xúc cảnh. Trong khuôn khổ Giáo hội, các bậc thầy uy nghi luôn hết lòng tạo điều kiện, không gian, phương thức hóa đạo để Tăng Ni trẻ có đất dụng võ. Năng lực một đời tu sĩ, đem ra phụng sự. Đức Thế Tôn xưa, mạng lưới trùm cả tam thiên đại thiên, ngày nay chỉ nối kết với một phần ngàn năng lượng Từ phụ.
Bên không gian thanh tĩnh của thiền viện, chúng tôi vui câu chuyện đạo. Tiếng chim hót vu vơ bên ngoài cành lá. Vẫn còn đọng lại đôi điều chưa nói hết, chuyện người tu sĩ là chuyện trải dài khắp hành trình thế gian. Ni sư sẽ về lại chùa mình, lo việc giảng dạy tu học cho Phật tử. Màu áo vàng một thoáng nhuộm sân hoa.