Đau đáu nghĩ về người yếu thế
Suốt nhiều tuần qua, TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội theo các Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ, cuộc sống của những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội cũng đứng trước nhiều bất trắc. Thấu hiểu hoàn cảnh đó, quỹ Đến từ trái tim của cựu Tăng Ni sinh khóa V - Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM đã theo tiếng gọi tình thương, dấn thân đến các khu vực phong tỏa, cách ly thực hiện những chương trình tiếp thực.
Trong những ngày thành phố “bị thương”, những Tăng Ni của quỹ Đến từ trái tim dù đang hoằng pháp ở trong hay ngoài nước đều chung một lòng, hướng tâm về người yếu thế đang mưu sinh khó nhọc, vất vả chống dịch. Có người đang hoằng pháp ở Úc nhưng vẫn dành những khoản hiện kim gửi về; có thành viên đang trụ xứ ở các tỉnh thành cũng quyên góp những phần quà, sữa tùy theo khả năng; riêng những Tăng Ni đang ở TP.HCM, bên cạnh việc chuẩn bị những phần nhu yếu phẩm cần thiết, còn là những người trực tiếp đi trao tặng các phần quà.
Từ số điện thoại đường dây nóng do quý Tăng Ni cung cấp, nhiều bà con sống tại các phòng trọ, khu phong tỏa, công nhân nhân đang gặp khó khăn trong dịch bệnh đã điện thoại xin giúp đỡ. Có khi dù là 12 giờ khuya, chỉ cần người dân cung cấp thông tin cụ thể, những vị tu sĩ trẻ đều trực tiếp liên lạc và hỗ trợ cấp thời.
Có ngày quỹ Đến từ trái tim chuyển hơn 1.300 ổ bánh mì, thực phẩm làm sẵn đến các khu nhà trọ, tiếp sức kịp thời cho số đông công nhân đang thất nghiệp cầm cự. Những phần quà tương trợ cũng được gửi kèm theo gồm gạo, dầu ăn, nước tương, mì, trứng,... Có ngày số lượng bánh mì, sữa phát ra tăng cao, có lúc “trống kho” vì lượng người cần giúp quá đông.
Những ngày này, dù vất vả, khó khăn trong việc di chuyển là vậy, nhưng chưa bao giờ những vị tu sĩ trẻ nản lòng. “Nửa đêm có công nhân điện xin hỗ trợ vì nhà không còn gì để ăn, nghe có tiếng khóc em bé, chúng tôi xót ruột phân công huynh đệ đem quà đến liền. Thấy chúng tôi đem quà đến ngay trong đêm, họ vừa cảm ơn, vừa rưng rưng nước mắt”, Đại đức Thích Minh Thuận, Chủ nhiệm quỹ Đến từ trái tim xúc động kể lại.
Riêng phần quà tặng các cụ già được quỹ Đến từ trái tim chăm chút kỹ hơn. Những phần quà này, ngoài gạo, mì thì còn có thêm cháo, sữa, bánh ngọt, rau củ. Thông qua những hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài cũng đã gửi về quỹ những khoản đóng góp như một sự chung tay góp sức, đơn cử có gia đình ông Lâm Văn Long ở Mỹ, bác Tô Bửu Lương ở Nhật. Tình đồng bào, nghĩa tương thân có lẽ là một trong những chất liệu, vốn sống quý báu nhất của người dân Việt Nam, dù ở bất kỳ nơi đâu trên đất nước, hoặc cách xa ngàn dặm.
Dạy online yoga miễn phí khi cách ly tại nhà
Cứ mỗi tối bắt đầu từ 19 giờ đến 20 giờ, chị Huỳnh Nguyễn Ngọc Hiển (quận Tân Bình) bắt đầu công việc yêu thích hướng dẫn yoga miễn phí cho những người bạn hữu duyên. Việc dạy yoga online của chị Ngọc Hiển cũng xuất phát từ nguyên nhân bất ngờ. Theo lời kể, bản thân chị trở thành F1 từ ngày 9-7, do có một đồng nghiệp dương tính. Những ngày cách ly ở nhà, với suy nghĩ rằng nghề nghiệp và kiến thức của mình trong lúc này có thể giúp mọi người, vậy là chị mở lớp dạy yoga online miễn phí.
Chị Hiển cho biết, lớp yoga online miễn phí lúc 19g cho các bạn là “mong muốn từ lâu trong tôi, vì khi học và thực hành yoga, tôi cảm nhận được bản thân thay đổi một cách tích cực cả về thân và tâm, và luôn muốn mang năng lượng này lan tỏa đến mọi người. Và vì sức khỏe lúc này là điều quan trọng nhất, mình phải khỏe để cùng cả nước chống dịch”.
Không ít những người trẻ đang “kẹt” lại ở Sài Gòn trong những ngày này. Họ ở một mình, đôi lúc cảm thấy hơi ngột ngạt, nhưng nhờ tham gia vào nhóm tập yoga với chị Hiển, có sự quan tâm chia sẻ của những người xung quanh làm động lực, đã giúp một số bạn cân bằng cảm xúc, nhẹ nhàng và thư giãn hơn rất nhiều. Tham gia lớp yoga onlinemiễn phí, chị Lê Phạm Phương Thảo cho biết: “Buổi tối dành thời gian 60 phút để tập yoga online được gặp cô giáo, được gặp nhiều anh chị nên vui lắm. Và đặc biệt nhờ đó sức khỏe về thân và tâm ngày một tốt hơn”.
Thông điệp tích cực trong lúc này cũng được các bạn tập yoga, đang cách ly tại nhà cùng truyền đi: “Việc một ngày đẹp trời bỗng dưng thành F0, F1 ở thời điểm này là hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu lỡ mình có trở thành F thì cũng bình tĩnh, thực hiện chăm sóc sức khỏe theo hướng dẫn của bác sĩ và giữ cho tâm trí thoải mái để chống lại bệnh tật rất tốt. Lạc quan là một trong những chìa khóa nuôi dưỡng tinh thần tốt nhất”.
Đường dây nóng tháo gỡ “nút thắt” tâm lý
Những ngày Sài Gòn trở thành tâm dịch, dù có nhiều khó khăn nhưng “Đường dây nóng Ngày mai” do Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang và chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành sáng lập vẫn luôn mở máy, tiếp nhận thông tin, tham vấn miễn phí trực tiếp qua điện thoại cho những ai đang trong cơn khủng hoảng về tâm lý.
Những áp lực của giãn cách xã hội, gánh nặng của cơm áo gạo tiền khiến nhiều người rơi vào khủng hoảng tâm lý. Nhu cầu cần được lắng nghe, tháo gỡ phần nào những tổn thương, xoa dịu tinh thần là điều mà khá nhiều người cần đến trong thời gian này.
Các tình nguyện viên trực tổng đài tiếp nhận câu hỏi “nút thắt” của các bạn, để gửi đến chuyên gia tâm lý chia sẻ - Ảnh: Đường dây nóng Ngày mai |
Với tiêu chí “lắng nghe, không phán xét”, người gọi điện đến “Đường dây nóng Ngày mai” dễ dàng mở lòng chia sẻ những câu chuyện của bản thân, được trải lòng là chính mình và được lắng nghe những lời khuyên thấu đáo. Kết quả của sự lắng nghe và chia sẻ kịp thời đã giúp những người yếu lòng vượt ra khỏi vùng nguy hiểm, giải tỏa áp lực, giúp họ nghĩ tích cực hơn về gánh nặng của cơm áo gạo tiền, bước qua lằn ranh sanh tử. Bởi vì có người níu giữ bước chân, được sẻ chia kịp thời nên cuộc đời của họ đã không đi đến ngõ cụt.
“Mỗi khi cảm thấy muốn tự sát, tôi có thể gọi điện cho đường dây nóng. Họ sẽ hướng dẫn và trợ giúp tôi”; Hay: “Hôm nay, mình cảm thấy đã tham lam khi lấy mất cả tiếng đồng hồ của đường dây nóng. Nhưng mình vô cùng cám ơn chuyên gia tâm lý đã lắng nghe nỗi khổ của mình trong lúc dịch bệnh, cuộc sống nhiều áp lực”, một bạn trẻ cho biết.
Giá trị của lời tham vấn, tháo gỡ nút thắt tâm lý cho người yếu lòng trong giai đoạn khó khăn này, sự nhân văn không chỉ nằm ở những cuộc gọi lắng nghe, chia sẻ mà chính là ở tình thương, cách mọi người giúp nhau, tìm cách nâng đỡ nhau bước qua những khó khăn trong đại dịch.