Gói yêu thương gửi về thành phố

Người dân và trẻ em ở tỉnh Quảng Trị chung tay làm muối đậu gửi về TP.HCM - Ảnh: Hoài An
Người dân và trẻ em ở tỉnh Quảng Trị chung tay làm muối đậu gửi về TP.HCM - Ảnh: Hoài An
0:00 / 0:00
0:00
GN - Trong những ngày chống dịch, TP.HCM trải qua nhiều gian truân nhưng cũng vô cùng ấm áp khi đón nhận tình cảm từ khắp mọi miền đất nước gửi về.

Những món quà quê từ miền sông nước

“Khi con em chúng ta thiếu tập, vở đến trường, chỉ cần alo là Sài Gòn nói có. Rồi khi bà con mình bị hạn mặn, thiếu nước ngọt, alo là Sài Gòn đáp lời. Bà con mình không có cây cầu để qua sông, alo Sài Gòn cũng không từ chối. Và bây giờ, Sài Gòn đang chống dịch khó khăn, mình cũng làm gì đó cho Sài Gòn”, ngay sau lời kêu gọi từ Sư cô Huệ Liên, trú xứ tỉnh Kiên Giang, người dân tại đây đã gom góp những món quà cây nhà lá vườn chuyển lên Sài Gòn.

Biết người vùng dịch cần chanh, sả, gừng để nấu nước uống tăng sức đề kháng, trong khả năng cho phép, bà con Kiên Giang đã góp từng trái chanh, nhánh sả gửi đi. Nhiều bàn tay cùng chung lại, cứ vài ngày lại có vài tấn sả tươi, chanh, gừng rửa sạch sẽ vận chuyển lên Sài Gòn. Quà quê tuy chẳng nhiều nhưng gói trọn tình đất, tình người.

Ni trưởng Thích nữ Như Ngọc, viện chủ chùa Phú Thọ, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre (Chứng minh Phân ban Ni giới Trung ương, Chứng minh Phân ban Ni giới tỉnh Bến Tre) dù ở tuổi 91 nhưng khi nghe dịch bệnh ở Sài Gòn, người dân thiếu rau xanh ăn, Ni trưởng đã vận động cả xóm cùng góp rau, củ quả gửi tặng. Chỉ sau một buổi sáng, người dân sống gần chùa ai cũng đùm túm bầu, bí, mướp, chanh, sả, tắc đem đến. Về khuya, Ni trưởng không ngủ, chờ đến khi nào hàng chở đến Sài Gòn thì mới an tâm.

Rồi Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức ở xứ dừa Bến Tre cũng gom góp những chuyến xe chở đầy “quà quê” gồm những rau, trứng, cá khô gửi về thành phố.

Những hũ muối đậu ngọt bùi từ miền Trung

Đại đức Thích Đồng Nguyện, Giám đốc Trung tâm Tham vấn và Hỗ trợ cộng đồng Pháp Bảo, quận Gò Vấp trải lòng: “Ngay khi TP.HCM bùng dịch dữ dội và áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ, chư tôn đức Tăng Ni và bà con các tỉnh miền Trung, đặc biệt ở tỉnh Quảng Trị - những nơi xuyên suốt mấy năm liền chúng tôi đến để cứu trợ lũ lụt, đều điện thoại hỏi thăm, bày tỏ mong muốn gửi thực phẩm chay, nhu yếu phẩm tặng cho người dân thành phố”.

Liên tiếp hơn một tuần qua, đồng bào các tỉnh miền Trung tận dụng thời gian cả ngày lẫn đêm để chuẩn bị nguyên vật liệu làm cá khô, ruốc sả, muối đậu phộng, dưa cà và thu hoạch nông sản để được lâu như bí xanh, bí đỏ, bầu gửi vào nhanh nhất có thể để tiếp sức cho TP.HCM. “Hay tin TP.HCM bùng dịch, nhiều cụ già không ngủ được. Rồi mỗi người một tay, nhà có gì góp đó, tập trung về điểm tập kết, để làm cá khô, muối đậu gửi vào thành phố”, chị Hoài An, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Câu Hà, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị bộc bạch.

Nơi người dân Câu Hà tập trung làm việc là một căn nhà bán hàng ăn trong xã, rộng, thoáng và có đủ đồ nghề nấu nướng. Thương nhất là các cụ già tuy hoàn cảnh khó khăn, nhưng sẵn sàng sớt muối, hạt nêm mà gia đình vừa nhận quà từ thiện để làm muối đậu chia cho người ở nơi thắt ngặt hơn.

TP.HCM đến với người đồng bào bằng cái tâm khi họ gặp khó, họ cũng sẽ yêu thương người thành phố như vậy - Ảnh: Ni sư Huệ Dâng

TP.HCM đến với người đồng bào bằng cái tâm khi họ gặp khó, họ cũng sẽ yêu thương

người thành phố như vậy - Ảnh: Ni sư Huệ Dâng

Mỗi ngày trôi qua, số ca nhiễm Covid-19 ở TP.HCM tăng dần đều, người dân ở thôn Câu Hà càng sốt ruột, ai cũng muốn làm cho nhanh để chuyển quà sớm nhất cho bà con thành phố. Suốt ba ngày liền, ánh đèn ở khu nấu ăn này chưa bao giờ tắt, bếp lò luôn đỏ lửa. Các em nhỏ tuổi lên 5, lên 8 cũng theo mẹ, theo bà đến nơi làm muối đậu, phụ lột hành tỏi, cùng cô bác nhặt từng vỏ hạt đậu. Hình ảnh những đứa trẻ nơi đây trải chiếu nằm ngủ trưa ngon giấc trên nền nhà để xế chiều dậy làm tiếp công việc, khiến bao người xúc động.

Ấm lòng biết bao khi nghe một cụ bà nói: “Tui phụ làm muối đậu, hái ở vườn được một ít sả và gừng, xin gửi về Sài Gòn, gửi tặng khu vực cách ly, gửi cho tất cả mọi người nơi đó. Tui có được căn nhà tình thương đang ở là của Phật tử ở Sài Gòn tặng. Quà của tui mong mọi người nhận, đừng ngại gì vì cuộc đời như sông có khúc, người có lúc”. Chân chất mộc mạc, cây nhà lá vườn, có gì tặng nấy, từng trái cà, trái ớt, trái chanh tuy nhỏ thôi nhưng mang cả một đạo lý sống: Tối lửa tắt đèn có nhau.

Cho đi không có nghĩa là mất. Như hạt giống lành, khi được dưỡng nuôi bằng sự yêu thương và lòng biết ơn, chúng lại tiếp tục được nảy mầm, sẽ tiếp nối lan tỏa yêu thương theo một cách riêng biệt. Như triết lý của câu nói: Cho đi là còn mãi…

Đại đức Thích Đồng Nguyện cho biết: “Chị Nguyên Hoàng, thành viên nhóm từ thiện Nồi cháo nhân ái tỉnh Quảng Trị kể rằng bà con hái được mớ cà nhưng sợ gửi cà xanh vào thành phố, di chuyển lâu ngày cà sẽ vàng, héo, hư, nên chị em nói với nhau làm cà muối. Khi cầm những hũ cà trên tay, chúng tôi xúc động vì biết đó là tâm huyết, là tấm lòng, là sự chắt chiu của bà con còn nhiều lam lũ”.

Những chuyến hàng 0 đồng của đồng bào dân tộc phố núi

Tại tỉnh Đắk Lắk, người dân đã chọn những quả mít, quả bơ, buồng chuối, mụt măng ngon nhất gửi về TP.HCM, mà theo như chia sẻ của Đại đức Thích Minh Đăng, trụ trì chùa Hoa Nghiêm, Cư M’gar, Đắk Lắk: “Xin gửi trọn yêu thương về TP.HCM - một thành phố nghĩa tình đã giúp cho người dân ở Đắk Lắk quê tôi nhiều vô kể”.

Đồng bào xã Ea Hdinh, tỉnh Đăk Lăk dành nhiều nông sản quý giá gửi tặng người dân TP.HCM - Ảnh: Đại đức Thích Minh Đăng

Đồng bào xã Ea Hdinh, tỉnh Đăk Lăk dành nhiều nông sản quý giá gửi tặng

người dân TP.HCM - Ảnh: Đại đức Thích Minh Đăng

“Nghe Sài Gòn thiếu rau, khó khăn trong việc mua thực phẩm vì mọi người ở trong nhà chống dịch, nhiều người dân, đặc biệt người đồng bào dân tộc phố núi, tỉnh Gia Lai sốt sắng đi bẻ măng, hái đu đủ rồi tìm nơi chở quà về Sài Gòn, xin gửi cùng”, Ni sư Thích nữ Huệ Dâng, trụ trì chùa Long Phước, quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết

Chị Mỹ Trinh, một người dân ở Gia Lai đã vận động chuyến xe hàng rau, củ quả về Sài Gòn chia sẻ: “Có những đồng bào thuộc diện nghèo nhất làng, dù rau củ hiện giá cao nhưng khi biết đoàn thiện nguyện đến mua nông sản để gửi lên chia sẻ với người dân ở Sài Gòn, thì người dân nhất quyết không bán, họ chỉ muốn cho. Họ đều nói, mình nhận rất nhiều quà của Sài Gòn, giờ nơi các bạn ấy khó khăn, mình xin gửi quà giúp lại”.

Thật hạnh phúc khi trong bất kỳ hoàn cảnh ngặt nghèo, khó khăn nào, tấm lòng thơm thảo, nghĩa đồng bào cũng luôn hiện diện.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.