Không tổ chức lễ hội, tăng cường phòng, chống dịch
Sau nhiều ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, trong trạng thái bình thường mới, các điểm di tích, chùa, tự viện, các điểm du lịch tại miền Trung mở cửa trở lại đón tiếp phật tử và du khách.
Ghi nhận của phóng viên tại một số địa phương cho thấy, hầu hết chính quyền, ban trị sự giáo hội phật giáo tỉnh, thành phố, các chùa, cơ sở tự viện thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Thượng tọa Thích Quảng Tâm (chùa Pháp Lâm, TP.Đà Nẵng) cho biết, trong thời gian qua, Giáo hội Phật giáo TP.Đà Nẵng phối hợp chặt chẽ chính quyền tuyên truyền đậm nét đến hơn 100 chùa tại thành phố về việc thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần không được chủ quan, lơ là trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp.
Chùa Pháp Lâm - một chùa lớn tại Đà Nẵng, luôn đi đầu trong việc tuân thủ các quy định về phòng dịch. Ngoài phổ biến cho các Tăng Ni, tín đồ Phật tử về thực hiện thông điệp 5K, ngay cổng ra vào và một số điểm chính, nhà chùa đặt các tấm biển lớn đề nghị khách ra vào thực hiện các quy định về phòng dịch. Nhà chùa thường xuyên có buổi nói chuyện, nhắc nhở Phật tử không tập trung đông vào mùng một, ngày rằm, hoặc lễ lớn như ngày Phật đản, Vu Lan. Các buổi thuyết giới hằng đêm cũng không tập trung quá 30 người.
Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBND quận Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) đã quyết định tạm ngừng tổ chức lễ hội Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn 2021, Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, được tổ chức vào ngày 19-2 âm lịch hằng năm.
Theo ông Mai Niên, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, lễ hội góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hóa, phát triển du lịch, xây dựng hình ảnh của quận và thành phố. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND quận Ngũ Hành Sơn yêu cầu các cơ sở tôn giáo không tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao thu hút đông người tham gia, đồng thời đề nghị chùa Quán Thế Âm tạm ngừng tổ chức lễ hội năm 2021.
Còn tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo tỉnh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh.
Cụ thể, yêu cầu các chùa, các cơ sở tự viện nhắc nhở mọi người đến chùa phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn. Theo dõi sát sao diễn biến dịch Covid-19 và chỉ đạo của Chính phủ trong thực hiện các hoạt động Phật sự tại chùa, cơ sở tự viện, bảo đảm an toàn tuyệt đối; nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch trong cộng đồng Phật tử và nhân dân.
Du khách đến tham quan phố cổ Hội An đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 - Ảnh: Lưu Hương |
Công tác phòng dịch được đặt lên hàng đầu
Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Ban Quản lý di tích, danh thắng Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) cho biết, từ đầu năm đến hết nay, đơn vị miễn phí vé tham quan cả năm để kích cầu du lịch và đến hết ngày 10-3 đã phục vụ miễn phí gần 33.600 lượt khách.
“Hiện nay du khách đến di tích Ngũ Hành Sơn chưa nhiều, mỗi ngày khoảng 200-300 người, nên không có hiện tượng quá tải, không có chen lấn. Tuy nhiên, do xác định công tác phòng dịch là nhiệm vụ trọng tâm, nên khi mở cửa trở lại, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở du khách đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và đo thân nhiệt”, ông Nguyễn Văn Hiền cho biết.
Tại các điểm vui chơi, giải trí lớn ở Đà Nẵng như BaNa Hills, Công viên châu Á… đều áp dụng nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như phun khử khuẩn tại các khu vực trong khu du lịch, cabin cáp treo; đo thân nhiệt, yêu cầu toàn bộ cán bộ, nhân viên và du khách đeo khẩu trang khi vào khu du lịch, khuyến khích du khách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn…
Các khu du lịch cũng tổ chức khóa đào tạo, hoặc thường xuyên cung cấp cho cán bộ, nhân viên kiến thức, thông tin về phòng, chống dịch nhằm nâng cao ý thức và kỹ năng phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho nhân viên và du khách.
Du khách được phát khẩu trang, đo thân nhiệt và được hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng dịch khi đến thăm quan khu du lịch Bà Nà Hills - Ảnh: Lưu Hương |
Còn tại TP.Hội An (Quảng Nam), theo bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình TP.Hội An, hiện nay du khách tham quan phố cổ Hội An đã tăng trở lại và tập trung vào những ngày cuối tuần với khoảng 800 - 1.000 lượt khách/ngày. Dự kiến mùa cao điểm khách du lịch nội địa tham quan Hội An là từ tháng 6 đến tháng 8.
Để bảo đảm an toàn cho du khách, công tác phòng, chống dịch được Hội An đặt lên hàng đầu, như phát các nội dung khuyến cáo phòng, chống dịch trên hệ thống loa trong khu phố cổ vào khung giờ “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ”. Trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn cho du khách tại tất cả các quầy bán vé tham quan tại khu phố cổ và các làng nghề truyền thống.
Thành phố cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phân công cán bộ nhắc nhở du khách tuân thủ việc đeo khẩu trang. Phối hợp với các cơ quan, địa phương và các di tích trong tuyến tham quan tăng cường công tác phòng, chống dịch. Đồng thời phân bổ hợp lý các hoạt động văn hoá nghệ thuật phục vụ du khách vào ban đêm, tránh tập trung quá đông người vào một số địa điểm và một số hoạt động...