Cho yêu thương đong đầy

0:00 / 0:00
0:00

GN - Tạm gác lại những tất bật của cuộc sống, cuối tuần chúng tôi đến thăm các bé mồ côi đang được nuôi dưỡng tại chùa Bửu Nghiêm - một “mái ấm tuổi thơ” nơi cửa Phật.

Duyên lành với trẻ

Chùa Bửu Nghiêm tọa lạc tại ấp Tân Thuận, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành (Đồng Tháp). Để đến được chùa, chúng tôi phải đi sâu vào con hẻm quanh co dưới chân cầu Nha Mân.

Chùa không lớn lắm, nhưng ở nơi ấy bừng sáng từ tâm, đong đầy tình yêu thương của Sư cô trụ trì Thích nữ Phước Liên dành cho những đứa trẻ kém may mắn.

Sư cô Phước Liên sinh ra và lớn lên tại huyện Trà Ôn (Vĩnh Long).

Năm 1994, khi vừa tròn 20 tuổi, Sư cô phát tâm vào chùa, xin thế phát xuất gia. Chính giáo lý từ bi đã tạo duyên lành đưa Sư cô đến với Bửu Nghiêm.

hinh xh Gn 1079.jpg

SC.Thích nữ Phước Liên cùng các em mồ côi được nuôi dưỡng tại chùa

Hồi tưởng lại những tháng ngày tu học, được đi nhiều nơi, Sư cô tận mắt chứng kiến những hài nhi còn đỏ hỏn bị cha mẹ chối bỏ, rồi không ít những đứa trẻ vô gia cư sống lang bạt, đói ăn, thiếu mặc…

“Những hình ảnh ấy khiến tôi suy nghĩ rất nhiều và phát nguyện, nếu sau này có duyên trụ trì một ngôi chùa nào đó, tôi sẽ nhận nuôi tất cả các trẻ bị gia đình từ chối; xin hãy cứ tìm đến chùa, dù khó khăn đến mấy tôi cũng sẽ nuôi dưỡng các cháu đàng hoàng”.

Đó là ý niệm khởi lên và cũng là tâm nguyện để sau này (năm 2007), thông qua NS.Thích nữ Như Liên (chùa Giác Lâm), con cháu ông Phan Văn Vinh đã hoan hỷ theo sở nguyện đồng ý giao lại cơ sở thờ tự “cô Hai Hiên” cho SC.TN Phước Liên. Từ đây, chùa Bửu Nghiêm được phục lập và mái ấm dành cho trẻ mồ côi bất hạnh cũng ra đời từ duyên lành đó.

Nhìn từ bên ngoài, chùa Bửu Nghiêm cũng như bao ngôi chùa khác, song điểm đặc biệt chính là tiếng cười nói của trẻ thơ, tiếng ê a bập bẹ, tiếng tụng kinh và tiếng bé sơ sinh khóc đòi sữa... Ở đây, những đứa trẻ tuy bị bỏ rơi nhưng lại được lớn lên trong tình yêu thương, sự cưu mang, chăm sóc ân cần của các sư cô.

Những năm đầu, chùa chỉ có 4, 5 trẻ, nhưng mỗi năm số trẻ mồ côi tăng dần, các em đều bị bỏ trước cổng chùa và được SC.TN Phước Liên cưu mang. Trong số này có những trẻ sơ sinh chỉ vài ngày tuổi, bị người thân bỏ rơi vì nhiều lý do: vì nghèo, hay vì bệnh nặng...

Hiện “mái ấm tuổi thơ” chùa Bửu Nghiêm đang chăm sóc, nuôi dưỡng cho 36 bé. Nhìn các em quấn quýt bên Sư cô mới hiểu tấm lòng và sự yêu thương mà Sư cô dành cho các em nhiều đến dường nào.

Như một gia đình

Lúc chúng tôi đến, SC.TN Phước Liên đang bận dỗ dành với những em nhỏ quấy khóc. Các em lớn hơn cũng đã biết đỡ đần, phụ giúp Sư cô. Từ việc cho bú bình, tắm giặt, thay tả, ru ngủ,... các em và Sư cô thay nhau làm, bận rộn mà ấm áp như một gia đình.

Tôi đến ẵm một bé trai nhỏ nhất đang nằm trong nôi, mặt mày trông rất kháu khỉnh.

SC.TN Phước Liên kể, bé được Sư cô ôm vào chùa lúc trời còn tờ mờ sáng. Lúc đó bé còn đỏ hỏn, có lẽ chỉ được vài ngày tuổi, giờ bé đã được hơn hai tháng, trắng trẻo, mập mạp.

Các em được Sư cô giáo dưỡng rất tử tế, biết lễ phép thưa gửi; các bé lớn hơn hiểu chuyện còn lấy ghế mời chúng tôi ngồi, mang nước đến. Nhìn các em áo nâu, tóc ba chỏm, gương mặt ngây thơ cùng đôi mắt sáng hồn nhiên như chưa hề có nỗi buồn nào vương vấn...

Trên tường còn treo rất nhiều ảnh chân dung của các em. SC.TN Phước Liên chỉ tay, nói: “Mấy đứa hồi nào còn nhỏ xíu, chỉ một ký mấy hay hai ký thôi mà bây giờ đã năm, sáu tuổi, ra dáng như vậy rồi đó!”.

Để nuôi dưỡng hàng chục bé mồ côi, Sư cô đã phải rất vất vả, tự làm nhiều việc để dành dụm chi phí, rồi nhờ vào Phật tử, nhờ mạnh thường quân và cũng được chính quyền địa phương quan tâm, có chính sách hỗ trợ.

Dù khó khăn thế nào, Sư cô cũng không để các em có cảm giác bị thiệt thòi do thiếu vắng tình thân. Có trường hợp bé được ba, bốn tuổi thì mẹ bé đến xin về. Khi biết gia đình đã có đủ điều kiện để nuôi dưỡng bé, Sư cô hoan hỷ để bé được đoàn tụ với gia đình.

Cuộc đời là những cánh cửa, cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Tuy thiếu tình yêu thương của cha mẹ ruột, bù lại, các em có duyên với cửa Phật, được SC.TN Phước Liên đón nhận, che chở, yêu thương như con cái ruột rà. Từ nhiều nơi, các em có duyên đến và cùng chung sống với nhau trong một “mái ấm tuổi thơ”, trở thành một gia đình thật sự.

“Nhiều người có điều kiện hay những gia đình hiếm muộn từng đến đặt vấn đề xin trẻ về nuôi. Ban đầu tôi và các Sư cô cũng muốn chu toàn tâm nguyện của họ, vì nghĩ cuộc đời của các bé sẽ thêm nhiều may mắn. Nhưng rồi nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy không yên tâm, vì đời các bé đã một lần bất hạnh, cho đi lần nữa liệu có được sống sung sướng hay lại bất hạnh hơn. Thôi, các bé đến đây là đã có duyên với cửa Phật, với nhà chùa, bổn phận của tôi là phải nuôi dạy chúng”, SC.TN Phước Liên tâm sự.

Sư cô cũng cho biết thêm, sau này các con ai có duyên thì tiếp tục tu hành, không thì có thể hoàn tục tùy theo sở nguyện, làm một người có ích cho xã hội, như vậy cũng rất tốt.

Bên cạnh việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ mồ côi, SC.TN Phước Liên còn hỗ trợ cơm trưa cho những học sinh xa nhà, có hoàn cảnh khó khăn. Đa số các em học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa đến học 2 buổi/ngày phải ở lại trường. Nhờ những bữa ăn do chùa Bửu Nghiêm hỗ trợ mà nhiều em không phải bỏ học, có thể yên tâm tiếp tục đến trường.

“Bếp ăn khuyến học” chùa Bửu Nghiêm đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các em học sinh ở xa nhà, hay trong mùa thi chuyển cấp...

Tiếng chuông chùa cứ thong thả ngân nga, cảm giác thanh thoát, gần gũi, thiêng liêng đến lạ thường. Chúng tôi chào vị Sư cô có tấm lòng Bồ-tát để ra về, tạm biệt những em nhỏ ở đây mà lòng đầy thương mến. Mong rằng, nơi này sẽ gặp nhiều thuận duyên để có điều kiện cho những đứa trẻ bước tiếp những bước chân thật vững vàng.

Cẩm Tú

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.