GNO - Các chất phụ gia đang được sử dụng phổ biến hiện nay có thể làm thay đổi chuyển hóa của cơ thể theo nhiều cách, cụ thể là làm tăng nguy cơ tiểu đường - theo một nghiên cứu gần đây.
Nghiên cứu này được tiến hành trên cả vật thử và người để tìm hiểu ảnh hưởng của chất phụ gia thực phẩm propionate đối với nguy cơ gây bệnh tiểu đường.
Propionate có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc và được sử dụng rộng rãi như chất bảo quản trong các loại thực phẩm như: phô mai, các loại bánh nướng, bánh mì và các loại hương liệu nhân tạo.
Với người tiểu đường, nên tránh sử dụng các loại phụ gia, càng tránh càng có lợi
Nghiên cứu trên vật thử
Vật thử hấp thu propionate sẽ có mức đường huyết cao trong ngắn hạn, tăng cân và kháng insulin về dài hạn. Kháng insulin có nghĩa là cơ thể không phản hồi tốt với hormone insulin - loại hormone giúp tế bào hấp thu đường hoặc glucose; tình trạng này dẫn đến đường huyết cao ở người bị tiểu đường.
Hiểu rõ ảnh hưởng của các thành phần trong thực phẩm đến sự chuyển hóa của cơ thể ở cấp độ phân tử và tế bào có thể giúp chúng ta phát triển các giải pháp hiệu quả đối với đại dịch béo phì và tiểu đường - chia sẻ của tác giả nghiên cứu Gökhan Hotamisligil về gene và chuyển hóa, Đại học Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan.
Propionate là chất phụ gia “nhìn chung được xem là an toàn” (GRAS - generally recognized as safe) bởi Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA); có nghĩa là các thành phần FDA chấp nhận là “có thể cho vào thực phẩm”. Đây cũng là một loại axit béo do vi khuẩn đường ruột tạo ra khi phân hủy chất xơ. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào tìm hiểu tác động chuyển hóa của propionate khi được sử dụng như chất phụ gia thực phẩm.
Trong nghiên cứu này, các chuyên gia cho vật thử hấp thu propionate và phát hiện rằng phụ gia này làm tăng số lượng một số hormone; trong đó có glucagon - hormone cho gan tín hiệu phóng thích đường vào máu, norepinephrine - hormone có liên quan đến điều chỉnh huyết áp và cũng làm tăng đường huyết và FABP4 - có liên quan đến chuyển hóa axit béo. Sự gia tăng các hormone này làm tăng mức đường huyết ở vật thử.
Khi các nhà nghiên cứu cho vật thử uống nước có liều propionate thấp, tương tự với mức tập trung của propionate trong thực phẩm trong thời gian 20 tuần, vật thử tăng cân và tăng kháng insulin so với vật thử không hấp thu chất phụ gia này.
Thử nghiệm trên người
Để kiểm tra tác động của propionate lên người, các chuyên gia tiến hành nghiên cứu trên 14 người khỏe mạnh, không bị tiểu đường. Người tham gia ăn bữa ăn có chứa 1 g propionate (lượng phổ biến của chất phụ gia này trong thực phẩm chế biến công nghiệp) và bữa ăn chỉ có placebo. Mẫu máu của người tham gia được lấy một lần trước bữa ăn và sau bữa ăn 4 giờ đồng hồ.
Kết quả cho thấy người hấp thu propionate có mức tăng hormone tương tự như thử nghiệm trên vật thử. Cụ thể là tăng mức insulin và tăng kháng insulin so với người không hấp thu phụ gia này.
Trong một phân tích độc lập khác, các chuyên gia phân tích dữ liệu từ một nghiên cứu về giảm cân có 160 người tham gia, cũng cho thấy mức propionate trong máu cao có liên quan đến kháng insulin. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng giảm mức propionate (từ thực phẩm có chứa chất này) sẽ cải thiện tốt hơn đối với tình trạng kháng insulin.
Nhiều nghiên cứu trước đây gợi ý rằng: propionate và một số axit béo có lợi khi được vi khuẩn sản xuất trong đường ruột như phụ phẩm của trao đổi chất. Nhưng theo các nghiên cứu gần đây, propionate trong thực phẩm lại không có tác dụng tốt.
Lý do là vì tác động của propionate sẽ khác nhau, tùy thuộc vào cách thức đi vào cơ thể chúng ta. Khi được hấp thu qua thực phẩm, propionate tiếp xúc với các tế bào nhiều hơn khi ở trong đường ruột, so với khi được vi khuẩn sản xuất trong ruột kết - các chuyên gia nhấn mạnh.
Các chuyên gia khuyên nên tránh sử dụng các loại phụ gia, càng tránh càng có lợi; ngoại trừ các phụ gia có tích hợp và bổ sung vitamin, khoáng chất trong một số trường hợp.
Trần Trọng Hiếu
(theo Live Science)