Cha mẹ nghèo khéo sanh con thảo

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1218 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1218 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng các nữ sinh luôn cố gắng hết mình học thật tốt, với mục tiêu cháy bỏng “có việc làm trong tương lai, để chăm sóc cho gia đình của mình”. Mỗi nhân vật trong số 94 nữ sinh là một câu chuyện về lòng hiếu thảo mà học bổng Quách Thị Trang đã lắng nghe, kịp thời tiếp sức.

Nâng bước em đến trường

10 năm nay, cứ đến gần ngày tựu trường, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - người khởi xướng thành lập Quỹ học bổng Quách Thị Trang lại đón nhận những lá thư của các em nữ sinh gửi về cần tiếp sức.

Lá thư của nữ sinh Huỳnh Thanh Trúc, học lớp 11 Trường THPT Trần Hưng Đạo, Q.Gò Vấp, TP.HCM khiến nhiều người xúc động, khi em kể về hoàn cảnh gia đình mình: “Nhà em là thuộc diện hộ nghèo. Ba mẹ là người điếc bẩm sinh, sinh ra em và em trai đều bị điếc di truyền, giờ cả 4 người đều bị điếc. Gia đình chia làm ba nơi, ba và mẹ đi mưu sinh ở các tỉnh miền Tây, em trai đang học trường khuyết tật Đồng Nai, còn em thì đang ở với bà nội ở Gò Vấp để nội nuôi đi học”.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống trao học bổng cho các em nữ sinh

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống trao học bổng cho các em nữ sinh

Trúc kể rằng, em đã từng tủi thân và rất buồn vì hoàn cảnh gia đình, ba mẹ bị điếc không thể nghe nói và không nói được, nhưng em cũng suy ngẫm và nói với lòng, trong lúc mà em tủi thân, thì ba và mẹ em còn phải đi làm kiếm tiền, để lo cho con. Bà nội bị lao phổi và tim, không có sức khỏe nhưng bà vẫn nói sẽ ráng sống để nuôi em ăn học.

Đó cũng là lý do Thanh Trúc có ước mơ cháy bỏng là học hết lớp 12, thi đậu vào ngành y dược, nhanh chóng đi làm kiếm tiền và có kiến thức y khoa để chăm sóc cho cả nhà đau yếu của mình.

Nói là ước mơ, bởi vì để đạt được điều đó, Thanh Trúc sẽ phải cố gắng thật nhiều để vượt lên chính mình. Vì điếc bẩm sinh nên khi thầy cô giảng em không nghe được, em phải luôn tìm cách để hỏi, để được học và học bằng mọi cách trong mọi lúc như khi đi làm thêm, đi chăn gà, nấu cơm. Lúc nào có thể học được là em đều tranh thủ thời gian.

“Cứ mỗi dịp tổ chức xét và trao học bổng này tôi biết số học sinh cần được giúp đỡ còn nhiều hơn số suất học bổng của chương trình. Mặt khác, chương trình học bổng Quách Thị Trang chỉ tập trung vào nữ sinh lớp 11 chứ không có khả năng giúp cho cả nam sinh và học sinh các cấp học khác. Tôi mong có nhiều nhà hảo tâm ủng hộ chương trình học bổng Quách Thị Trang cũng như những chương trình học bổng khác, để giúp đỡ nhiều học sinh hơn nữa, ở mọi cấp học, để giúp học sinh vượt qua hoàn cảnh, cố gắng học tập, chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp hơn”.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống

Em cũng chia sẻ về động lực để em phấn đấu nhiều đến như thế: “Với lòng biết ơn, kính trọng đối với đấng sinh thành, dưỡng dục. Những lúc việc học và việc làm khó khăn, tưởng như không kham nổi, nhưng nghĩ đến ba mẹ và nội, em lại có động lực để vượt qua”.

Giúp em nuôi lớn những mầm thiện

Khi biết mình được nhận học bổng, nữ sinh Tạ Lê Ngọc Bích, lớp 11 Trường THPT An Lạc, H.Bình Chánh, TP.HCM nhiều đêm không ngủ được vì niềm vui quá lớn. Ngọc Bích kể em là con út trong gia đình ở vùng thôn quê, từ nhỏ đã nhìn thấy những hình ảnh tảo tần của ba mẹ đi sớm về khuya. Đó là những chuỗi ngày ba phải gồng mình làm việc dưới thời tiết nắng nóng gần 40 độ và hình ảnh người mẹ thức khuya dậy sớm chăm lo cho ba anh chị em ăn học mà quên lãng bản thân mình.

“Từ lâu ba mẹ của em cũng đã không còn nhớ hay quan trọng gì về ngày được gọi là sinh nhật của mình nữa, chỉ còn quan tâm đến làm sao lo cho các con và gia đình được ấm no nhất có thể mà thôi. Em rất thương ba mẹ, thương vì những vất vả ba mẹ phải gánh vác, thương vì sự hy sinh vô bờ mà ba mẹ đã dành cho các con và gia đình nhỏ này. Vậy nên, học bổng này giúp rất nhiều cho gia đình em, em cảm ơn chương trình học bổng mang nhiều ý nghĩa nhân văn này”, Ngọc Bích nói. Khi nhận học bổng, tặng kèm quyển tập thơ viết về liệt nữ Quách Thị Trang, Ngọc Bích đã đọc ngay tại buổi trao học bổng, với tất cả lòng biết ơn.

Em Tạ Lê Ngọc Bích đọc sách về liệt nữ Quách Thị Trang

Em Tạ Lê Ngọc Bích đọc sách về liệt nữ Quách Thị Trang

Trong một lá thư khác, trình bày mong nhận được học bổng Quách Thị Trang, nữ sinh Trương Kiến Vi, Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.11, TP.HCM đã viết về gia đình mình: “Bản thân em may mắn khi vẫn còn đủ ba và mẹ, dẫu rằng không được khá giả nhưng hạnh phúc và tiếng cười vẫn tràn đầy ngôi nhà bé nhỏ của gia đình em. Ba và mẹ luôn cố gắng hết sức nuôi dạy em thật tốt để trở thành một người có ích cho xã hội. Ước mơ mai sau của em là sẽ mở được một tiệm “Cơm chay 0 đồng” để có thể giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Hôm nay, em mong rằng mình sẽ được xét trao học bổng để có chi phí trang trải cho việc học tập của mình”.

Ngày nhận được học bổng, Kiến Vi vui mừng cho biết, em dùng tiền này để trang trải thêm chi phí học tập và trích một phần để đóng góp vào một số hoạt động tình nguyện, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, nuôi lớn lòng thương yêu của mình với những hoàn cảnh yếu thế.

Sáng 25-8, lễ trao học bổng Quách Thị Trang, chào mừng năm học mới, kỷ niệm đúng 60 năm ngày liệt nữ Quách Thị Trang hy sinh, đã được trang trọng diễn ra tại Công viên Bách Tùng Diệp - nơi đang đặt tượng đài của liệt nữ.

Chương trình học bổng Quách Thị Trang lần 10 (năm 2023) có 94 suất học bổng, với giá trị 2,4 triệu đồng mỗi suất. Đặc biệt, 32 học sinh khó khăn do mồ côi cả cha và mẹ, hoặc mồ côi cha hay mẹ, hoặc cha mẹ đơn thân, bệnh tật, được tặng thêm 1,2 triệu đồng. Tổng trị giá chương trình trao học bổng lần 10: 264 triệu đồng.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật Hàng không Trường Đại học Bách khoa TP.HCM - người khởi xướng thành lập học bổng Quách Thị Trang cho biết, chương trình học bổng ra đời nhằm tưởng nhớ Quách Thị Trang - liệt nữ đã hy sinh khi tham gia cuộc biểu tình ngày 25-8-1963 trước Quảng trường Chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM), đồng thời nhằm “tiếp sức đến trường” cho những nữ sinh lớp 11 có hoàn cảnh khó khăn cùng lứa tuổi với liệt nữ Quách Thị Trang lúc hy sinh.

Vào năm 2014, chương trình học bổng Quách Thị Trang được tổ chức lần đầu tiên. Lúc đầu, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống chỉ vận động tặng được 2 suất. Hòa thượng Thích Chơn Tịnh, Phó ban Từ thiện xã hội Báo Giác Ngộ đã trợ duyên và đã trao 2 học bổng đầu tiên với giá trị 2 triệu đồng mỗi suất do TS.Dương Quang Duy bảo trợ.

Nhờ bài viết về chương trình học bổng này trên báo Giác Ngộ ngày 7-10-2016, chương trình học bổng Quách Thị Trang tăng dần qua các năm, đến lần trao học bổng lần thứ 7 (năm 2020) bắt đầu có sự tham gia của những người thân trong gia đình liệt nữ Quách Thị Trang.

Quỹ học bổng Quách Thị Trang chọn cấp học bổng cho các nữ sinh lớp 11 không phân biệt tôn giáo. Năm nay, số nữ sinh theo Phật giáo chiếm 42% trong tổng số 94 nữ sinh được cấp học bổng, 11% là nữ sinh theo đạo Thiên Chúa, Tin Lành, Hòa Hảo; 47% là nữ sinh không có tôn giáo.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.