1. Chùa Khmer luôn thật đặc trưng với chóp mái vút cong, tầng mái trùng điệp, mấp mô trên nền trời, lấp ló giữa những tán cây, và cả những hoa văn trang trí cầu kỳ chen đặc từ ngoài vào trong chùa... nhưng tôi cứ ấn tượng mãi hình tượng con quỷ dữ tợn, hai tay giữ lấy vật tròn lớn cố nhét vào miệng ngấu nghiến trên hầu hết cổng và cửa chùa. Cái ấn tượng đeo đuổi không thôi là cái khuôn mặt dữ dằn ấy được tạo tác mỗi nơi một kiểu có hình tướng đa dạng, màu sắc cực kỳ phong phú... Đó là cái gì?
Về sau ông Acha ở chùa Dơi nói cho tôi biết đó là chằn Rìa-hu nhân vật chủ chốt của câu chuyện thần kỳ giải thích về hiện tượng nhật thực và nguyệt thực(1) của người Khmer. Sự tích thần kỳ này được ông kể như sau:
Ngày xưa, gia đình nọ có ba anh em trai. Hôm nào ba anh em cũng dành phần cơm đặt bát cho các nhà sư khất thực. Một hôm, hai người anh bảo người em út nấu cơm, nhưng vì củi bị mưa ướt nên người em út nhóm mãi lửa không cháy được. Đến khi đoàn các vị khất thực ngang nhà mà cơm vẫn chưa chín.
Không có cơm để đặt bát cho các tu sĩ, hai người anh giận lắm, quát mắng và lấy vá xúc cơm đánh vào đầu người em út. Người em út bị các anh đánh, tủi thân bỏ ra bờ con sông lớn sau nhà ngồi khóc. Nhìn nước sông chảy xiết, người em út nguyện kiếp sau được hóa thành người có sức mạnh như dòng nước chảy để không ai bắt nạt được mình.
Hai người anh thấy em bỏ ra bờ sông ngồi khóc bèn theo ra xem xét. Nghe em cầu nguyện như vậy, hai người anh lấy làm lo lắng và từ đó họ luôn cầu nguyện được hóa thành những người có sức mạnh hơn dòng nước chảy để em mình không làm hại được.
Về sau, lời nguyện cầu của ba anh em nọ đều được toại nguyện: Người anh cả được hóa kiếp thành Pờ-rặc A-tít, tức là mặt trời, người anh thứ hóa kiếp thành Pờ-rặc Chanh tức là mặt trăng, và người em út hóa thành Rìa-hu, một người to lớn, mặt mũi nhăn nhó, xấu xí, có sức mạnh vô địch, không ai có thể ngăn cản, chống chọi lại nổi.
Vốn có thâm thù với hai anh từ kiếp trước, Rìa-hu thường chận bắt mặt trời và mặt trăng “nuốt” vào bụng để trả thù. Lúc đó, trời đất bị mờ đi, hay tối hẳn lại. Thần Pờ-rặc In, vị thần cai quản vũ trụ, thấy vậy bèn dạy cho Pờ-rặc A-tít và Pờ-rặc Chanh hai bài thần chú gọi là Sô bờ-rích/kinh Mặt Trời và Chanh bờ-rích/kinh Mặt Trăng để mặt trời và mặt trăng đọc khi lâm nạn, buộc Rìa-hu phải nhả mình ra. Do vậy, Rìa-hu chỉ “nuốt” mặt trời và mặt trăng được một lát, thì buộc phải “nhả” ra: Trời đất lại được sáng sủa như trước.
Rìa-hu ỷ mình to lớn, có sức mạnh, nên rất kiêu ngạo: tự cho mình là người vô địch trong vũ trụ và nghe ở đâu có một người phi phàm thì tìm đến để... đòi tỷ thí.
Một hôm, nghe vợ nói Phật Cồ-đàm là người lớn nhất thế gian, Rìa-hu liền cõng vợ, bảo vợ chỉ đường đến gặp bằng được Phật Cồ-đàm. Đức Phật có phép thần thông biết Rìa-hu đến tìm mình, liền làm phép biến ngôi chánh điện của mình đang ở nhỏ lại. Rìa-hu bay đến nơi, thấy ngôi chánh điện nhỏ xíu, chỉ bằng nắm tay của mình, thì tự đắc bảo với vợ là mình có thể bóp nát ngôi chánh điện ấy một cách dễ dàng. Nhưng lạ thay, khi Rìa-hu cõng vợ, lách mình qua cửa, thì lọt vào bên trong ngôi chánh điện không bị vướng mắc gì cả.
Rìa-hu càng ngạc nhiên hơn khi thấy bên trong ngôi chánh điện rộng thênh thang và Phật Cồ-đàm mình đắp chiếc y vàng, dáng cao to như quả núi. Chưa kịp định thần. Rìa-hu liền cất tiếng hỏi:
- Trong vũ trụ có phải ông là người lớn nhất không?
Phật Cồ-đàm đáp:
- Trong vũ trụ này không ai lớn hơn thần Ma-ha Pờ-rum/Đại Phạn Thiên.
Nghe nói vậy, Rìa-hu một mực nài Phật Cồ-đàm đưa mình đến gặp thần Ma-ha Pờ-rum ngay. Phật bằng lòng, bảo Rìa-hu bám vào chéo y của mình, để đưa lên thượng giới gặp Ma-ha Pờ-rum.
Ma-ha Pờ-rum thấy Phật đến, vội đem cơm đặt bát cho Phật. Khi đặt cơm vào bát, thần Ma-ha Pờ-rum thấy Rìa-hu ở chéo y của Phật, liền hỏi.
- Bạch đấng Thế Tôn! Sao Ngài để con rệp đu ở chéo y Ngài thế này?
Ma-ha Pờ-rum vừa nói, vừa bắt Rìa-hu bỏ lên bàn tay mình đưa cho Đức Phật xem. Rìa-hu thấy thần Ma-ha Pờ-rum to lớn quá, sợ hãi van xin tha lỗi luôn miệng. Nhưng vì thần Ma-ha Pờ-rum to lớn quá, nên lời van xin của Rìa-hu không đến tai thần được. Thấy thần Ma-ha Pờ-rum không hề đoái hoài đến mình, Rìa-hu hổ thẹn quay sang nài nỉ Phật Cồ-đàm cho mình trở về.
Trước khi ra về, Phật Cồ-đàm dặn dò Rìa-hu không được xuống uống nước trường sinh ở hồ thiêng A-nô-ti. Nhưng vì đường xa, Rìa-hu khát nước khô cả cổ nên khi đến hồ thiêng A-nô-ti, hắn đánh bạo xuống hồ uống nước. Bất ngờ, Rìa-hu bị thần giữ hồ Kom-phôn-lác thổi luồng gió thiêng Căm-ma-viết (luồng gió nghiệp báo) cắt đứt đôi Rìa-hu ngang ngực. Rìa-hu hốt hoảng bỏ nửa phần dưới thân người lại dưới hồ. Còn nửa phần trên, nhờ uống nước trường sinh nên còn sống, vội vã bay vút đi. Rìa-hu bay đến đâu gây mưa bão, cuồng phong đến đó.
Do vậy, mỗi khi có gió to, đồng bào Khmer Nam bộ gõ thùng, gõ mõ... gây tiếng động, hoặc cầm dao và la lớn: “Tránh ra! Tránh ra!” cốt để xua Rìa-hu đi nơi khác, khỏi gây thiệt hại cho ruộng vườn và nhà cửa.
Từ khi biết Rìa-hu liên quan đến nhật thực và nguyệt thực, tôi dò hỏi thì người Khmer nào cũng rành câu chuyện thần kỳ này, nhưng mỗi người kể mỗi khác đi một vài chi tiết. Song qua đó cũng thấy rõ rằng Rìa-hu liên quan đến mùa vụ nông nghiệp nên việc đánh trống, gõ mõ khi Rìa-hu nuốt mặt trời, mặt trăng là tập quán lâu đời.
2. Truy cứu thêm, chúng ta bắt gặp môtíp chuyện Rìa-hu phần nào tương tự với nhân vật Rahu trong thần thoại Khuấy biển sữa(2) của Ấn Độ cổ đại:
“Vì In-đra làm mất lòng đạo sĩ Đuyếc-va-sa, nên đạo sĩ đã phù chú làm cho tất cả các thần linh bị mất phép thiêng và kiệt sức. Quỷ Ba-li là vua của các loài quỷ a-su-ra kéo đến đánh các thần. Nhưng vì kiệt sức, các thần đã bị thua, cầu cứu thần Visnu. Visnu mách bảo phải kiếm được vị thuốc trường sinh ở dưới đáy biển sữa để các thần uống thì các thần mới phục hồi được sức lực. Nghe đến việc tìm thuốc trường sinh, thần và quỷ đều vui mừng nên thần và quỷ tạm hòa với nhau để cùng khuấy biển sữa tìm thuốc trường sinh.
Các thần nhổ núi Man-đa-ra (tức núi Mê-ru, tên gọi thần thánh của núi Hi-ma-lay-a) làm trụ trời để khuất biển sữa.
Con rắn thần khổng lồ Va-su-ki (một biến thái của rắn thần Sê-sa) được dùng làm dây kéo, cuộn vào cột núi Mê-ru để thần nắm một bên và quỷ nắm một bên, thi nhau kéo để xoay chuyển núi, khuấy biển sữa dậy sóng sùng sục.
Bị khuấy động mạnh, núi Mê-ru càng lún sâu xuống biển nên không xoay chuyển được, Visnu bèn hóa thành một con rùa khổng lồ, lặn xuống đáy biển, lấy mai làm trụ đỡ núi và việc khuấy biển lại tiến hành thuận lợi.
Mặt biển sữa bị khuấy động, lần lượt nổi lên những báu vật trước kia bị chìm xuống đáy sâu... và cuối cùng là thầy thuốc Đan-van-ta-ri với chén thuốc trường sinh am-ri-ta. Thấy vậy, thần và quỷ cùng xô lại, tranh nhau uống thuốc. Visnu bèn hóa phép thành nàng Mô-hi-ni xinh đẹp, lẳng lơ kéo lũ quỷ háo sắc sang một bên, rồi đưa thuốc trường sinh cho các vị thần nên lấy lại được sức lực. Khi đó, một con quỷ tên là Rahu đã lẻn đứng vào hàng ngũ các thần để được uống thuốc trường sinh. Khi Rahu vừa uống xong, thì nó bị thần Mặt Trời và thần Mặt Trăng phát hiện báo cho Visnu. Visnu đã chặt đứt thân hình Rahu thành hai mảnh. Tuy vậy, do đã được uống thuốc trường sinh, hai mảnh đó của quỷ vẫn sống và biến thành hai vì sao là Rahu và Ketu. Để trả thù kẻ đã tố cáo mình, Rahu luôn tìm cách bắt nuốt Mặt Trời, Mặt Trăng. Việc này đã tạo nên hiện tượng nhật thực, nguyệt thực...”.
Câu chuyện về Rahu như trên cũng được đề cập trong kinh sách Pali: Samyutta Nikaya. Trong Candima Sutta và Suriya Sutta, Rahu tấn công Chandra - thần Mặt Trăng và Suriya - thần Mặt Trời. Khi đó, Đức Phật đã buộc Rahu phải nhả họ ra. Đoạn thơ được kể lại bởi hai thiên thần và về sau được kết hợp vào nghi lễ Phật giáo: các nhà sư đã tụng đoạn kinh này để cầu xin sự bảo vệ. Như vậy, câu chuyện từ thần thoại Bà-la-môn đã được Phật giáo tiếp biến từ lâu đời và từ đó lưu truyền vào cộng đồng Phật giáo Tiểu thừa Khmer.
3. Truy cứu những cứ liệu khác nhau, chúng ta thấy không có sự thống nhất hoàn toàn về hình dạng của Rahu trong các khu vực văn hóa khác nhau.
Theo thần thoại Hindu, Rahu là một con quỷ bán thân, thường bắt nuốt mặt trời/mặt trăng gây ra nhật thực/nguyệt thực. Puranas miêu tả Rahu với hình tượng bán thân, xuất thân của sư tử cái, giống rắn, có cơ thể khổng lồ và sức mạnh phi thường. Trong nghệ thuật, Rahu lại được mô tả như một con rắn không có phần thân dưới cưỡi trên chiếc xe được kéo bởi tám con ngựa đen. Rahu là một trong chín hành tinh (navagrahas) trong chiêm tinh học Vệ Đà. Thời gian trong ngày dưới ảnh hưởng của Rahu (Rahu kala) được coi là điềm xấu.
Đặc biệt, trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, Rahu (La Hầu La) được coi là đã bị chinh phục bởi Padmasambhava, trở thành một trong những người bảo vệ nguyên tắc của các giáo lý Dzogchen, đặc biệt là Nyingthik Longchen. Rahu thường được miêu tả với chín cái đầu và một nghìn con mắt trên khắp cơ thể màu đen của mình. Bốn cánh tay với các trì vật gồm cây cung, mũi tên, dây thòng lọng và ngọn cờ chiến thắng. Rahu xuất hiện với phẫn nộ tướng, rực cháy với những tia lửa, và phần dưới cơ thể được thể hiện dưới hình thức của một con rắn. La Hầu La là một vị thần to lớn siêu phàm.
Môtíp Rìa-hu phía trên cửa xe tang chùa Luông Ba-sac, Sóc Trăng
Trong Attha Katha, thậm chí cả trong Tim Nidai và Sungyatta Nikai có mô tả kích thước của Phra Rahu: cao 4,800yoch, ngực rộng 1,200yoch, trán rộng 50yoch, và mũi dài 30yoch (yoch là đơn vị đo chiều dài của Thái, 1yoch bằng 16km). Còn trong Triphum Katha, kích thước Phra Rahu có khác: cao 98,000yoch, vòng đầu dài 26,000yoch, trán rộng 300yoch, vòng mũi 300yoch, khoảng cách giữa mắt và lông mày là 90yoch, lông mày dài 200yoch, miệng rộng 200yoch và sâu 300yoch. Lòng bàn tay rộng 200yoch, bàn tay và lông chân dài 30yoch.
4. Rahu ngoài ảnh hưởng đến nghệ thuật tạo hình còn là một đối tượng quan trọng của ngành chiêm tinh. Rahu được tin rằng là đứa con nghịch ngợm và lớn mạnh của Maya (sức mạnh siêu nhiên) và vì vậy có rất nhiều tính chất hai mặt gắn liền với siêu nhiên Maya. Đó là sự liên hệ đến 7 tia năng lượng chiêm tinh bí truyền như là vật biểu trưng cho sức mạnh biểu lộ các tiềm năng, khả năng nội tại của sự sống.
Trong kinh Vệ Đà, Rahu có nhiều tên gọi: Vua của loài quỷ, luôn giận giữ, kẻ áp bức, kẻ thù của ánh sáng: mặt trăng/mặt trời, chúa tể của ảo giác, kẻ đe dọa mặt trời, làm lu mờ mặt trăng, sứ giả hòa bình, sự bất tử (do uống rượu thiêng), ban cho sự thịnh vượng, giàu có và tri thức tối thượng - đầu mối của nguồn năng lượng cơ bản và thuộc tính vật tượng trưng.
Rahu có thể được xem là chưởng quản các hành tinh, vì nó vận hành có chu trình và mục đích. Nó là chủ của sự vận động.
Theo thiên văn học, Rahu và Ketu biểu thị hai điểm giao nhau trên đường đi của mặt trời và mặt trăng khi chúng di chuyển trên bầu trời. Vì vậy, Rahu và Ketu được gọi là giao điểm/điểm nút phía Bắc và phía Nam mặt trăng. Thực tế đó dẫn đến việc che khuất mặt trời và mặt trăng làm phát sinh thần thoại nuốt mặt trời.
Trong chiêm tinh học Vệ Đà, Rahu được xem như là một a-tu-la/asura, nó kiểm soát sự hỗn loạn, sự bí ẩn và xấu xa trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống. Nó liên quan đến thế giới vật chất hiện hữu và dục vọng thế gian, cũng như sự ngẫu nhiên, phát triển vượt tầm kiểm soát do không hiểu biết hay vô ý.
Rahu đóng vai trò quan trọng liên quan đến sự tổn hại. Tuy nhiên, Rahu cũng mang đến tiếng tăm, may mắn, uy tín và quyền lực. Đó là lý do tại sao các nhà chiêm tinh học phương Tây kính trọng nó như là sức mạnh có lợi ích to lớn nhất.
Chiêm tinh học Thái Lan cho rằng, Phra Rahu được cấu thành bởi 12 cái đầu ma trơi với 12 sức mạnh của gió hay thần bão. Rahu sống trong lâu đài đen. Rahu có cơ thể bằng đồng thiếc và mặc trang phục vàng. Rahu thường sống trong những đám mây và sương mù, cư ngụ phía Tây.
Trong truyền thuyết chiêm tinh khác của Thái, Phra Rahu là ngôi sao của gió, sống ở Đông bắc và kết bạn với sao Thổ. Rahu cũng là cặp cân bằng quyền lực với mặt trăng.
Biểu tượng của Rahu là con số 8, nó được tin rằng là sức mạnh khởi nguyên mọi thứ trên trái đất.
Như vậy, Rahu là bậc thầy huyền thoại của mưu mẹo gian dối, biểu thị của kẻ lừa bịp, kẻ kiếm tìm lạc thú, người điều hành những vùng đất bên ngoài, người buôn bán thuốc, chất độc, sự không thành thật và hành vi vô đạo đức. Đó là biểu thị của kẻ vô tôn giáo, kẻ bị cộng đồng ruồng bỏ; là kẻ lỗ mãng, cục cằn, bất chấp nghĩa lý, những ý nghĩa sai lầm, sự không rõ ràng, lở loét bụng và xương, và sự di cư. Rahu là công cụ tăng cường sức mạnh của một người thậm chí có thể chuyển thù thành bạn. Trong Phật giáo, Rahu là một trong những Krodhadevatas (hung thần, kích động tham dục).
5. Rahu gắn với tín ngưỡng nhật thực/nguyệt thực. Trong lịch sử, nhật thực được xem như là xấu xa và điềm rủi ro.
Những nền văn hóa sớm nhất cho thấy mặt trời ban cho con người sự sống liên tục, không bao giờ chấm dứt. Vì vậy, cái gì có thể phá hủy mặt trời đương nhiên được liệt vào điềm xấu. Mặc cho những nhận thức khoa học đúng đắn về hiện tượng tự nhiên trong xã hội đương thời, người dân vẫn tiếp tục đánh trống, chiêng, thùng chậu và xoong chảo hoặc bắn pháo sáng vào bầu trời hay ẩn nấp trong nhà. Thậm chí có sự liên kết hiện tượng Rahu ăn mặt trời với tai họa, với chiến tranh, lũ lụt, đói kém, đến sự chuyển biến chính trị và điềm rủi của cá nhân.
Ở Ấn Độ, trong suốt thời gian nhật thực, nguyệt thực, thức ăn không được ăn cũng không được nấu. Nhiều tín ngưỡng cho rằng khi tia nắng mặt trời không chạm vào quả đất, vi trùng và mầm bệnh tăng lên. Tất cả những món ăn đã nấu trước nhật thực/nguyệt thực vì vậy phải vứt đi. Người Ấn Độ ngâm mình trong nước lên đến cổ để tẩy rửa. Họ tin rằng việc thực hành nghi lễ thờ cúng sẽ giúp mặt trời đánh bại quái thú Rahu ngấu nghiến mặt trời. Phụ nữ mang thai không được cắt và may vá trong suốt thời gian nhật, nguyệt thực vì điều này sẽ làm cho đứa trẻ sắp sinh bị dị hình.
6. Tín ngưỡng về Rahu bao gồm tín lý trừ tai lẫn cầu khẩn. Đặc biệt, lễ vật cúng Rahu - vị thần của bóng tối, nên lễ vật cúng Rahu là những vật phẩm màu đen. Khi cúng, dân chúng thường bày biện 8 món (8 là con số của Rahu) không giống nhau. Những vật cúng có thể là mì sợi nhuộm đen, thạch đen, cà phê đen, nước ngọt coke, rượu nếp than (đen), gà ác, trứng bắc thảo, xôi nếp than, các loại bánh màu đen... Ngoài ra, người dân còn dâng cúng hoa màu đen, đũa đen và đèn cầy đen.
Ở Thái Lan, những vật cúng như trên cũng là vật cầu may mắn, tránh điềm rủi ro trong suốt năm có nhật thực, nguyệt thực.
Ở Ấn Độ, đền Naganatha (ở Thirunageswaram, Tamil Nadu) là một ngôi đền dành riêng cho Rahu. Thờ cúng Rahu, nơi đây mỗi ngày người ta dâng cúng sữa abhishekam trong suốt dịp Rahu Kaalam, để xoa dịu Rahu. Sữa biến thành màu xanh da trời khi nó chảy xuống sau khi chạm vào bức tượng Rahu. Tín ngưỡng này đã được thực hành trên 1.500 năm.
Rahu cũng được thờ cùng với 9 tinh tú khác trong tất cả đền thờ Hindu ở Miến Điện.
Ở Thái Lan, Phra Rahu cũng được thờ khá phổ biến, tiêu biểu như điện thờ Wat Sisathong, quận Nakon Pathom...
Ngoài các tập tục thờ cúng này, còn có tục cúng sao Rahu (La-hầu) để giải hạn, niệm thần chú để nối kết các thần thánh tạo nên sức mạnh lớn để chiến thắng Rahu và vẽ bùa yểm chú “Pra Rahu” để hộ mệnh. Truyền thuyết Pra Rahu cho rằng “Pra Rahu” đã được tạo bởi hai ẩn sĩ. Họ đã vẽ bùa và thuật chú để thiêng hóa bùa hộ mạng “Pra Rahu”. Một ẩn sĩ vẽ bùa và thuật chú về Suriyabuppa (giai đoạn nhật thực) để thiêng hóa việc Pra Rahu chiếm lấy mặt trời trong miệng của hắn. Ẩn sĩ kia cũng vẽ bùa và thuật chú về Chandrabuppa (giai đoạn nguyệt thực) để thiêng hóa Pra Rahu chiếm lấy mặt trăng trong miệng của hắn. Cả hai làm điều này bởi họ thấy trước tương lai đầy hiểm nguy và đau khổ của con người vì tai họa do Rahu gây ra. Bùa hộ mạng “Pra Rahu” sẽ giúp con người thoát khỏi điều đó. Để thiêng hóa bùa hộ mạng Pra Rahu, nó cần trải qua 8 tiết/ 8 giai đoạn linh thiêng.
Bùa hộ mạng “Pra Rahu” được làm từ một con mắt trên vỏ dừa rất khó để tìm thấy. Do vỏ trái dừa có 3 lỗ trên đỉnh, một trong số đó là lỗ để nảy mầm và hai lỗ còn lại là mắt. Nhưng một con mắt trên vỏ dừa sẽ lấy một cái lỗ để nảy mầm và chỉ còn lại duy nhất một mắt. Chính đặc tính đặc biệt đó mà vỏ dừa được xem là vật làm nên sức mạnh của bùa hộ mạng. Mặc dù vỏ dừa không được thiêng hóa nhưng người ta cho nó chứa đựng sức mạnh của siêu nhiên. Phải chăng đó là hình thức khởi nguyên của việc dùng đồ án Rahu/Rìa-hu để trang trí trên cổng, cửa chùa Khmer, cũng như chùa tháp các quốc gia Phật giáo Tiểu thừa. Ở các xứ sở đó, ngoài việc dùng đồ án Rahu để trấn cửa chùa tháp, còn có những Phật thoại chỉ ra rằng bất cứ ai, dù là kẻ có sức mạnh vô biên, có thể ăn sống nuốt tươi mặt trời, mặt trăng thì chính nó cũng không thoát khỏi luồng gió nghiệp báo “Căm-ma-viết” (karma-vayu) do chính sự ngã mạn của nó trừng trị.
Chú thích
(1) Xem Truyện dân gian Khơ me, Huỳnh Ngọc Trảng sưu tầm và biên soạn, Hội Văn học nghệ thuật Cửu Long xuất bản, 1987.
(2) - Classical dictionary of Hindu mythology and religion, geography, history, and literarure, John Dowson, Rupa &Co, 2004.
- Myths and legends of India, J. M. Macfie, Rupa &Co, 1998.