Cần thêm những khóa tu dành cho người trẻ

GN - Đã bắt đầu mùa hè, học sinh được nghỉ học trong một thời gian dài. Với rất nhiều bậc phụ huynh, việc tìm một nơi cho con em mình sinh hoạt hữu ích, giúp trẻ phát triển thể chất và tâm hồn là ưu tiên hàng đầu, ngoài chương trình học tập ở trường. Và một trong những địa chỉ họ mong ước, đó là các khóa tu với nội dung phù hợp với lứa tuổi này.

Tìm đến nơi có các bạn trẻ đang ngồi với nhau thành từng hàng dài, một cách ngay ngắn, cùng sự chú tâm lắng nghe pháp thoại, họ tỏ bày nhiều cảm xúc khác nhau. Bạn thì điềm tĩnh, bạn lại trông như sắp bật khóc, có lẽ vì thấm được những nội dung vị thầy đang truyền giảng, cũng có bạn thoáng thấy nét vui như vì mình làm được đúng theo lời Phật dạy…

TND_5416_101710323.jpg


Những gương mặt tại khóa tu Tuổi trẻ hướng Phật - Ảnh: Ngộ Dũng

Khóa tu - những lớp học đặc biệt

Ngày nay, thấm mệt trước những áp lực để sinh tồn, nhiều người bắt đầu tìm kiếm một phương cách để quay về với bình yên bên trong tâm hồn, đặc biệt là những bạn trẻ. Bởi lẽ đó, họ chọn đến với Phật giáo thông qua các khóa tu tại nhiều ngôi chùa, nơi họ có được cơ hội nhận thức và hướng đến cái thiện nhiều hơn.

Từ đây, khái niệm về các khóa tu trở nên gần gũi với mọi người, ở mọi tầng lớp và độ tuổi khác nhau. Nếu trước đây, phần lớn chỉ những người trung niên, lớn tuổi, ít hoạt động ngoài xã hội, hay những gia đình vốn là Phật tử, có người thân tu học tại chùa… mới tham gia vào các khóa tu; thì hiện nay, có thể dễ bắt gặp hình ảnh các bạn thanh thiếu niên và cả các em nhỏ, cũng tích cực tìm đến với hoạt động này.

Theo đó, các khóa tu thường được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau, từ khóa tu ngắn hạn: 1 ngày, hay 2-3 ngày, cho đến khóa tu dài hạn kéo dài một tuần đến một tháng. Mỗi lần như vậy lại chia thành nhiều đợt, trải dài trong năm. Hiện nay, tại các chùa có tiến hành hình thức tu học này, hầu hết đều hướng đến việc tổ chức ngắn hạn, diễn ra hàng tháng, để thuận tiện cho mọi người, nhất là những người đang phải đi làm, đều có thể thu xếp tham gia.

Đơn cử như chùa Giác Ngộ, một ngôi “chùa phố” tọa lạc trên đường Nguyễn Chí Thanh (Q.10, TP.HCM), nơi thường xuyên tổ chức các khóa tu với chủ đề “Khóa tu Ngày an lạc”, “Khóa tu Tuổi trẻ hướng Phật”… dành cho nhiều độ tuổi khác nhau. Theo đó, TT.Thích Nhật Từ, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM, trụ trì chùa cho biết: “Tại chùa Giác Ngộ, nơi chúng tôi thường xuyên tổ chức các khóa tu định kỳ hàng tháng, luôn mong muốn tạo mọi điều kiện khuyến khích Phật tử tham gia. Theo tiêu chí đó, nhà chùa chú trọng các khóa tu ngắn hạn phù hợp cho người trung niên (từ 35 tuổi trở lên) và thanh thiếu niên (từ 12-34 tuổi)”.

Đối với những ngôi chùa có cơ sở vật chất và diện tích thuận tiện cho sinh hoạt số đông, còn tổ chức những khóa tu dài hạn, như chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn), nơi mọi người có được nhiều thời gian hơn để trải nghiệm việc tu tập, thực hành theo nếp sống của một người xuất gia thực thụ. Bên cạnh đó, không chỉ có các khóa tu dành cho người lớn, trẻ em cũng được khuyến khích tham gia bằng những “lớp học đặc biệt” mang tên “Gieo hạt từ tâm” tại Quan Âm tu viện. Đây cũng là cơ sở tự viện hiếm hoi tại TP.HCM có tổ chức khóa tu cho độ tuổi thiếu nhi từ 5 - 12 tuổi, nơi các em được lắng nghe những điều hay lẽ phải, được làm quen nếp đi lễ chùa, đạo lý và giáo lý nhà Phật qua các mẩu chuyện, phim hoạt hình hay vở kịch sinh động, tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, từ đó phát triển hạt giống thiện lành trong các em.

Khóa tu hướng đến giới trẻ nhiều hơn

Số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ năm ngoái cho thấy độ tuổi người vi phạm pháp luật ở nhiều lĩnh vực nhìn chung đang ngày càng trẻ hóa với tốc độ nhanh chóng. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Văn Tuyết, trong phiên thảo luận Quốc hội về việc sửa đổi Bộ luật Hình sự cũng từng khẳng định: “Thời gian qua hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong học đường, hiếp dâm, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện có xu hướng gia tăng…”.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cũng nhấn mạnh: “Gần đây, người vị thành niên phạm tội có xu hướng gia tăng, nhiều vụ có tính chất phức tạp, mức độ vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài cho sức khỏe của người bị hại”.

Thậm chí, hàng năm, tại Việt Nam có khoảng hơn 10.000 người chưa thành niên vi phạm pháp luật bị xử lý trong hệ thống tư pháp (năm 2016). Riêng tại TP. HCM, tội phạm dưới 30 tuổi chiếm hơn 68% trong 7 tháng đầu năm 2016, là con số được Công an TP.HCM thông tin.

Có thể thấy, đây là vấn đề lớn mà toàn xã hội đang rất quan tâm, một thực trạng báo động về giáo dục văn hóa và lối sống cho thanh thiếu niên hiện nay. Bởi lẽ đó, “nhiều ngôi chùa, tự viện v.v… đã bắt đầu chú trọng nhiều hơn việc hướng đến tổ chức các khóa tu dành riêng cho đối tượng thanh thiếu niên. Ở đó, các bạn trẻ được sẻ chia, trao đổi và giáo dục nhân cách, cách điều khiển cảm xúc bản thân, được hướng dẫn trì tụng kinh pháp, thiền… giữ cho thân tâm được thoải mái, giảm thiểu căng thẳng và đặc biệt là trong những ngày diễn ra khóa tu, các bạn sẽ không được sử dụng điện thoại di động hay các phương tiện công nghệ nào khác, nhằm giữ cho việc nghỉ ngơi và tiếp thu được vẹn tròn hơn”, TT.Thích Nhật Từ chia sẻ.

Đồng thời, Thượng tọa cũng khuyến khích các bạn trẻ hiện nay nên tích cực tham gia nhiều hơn vào các “lớp học đặc biệt” như thế này. Bên cạnh việc tạo cho bản thân nền tảng nhân cách tốt, “mở rộng lòng từ bi, một trong những vấn đề then chốt để giải quyết mọi mặt của vấn đề”, TT.Thích Nhật Từ khẳng định. Khi đến với các khóa tu, các bạn trẻ được dịp tạo cho mình các mối quan hệ tốt hơn cùng những người bạn tốt hơn. Từ đây cùng nhau xây dựng một cộng đồng có lòng yêu thương chân thành, lan tỏa hơn ra xã hội và trở thành những người thật sự có ích, hướng đến những suy nghĩ thiện lành.

* “Khóa tu giúp tôi gần con hơn”

Là một trong những người mẹ thường xuyên cùng con tham gia các khóa tu tại nhiều ngôi chùa, chị Đặng Thị Nguyệt (quận Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ: “Do bận rộn với công việc, tôi ít có thời gian giảng dạy, chia sẻ nhiều với con. Vì vậy, với việc các chùa mở khóa tu cho trẻ cùng tham dự như vậy, cải thiện rất nhiều tính cách cho trẻ, những điều mà đôi khi nhà trường và phụ huynh “quên” tận tình dẫn dạy cho cháu.

Về phía cháu, cháu được nghe, được xem những bộ phim về chư Phật, Bồ-tát, được quý thầy, quý cô giải thích cặn kẽ về lòng yêu thương muôn loài, về sự hiếu thuận với ba mẹ là ra sao, từ đó bớt ngỗ nghịch thấy rõ. Thậm chí khi về nhà, bé còn biết tự mình dọn dẹp phòng, ăn cơm, nhường đồ chơi cho bạn… Về phía tôi, tôi thấy hiểu con hơn khi nhìn cháu vui chơi và chia sẻ với các bạn, cũng là một việc phụ huynh chúng tôi ít làm được”.

* “Mình cười từ tận đáy lòng”

Bạn trẻ Nguyễn T.N.H đang là sinh viên năm hai Trường Đại học Công nghiệp (quận Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ: “Mình không được lành lặn nên đi học hay bị bạn bè trêu chọc, cũng không dám thương ai. Có lúc từng nghĩ đến chuyện rời bỏ cuộc đời luôn, nhưng khi tình cờ đến chùa, định bụng là lạy Phật rồi đi, thì mình thấy các bạn ngồi hàng dài trong chánh điện, có một vị thầy đang thuyết giảng. Thấy mình lóng ngóng nhìn, các bạn ngồi phía sau cùng vẫy mình vào ngồi cùng, lúc đó mình nghĩ: “Các bạn không ghê sợ ngoại hình của mình, không xa lánh mình”, và đó là lần đầu từ khi lên Sài Gòn, mình cảm nhận được tình cảm từ người khác.

Đặc biệt hơn, khi nghe quý thầy thuyết về nhân quả, mình thấu được nghiệp tội của mình ở quá khứ và nỗ lực hơn ở hiện tại để có quả tốt cho đời sau. Từ đó, mình cười từ tận đáy lòng, cởi mở hơn và làm như thầy dạy: “từ bi với mình và đời””.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.