Cách nào để làm chủ cảm xúc?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Theo Phật giáo, để làm chủ cảm xúc cần phải huấn luyện và làm chủ tâm bằng cách thực hành thiền định.

Hỏi: Tôi là người nhạy cảm, hay suy nghĩ, tủi hờn và rất dễ rơi nước mắt. Chỉ cần ai đó gợi lại những chuyện buồn tôi vừa trải qua hoặc hỏi đến những việc mà tôi đang kìm nén thì liền bật khóc. Thật sự tôi không muốn khóc trước mặt mọi người. Theo Phật giáo, tôi phải rèn luyện thế nào để có thể làm chủ cảm xúc của mình?

(YẾN YÊN, yenanh...@gmail.com)

Bạn Yến Yên thân mến!

Không làm chủ được xúc động, bật khóc không kiểm soát là biểu hiện của hội chứng rối loạn cảm xúc. Y học ngày nay có khoa tâm lý chuyên trị liệu những rối loạn cảm xúc này. Trong các liệu pháp về thể chất và tinh thần của y học hiện đại dùng để điều chỉnh rối loạn cảm xúc, nhận thấy có sự thừa tiếp một số liệu pháp chuyển hóa và trị liệu tâm bệnh của Phật giáo.

Theo Phật giáo, để làm chủ cảm xúc cần phải huấn luyện và làm chủ tâm bằng cách thực hành thiền định.

Đơn giản nhất là thực tập thiền tập trung tâm ý vào hơi thở (hít vào - thở ra đếm 1… tiếp tục cho đến đếm 10 và quay lại đếm 1… cho đến 10). Sự tập trung vào hơi thở sẽ khiến tâm an tịnh, ít bị phân tán, dễ dàng nhận diện được cảm xúc (hình thành, phát triển, suy yếu, tan biến) để có thể kiểm soát cảm xúc được tốt hơn.

Có thể thực hành thiền chánh niệm, chú tâm theo dõi hơi thở vào ra, tỉnh giác để thấy rõ các thay đổi trong tâm, nhận diện tất cả các cảm xúc sinh diệt mà không phản ứng hay phán xét. Nhờ chánh niệm mà ta có thể chấp nhận được các biến đổi, tăng cường khả năng tự chủ để vượt qua sự quá nhạy cảm, xúc động của bản thân.

Tập suy nghĩ tích cực, nhận thức vấn đề theo hướng lạc quan sẽ khiến cho tâm mình bớt u ám. Mạnh dạn nói ra những điều không vừa ý đang dồn nén trong lòng. Khi trút bỏ được một phần phiền muộn, bực bội, bất mãn (được thải độc) thì tâm sẽ mạnh mẽ, cứng rắn, vững vàng hơn.

Thực hành thiền tha thứ bằng cách tha thứ cho những người đã làm khổ mình. Cầu mong người tha thứ cho mình khi mình từng gây đau khổ cho họ. Tự mình cũng tha thứ cho lầm lỗi của chính mình và phát nguyện sống cao thượng, trong sạch. Tập thiền tha thứ sẽ giúp nội tâm bớt dằn vặt, nhờ đó mà giảm thiểu và kiềm chế được các xúc động mạnh.

Rải tâm từ, trải lòng yêu thương rộng lớn đến với mọi người, mọi loài rộng ra khắp cả mười phương. Tâm từ một khi được nuôi lớn, trưởng dưỡng sẽ mang đến an vui, hỷ lạc, bình an, tĩnh tại trong tâm, nhờ vậy mà làm chủ được cảm xúc.

Thiết nghĩ, những rối loạn cảm xúc khi được xác định là bệnh thì trước cần phải điều trị theo y học. Sau đó kết hợp một cách đúng đắn, phù hợp với thiền Phật giáo để nâng cao hiệu quả trị liệu. Thiền Phật giáo có chức năng chính là thành tựu định, tuệ và giải thoát. Ngoài ra, thiền có tác dụng chữa lành những sang chấn do các tổn thương tâm lý gây ra. Vì thế, khi vận dụng thiền để hỗ trợ trị liệu một số hội chứng tâm lý, người bệnh cần phải tuân thủ theo phác đồ cùng những chỉ định, giám sát, điều chỉnh của các nhà chuyên môn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.