Bếp củi một thời của mẹ

GNO - Lên xe rồi, mặc cho xe chạy hàng đêm về quê ăn tết, mặc cho chật chội, mặc cho chuyện vặt bên đường, mặc cho mệt nhọc… tôi vẫn nhắm mắt nằm mơ màng nhớ về cái tết của những ngày xưa… rất xưa.

Những ngày xuân về nhớ mẹ quá đỗi. Nhớ nhất là khi thắp cho mẹ nén nhang, nhìn khói nhang bay bay, con nhớ những tháng năm mẹ khổ cực gồng gánh nuôi con, bán từng cộng rau, cấy từng cây lúa, làm ra hạt gạo đã khó mà còn phải xay lúa giã gạo nấu cơm bằng bếp củi, khói bay bay khắp gian nhà tranh.

bepcui.jpg

Nhớ mẹ, thương làm sao một thời bếp củi, cái thuở khó nghèo cơm độn sắn, độn bắp bên bếp lửa hồng, bữa cơm chiều quây quần mà vẫn thấy ngon sao. Đó là một thời lem luốc, nhiều khi vương nhọ nồi đầy mặt, tuổi thơ từ tro bếp lấm láp mà khôn lớn lên người.

Nhớ sao gian bếp củi ngày xưa, nơi ấp yêu từng hơi ấm nồng đượm, nơi ủ kín yêu thương trong sâu thẳm tâm hồn, nơi thắp lên ngọn lửa nồng nàn của niềm tin và hy vọng, cho ta bước đi giữa cuộc đời nghe vững đôi chân. Từ gian bếp củi lấm láp bụi tro, là ánh lửa hồng tí tách, là bữa cơm nghèo bên bếp lửa cả nhà bên nhau, là cả khung trời biết bao yêu thương, kỷ niệm…

Nhớ dáng mẹ sớm chiều tần tảo, cả một đời chỉ biết lặng lẽ hy sinh, cho bếp lửa trong nhà luôn ấm, cho gia đình luôn được yên vui. Có những hôm làm đồng về sớm, mẹ tranh thủ ra vườn nhặt củi về trữ trên giàn, trên cây cao, hoặc gôm lá khô… Này là mớ rơm khô mẹ để dành nhóm bếp vào những ngày mưa. Này là những que củi chắt thịt mẹ cất riêng chỉ giành để đun nước sôi cho con tắm.

Nhớ những chiều mẹ lụi hụi trong bếp, loay hoay cả buổi mới nấu xong bữa cơm, có cả những lần khói bếp nhiều làm mẹ ho sặc sụa. Mẹ giải thích trúng củi mục nên nhiêu khói. Khói bếp cay xè một thời như thế, đến bây giờ vẫn còn nghe ở sống mũi cay cay.

Một thời bếp củi, tuổi thơ ta có biết bao kỷ niệm thân thương, ấm áp như bếp lửa xì xèo đượm hương củi mới, êm đềm như từng lọn khói chiều chiều nhẹ tỏa trên những mái tranh nghèo. Nhớ những chiều mùa đông, mưa giăng khắp trời mờ mịt, cánh đồng trước nhà trắng nước mênh mông. Không còn việc gì làm, cả nhà lại ngồi quanh bếp lửa, bên nồi sắn luộc nóng hổi của mẹ, cha kể chuyện tết sắp tới mua quần áo cho con thơ. Những ước mơ bên bếp lửa của cha ngày ấy, đến tận bây giờ vẫn còn thổn thức, như ánh lửa mùa đông thao thức những ước mơ một thuở dại khờ.

Nhớ những ngày trở gió, gió mùa đông bắc thổi về lạnh run cả người, thương con hay đau, cha lại nhóm bếp ngồi một mình lặng lẽ. Cái lạnh của một thuở nghèo khó tái tê hơn nhiều. Thương đôi tay cha một đời cuốc cày thô ráp, cứ miệt mài hơ lửa xoa bụng cho con hằng đêm. Thương bát nước gừng cay nồng nửa khuya mẹ nấu cho con bớt cơn ho. Một đời cha mẹ nghèo khó, nhưng yêu thương dành cho con không có gì sánh bằng. Đơn sơ như bếp củi, mộc mạc như than tro nhưng yêu thương ấy ấm áp như ánh lửa chiều đông, và đượm nồng như hơi nóng của bếp lửa cha mẹ nhóm ngày xuân nấu bánh chưng.

Qua rồi một thời bếp củi. Gian bếp xập xệch với tro củi vương vãi khắp nơi cũng lùi dần vào quá khứ. Cuộc sống ngày một phát triển, theo tuổi thơ qua đi, người ta rồi cũng sẽ quên dần cái bếp củi tro lấm láp của một thời nghèo khó.

Tết về, bỗng nhớ cái bếp củi của ngày xưa. Nhớ mùi khói bay bay quanh nhà, nhưng nhớ nhất vẫn là bếp củi nấu bánh chưng ngày tết, mà mẹ đã thức cả đêm để nấu, sáng sớm còn vớt cho con ăn trước cái bánh nhỏ… giờ thì mẹ không còn nữa, con về với nhà xưa và đầy ắp kỷ niệm.

 Nguyễn Văn Dũng
(Bình Thạnh, TP.HCM)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.