Bệnh cảm càng nghiêm trọng hơn khi “ở một mình”

GNO - Nếu bạn bị cảm mà tiếp xúc với nhiều người thì có thể bị “quy trách nhiệm” là làm “lây bệnh” cho người khác. Tuy nhiên, ở một mình hay có cảm giác đơn độc có thể thật sự làm cho biểu hiện bệnh trở nên nặng hơn - theo một nghiên cứu gần đây.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, khi một người đang bị bệnh cảm nếu càng cảm thấy cô đơn thì người đó sẽ càng khó chịu hơn với bệnh tình của mình. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, chúng ta có thể cảm thấy đơn độc bất kể số lượng bạn bè mình có, cho dù là có nhiều bạn đi chăng nữa.

28-cough_ttnq.jpg


Ảnh minh họa

Các nghiên cứu trước đây cũng có phát hiện tương tự, khẳng định sự kết nối xã hội có thể đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mỗi người - chia sẻ của giáo sư tâm lý học John Cacioppo (Đại học Chicago), đồng tác giả của quyển Sự đơn độc: Bản chất của con người & Nhu cầu kết nối xã hội, phát hành bởi W. W. Norton & Company năm 2008.

“Đơn độc là một yếu tố nguy cơ lớn đối với sức khỏe kém, cả về thể chất lẫn tinh thần”. Có khoảng 5-10% dân số thế giới cho biết họ có cảm giác đơn độc thường xuyên hay liên tục và có thêm khoảng 20-30% cho biết thi thoảng có cảm giác đơn độc, theo thống kê của chuyên gia John Cacioppo.

Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu quan sát 213 người khỏe mạnh, thu thập dữ liệu về sự đơn độc mà họ cảm nhận và “quy mô” của các mạng lưới xã hội của họ. Các chuyên gia cũng quan sát “sự đa dạng” của các mạng lưới, tức các loại mối quan hệ khác nhau như với bạn bè, vợ hoặc chồng mình, đồng nghiệp.

Sau đó, những người này được cho tiếp xúc với một loại virus gây cảm lạnh và “được cho ở một mình” trong khách sạn để đánh giá về tác động của các kết nối xã hội với khả năng hồi phục bệnh cảm lạnh này. Trong số đó, có 159 người bị mắc bệnh với gần 60% là nam, trong độ tuổi từ 18-55 và trung bình là 30 tuổi.

Trong thời gian 5 ngày, người tham gia đánh giá mức độ trầm trọng của 8 biểu hiện mắc cảm lạnh của bản thân mình mỗi ngày. Các biến quan sát khác như tuổi tác, giới tính, chỉ số khối cơ thể BMI, mùa (thời gian nghiên cứu được tiến hành) và một số biểu hiện của suy nhược tinh thần cũng được kiểm soát. Kết quả cho thấy, người có mức độ cảm giác đơn độc càng cao thì có biểu hiện bệnh càng nghiêm trọng hơn.

Một nghiên cứu năm 2015 đã cho thấy cả sự đơn độc thật sự và sự đơn độc do tri nhận cũng đều tác động đến sức khỏe của chúng ta. Theo đó, cảm giác đơn độc làm tăng 26% nguy cơ tử vong trong thời gian nghiên cứu và sự đơn độc trong tương tác xã hội làm tăng 29% nguy cơ tử vong - theo Tạp chí Perspectives on Psychological Science.

Đức Hòa (theo Live Science)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.