Báo chí Phật giáo trong dòng chảy báo chí cách mạng

GN - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, vào tháng 4-2019. Ngày 4-6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã ký ban hành kế hoạch triển khai sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.

Đối với TP.Hồ Chí Minh, Bộ trưởng yêu cầu có đề án thực hiện việc sắp xếp theo quy hoạch còn tối đa 5 cơ quan báo chí, không tính các cơ quan báo thuộc tổ chức tôn giáo. Như vậy, Báo Giác Ngộ với lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với công cuộc xây dựng đất nước sau ngày thống nhất (1975) cho tới nay, là cơ quan báo Phật giáo duy nhất (không tính các tạp chí thuộc các ban ngành, viện, hệ phái) được tiếp tục duy trì và phát triển.

64756217_2445124245510503_4266531730577424384_o.jpg


Trụ sở báo Giác Ngộ tại số 85 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM - Ảnh: NT

Nếu lịch sử báo chí cách mạng bắt đầu với báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, ra số đầu tiên vào ngày 21-6-1925, thì lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam cũng được hình thành rất sớm, chỉ 4 năm sau đó, với tạp chí Pháp Âm do Thiền sư Khánh Hòa (1877- 1947) chủ trương, xuất bản cuối năm 1929.

Nếu báo chí cách mạng gắn liền với công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước độc lập, tự chủ và phát triển thì báo chí Phật giáo gắn với phong trào Chấn hưng Phật giáo trong xu hướng chấn hưng dân trí nửa đầu thế kỷ XX tại nước ta.

Tạp chí Pháp Âm sau khi ra số đầu tiên đã bị chính quyền bảo hộ thời bấy giờ đình bản, nhưng tầm quan trọng của báo chí đã được chính Thiền sư Khánh Hòa nhấn mạnh trong nội dung 4 phương diện chấn hưng Phật giáo cần thực hiện. Đó là lập hội Phật giáo, tuyển dịch kinh điển ra chữ Quốc ngữ và mở trường đào tạo nâng cao trình độ của người xuất gia và xuất bản báo chí.

Sau nền móng đầu tiên đó, liên tiếp các hội được thành lập, báo chí được xuất bản ở trong Nam, ngoài Trung và ở miền Bắc, liên kết những tấm lòng chấn hưng; phê phán những tư duy bảo thủ, bám víu các tập tục chỉ vì những lợi ích trước mắt; khích lệ, vận động vượt qua thái độ ngại ngùng, phát huy tinh thần cởi mở, trí tuệ, mạnh mẽ và đầy tình thương, trách nhiệm mà Đức Phật đã dạy.


Xem clip kỷ niệm 43 năm thành lập Báo Giác Ngộ

Sau ngày thống nhất đất nước, cuối năm 1975 báo Giác Ngộ được cấp giấy phép hoạt động báo chí, là tiếng nói của Phật giáo yêu nước, ra số đầu tiên vào ngày đầu năm 1976. Nhiều năm sau đó, báo Giác Ngộ là chiếc cầu nối phổ biến thông tin về tình hình đất nước đến Tăng Ni, Phật tử; đồng thời chuyển tải tâm tư nguyện vọng của tín đồ Phật giáo đến lãnh đạo.

Khoảng 15 năm trở lại đây, một số tạp chí chuyên ngành nghiên cứu Phật giáo cũng được ra đời, đặc biệt là với mạng thông tin toàn cầu, nhiều trang tin điện tử cũng đã được xây dựng, tuy nhiên trong đó chỉ một số rất ít trang có giấy phép hoạt động trong phạm vi trang tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội mà chưa phải là cơ quan báo chí.

Việc báo Giác Ngộ nói riêng và báo chí của tổ chức tôn giáo nói chung không ở trong diện phải quy hoạch, có thể nói Chính phủ đã ghi nhận những đóng góp của báo chí Phật giáo trong nền báo chí cách mạng, vì mục tiêu chung là xây dựng đất nước ổn định, phát triển.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.