Bàn về lòng vị tha

NSGN - Bàn về lòng vị tha - một ấn phẩm dày 900 trang do Matthieu Ricard - nhà khoa học, nhà sư người Pháp viết và được Nhà xuất bản Nil tổ chức ấn hành. Bài phỏng vấn sau đây được thực hiện bởi Mạng nghiên cứu Cles.com với chính tác giả.

Theo Matthieu Ricard, chừng nào " tính chất phổ biến của tính Thiện" được thừa nhận một cách rõ ràng, thì khi đó có thể nghĩ tới việc thực hiện một tương lai chung của tất cả chúng ta.

MATTHIEU-RICARD.jpg
Thầy Matthieu Ricard

Hỏi: "Bàn về lòng vị tha" tập hợp những trải nghiệm qua  hai cuộc đời: cuộc đời của một nhà khoa học và cuộc đời của một nhà sư Phật giáo, phải chăng vì thế mà đây dường như là cuốn sách tầm cỡ nhất của ông?

- Matthieu Ricard trả lời  - Chưa bao giờ công việc viết lách lại khiến tôi say sưa đến thế. Trong cuốn sách, tôi đã tập hợp các khảo sát tiến hành trong nhiều năm ròng, những lời dạy của các vị thầy tâm linh của tôi và những kiến thức của các đồng nghiệp khoa học của tôi.

Đặc biệt là hai năm vừa rồi (tôi đã viết trong 5 năm), tôi đã tranh thủ những lúc rảnh rỗi để viết sách: viết trong xe hơi (có khi ở độ cao 5.000m so với mặt biển ở Tây Tạng), viết trong khi chờ lấy hành lý ở sân bay, trong tàu điện ngầm, ngày cũng như đêm. Tôi phải nói rằng từ 25 năm nay, trong các bài giảng cho công chúng,  Đức Dalai Lama luôn nói về lòng cảm thông, lòng từ, về việc chấn hưng các giá trị nhân bản và đạo đức đã có từ lâu đời.

Có phải cuốn sách nhằm mục đích lôi kéo lòng vị tha ra khỏi đầm lầy  trừu tượng của lòng tốt để biến nó thành một động lực cho sự phát triển?

- Đâu cần phải lôi kéo nó! Sai lầm lớn nhất là cho rằng lòng vị tha là một ảo tưởng ấu trĩ. Thực ra, ngày nay chúng ta biết rằng từ hàng tỷ năm rồi, tính hợp tác đã đóng vai trò chính trong năng lực sáng tạo cần thiết cho quá trình tiến hóa - nó còn cần thiết hơn nhiều so với tính cạnh tranh. Cái "đầm lầy" mà anh nói tập hợp chủ yếu những người không nghiên cứu về vấn đề này, song lại dựng lên những thực tế viễn tưởng.

Trong quá  trình  tìm hiểu về chủ nghĩa vị tha tôi đã gặp ở mọi nơi trên thế giới những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học, thần kinh học, phong tục học, sinh thái học, kinh tế học hay trong các ngành khoa học về quá trình tiến hóa. Tất cả họ đã khẳng định ngày càng rõ ràng hơn rằng lòng vị tha và tính hợp tác hiện là tâm điểm của loài sinh vật và rằng chúng ta phải tạo điều kiện cho những giá trị này lan tỏa trong xã hội. Điều đó thay đổi hoàn toàn cái nhìn của chúng ta về thế giới, và do đó, thay đổi hành động của chúng ta.

Nhưng với con người thì tiến trình ấy có bị sai lệch đi không?

- Ngược lại chứ! Darwin đã chứng minh rằng trong giới động vật bầy đàn mà trong đó có chúng ta, những nhóm có các thành viên mang tính hợp tác và biết sống vì kẻ khác có cơ may sống sót hơn qua quy luật  đào thải tự nhiên. Theo ông, "những bản năng xã hội thúc đẩy sinh vật tìm thấy cảm hứng trong một cộng đồng của những kẻ giống mình, thúc đẩy nó có một mối cảm tình nào đó với đồng loại và phục vụ đồng loại bằng nhiều cách". Ngược lại với cái mà con người vẫn thường tin, ý kiến cho rằng thiên nhiên là "một khu rừng hoang dã và ích kỷ" không phải là của Darwin, mà là của Herbert Spencer và của những nhà tư tưởng theo chủ nghĩa tự do.

Chưa bao giờ lòng vị tha lại trở thành vấn đề có tính thời sự như ngày nay, và chúng ta phải chuyển qua một mức độ hợp tác cao hơn. Tin vui là tiến trình này đang diễn ra đằng sau những bề ngoài đôi khi có tính giấu mặt. Ví dụ hiện nay, hàng triệu các tổ chức phi chính phủ trên toàn thế giới đang làm một công việc khổng lồ để giúp đỡ phụ nữ và trẻ em hay những người cao tuổi, để bảo vệ thiên nhiên, để áp đặt những quyền con người, để phát minh ra những kỹ thuật "xanh", để làm lan rộng những giá trị dân chủ…Ấy vậy mà các tổ chức đó đâu phải do các vị Thánh quản lý, mà là những con người như anh và tôi mà thôi.

Ông đã kể ra nhiều tấm gương về lòng vị tha trong cuộc sống thường nhật, như  trường  hợp  nữ  y tá Thái Lan 40 tuổi Chompunut, một mình chăm sóc 1.300 tù nhân trong khi bản thân bà không phải là thầy thuốc. Hoặc ông Joynal Abedin, lái xe ở Bengali 60 tuổi đã xây một trạm xá trong ngôi làng của ông bằng số tiền 2 Euro đạp xe mỗi ngày trong 30 năm ròng…

- Điều làm tôi ấn tượng nhất ở những con người đó là nom họ rạng rỡ cả về thể chất lẫn tinh thần. Và họ không bao giờ mệt mỏi! Họ thật đáng được ngưỡng mộ. Song tôi không hề thấy họ là những người xuất chúng. Họ đã thực hiện câu nói của Marc Aurèle: "Giúp đỡ là một hành vi phù hợp với tự nhiên (bản chất)". Khoảng 1/5 và 1/3 dân số châu Âu tham gia vào các hoạt động từ thiện - ở Pháp là 1/4. Thường thì đó là những quan hệ giúp đỡ. Đa phần những cử chỉ vị tha diễn ra mà ta không để ý. Các phương tiện truyền thông thì lại càng không chú trọng tới những thông tin này, mà  chỉ  soi mói  các  thông tin về biểu hiện tội phạm, dù là nhỏ nhất.

Nhà tâm lý học Jacques Lecomte đã nghiên cứu xem con người ứng xử như thế nào khi có thảm họa lớn xảy ra. Đại  đa số  mọi  người  đều ứng  xử  tận tâm và thể hiện tình  đoàn kết một cách sâu sắc. Chỉ một thiểu số rất nhỏ có thể lợi dụng hoàn cảnh đó để cướp bóc hoặc hãm hiếp - điều mà các phương tiện truyền thông không bỏ lỡ cơ hội để làm rùm beng. Song sẽ là ngây thơ nếu kết  luận  rằng con người có bản chất xấu xa bởi  vì  những thông tin xấu  thu hút  sự  quan tâm của  số  đông người - các nhà báo thừa biết điều này. Thực ra phải hiểu ngược lại mới đúng: sở dĩ  cái Ác kích  thích  tính tò mò đó  là  vì  nó bất  bình  thường (sai lệch)! Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta cần phải thay đổi cách nhìn về thực tại. Và về chính bản thân chúng ta.

Không phải ai cũng tin vào lòng vị tha…

- Đối  với  các nhà kinh tế theo trường phái cổ điển, khái niệm này rất khó chấp nhận, nhất là vì họ ngày càng bị chi phối bởi quan điểm tài chính mang tính ngắn hạn. Và bởi vì xã hội của chúng ta tiếp tục đánh đồng giữa chất lượng (cuộc sống) với số lượng (nguồn  lực), trong khi ngày nay các con số thống kê cho thấy sự thỏa mãn về cuộc sống của chúng ta phụ thuộc nhiều vào sự phong phú của các mối quan hệ hơn là sự giàu sang về vật chất.

Song càng ngày càng có nhiều "các nhà kinh tế theo chủ nghĩa vị tha" và các nhà kinh tế môi trường. Lòng vị tha hơn bao giờ hết được đặt ra như kim chỉ nam không thể thiếu cho phần tiếp theo của cuộc phiêu lưu của loài người. Đó là bởi vì chúng ta đã tiến vào thời kỳ loài người là trung tâm, có nghĩa là tiến vào một kỷ nguyên địa chất trong đó con người là nhân tố số một. Từ nay trở đi, chính số phận của sinh quyển, tức là số phận của các thế hệ tương lai, nằm trong tay chúng ta. Nếu  không có lòng vị tha thì không thể giải quyết được  vấn đề này. Chủ nghĩa vị tha và chủ nghĩa vị kỷ là tâm điểm của vấn đề môi trường. Vì thế, điều cốt yếu là phải  dành mọi mối quan tâm cho các thế hệ tương lai như  họ  xứng đáng được hưởng.

Tất nhiên cũng chẳng thiếu gì những tấm gương phản diện. Trong cuốn sách, tôi có dẫn chứng một vài trường hợp điển hình  công khai khuếch trương chủ nghĩa vị kỷ. Tư tưởng vị kỷ của nữ triết gia Ayn Rand có ảnh hưởng rất mạnh ở Mỹ và bà này khẳng định rằng "chủ nghĩa vị tha là vô đạo đức". Nói tới mực nước của các đại dương đang tăng lên, nhà tỷ phú Steven Forbes tuyên bố: "Thật  kỳ quặc nếu cho rằng phải thay đổi cách ứng xử của chúng ta bởi một  điều nào đó sẽ xảy ra trong 100 năm nữa".

Hoặc sống sượng hơn, ông chủ của Công đoàn những người bán thịt lớn nhất nước Mỹ nói: "Công việc của chúng tôi là bán được nhiều thịt nhất có thể. Còn điều đó có ảnh hưởng đến hành tinh này hay không thì đó không phải là chuyện của chúng tôi". Groucho Max đã chỉ ra sự phi lý của quan điểm trên qua câu bông đùa nổi tiếng của ông: "Cớ sao tôi phải quan tâm đến các thế hệ tương lai kia chứ? Họ đã làm được gì cho tôi nào?".

Đáng nói hơn là kể từ thế kỷ thứ XVII một nhân sinh quan hoàn toàn mang tính ích kỷ đã thống trị một phần lớn trường  phái triết học và tâm lý học. Tóm lại, từ Hobbes đến Nietzsche hoặc Freud, khuynh hướng này ngày càng gia tăng và được tóm lược trong câu nói mới đây của nhà sinh học Michael Ghiselin: "Hãy gãi lên bề mặt của người vị tha rồi ta sẽ thấy kẻ vị kỷ chảy máu" - ý  nói  là đằng sau những vẻ bề ngoài của lòng vị tha cao đẹp nhất, thực ra người ta chỉ nhắm vào lợi ích của chính mình mà thôi.

Cuốn sách của ông kể về ba thế kỷ tranh đấu giữa luận điểm  này và luận  điểm  ngược lại được bảo vệ bởi Hume, Rousseau và Einstein. Và ông vẫn bị sốc khi thấy rất nhiều nhà khoa học tiếp tục nhìn nhận con người như một kẻ vị kỷ.

- Bởi vì những luận cứ của họ thiếu cơ sở! Chúng không lô-gic (hợp lý) và không dựa một chút nào vào thành tựu của 40 năm nghiên cứu vừa qua. Nhưng công trình nghiên cứu đồ sộ này đã lần lượt bẻ gãy mọi luận cứ của những người còn hoài nghi và buộc họ phải xem xét lại quan điểm.

Có phải vì lý do này mà ông đã bác bỏ toàn bộ ngành phân tâm học một cách khá kiên quyết?

- Tôi không bác bỏ ai cả. Tôi dẫn ra điều mà Freud đã nói về chủ nghĩa vị tha. Ông ta tạo dựng một hình ảnh mất giá trị về con người, ví dụ như: "Tôi đã khám phá ra rất ít điều tốt lành ở con người. Theo như tôi biết, phần lớn trong số họ chỉ là những kẻ đốn mạt…". Ông cho rằng: "Trẻ em rất ích kỷ…". Nhưng điều đó là sai! Nhiều công trình nghiên cứu, trong đó có công trình của Warneken và Tomasello tại Học viện Max Planck (Leipzig), đã bác lại những khẳng định kia và chứng minh rằng trẻ em phần lớn là những người cộng tác và vị tha vô điều kiện cho tới tận 5 tuổi. Một số công trình khác đã chứng minh rằng các cháu bé 2 tuổi thích cho kẹo hơn là ăn. Người ta cũng thấy đức tính giúp đỡ và cộng tác ở nhiều loài động vật có vú khác. Chúng ta đã kế thừa tính vị tha suốt hàng triệu năm tiến hóa chung.

Vậy còn cái Tôi?

- Không nên nhầm lẫn cái Tôi với sự tự tin. Cái Tôi là một tạo dựng của tâm thức khiến chúng ta dễ bị tổn thương. Nếu bạn vứt bỏ được cảm xúc thái quá về tầm quan trọng của bản ngã và bạn không quá mẫn cảm trước những lời khen, chê, trước những được, mất thì bạn sẽ luôn không cảm thấy bị đe dọa và bạn sẽ sẵn sàng trợ giúp người khác.

Với 900 trang, cuốn "Bàn về lòng vị tha" cho thấy một số lượng khổng lồ những nghiên cứu được tiến hành trong mọi lĩnh vực, về tha giác, sự hợp tác, lòng nhân từ… Từ đâu mà xuất hiện sự bùng nổ đáng kinh ngạc này?

- Khuynh hướng nhìn nhận tiêu cực về con người đã thực sự giảm đi trong những năm 1970-1980 cùng với sự phát triển của kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hệ thần kinh trung ương và những nghiên cứu về "hộp đen" của não bộ con người. Nói rất ngắn gọn, tức là một người quen vun bồi những tình cảm vị tha sẽ tạo ra cho mình những mạng lưới thần kinh đặc thù, dày đặc hơn, tích cực hơn và được kết nối nhiều hơn với các khu vực khác của não bộ. Những thay đổi trên đã được xác nhận là có lợi cả cho sức khỏe tinh thần lẫn sức khỏe thể chất. Những nghiên cứu trên thực tế đã minh chứng rằng lòng vị tha là tuyệt đỉnh của các cảm xúc tích cực và chúng ta đã biết những kết quả của chúng có lợi như thế nào.

Cần tới 900 trang sách để nói về chủ đề này là bởi vì tôi muốn trình bày vô số những phản bác đối với luận đề về chủ nghĩa vị tha, từ phía những người còn hoài nghi. Đối với những người này, trước một tấm gương về lòng vị tha, họ đều nói: "Đúng rồi, song đó chính là chủ nghĩa vị kỷ trá hình".

Về những công trình nghiên cứu của các chuyên gia nổi tiếng được nêu ra trong cuốn sách, tôi có may mắn được kết bạn với phần lớn trong số các nhà khoa học này, như nhà tâm lý học Daniel Batson - người đã tiến hành liên tiếp không dưới 35 công trình nghiên cứu trong suốt 30 năm qua tại Đại học Kansas để vô hiệu hóa dần dần những lập luận của những kẻ hoài nghi; hay Richard Davidson và Antoine Lutz-chuyên gia thần kinh tại Đại học Madison; hoặc Tania Singer - Giám đốc khoa thần kinh xã hội của Viện Max Planck tại Leipzig, rồi Paul Ekman - chuyên gia về cảm xúc của Đại học San Francisco; Barbara Fredickson của Đại học Bắc Caroline; Frans de Waal của Đại học Emory và rất nhiều đồng nghiệp khác nữa.

Khi người ta nói tới lòng vị tha của người đã xông vào đám cháy hoặc lao xuống dòng nước lạnh giá để cứu một người khác, hoặc khi người ta nghiên cứu những động cơ của những người "chính trực công bằng" che giấu những người dân Do Thái trong chiến tranh thì khó có thể cho rằng đó là do lòng vị kỷ hoặc xuất phát từ bản ngã đã được che đậy.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dễ dàng minh chứng cho những động cơ dẫn tới hành động - dù những hành động như vậy có đáng khâm phục đến đâu đi nữa - để thuyết phục những người vẫn bám chấp vào cái nhìn bi quan về bản chất con người. Vì thế, những thử nghiệm khoa học là cần thiết. Ngày nay, chúng ta đã có bằng chứng rằng một kẻ hoàn toàn ích kỷ sẽ rơi vào cảnh ốm đau và chết vì cô độc sau khi đã khiến những người thân của hắn bất hạnh. Chính vì vậy, cuốn "Bàn về lòng vị tha" là sự tiếp nối của cuốn "Bàn về hạnh phúc" của tôi xuất bản vào năm 2004. Vị tha và hạnh phúc đi liền với nhau. Đi tìm kiếm một niềm hạnh phúc ích kỷ chắc chắn sẽ thất bại.

Những bằng chứng khoa học hùng hồn nhất có được là xuất phát từ những thử nghiệm đáng kinh ngạc bằng máy chụp scanner. Bản thân ông cũng đã qua trải nghiệm bởi vì các nhà thần kinh học rất quan tâm tới não bộ của ông - một vị thiền sư lớn…

- Đúng thế. Đã từ 20 năm nay, ngành khoa học thần kinh thực hành khám phá bộ não trong trạng thái thiền định cũng như tác động rèn luyện trí óc trong ngắn hạn và dài hạn. Người ta biết được việc rèn luyện trí óc trong một thời gian dài sẽ kích hoạt đặc biệt một số vùng của vỏ não và làm ngưng trệ một số vùng khác. Song các nhà nghiên cứu đã đi xa hơn nhiều bằng cách yêu cầu những người làm thí nghiệm tập trung vào những cảm xúc đặc thù.

Ví dụ chỉ tập trung vào tha giác, tức là đồng cảm với những gì mà người khác cảm thấy; hoặc chỉ tập trung vào sự cảm thông, tức là mong ước hết lòng cho người kia vượt qua được khổ đau; hoặc tập trung vào lòng yêu thương tha nhân, mong muốn người khác được hạnh phúc và bao bọc họ bằng lòng nhân từ. Mỗi trạng thái trên lại kích hoạt các hệ thống thần kinh khác nhau.

Phương pháp nâng cấp độ - từ chỗ chỉ đơn giản là phản ứng cộng hưởng về cảm xúc, tới tha giác và cảm thông, rồi cuối cùng là lòng vị tha chân chính, liệu có khiến chúng ta rơi vào trạng thái ngày càng bị kích động không?

- Xúc động khi thấy người khác đau khổ, cảm thấy chính mình cũng khổ đau bởi vì người kia khổ đau, vui khi thấy người vui và buồn khi thấy người buồn chính là sự cộng hưởng cảm xúc. Các nhà nghiên cứu đã nhận ra rằng một phần của hệ thống não bộ gắn với sự đau đớn đã được kích hoạt ở những người tập trung quan sát người khác đang đau đớn. Như vậy, họ đã đau khi nhìn thấy người kia đau. Một khi lặp đi lặp lại rất nhiều lần thì sự cộng hưởng tha giác với nỗi đau có thể dẫn đến kiệt quệ cảm xúc và tuyệt vọng. Đó là trải nghiệm thường xuyên của các y tá, thầy thuốc và hộ lý liên tục tiếp xúc bệnh nhân trong tình trạng vô cùng đau khổ.

Trong những lần trao đổi với Tania Singer, chúng tôi đã nhận thấy rằng sự cảm thông và tình yêu thương tha nhân thường được xếp vào những cảm xúc tích cực. Vì thế, chúng tôi cho rằng hội chứng mệt mỏi trong công việc thực ra là một sự "mệt mỏi của tha giác" chứ không phải của lòng cảm thông. Lòng cảm thông thực ra làm tăng thêm sức mạnh tinh thần, sự thăng bằng nội tâm và quyết tâm giúp đỡ những người đang khổ đau với bầu nhiệt huyết và lòng trắc ẩn. Tóm lại, theo quan điểm của chúng tôi, tình thương yêu và sự đồng cảm không gây ra mệt mỏi và hao mòn sức lực, ngược lại, nó giúp chúng ta vượt qua mệt mỏi, hao mòn và chế ngự chúng nếu có. Tania đã tiến hành nhiều công trình nghiên cứu để khẳng định quan điểm này.

Ba phạm trù trên - thương yêu tha nhân, tha giác và lòng cảm thông - đương nhiên gắn liền với nhau. Trong tình thương yêu tha nhân, tha giác phát khởi khi ta đối diện với những nỗi khổ niềm đau của chúng sinh, sự đối diện này làm nảy sinh lòng cảm thông - tức là mong muốn cải thiện những đau khổ kia và những nguyên nhân gây ra chúng. Như vậy, khi tình thương yêu tha nhân đi qua lăng kính của tha giác thì nó sẽ trở thành lòng cảm thông. Mới đây, tôi có tranh luận với một nữ y tá thường xuyên phải đối mặt với những đau đớn và những vấn đề của bệnh nhân, như phần lớn các đồng nghiệp của chị. Chị nói với tôi rằng trong những khóa đào tạo nhân viên chăm sóc mới đây, người ta nhấn mạnh tới "sự cần thiết phải giữ một khoảng cách về cảm xúc đối với các bệnh nhân" để tránh hội chứng mệt mỏi trong công việc, gây phương hại đến nhiều người làm việc trong ngành y tế.

Người phụ nữ đầy nhiệt huyết này thổ lộ với tôi: "Thật là lạ, tôi có cảm giác mình được một điều gì đó khi chăm sóc những người đang đau đớn, song tôi lại thấy như mình có lỗi vì cảm nhận một điều gì đó mang tính tích cực". Điều mà chị nhận thấy là, trái ngược với sự tuyệt vọng mang tính tha giác, tình thương yêu và sự đồng cảm là những trạng thái tinh thần tích cực, chúng củng cố khả năng chống đỡ của nội tâm trước những khổ đau của tha nhân. Tình yêu thương tha nhân và sự cảm thông có thể được vun bồi. Vì thế, cần phải đưa việc luyện rèn chúng vào chương trình nghiên cứu y học. Điều này sẽ khiến giảm đi hội chứng mệt mỏi trong công việc.

Các nhà thần kinh học đều ngỡ ngàng trước sự hiện diện dày đặc và ổn định của "các mạng lưới vị tha" trong bộ não các thiền sư nổi tiếng, trong đó có ông (qua 10.000-50.000 giờ trải nghiệm hành thiền), mặc dù người ta cứ dùng những hình ảnh tiêu cực tác động vào các thiền sư này.

- Đúng là đáng ngạc nhiên thật, nhưng cái chính là rất nhiều nhà nghiên cứu đã chứng minh được rằng chỉ sau vài tuần, những thay đổi chức  năng và cơ cấu đã xuất hiện trong não bộ của những người mới học và thực hành thiền 30 phút mỗi ngày. Khi nghiên cứu một dạng rèn luyện khác, các chuyên gia người Israel đã chứng minh rằng chỉ sau 6 giờ, cơ chế thần kinh mềm dẻo của não bắt đầu có thay đổi ở mức độ rất nhỏ.

Tính khả biến của hệ thần kinh và ngành y học biểu sinh là nền tảng giúp chúng ta khám phá ra một nhận thức khoa học cơ bản: di truyền mà chúng ta thừa hưởng chỉ là cơ sở nghiên cứu ban đầu. Chúng ta có khả năng biến đổi não bộ của mình và thay đổi cách thể hiện của những gien ta có. Như vậy, chúng ta có thể trở thành những con người "khác", vị tha hơn, thăng bằng hơn, thanh thản hơn.

Nhưng một biến đổi mang tính cá nhân có thể thay đổi được cả xã hội hay sao?

- Trong bài "Không phải chỉ do gien" (Báo Đại học Chicago, 2006), nhà sinh học Peter J. Richerson và nhà nhân chủng học Robert Boyd đã chứng minh rằng sự phát triển của các nền văn hóa nhanh hơn nhiều so với quá trình tiến hóa của gien chúng ta. Sự phát triển này tạo điều kiện thiết lập các viện xã hội, và các viện này đã đặt ra những tiêu chuẩn ứng xử và theo dõi xem con người có tôn trọng những tiêu chuẩn ứng xử này hay không, nhằm đảm bảo tính hài hòa cho cuộc sống cộng đồng. Mặc dù cùng mang những gien như những người cổ xưa, song chúng ta khác họ. Đây là một tiến trình Darwin, song theo kiểu nhanh hơn: trong 50 năm, một nhóm được lập ra trên cơ sở lòng vị tha và đoàn kết có khả năng đưa ra những lợi ích có tính chất quyết định so với nhóm được lập ra trên cơ sở cạnh tranh và vị kỷ.

Hãy lấy ví dụ tương lai môi trường của chúng ta, điều mà cách đây 30 năm rất ít người quan tâm, còn bây giờ thì ai cũng thấy tầm quan trọng: một cuộc điều tra đã cho thấy có 20% người bàng quan, 20% sẵn sàng hy sinh dù điều gì sẽ tới và 60% còn lại sẽ cố gắng nếu những người khác cũng nỗ lực như họ. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của những thiểu số tích cực, những người làm biến đổi tư tưởng; cũng như những nhân vật mẫu mực như Martin Luther King, Gandhi, Mandela hay Đức Đalai Lama.

Có phải ông đưa ra khái niệm "tính chất bình thường của cái Thiện" để đối lập với khái niệm nổi tiếng "tính chất bình thường của cái Ác" do Hannah Arendt đưa ra không?

- Thực ra, đa phần con người ta hành xử theo lòng vị tha mà thường thì họ không nhận ra, và thật may mắn là những kẻ tồi tệ lại tương đối hiếm. Chắc chắn là người ta có thể mất nhân tính và làm mất đi giá trị của người khác bằng cách bóp chết trong mình các hình thái tha giác. Trong quá trình diệt chủng, người ta không coi người kia là một con người, mà so sánh một cách khinh miệt người đó với một con thú, hoặc một con quỷ.

Cũng vậy, hàng năm, chúng ta đối xử với hàng tỷ con vật như những đồ vô tri vô giác, như những sản phẩm tiêu thụ và thiết bị dây chuyền sản xuất xúc-xích, trong khi rõ ràng chúng ta thấy rằng súc vật cũng cảm thấy đau đớn, khổ sở và có những cảm xúc rất giống người. Điều này hoàn toàn hợp lý đứng trên phương diện tiến hóa…

Các nhà nghiên cứu về chủ nghĩa vị tha đều đi đến một "khoa học về lòng thương yêu". Họ đã đạt đến định nghĩa nào về thương yêu?

- Barbara Fredrickson, người đã cùng với Martin Seligman thành lập ra Khoa tâm lý học tích cực, nói rằng: những cảm xúc tích cực như sự hài lòng, lòng biết ơn, sự thán phục, lòng nhiệt tình, sự cảm hứng và tình thương yêu không đơn giản chỉ là do vắng bóng những cảm xúc tiêu cực; tình thương yêu phải hơn nhiều sự vắng bóng hận thù. Nó cũng không thể bị thu hẹp theo nghĩa một cú sét đánh lãng mạn. Nó đòi hỏi con người ta phải đi lên một tầng bậc có tính xây dựng hơn. Đó là một sự thực tập liên tục suốt ngày, lặp đi lặp lại không ngừng cái "cộng hưởng tích cực" với người kia, là thái độ quan tâm dành cho tha nhân, một sự làm mới không ngừng cái ham muốn tìm hiểu nhu cầu thực sự của người khác và giúp họ thỏa mãn được những nhu cầu đó.

Tuy nhiên, tôi thích dùng từ "vị tha" hơn từ "yêu thương" mặc dù cái vẻ hơi thoát xác của nó, bởi vì từ "vị tha" giúp ta nắm bắt được dễ dàng hơn hai mức độ mà mọi thứ đều diễn ra ở đó: cảm xúc và năng lực nhận thức. Yêu thương người kia không chỉ là cảm thấy quyến luyến người đó, mà còn là tìm hiểu những nguyên nhân gây ra nỗi khổ niềm đau của người đó để có thể cải thiện chúng. Bởi vì người kia, dù có là gì đi nữa, vẫn có điều cơ bản giống ta: người đó ao ước được hạnh phúc. Còn bây giờ người đó đang đau khổ, nên ta phải tìm ra lý do tại sao, với niềm tin rằng mỗi người đều có tiềm năng cần thiết để thoát ra khỏi tình trạng đau khổ đó. 

Matthieu.jpg


Thầy Matthieu Ricard: "Chúng ta phải dám dấn thân vào vị tha"

Đức Phật đã chỉ ra rằng nguyên nhân chính của khổ đau là sự thiếu hiểu biết (vô minh) về bản chất thực sự của thực tại, nhất là về sự phụ thuộc lẫn nhau giữa mọi chúng sinh. Nghĩ rằng một người cơ bản là xấu xa hay đáng giận tức là đã phóng chiếu, đã bẻ cong thực tại. Cảm thấy xót thương những chúng sinh đang chìm đắm trong vô minh và mong muốn cải thiện nguyên nhân sâu xa gây ra tình trạng ấy là một tiến trình thuộc về năng lực nhận thức.

Rốt cuộc, Phật giáo đã giúp người ta phát hiện ra các cơ chế của một "nền sinh thái học tâm linh" có khả năng phục vụ cả những người không phải là Phật tử, nhất là những nhà sư phạm đúng không?

- Socrate là người Hy Lạp, Lão Tử là người Trung Hoa, Jésus là người Do Thái, Đức Phật là người Ấn Độ… Điều đó chẳng hề ngăn cản thông điệp của họ đến với toàn thể nhân loại và những nhà sư phạm quan tâm đến đạo Phật nhấn mạnh vào những nguyên nhân giấu mặt gây ra đau khổ. Chúng ta đều ước ao hạnh phúc, song vô hình chung lại không ngừng chạy về phía bất hạnh. Tìm ra cách giải thích điều bí ẩn này chẳng lẽ lại không khiến mọi người quan tâm hay sao?

Thiền định ngày nay đang rất thịnh hành, song không phải lúc nào nó cũng tập trung vào lòng vị tha. Người ta ưa nói tới "tỉnh thức" hay "chánh niệm" hơn thì phải?

- Anh bạn rất thân của tôi - bác sỹ Jon Kabat-Zinn, người đưa  ra phương pháp "giảm căng thẳng bằng sự tỉnh thức" (MBSR) và một vài người thực hành chánh niệm cho rằng nếu bạn thiền định đúng thì lòng vị tha và nhân từ sẽ tự nhiên đến với bạn. Tôi rất muốn tin điều đó, song tại sao lại chờ lòng vị tha hiển lộ như là một phản ứng phụ của sự tỉnh thức kia chứ?

Tôi thích hơn cách làm của John Teasdale - một người sáng lập khác của những "phương pháp trị liệu bằng khả năng nhận thức dựa trên chánh niệm" (MBCT). Tức là nên thực hành lòng thương yêu tha nhân ngay từ buổi học thiền đầu tiên. Thực hành lòng vị tha và cảm thông đằng nào cũng đòi hỏi sự tỉnh thức, song nó mang lại cho sự tỉnh thức một tầm cỡ rộng lớn và tích cực hơn.

Đối lại với chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, chủ nghĩa vị tha có đưa ra được một cách nhìn đáng tin cậy cho thế kỷ XXI hay không?

- Đó là cách nhìn thực dụng nhất mà tôi có thể nghĩ tới: thực hành và truyền đạt kỹ năng cho phép chúng ta rũ bỏ được thói quen quy ngã - cho mình là trung tâm của vũ trụ. Đây là một đặc tính của thế giới đương đại, khiến cho mọi  sự nhầm lẫn, rối rắm xảy ra.

Trong "Bàn về lòng vị tha", tôi dẫn chứng rất nhiều kinh nghiệm đang diễn ra, đặc biệt là kinh nghiệm của các trường học, nơi mà lòng vị tha được dạy cho con trẻ ngay từ mẫu giáo với những kết quả đáng kinh ngạc.

Paul Ekman - nhà tâm lý học xuất sắc thậm chí đã tưởng tượng ra những "phòng luyện tập sự cảm thông"! Đây không phải là phủ định tầm quan trọng của tất cả những hình thái hành động mang tính xã hội và chính trị, nhưng nếu không xuất phát từ động cơ vị tha thì làm sao có thể giải quyết được những thách thức mà chúng ta đang phải đương đầu.

Vì thế chúng ta phải dám dấn thân vào vị tha! Phải dám nói rằng lòng vị tha thực sự tồn tại, nó có thể được nuôi dưỡng bởi mỗi chúng ta và nhờ sự phát triển của các nền văn hóa mà tạo điều kiện thuận lợi cho nó thăng hoa. Phải dám giảng dạy lòng vị tha trong nhà trường như một phương tiện quý giá giúp trẻ em thực hiện được tiềm năng tự nhiên về lòng nhân từ và thiện chí hợp tác.

Phải dám khẳng định rằng nền kinh tế không chỉ bằng lòng với tiếng nói của lý trí và của lợi ích cá nhân mà thôi, mà nó cũng phải lắng nghe và khiến mọi người nghe được cả tiếng nói của sự cô đơn nữa! Phải dám quan tâm một cách nghiêm túc đến số phận của những thế hệ tương lai, và thay đổi cách thức khai thác hành tinh như hiện nay, để các thế hệ tương lai được tận hưởng. Tóm lại, phải dám công bố rằng lòng vị tha không phải là một điều xa xỉ, mà là một điều cần thiết.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.