"Bản lai diện mục" hay nhận ra mùa Xuân tâm linh của chính mình

Giác Ngộ - Nhân mùa Xuân Tân Mão, năm con mèo, mà con mèo thì căn tánh rất lanh lợi, thông minh, sắc sảo… Chúng ta, những người con Phật xuất gia và tại gia hãy nương thời duyên hội tụ nầy, nương ý pháp Lục tổ, đặc biệt nương "Lời vàng vi diệu" trong kinh Pháp Cú để chúng ta nhận ra thật rõ tất cả những tướng trạng phàm phu chúng sanh đã tích tụ, ẩn náu nhiều đời nhiều kiếp nơi thân, khẩu, ý của mình.

Một khi đã nhận ra và đoạn trừ được những tâm tánh ngu ác, xấu quấy nơi mình rồi thì nhất định tâm Phật sẽ hiện bày. Trước hết, nơi phẩm Ngu, Đức Phật dạy:

"Người ngu gần trí trăm năm
Chánh pháp chẳng hiểu, chẳng thâm đạo mầu
Y như muỗng múc canh sầu
Ngày ngày hương vị ngọt ngào vô tâm".

(PC. 64)

wwwhp.jpg

Sống trong đời mà biết làm chủ cuộc sống của chính mình, biết kiềm chế thân, khẩu, ý…; biết những người bạn nào nên gần và không nên gần; biết sống một mình mà không cảm giác buồn khổ thì nhất định từng bước mình có thể xa lìa hẳn cảnh giới ngu của chính mình.

***

Làm thế nào để nhận ra được nghiệp ái dục trong sâu thẳm của lòng để đoạn lìa? Phẩm Ái dục thứ 24, những lời dạy của Đức Phật hết sức tường tận, đáng lo ngại và tự mỗi người mình có đủ phúc duyên để nhận ra, soi sáng nghiệp thức ẩn náu trong tâm tánh mình hay không? Thường thì đã là nghiệp thì rất khó thấy, vì nó bị ngăn che bởi màn vô minh mê chấp của chính mình. Các câu kinh 334, 335, 336, 337... Đức Phật đã phơi bày nghiệp ái của con người rất rõ ràng:

"Người buông lung, tham ái sanh
Tràn lan như cỏ mọc nhanh vườn rừng
Đời này, đời khác không dừng
Như vượn tìm trái tưng bừng chuyền cây".

*

"Người sống trên thế gian này
Bị ái dục buộc biết ngày nào ra!
Sầu khổ chồng chất sanh già
Gặp mưa như cỏ tỳ la lan dần".

*

"Người sống giữa chốn hồng trần
Nhiếp phục ái dục khó khăn khôn cùng
Như mưa sầu rụng trời đông
Cành sen giọt nước khó lòng đọng lay".
"Điều lành ta bảo cho hay
Ái dục nhổ sạch, đức tài ai hơn!
Cỏ tỳ la muốn sạch trơn
Phải nhổ tận gốc lụy hờn hết vương
Chớ cho ma sầu náu nương
Như cỏ lau gặp môi trường tăng nhanh".

Gốc rễ của nghiệp ái dục rất sâu, nếu người tu không đoạn tận gốc rễ khi gặp duyên nó sẽ mọc lên rất nhanh! Người Phật tử tại gia dùng tinh tấn tụng kinh, niệm Phật, tu thiền hằng đêm... hễ gặp nghiệp ái chi phối sẽ bỏ đi chùa ngay; Tăng Ni xuất gia ở chùa cũng vậy, hễ gặp nghiệp ái chi phối thì cũng dừng tu ngay và nhanh đến độ mình không thể ngờ!

"Lòng ái dục chảy khắp nơi 1
Như giống cỏ dại mọc thời tràn lan
Người nương cảnh, tuệ kiếm vàng
Đoạn hết ái dục đa mang phù trần".

(PC. 340)
 

"Những người trói buộc dục thân
Khác nào thỏ bị sa chân lưới sầu
Càng buộc ràng, càng khổ sâu
Yêu thương càng trói, dài lâu đau buồn".

(PC. 342)
 

"Những ai tư tưởng ác tà
Lòng hằng vọng động, ấy nhà bi tâm
Dục lạc tăng, tự trói thân
Càng thêm khổ não, càng nhân sầu buồn".

(PC. 349)

Trên đời này, Đức Phật dạy nghiệp ái dục là sâu nặng nhất; cho nên có rất nhiều người đã thoát vượt được rồi thì không bao giờ quay lại, cũng không ít người dù đã vượt qua, đã rất cố gắng... nhưng rồi một lúc nào đó cũng lại bị quay ngược dòng rất bi thương. Hai câu 344, 345 đã phơi bày:

"Người đã lìa dục, nương về
Xuất gia vui chốn sơn khê lâm tuyền
Nay lại tái tục trần duyên
Hãy xem người đó, đảo điên chăng là!
Đường trần đã sớm bước ra
Nay tự trói buộc, vào nhà trái oan".

*

"Người có trí, tỉnh mộng vàng
Bằng cây, bằng sắt buộc ràng dây gai
Chưa phải kiên cố sắc, tài
Vợ con luyến ái lòng này mới lo.
Tài sản tham chấp bo bo
Mới thật trói buộc, khó dò thoát ra!"

Sở dĩ ta bị trói buộc vì ta đi ngược dòng "tái tục trần duyên", luyến ái vợ con, tham chấp tài sản. Nếu ta không "tái tục trần duyên", không luyến ái, không tham chấp tài sản, vợ con... thì nhất định ta không bị sự trói buộc của địa ngục tâm thức.

whx1.jpg

Các câu kinh 354, 355, 356... Đức Phật đã chỉ cho chúng ta con đường ra khỏi sự trói buộc khổ đau:

"Bố thí, pháp thí, đại từ
Trong các chất vị, pháp thì thượng tôn
Các lạc, pháp hỷ là hơn
Trừ được ái dục, thoát nguồn khổ đau".

Sự giàu sang tài sản nó dễ làm cho mù mờ tâm thức sáng suốt của con người:

"Giàu sang làm hại kẻ ngu
Không sang bờ giác, mây mù chấp nê
Người ngu tăm tối đi về
Tài dục che lấp ủ ê tâm người".

Cho nên, người nào xa lìa được sự say đắm tham dục thì nhất định người đó thoát khổ:

"Cỏ làm hại ruộng vườn đời
Tham dục say đắm hại người biết bao!
Thế nhân thức tỉnh dồi trau
Lìa tham được phước, sang giàu thiện duyên".

1. Thấy rõ con đường mình đi và sự nỗ lực hành trì nơi tự thân:

Sau khi thấy rõ "tâm ngu, tâm ác, phẫn nộ, cấu uế và sự trói buộc của ái dục" nhiều đời nhiều kiếp rồi, chúng ta cần dõng mãnh giữ định hướng đi tới bằng sự hành trì của tự thân. Bởi đạo không phải là sự hiểu biết hay lời nói suông mà là "định – huệ" song hành. Phẩm Song Yếu, Đức Phật đã dạy rõ nơi câu 20:

"Kệ kinh đọc tụng công phu
Nghiệm suy ý nghĩa, tập tu hành trì
Sáng chiều đoạn tham sân si
Thân tâm thanh tịnh, giữ y đạo hiền
Xa lìa thế tục trần duyên
Đời này, đời khác hạnh thiền Sa môn".

Một khi đã có định hướng rồi thì phải thắng buông lung (lười biếng) tinh tấn dõng mãnh đi tới, với các câu 21, 22, 23:

"Không buông lung, hết tử sanh
Mãi buông lung… cửa chết dành người mê!
Người tinh tấn, không chết hề!
Kẻ biếng nhác như ma về cõi ma!"
"Người trí rõ biết thiền na
Nỗ lực tinh tấn ba la mật lòng
Không buông lung, tánh tịnh trong
An vui cõi thánh, sắc không chẳng màng!"

*

"Dõng mãnh, kiên nhẫn tâm vàng
Thiền định, giải thoát đạo tràng tịnh tu
Người trí tinh tấn công phu
Niết bàn chứng nhập, vô ưu quả mầu!"

Đồng thời, Đức Phật cũng xác lập con đường và pháp hành vững bền cho thầy Tỳ kheo đi đến nơi, đến chốn:

"Tỳ kheo tự thắng vô minh
Thắng lười biếng, thắng hữu tình buông lung
Phật khen như ngọn lửa hồng
Đốt thiêu phiền não 2 thoát vòng tử sinh!"

(PC. 31)

"Tỳ kheo tự thắng vô minh
Thắng lười biếng, thắng hữu tình buông lung
Phật khen họ gần Niết bàn
Nhất định không bị buộc ràng dễ duôi".

(PC. 32)
 
whx2.jpg

Luôn tỉnh giác trước dòng đời, khẳng định vị trí từ bùn nhơ vươn lên, xác lập phẩm hạnh tu tập và công hạnh độ sanh:

"Từ đống bùn nhơ trầm hôn
Hoa sen chớm nở tỏa thơm giữa đời
Thanh khiết trong sáng tâm người
Ta bà bụi bặm, rạng ngời chân nhân
Đệ tử chánh giác pháp thân
Trí tuệ soi chiếu thế trần độ sanh".

(PC. 58 & 59)

2. Luôn vượt lên chính mình, thắng mọi thử thách ngoại cảnh an trú, tịch tịnh nội tâm:

Càng đi sâu vào kinh, chúng ta càng thương kính quý mến đấng Đại đạo sư, Ngài là bậc Thế Tôn, là đấng cha lành; Ngài như luôn cầm tay mình, từng bước dìu đứa con thân ra khỏi trần nhơ:

"Không vì thiên hạ ngọt bùi
Cũng không vị nể dù người thân sơ
Người trí không hành động nhơ
Không cầu con cái, hay nhờ quyền uy"
Cầu giàu có, cầu vương phi
Đem bất chánh, đổi tiện nghi cho mình
Được vậy mới gọi hiền minh
Đạo đức trí tuệ viên thành đạo tâm.
(PC. 84)
Hành giả tinh tấn hành thiền
Giác chi 3 bảy đóa sen thiêng thơm lành
Phiền não, nhiễm ái, vô sanh
Niết bàn diệu thể trú thành phạm âm.
(PC. 89)

Chẳng những luôn kiên trì con đường phạm hạnh mà còn đối chiếu cân phân thực, ảo của phạm hạnh:

Thắng chính mình, mới thượng nhân
Hơn thắng kẻ khác ngàn lần là hơn
Tự mình tỏ rõ thiện chơn
Chế ngự tham dục thiên sơn cao vời!

(PC. câu 104)
 

Trăm tuổi trí tuệ không sanh
Không tu thiền, thiếu phúc lành thiện duyên
Chẳng bằng một ngày tu thiền
Trí tuệ tỏ rạng đức hiền sáng trong.

(PC. 111)
 

Trăm năm không ngộ đạo vàng
Vô vi tịch tịnh mơ màng có không
Chẳng bằng một ngày sáng lòng
Vô vi tịch tịnh sắc không thư nhàn.

(PC. 114)
 

Trăm năm sống giữa trần gian
Không thấy pháp tối thượng quang nhiệm mầu
Chẳng bằng một ngày ngộ sâu
Thấy pháp tối thượng vô cầu vô tâm.

(PC. 115)

Đặc biệt nhất là sau khi khám phá, nhận diện được "bản lai diện mục" của chính mình như Đức Phật đã từng khai thị:

Vòng luân hồi mãi xuống lên
Tìm mãi không gặp tuổi tên chủ nhà
Khổ thay kiếp sống phù hoa
Sanh già bệnh chết... bóng tà huy bay
Kẻ làm nhà, ngươi là ai
Gặp rồi sao lại khứ lai vô tình
Ngươi về hội nhập tâm linh
Không làm nhà nữa, vô hình vô tâm
Rui mè, kèo cột bặt tăm
Niết bàn vô thượng thậm thâm trú rồi
Dục vọng mê nhiễm buông trôi
Lậu hoặc dứt sạch, đứng ngồi tịnh an 4

(PC. 153 & 154)

Dù Phật tử tại gia hay Tăng Ni xuất gia, chúng ta đều có niềm tin lớn là có phúc duyên gặp được giáo pháp Đức Phật, thọ hưởng ánh sáng hào quang Đức Phật soi chiếu, tỏ rõ "bản lai diện mục" tự thân rồi nhất định không bỏ phí thời gian nữa, nhất là giai đoạn tuổi thanh xuân... mà luôn tự tỉnh giác trước dòng thời gian để không phải ăn năn, hối tiếc khi thời gian qua mau và vô thường chợt đến:

Thanh niên cường tráng hiên ngang
Không kiếm tài sản kết tràng hoa thiêng
Tu hành lúc trẻ không siêng
Khi già chẳng khác cò hiền bên sông
Sớm tối lặn lội đục trong
Chết mòn khô héo kiếm không được mồi.

(PC. 155)
 

Thanh niên cường tráng trẻ vui
Không kiếm tài sản, tụ đời tương lai
Trẻ không tích lũy đức tài
Đến già nằm xuống trong ngoài trống không
Thân người đau yếu, khòm cong
Như cây cung gãy, như vòng hoa khô!

(PC. 156)

3. Hãy sống trọn vẹn với "mùa xuân tâm linh" của tự lòng:

Giá trị thực trong cuộc sống chính là giá trị sống, ông bà ta từng nói "Hùm chết để da, người ta chết để tiếng" rất có ý nghĩa ở đời. Khi sống mình phải biết dựng lập cuộc sống như thế nào để mọi người chung quanh thương mến và khi mình chết thì mọi người luyến tiếc, trân trọng, tôn kính. Đức Phật dạy người tu phải biết tự phòng hộ các căn, khi sống không để thân khẩu ý làm việc xấu, quấy, ác thì khi chết đi khỏi phải mang quả báo không tốt và còn lưu lại tiếng xấu trong đời.

Trong phẩm Bà La Môn, các câu kinh 412, 413, 414, 415 Đức Phật có dạy:

"Thế gian này, cảnh ảo huyền
Thiện pháp, ác pháp, ưu phiền... lắng trong
Ngày ngày thuần tánh, thanh lòng
Bà la môn xứng danh dòng Phạm thiên".
"Dục vọng ngưng nẻo trần duyên
Như trăng mát dịu, lâm tuyền long lanh
Sống đời trí sáng tinh anh
Bà la môn gọi thiện sanh muôn đời".
"Gồ ghề lầy lội 5 chơi vơi
Vượt khỏi biển khổ luân hồi mê si
Thiền định, lắng dục, dứt nghi
Không chấp, không đắm tự ti quả mầu
Niết bàn tịch tịnh thẳm sâu
Bà la môn thực thượng cầu nhơn thiên".

*

"Hiện đời lìa bỏ dục triền
Xuất gia tích hạnh thánh hiền Tăng nhân
Không phát sinh lại nghiệp trần
Bà la môn quả, xuất thần Sa môn".

Trong phẩm Tỳ kheo, Đức Phật đã dẫn dắt thầy Tỳ kheo nói riêng, người tu nói chung, biết sống kiểm soát, nhiếp phục các căn của chính mình; tức là người con Phật muốn tu, thích tu thì phải biết sống cho mình một cách trọn vẹn:

"Mắt tai mũi lưỡi... các căn
Ai chế phục được, thức thần thong dong
Thân khẩu tâm ý sạch trong
Lành thay! Giải thoát khỏi vòng khổ đau!"

(PC. 360 & 361)
 

"Tỳ kheo tri túc, không lơi
Thường nhật tỉnh giác, thời thời siêng năng
Đến đi gìn giữ các căn
Chư thiên khen ngợi, người hằng kính yêu".

(PC. 366)
 

"Tỳ kheo múc nước thuyền này
Nước hết thuyền nhẹ, công dày quả cao
Tham dục, sân nhuế... thoát mau
Niết bàn quả vị, đạo mầu tự thân".

(PC. 369)
 

"Biết tự cảnh sách lòng trong
Quay về phản tỉnh, hộ phòng tánh tu
Chánh niệm vắng lặng điều nhu
Tỳ kheo an lạc, vô ưu quả lành".

(PC. 379)
 

Tỳ kheo tâm tánh nở hoa
Thành tín giáo pháp Phật đà hành tri
Cảnh giới an lạc từ bi
Vô thường chứng ngộ, lưu ly nhiệm mầu.

(PC. 381)
 

Tỳ kheo tuổi nhỏ tín sâu
Siêng tu giáo pháp thượng cầu Phật gia
Ánh sáng soi chiếu Tăng già
Như trăng thanh thoát đẹp nhà từ bi.

(PC. 382)

Từ phẩm Tỳ kheo đến phẩm A la hán, rõ ràng giáo pháp Đức Phật không ru ngủ, mê hoặc con người mà là chỉ rõ, đánh thức sự trì trệ, u mê nơi con người. Rất tình cờ chúng ta có thể cũng gặp gỡ nơi Thiền sư Viên Học (1073 – 1136) đời Lý, sự tỉnh thức:

"Nghe chuông sớm tối tĩnh lòng
Thần lười dứt sạch, thần thông hiển bày".
 
whx3.jpg

Và qua các câu kinh từ 93 đến 99 chúng ta thấy rõ Đức Phật giáo huấn các thầy Tỳ kheo nói riêng, người tu nói chung hãy tự nâng cao, sàng lọc tâm thức của chính mình lên để từng bước đi vào Tứ Thánh quả, trở thành vị A la hán trong Chánh pháp.

A la hán sạch nhiễm ô
Tứ sự 6 nương tạm, tội đồ lìa xa
Giải thoát, vô tướng, không hoa
Như chim tự tại, trú tòa tịnh không.

*

A la hán đóa sen hồng
Tuấn mã điều phục, nhiếp lòng dặm xa
Ngã mạn phiền não an hòa
Trời người kính mộ đẹp nhà từ bi.

*

A la hán hết sân si
Tâm như cõi đất, lưu ly cửa thiền
Ao sâu bùn lắng sạch phiền
Nghiệp trần nhẹ phủi, hết duyên luân hồi.

*

A la hán ý thường tươi
Lời nói, hành động thời thời lặng yên
Chánh trí giải thoát tịch thiền
Thân tâm an tịnh, đức hiền tỏa hương.

*

A la hán tự sáng gương
Tự lòng kiên định, tánh thường hiển khai
Nhân quả báo ứng trong ngoài
Vô Thượng Sĩ ngự, Như Lai tịch nhàn.

*

Dù núi rừng, dù xóm làng
Đất bằng, gò trũng, đồng hoang, thị thành
A la hán trú an lành
Cảnh giới hạnh phúc cao thanh đạo hiền.
Người đời chẳng thích lâm tuyền
A la hán lại vui miền tịch liêu
Dục lạc người đời mến yêu
A la hán đẹp bên triều non xanh.

Sống trong đời, ai nhận ra và nhiếp phục được mọi phiền não, lắng sạch mọi ưu phiền của các căn khi đối diện với sáu trần, tịnh hóa được ba nghiệp thân khẩu ý... người đó sẽ trở thành vị Tỳ kheo, vị A la hán thực sự thân chứng trong Chánh pháp, an trú vĩnh viễn trong mùa xuân tâm linh của chính mình.

Nhân mùa xuân Tân Mão – 2011 năm "Con Mèo" đã về với cuộc sống con người trong thời khắc thiêng liêng, năm đầu của thập niên thứ 2 của thiên niên kỷ mới (thế kỷ 21), thành tâm kính chúc chư tôn đức, pháp hữu huynh đệ và Phật tử gần xa một năm mới an lạc, kiết tường như ý... luôn được nhiều thắng duyên trong Chánh pháp – tương hội mùa xuân tâm linh nơi tự thân.

Phương Thảo am, Xuân Tân Mão – 2011

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.