Áo nâu nơi tuyến đầu điều trị Covid-19

Tình nguyện viên Phật giáo tại Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Covid-19
Tình nguyện viên Phật giáo tại Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Covid-19
0:00 / 0:00
0:00
GN - Từ ngày 22-7, Bệnh viện Hồi sức cấp cứu lớn nhất TP.HCM điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 xuất hiện bóng dáng của các tình nguyện viên là những vị tu sĩ và Phật tử trẻ.

Trong môi trường khắc nghiệt và nhiều hiểm nguy, nơi mà lằn ranh giữa sự sống và cái chết mong manh, họ đang góp sức phục vụ, nâng đỡ bệnh nhân vượt qua chuỗi ngày khốn khó.

Báo Giác Ngộ đã kết nối và có cuộc trò chuyện ngắn cùng các tình nguyện viên Phật giáo tại Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Covid-19 (Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cơ sở 2). Những chia sẻ đầy nhiệt huyết và chân thành có lẽ sẽ khiến chúng ta ít nhiều suy ngẫm về sự cho đi, lối sống tử tế, tinh thần hướng thiện, đúng với thông điệp “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình…”.

Tu sĩ trẻ dấn thân

Bắt đầu nhận nhiệm vụ sau buổi gặp mặt ngày 22-7, Đại đức Thích Chúc Khai được giao nhiệm vụ điều phối chính của nhóm tình nguyện viên tôn giáo gồm 167 vị (nhiều tôn giáo) tại Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Covid-19. Với trách nhiệm của mình, ngoài việc chia ca, chia kíp trực cho tình nguyện viên, thầy Chúc Khai trực tiếp liên hệ với Thành đoàn và Ban Quản lý bệnh viện, điều phối, chăm lo chuyện ăn uống, tạo điều kiện cho tình nguyện viên phục vụ bệnh nhân được tốt nhất. Cũng vì vậy, một ngày của thầy Chúc Khai luôn tất bật, chỉ có khoảng thời gian ngắn để nghỉ ngơi, còn tất cả đều phải tập trung cao độ, bởi chỉ cần một phút lơ là sẽ ảnh hưởng đến cả ê-kíp.

Với đặc thù của mỗi khoa khác nhau, trước khi chia người vào từng khoa, thầy Chúc Khai đều tỉ mỉ “thử việc” và nói chuyện với các tình nguyện viên để phân bổ phù hợp. Thầy Chúc Khai cũng tận tình chia sẻ với tình nguyện viên về cách chăm sóc, hỏi thăm động viên bệnh nhân, giúp đỡ hết sức có thể. Với những bệnh nhân có mong muốn kết nối với gia đình, thầy cũng hướng dẫn tình nguyện viên cố gắng hỗ trợ gọi điện thoại, để người thân nói chuyện video trực tiếp, để mọi người được an tâm hơn.

Khi vào đây tình nguyện, ban đầu mình cũng có lo lắng, nhưng sau đó khi thấy các bệnh nhân đang đấu tranh giữa sự sống và cái chết, các tình nguyện viên chúng tôi đều cố gắng giúp hết mình, vượt trên nỗi sợ. Mọi người đều ý thức rõ mình đang là F1 và có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào, nên ai cũng cố gắng hết mình, mỗi người một việc theo phân công mà phụng sự.

Đại đức Thích Chúc Khai

Tu sĩ Phật giáo đến bệnh viện dã chiến, dù được ở lĩnh vực nào, ai cũng nỗ lực hết sức, phục vụ tận tình bằng lòng từ bi và tình yêu thương vô úy. Là người có chuyên môn về điều dưỡng, Đại đức Thích Tâm Quang được phân công phụ với các điều dưỡng để chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch.

Mỗi ca chăm sóc bệnh nhân của thầy Tâm Quang kéo dài 8 tiếng, âm thanh quen thuộc là tiếng máy thở, tiếng máy monitor kêu từng hồi. Biết tâm lý người bệnh hoang mang và nhiều lo sợ, để động viên tinh thần cho bệnh nhân, mỗi ca trực sau tấm áo bảo hộ, thầy đều nhờ Phật tử ghi những dòng chữ ấm lòng: “Các bạn cứ yên tâm có chúng tôi bên cạnh”.

"Yên tâm nhé, có chúng tôi rồi!"
"Yên tâm nhé, có chúng tôi rồi!"

Với tình nguyện viên, không có niềm vui nào bằng việc bệnh nhân có tiến triển tốt, khỏi bệnh, được xuất viện, và cũng không có nỗi buồn nào hơn việc chứng kiến những phận người mong manh, giã từ sự sống. “Có những ca bệnh trở nặng, ngày hôm trước trong ánh mắt lời nói ‘cầu xin cứu sống’, mình chỉ biết gật đầu động viên. Nhưng hôm sau họ không qua khỏi, vì nhiều bệnh nền quá nặng, lúc đó lòng mình chùng xuống nhưng không được phép quá lâu. Cầu nguyện cho họ xong, mình phải nén lòng xuống, để tiếp tục phụng sự, vì còn nhiều bệnh nhân đang chờ”, thầy Tâm Quang trải lòng.

Đó cũng là lý do vì sao Đại đức Thích Tâm Quang luôn muốn lan tỏa thông điệp này với bạn đồng tu và tình nguyện viên đang phục vụ: “Nếu có điều gì đó mình có thể làm được, hãy làm bằng tất cả trái tim ngay bây giờ và ở đây”.

Những Phật tử trẻ ăm ắp hơi ấm tình thân

Bạn Nguyễn Thị Thu Phương, 20 tuổi, là nhân viên một thẩm mỹ viện. Mùa dịch này nơi bạn làm phải tạm nghỉ. Trong lúc “mắc kẹt” ở Sài Gòn, bạn đã tìm cách đăng ký làm tình nguyện viên nơi bệnh viện điều trị Covid-19 khi biết được thông tin qua báo Giác Ngộ và được truyền đi trên Facebook. Thu Phương nhớ mãi khoảnh khắc được gọi tên trở thành tình nguyện viên: “Đó là giây phút em hạnh phúc, xúc động, vì biết rằng bản thân mình có thể giúp ích cho người đang cần”.

Tại Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Covid-19, Thu Phương được giao nhiệm vụ chăm sóc người mắc Covid-19, từ việc thay tã, đút cho bệnh nhân ăn, đến vệ sinh phòng ốc, hoặc khi bác sĩ cần gì thì bạn luôn phụ giúp. “Chỉ lo cho các cô, bác yếu. Chỉ sợ là hôm nay mình chăm sóc họ, nhưng ngày mai khi ca trực bắt đầu, mình không còn nhìn thấy họ nữa…”, Thu Phương chia sẻ khi được hỏi điều gì sợ nhất đối với bạn.

Tình nguyện viên Phật tử Nguyễn Thị Thu Phương đang chăm sóc một bệnh nhân cao tuổi

Tình nguyện viên Phật tử Nguyễn Thị Thu Phương đang chăm sóc một bệnh nhân cao tuổi

“Có nhiều cụ bà, khi em đút cháo và sữa, các cụ khóc vì sợ bệnh không chữa khỏi, em phải dỗ dành các cụ thì mới chịu ăn. Nhìn các cụ, em lại nghĩ đến ba mẹ mình. Trong khoảnh khắc đó, em chỉ mong, nếu như sau này ba mẹ em cũng như vậy, hy vọng cũng có người chăm sóc. Vào đây rồi, thật sự em thấy có nhiều cảnh khổ, đau thắt lòng”, Thu Phương kể.

Với mỗi bệnh nhân, Thu Phương đều tận tình chăm sóc. Cụ nào khó tính, Thu Phương ngọt ngào dỗ dành; cụ nào buồn tủi, lo lắng thì bạn an ủi, động viên. “Có cô nói trông con sớm giờ, không thấy con cô nhớ, cô bất an. Em nghe được mà vừa thương, vừa hạnh phúc vì làm được điều gì cho bệnh nhân. Những lúc như thế này, em càng muốn làm được thêm nhiều hơn nữa, để giúp các cô, cụ đang cần”.

Các tình nguyện viên là Tăng Ni, Phật tử luôn cống hiến hết mình tại nơi làm việc

Các tình nguyện viên là Tăng Ni, Phật tử luôn cống hiến hết mình tại nơi làm việc

Tại khu nội trú Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Covid-19 cơ sở 2 này, có nhiều bạn trẻ gác lại công việc gia đình đến tham gia công tác tình nguyện.

Khi biết số người nhiễm ngày càng tăng, thấy hình ảnh y bác sĩ kiệt sức ở tuyến đầu, nghĩ đến những người trong bệnh viện thiếu người chăm sóc, vợ chồng anh Lý Hoàng Đăng Khoa (pháp danh Huệ Thảo) và chị Trần Ngọc Đan Trâm (pháp danh Diệu Anh) tự hỏi nếu đặt mình vào hoàn cảnh thân bất do kỷ đó, mình sẽ khổ sở như thế nào…? Chính vì vậy khi báo Giác Ngộ đăng tải lời kêu gọi Tăng Ni, Phật tử góp sức làm tình nguyện viên nơi tuyến đầu, như tiếng gọi từ trái tim, vợ chồng anh chị đã cùng đăng ký tham gia.

Đi phục vụ tại bệnh viện điều trị Covid-19, ba đứa con nhỏ lần lượt 8 tuổi, 5 tuổi và 3,5 tuổi được anh Khoa chị Trâm gửi ở nhà cho hai người bà, dì, chú, cậu chăm sóc. Nhiều người quen khi biết được đã hết sức ngạc nhiên, có người còn hỏi “có bị điên không”, nhưng anh chị đều bỏ tất cả ngoài tai.

Ai cũng biết Bệnh viện hồi sức cấp cứu Covid-19 là nơi có nguy hiểm cao. Nhưng nếu mình không giúp sức, người nào cũng sợ chết thì không ai giúp đỡ người đang cần. Giả thiết cha mẹ của mình bệnh, mà cũng không người chăm sóc được thì sẽ như thế nào, nên nếu làm được điều gì thì mình nên làm, chung tay để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tình nguyện viên Lý Hoàng Đăng Khoa (pháp danh Huệ Thảo)

Trong phút lắng lòng, chị Trâm bày tỏ: “Khi vào đây, chăm cho các cụ rồi thì mình càng thấy quyết tâm tham gia tình nguyện của mình vô cùng ý nghĩa. Có những cụ bà được giúp, dù chỉ nghe lời mình an ủi cố gắng ăn cháo, uống sữa để mau hết bệnh, để sớm về nhà, các cụ đã vực dậy tinh thần mà chiến đấu. Ở nơi mà sự sống con người phải giành giật từng phút, mà có đôi khi không giành được thì mình càng trân quý tình người ở cuộc sống này”.

Chị Đan Trâm được phân công nhiệm vụ tại khoa Chăm sóc 9A, công việc hàng ngày là phục vụ dọn rác, lau nhà, thay tã và cho bệnh nhân ăn. Còn ông xã chị được phân công nhiệm vụ ở khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Hàng ngày, hai vợ chồng gặp mặt nhau vài tiếng đồng hồ, có khi gặp được phút chốc tại nơi dùng cơm. Câu nói quen thuộc lúc gặp nhau vội vã của hai vợ chồng là nhắc nhở đối phương: “Giữ gìn sức khỏe. Mình ơi, cẩn trọng nhất có thể”.

Hàng ngày, sau mỗi ca trực, vợ chồng anh Đăng Khoa thay phiên nhau tận dụng thời gian để điện thoại trò chuyện với gia đình, với các con. Chị Trâm chia sẻ: “Lúc điện thoại về, khi con gái thấy bộ đồng phục mẹ mặc, con hỏi mẹ ơi, mẹ có sợ không. Khi mình nói mẹ không sợ đâu, thì con hào hứng thích thú, kêu con thương mẹ, con và các em sẽ vâng lời bà để ba, mẹ chăm sóc cho các bà ở bệnh viện mau khỏe. Đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất với hai vợ chồng”.

“Mình có nói ông xã, muốn dạy con điều gì thì mình phải là tấm gương, muốn gieo hạt giống từ tâm cho con thì mình phải làm trước, không ích kỷ. Và con mình cũng đang hiểu, cảm nhận được việc làm của ba, mẹ. Cháu 8 tuổi nói với mình, sau này lớn lên con cũng sẽ yêu thương mọi người như ba mẹ vậy”, chị Trâm bộc bạch thêm.

*

Trong số 54 tình nguyện viên Phật giáo, không chỉ quý thầy và sư cô mà các bạn Phật tử cũng vô cùng nhiệt huyết. Vừa mới đây, vào ngày vía Bồ-tát Quan Âm có 13 Phật tử là tình nguyện viên phát nguyện cạo mái tóc xanh để tránh nhiễm khuẩn khi làm việc tại những khoa có bệnh nặng, phục vụ cho ca của mình được tốt nhất. Anh Hà Hiếu Trung, Trưởng ban Điều dưỡng xúc động: “Cảm ơn thiện nguyện viên rất nhiều, nếu không có các vị thì chúng tôi thật sự không thể nào chịu nổi, vì chúng tôi rất mệt, nhờ các vị rất nhiều, các vị đã hỗ trợ chúng tôi”.

Đại đức Thích Chúc Khai cho biết: “Nhiều bạn xin đăng ký thêm thời gian, đăng ký làm tình nguyện viên tiếp cho tới khi nào hết dịch bệnh. Trước đây chúng con đăng ký một tháng nhưng khi vào đây chúng con thấy những việc làm rất có ích cho bà con, nên mong có thể tiếp tục tình nguyện chia sẻ những điều tốt đẹp đến cho mọi người”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.