Giữa tháng 4-2021, chúng tôi có chuyến điền dã đến huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Chuyến đi để lại trong chúng tôi rất nhiều ấn tượng về đời sống của đồng bào Khmer, những ngôi chùa Khmer cùng Tết Chôl Chnăm Thmây, về những người sống ẩn cư bí ẩn trên những đỉnh núi sa mù của vùng Thất Sơn huyền bí.
Bảy Núi (Thất Sơn) là vùng miền núi ở đồng bằng sông Cửu Long, trải dài trên các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và thành phố Châu Đốc của tỉnh An Giang, với trên 90.000 người Khmer sinh sống. Trong đó, Tri Tôn là huyện có diện tích lớn nhất và dân cư thưa thớt nhất tỉnh. Đây là một huyện dân tộc thiểu số chủ yếu là người Khmer, cũng là khu vực miền núi có đường biên giới với Campuchia, chiều dài 15km.
Chúng tôi đến Tri Tôn đúng vào dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, nên đi qua phum sóc nào cũng được chứng kiến không khí rộn ràng của năm mới theo tục lệ cổ truyền của người Khmer. Mặc dù mục đích chuyến đi không phải là để tìm hiểu về văn hóa - Phật giáo, mà là để điền dã về sản xuất nông nghiệp và năng lượng tái tạo, nhưng tôi không thể bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi để trải nghiệm thăm thú chùa chiền nơi đây.
Tết Chôl Chnăm Thmây
4 giờ sáng 16-4-2021, từ thị trấn Tri Tôn, tôi tranh thủ “bắt” xe ôm đến một loạt các ngôi chùa, trước khi quay lại dự sự kiện chính được mời. Đến chùa nào, dù mới tinh mơ, nhưng cũng thấy đông đảo người dân đến chùa lễ Phật, chơi Tết. Tại chùa Xà Tón (Xvayton) ở thị trấn Tri Tôn, tôi đến đúng vào lúc tại đây đang có hàng trăm người đang quỳ lễ Phật, tụng kinh rất trang nghiêm, thành kính. Cùng lúc, ở gian bên trái, chư Tăng ngồi xếp hàng trong nghi thức thọ trai. Bữa ăn rất thành kính và nghiêm cẩn.
Tết Chôl Chnăm Thmây |
Trên sân chùa, chúng tôi gặp rất nhiều người đến lễ Phật, cúng Tăng. Lẫn trong đó có các “chú điệu” tuổi chỉ mười sáu, mười bảy, trong trang phục cà-sa Nam tông. Qua tìm hiểu, được biết, ở những khu vực có người Khmer sinh sống, các thanh thiếu niên Khmer từ 16 tuổi trở lên thường vào chùa một thời gian để tu tâm dưỡng tánh, báo hiếu cho cha mẹ. Tuy không có quy định tối đa nhưng thông thường thời gian tối thiểu khoảng 1 năm thì những người này mới được phép hoàn tục. Họ được gọi là chú Lục để phân biệt với các nhà sư là người xuất gia trọn đời. Một phong tục của người Khmer đến nay vẫn được tuân thủ là các gia đình người Khmer chỉ gả con gái cho những thanh niên Khmer nào đã từng là chú Lục.
Nghi thức tiễn người xuất gia vào chùa tu hành thường được tổ chức rất trang trọng vào ngày đầu của Tết Chôl Chnăm Thmây. Khi hành lễ, người con trai phải xuống tóc cạo đầu, thay quần bằng chiếc xà-rông, thay áo bằng một chiếc khăn vải trắng vắt đắp lên vai từ trái qua phải, gọi là pênexo. Trong buổi lễ họ mời sư sãi đến đọc kinh, cúng Tam bảo và làm lễ thọ giới, đọc thuộc lòng 10 điều răn của Phật giáo.
Trong chuyến điền dã, chúng tôi tham dự lễ khánh thành mô hình nông nghiệp kết hợp sản xuất điện mặt trời của nhà ông Chau Hon - người Khmer ở ấp An Hòa, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn. Sau buổi lễ, tranh thủ hỏi chuyện ông Chau Hon về đời sống văn hóa và Tết Chôl Chnăm Thmây. Ông Chau Hon cho biết, các hoạt động Tết Chôl Chnăm Thmây phần lớn được tổ chức tại chùa và kéo dài trong ba ngày. Ngày thứ nhất, vào 15-4 hàng năm là ngày lễ ban và rước lịch từ chùa. Trước khi đến chùa, người Khmer tắm gội, mặc quần áo đẹp, đem theo nhang (hương) đèn, lễ vật vào chùa để làm lễ rước Maha Sâng Kran. Maha Sâng Kran là quyển lịch, do các nhà sư thông hiểu khoa thiên văn soạn, viết hoặc in ra để người Khmer dùng trong một năm. Ngày thứ hai trong lễ Tết Chôl Chnăm Thmây, mọi nhà trong làng thường đem lễ phẩm lên chùa lễ Phật và cúng dường chư Tăng. Ngày thứ ba, có thể lên chùa tụng kinh, hoặc tổ chức ăn uống mừng năm mới tại nhà. Trong những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, trong phum sóc luôn rộn ràng điệu nhiều điệu múa cổ truyền, giọng hát Dù kê, cùng nhiều trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, đội cá om lấy nước...
Theo ông Chau Hon, người Khmer có nhiều lễ tục, trong đó quan trọng nhất trong mỗi gia đình là lễ dâng y. Dâng y không chỉ là dâng áo cà-sa lên chư Tăng ở chùa, mà cùng với đó là dâng cúng quần áo lên cha mẹ, tổ tiên đã khuất. Vì vậy, còn gọi là lễ báo hiếu. Sau khi thực hiện hai nghi thức đó ở chùa, gia đình làm lễ còn mở tiệc tại nhà để mời họ hàng, làng xóm, từ 20 đến 50 mâm cỗ. “Thực hiện lễ này khá tốn kém, nên trước đây, mỗi nhà thường 10 năm mới làm một lần, tùy điều kiện cho phép. Nhưng hiện nay đời sống khấm khá, nên nhiều gia đình cứ 1-2 năm lại tổ chức lễ dâng y. Như nhà tôi vừa làm lễ dâng y cách đây 3 ngày”, ông Chau Hon khoe cho biết.
Ấn tượng các ngôi chùa Khmer ở Tri Tôn
Trên địa bàn huyện Tri Tôn có 37 ngôi chùa Khmer cổ. Trong đó, nhiều ngôi chùa lớn, thuộc vào hàng danh lam của tỉnh An Giang, như: chùa Xà Tón, chùa Chưn Num, chùa Krăng Krốch, chùa Phnom Pi, chùa Tức Phốs, chùa Koh Kas. Nguy nga nhất, với nhiều hạng mục kiến trúc nhất phải kể đến chùa Xà Tón (Xvayton) - đây là một trong những ngôi chùa tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc chùa tháp của người Khmer Nam Bộ và là ngôi chùa Khmer cổ xưa nhất trong tỉnh An Giang - nơi lưu giữ nhiều nhất về sách kinh lá tại Việt Nam. Ấn tượng của người viết khi chiêm bái chùa Xà Tón là rất nhiều công trình nguy nga tráng lệ với những mái cổ hình tam giác vút lên nền trời, khiến người viết không thể phân biệt được công trình nào là chánh điện chùa.
Chùa Xà Tón |
Ở Tri Tôn, chúng tôi còn ấn tượng với vẻ đẹp tuyệt vời của chùa Tà Pạ (tức chùa Chưn Num) - ngôi chùa “lơ lửng” giữa không trung. Từ thị trấn Tri Tôn, đi hết đường Nguyễn Trãi là gặp cánh đồng, từ đây sẽ nhìn thấy núi Tà Pạ, còn gọi là núi Tô. Đây là một núi thấp trong vùng Thất Sơn, nên cũng có người chỉ gọi là đồi. Nhìn lên núi, ngạc nhiên khi được chiêm ngưỡng cụm công trình kiến trúc chùa Khmer cổ kính với màu vàng đồng lấp lánh, nhưng rất kỳ lạ, bởi tưởng như không được xây dựng từ nền đất, mà cơ hồ như cả đế và móng đặt trên những tán cây rồi xây lên. Ngỡ như những công trình này lơ lửng giữa không trung vậy.
Những người sống ẩn cư trên núi Dài Lớn
Chúng tôi được người dân địa phương đưa bằng xe máy lên núi Dài Lớn, thuộc địa phận ấp Rò Leng, xã Châu Lăng. Đường lên núi dốc đứng, giữa bạt ngàn cây rừng, cứ dăm trăm mét mới có một nhà dân. Người chở tôi lên núi giới thiệu cho hay, núi Dài còn có tên Ngọa Long Sơn (núi rồng nằm), là trái núi dài nhất trong vùng Thất Sơn - Bảy Núi. Núi này dài hơn 8km, cao gần 600m, thuộc địa phận 4 xã Châu Lăng, Lương Phi, Ba Chúc, Lê Trì của huyện Tri Tôn tỉnh An Giang. Núi Dài thuộc dạng núi dốc, được hình thành trong thời kỳ tạo sơn mãnh liệt nên núi có độ cao và có độ dốc lớn trên 25 độ và phần lớn là đá cứng với nhiều pha tạp khác nhau. Đường lên núi Dài có thể nói là gian truân nhất trong số các ngọn núi vùng Thất Sơn.
Núi Dài Lớn |
Trên cao chót vót ở một góc sườn núi Dài, chúng tôi ghé thăm ngôi nhà của ông Huỳnh Văn Boong cheo leo trên vách núi. Ông Boong cho biết, ông quê ở Đồng Tháp, tìm lên dựng nhà một mình nơi núi cao rừng thẳm này đã 28 năm. “Năm nay tôi 68 tuổi. Tôi không vợ, không con, thích sống một mình trên núi. Vì là người con thứ năm trong gia đình, nên mọi người thường gọi là Năm. Trên đỉnh núi Dài này có khoảng 50 hộ ở rải rác đều là người từ những nơi khác lên, nhà nọ cách nhà kia chừng nửa cây số, nhưng chưa thành lập xóm ấp”, ông Boong chia sẻ.
Sinh kế của ông Boong là một vườn chuối rộng chừng 2ha trên núi. “Mỗi tháng, tôi chở khoảng 3-4 chuyến chuối bằng xe Honda xuống dưới chân núi để bán. Mỗi lần chở 50 nải, bán được 5-7 trăm nghìn đồng. Tiền bán chuối mỗi tháng kiếm được gần 2 triệu đồng. Ngoài chuối ra, chỉ trồng một số cây trái để ăn, như dừa, xoài. Nhu cầu tiêu dùng của tôi không cao, tiền bán chuối chỉ để mua gạo, thức ăn chủ yếu là rau, trái cây trồng và hái trên núi tự cung tự cấp. Tôi không chăn nuôi, vì không ăn thịt, không ăn cá bao giờ, chỉ ăn rau và trái cây”, ông Boong nói.
Ngôi nhà của ông Boong dựng bằng gỗ, nhưng đồ đạc trong nhà rất tuềnh toàng. Chính giữa nhà là bàn thờ “Cửu huyền thất tổ”, kế bên là một chiếc giường cũ kỹ. Gian bên là bếp củi, trên treo lủng lẳng những thứ gia vị, thực phẩm làm từ trái cây. Ấn tượng nhất là trước nhà ông Boong có cây bồ-đề rất lớn. Trước cây bồ-đề là bàn thờ Phật. Khi tôi khen cây bồ-đề đẹp, ông Boong mặt mày rạng rỡ, bước ra đứng dưới cây bồ-đề. Ông châm ba nén nhang, rồi lần lượt quay mặt bốn phía vái. Mỗi lần vái, ông đều khấn rất to: “Nam-mô Thích Ca Mâu Ni Phật! Tất cả chúng sinh đều có tâm Phật! Cầu cho ai cũng được an lạc!”. Sau đó, ông đi vào trong nhà, thắp hương lên bàn thờ cửu huyền thất tổ.
Trên núi Dài Lớn này, có nhiều người từ địa phương khác lên với mục đích lập “cốc” để “tu”, tránh xa chốn đông người. Bởi vậy, những ngôi nhà trên núi rất nhỏ, cheo leo, nhà nọ cách nhà kia rất xa.
Người ta quan niệm, càng ở nơi heo hút, hiểm trở và đi lại khó khăn như việc, thì việc “tu” mới đạt được thành quả.
Ở nhà ông Boong trò chuyện được một lát, thì bỗng nhiên trời đổ mưa lớn như trút, sấm sét ầm ầm, đất trời tối mù mịt. Ông Boong bảo: “Năm nào cứ xong Tết Chôl Chnăm Thmây, khi các chùa quét dọn xong thì cũng đều có mưa lớn, người ta gọi là mưa rửa chùa”. Tưởng cơn mưa chỉ trong chốc lát, ai dè kéo dài tới 4 tiếng đồng hồ. Khi chưa mưa, các thiết bị của chúng tôi đều không bắt được sóng, kể cả sóng điện thoại và sóng 3G. Đến khi mưa, trời tối mù mịt, trên núi cao, không thấy trời, không thấy đất, lại phải tắt hết các thiết bị điện tử, ai cũng thấy buồn ảm đạm và sốt ruột mong trời tạnh mưa để xuống núi. Bốn tiếng đồng hồ trải nghiệm trong cảnh hiu hắt đó, tâm hồn chúng tôi đều đã rất cô quạnh, ấy vậy mà có những người sống cô độc trên núi hàng chục năm trời. Tưởng đêm hôm ấy, chúng tôi sẽ phải ở lại trên núi, nhưng may thay khi buổi chiều sắp hết, ông Boong chỉ tay xuống chân núi, rồi bảo: dưới chân núi đang sáng dần ra, là dấu hiệu sắp tạnh mưa rồi. Chúng tôi xuống núi, di chuyển đến thành phố Cần Thơ khi màn đêm buông xuống, với những nỗi niềm khó tả.